Chương 7. Phản chiếu của trống rỗng
Phật nói:
Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo, vì điều đó giống như khuấy nước trong bằng tay. Mọi người có thể tới đó muốn tìm thấy sự phản chiếu khuôn mặt mình tuy nhiên họ sẽ không bao giờ thấy. Tâm trí bị rắc rối và khổ sở với đam mê là không thuần khiết, và với nguyên nhân đó nó không bao giờ thấy được đạo. Này các sư, lánh xa đam mê. Khi bụi đam mê được rũ bỏ đạo sẽ tự nó biểu lộ.
Phật nói:
Thấy đạo cũng giống như đi vào trong phòng tối với ngọn đuốc. Bóng tối lập tức ra đi trong khi một mình ánh sáng còn lại. Khi đạo được đạt tới và chân lí được nhìn thấy, dốt nát tan biến và chứng ngộ kéo dài mãi mãi.
Vị phật là ai? Hay phật tính là gì? Chừng nào bạn còn chưa có quan niệm rõ ràng về điều đó, sẽ khó mà hiểu được lời của Phật. Để hiểu những lời này, bạn sẽ phải hiểu cội nguồn từ đâu chúng nảy sinh. Để hiểu hoa, bạn sẽ phải hiểu rễ. Chừng nào bạn còn chưa hiểu rễ, bạn có thể ca ngợi hoa, nhưng bạn sẽ không có khả năng hiểu nó.
Vị phật là ai? Hay phật tính là gì? Từ 'phật' nghĩa là nhận biết thuần khiết, trạng thái của nhận biết tuyệt đối. Vị Phật không phải là người mà là trạng thái - trạng thái tối thượng, việc nở hoa tối thượng. Phật chẳng có liên quan gì tới Phật Gautam. Trước Phật Gautam đã có nhiều chư phật, và sau Phật Gautam đã có nhiều chư phật. Phật Gautam chỉ là một người đã đạt tới tâm thức tối thượng đó.
Từ 'Phật' cũng giống như Christ. Jesus chỉ là một trong các Christ - những người đã đạt tới nở hoa tối thượng. Đã có nhiều Christ và sẽ có nhiều. Nhớ điều đó - rằng phật tính không phải là theo bất kì con đường nào được hạn chế bởi Phật Gautam. Ông ấy chỉ là một ví dụ về phật tính là gì.
Bạn thấy một hoa hồng. Nó không phải là hoa hồng, nó chỉ là một trong các hoa hồng. Hàng triệu bông đã tồn tại trước đó, hàng triệu bông đang tồn tại ngay bây giờ, hàng triệu bông sẽ tồn tại trong tương lai. Nó đơn giản là một đại diện. Hoa hồng này đơn giản là một đại diện của tất cả các hoa hồng đã từng, đang và sẽ có.
Vị phật không được xác định bởi cá tính của ông ấy. Ông ấy được xác định bởi trạng thái tối thượng của bản thể ông ấy, cái vượt ra ngoài cá tính. Và khi vị phật nói, ông ấy không nói như một người. Ông ấy nói qua nhận biết tối thượng của mình. Thực tế nói rằng ông ấy nói là không tốt, không đúng. Không có ai để nói, không có cái ngã trong ông ấy để nói. Và thực tế ông ấy chẳng có gì để nói cả. Ông ấy đơn giản đáp ứng. Cũng như bạn đi và bắt đầu hát trong thung lũng, thung lũng đáp lại. Thung lũng đơn giản vọng lại bạn.
Khi bạn tới vị phật, ông ấy đơn giản soi gương bạn. Bất kì điều gì ông ấy nói cũng chỉ là sự phản chiếu. Nó là câu trả lời cho bạn, nhưng ông ấy chẳng có gì để nói về mình. Nếu vị phật khác tới ông ấy, họ cả hai sẽ vẫn còn tuyệt đối im lặng, hai tấm gương đối diện nhau... chẳng cái gì sẽ được phản chiếu. Các tấm gương sẽ phản chiếu lẫn nhau, nhưng không cái gì sẽ được phản chiếu. Hai tấm gương - nghĩ về hai tấm gương đối diện nhau. Nếu Christ tới gặp Phật, hay Phật ở đâu đó trên các nẻo đường cuộc sống mà bắt gặp Lão Tử, họ sẽ tuyệt đối im lặng - sẽ không có tiếng vọng.
Cho nên khi Phật nói, nhớ điều đó. Ông ấy không nói gì đặc biệt. Ông ấy đơn giản phản chiếu mọi người. Đó là lí do tại sao vị phật không bao giờ có thể rất nhất quán. Triết gia có thể rất nhất quán. Ông ta có cái gì đó để nói. Ông ta nhớ điều đó, ông ta bám vào điều đó, ông ta chưa bao giờ nói cái gì đi ngược lại điều đó... ông ta xoay xở. Vị phật nhất định là mâu thuẫn bởi vì mỗi lần ai đó đối diện với ông ấy, cái gì đó khác sẽ nảy sinh. Điều đó sẽ tuỳ thuộc vào người đối diện với ông ấy.
Điều đó cũng giống như tấm gương. Nếu bạn tới trước tấm gương, nó là khuôn mặt của bạn. Ai đó khác tới, thế thì nó là khuôn mặt của người đó. Khuôn mặt sẽ cứ thay đổi. Bạn không thể nói với tấm gương, 'Anh rất không nhất quán. Lúc thì anh hiện khuôn mặt đàn bà lúc thì hiện khuôn mặt đàn ông, lúc thì khuôn mặt đẹp lúc thì khuôn mặt xấu.' Tấm gương sẽ đơn giản giữ im lặng thôi. Nó có thể làm gì được? Nó đơn giản phản chiếu. Nó phản chiếu bất kì cái gì đang đó.
Cho nên lời Phật là rất mâu thuẫn. Jesus mâu thuẫn, Phật mâu thuẫn, Krishna mâu thuẫn, Lão Tử cực kì mâu thuẫn. Hegel không mâu thuẫn, Kant không mâu thuẫn, Russell không mâu thuẫn, Khổng Tử không mâu thuẫn, Manu không mâu thuẫn. Họ có giáo điều nào đó. Họ không phản chiếu bạn. Họ có cái gì đó để nói. Họ cứ nói. Họ không như tấm gương, họ giống như ảnh chụp. Nó chẳng bận tâm bạn là ai; nó vẫn còn như vậy. Nó chết. Nó có định nghĩa và hình dạng rõ ràng.
Phật tính là nhận biết vô hình dạng. Nhớ điều đó, bằng không nhiều lần bạn sẽ bắt gặp mâu thuẫn và bạn sẽ không có khả năng hình dung ra cái gì đang xảy ra.
Khi Phật chết, lập tức có nhiều tranh cãi, và các tín đồ chia thành nhiều giáo phái. Bởi vì ai đó đã nghe Phật nói điều này, và ai đó đã nghe điều gì đó tuyệt đối mâu thuẫn với nó. Cho nên không có khả năng nào. Làm sao một người có thể nói được tất cả những điều đó? Cho nên, ai đó phải nói dối... và mọi người bắt đầu phân chia ra. Họ phân chia ra thành nhiều trường phái. Phật bị cắt xén. Ai đó mang tay ông ấy, ai đó mang đầu ông ấy, ai đó mang chân ông ấy - nhưng ông ấy không còn là hiện tượng sống nữa.
Bây giờ, những triết lí này rất nhất quán... rất nhất quán, rất logic - nhưng chết. Vị Phật không phải là triết gia, ông ấy không phải là người hệ thống hoá. Vị Phật không logic theo bất kì cách nào. Ông ấy đơn giản sống động, và ông ấy phản chiếu mọi thứ đang đó.
Cho nên khi bạn tới vị phật, ông ấy trả lời bạn. Ông ấy không có câu trả lời cố định để trao cho bạn, ông ấy trả lời bạn. Ông ấy không có khuôn mặt công cộng. Mọi khuôn mặt của ông ấy đều riêng tư và chúng phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn mang khuôn mặt đẹp tới cho ông ấy, bạn sẽ thấy khuôn mặt riêng của mình được phản chiếu. Và nếu bạn tới mà không có khuôn mặt nào... thuần khiết, tựa tấm gương... chẳng cái gì sẽ được phản chiếu. Thế thì Phật biến mất, ông ấy chẳng có gì để nói cả.
Những người đã sống cùng Phật, họ biết. Khi họ có tâm trí riêng của mình, những tâm trí đó được phản chiếu trong ông ấy. Khi tâm trí họ bị loại bỏ, họ thực sự trở thành thiền nhân, và khi họ nhìn vào Phật chẳng có ai cả... chỉ cái trống rỗng, thung lũng, im lặng thuần khiết, hồn nhiên nguyên thuỷ - nhưng không có ai ở đó cả.
Những lời này được thu thập lại, được biên soạn, bởi trường phái nào đó. Chúng rất nhất quán. Nhiều lời đã bị loại bỏ, những lời dường như mâu thuẫn. Nhiều lời đã không được được đưa vào, những lời mơ hồ. Những lời này đã được thu thập lại bởi một trường phái đặc biệt. Về sau tôi sẽ thảo luận về các nguồn khác, và nhiều lần bạn sẽ bắt gặp những mâu thuẫn. Nhớ điều đó.
Và những người ở gần tôi, họ phải hiểu điều này, tuyệt đối rõ ràng, bởi vì tôi sẽ tự mâu thuẫn mọi ngày. Điều đó tuỳ thuộc vào bầu khí hậu. Điều đó còn tuỳ... Nếu thời tiết nhiều mây, tôi nhiều mây. Nếu mặt trời chiếu sáng và trong trẻo, tôi là cách đó.
Bạn không chỉ tới tôi với những câu hỏi, bạn còn tới với những câu trả lời. Có thể câu trả lời còn chưa được biết tới với bạn, có thể câu trả lời còn bị giấu kín trong vô thức của bạn, ẩn núp đâu đó trong bóng tối của linh hồn bạn. Câu hỏi là có ý thức, câu trả lời là vô ý thức. Chức năng của tôi là làm cho câu trả lời của bạn thành hiển nhiên rõ ràng cho bạn, đem nó ra ánh sáng. Tôi nhất định phải mâu thuẫn.
Tôi không phải là người theo đám đông. Tôi không quan tâm tới đám đông. Tôi chỉ quan tâm tới các đệ tử và người say mê. Điều đó nghĩa là tôi chỉ quan tâm tới mối quan hệ thân thiết. Tôi quan tâm tới bạn, và bất kì cái gì tôi nói với bạn đều được nói cho bạn và không liên quan tới người khác. Khi tôi nói một cách cá nhân, thế thì tôi đang nói với một người đặc biệt. Với người khác điều đó có thể không liên quan. Cho dù là cùng người đó, điều đó không liên quan vào ngày mai, bởi vì người đó sẽ thay đổi.
Cuộc sống liên tục thay đổi. Và tôi chỉ nhất quán với cuộc sống chứ không cái gì khác. Cho nên tôi nhất định mâu thuẫn. Cho nên nếu đôi khi bạn bắt gặp mâu thuẫn, đừng vội vã, và đừng cố gắng hình dung ra bằng cách nào đó, và đừng cố gắng sửa lại chúng. Cứ để chúng như chúng vậy.
Một người như Phật phải mâu thuẫn. Ông ấy phải chứa tất cả mọi mâu thuẫn bởi vì ông ấy chứa tất cả các khả năng của nhân loại. Ông ấy chứa tất cả mọi câu hỏi có thể có và mọi câu trả lời có thể có. Ông ấy chứa tất cả bề mặt có thể có và tất cả các pha có thể có. Ông ấy chứa toàn thể quá khứ của nhân loại, hiện tại và tương lai.
Đó là nghĩa khi Phật nói, 'Khi ông đã tới nhà, kho bản thể bên trong nhất của ông chói sáng, tất cả sẽ được biết - tất mọi điều quá khứ, hiện tại và tương lai. Không cái gì còn lại không được biết. Trong việc biết đó mọi thứ đều được hiển lộ.' Nhưng mọi thứ... và các thứ đều không nhất quán.
Đó là cái đẹp của thế giới - rằng mọi sự đều không nhất quán. Mọi thứ đều có phẩm chất khác nhau, cá tính khác nhau. Mọi thứ đều là hiện hữu theo cách riêng của chúng, và Phật đơn giản phản chiếu... sự phản chiếu, tấm gương.
Những lời này bao giờ cũng bắt đầu bởi Phật nói. Nhớ điều đó. Khi điều đó được nói, Phật nói, điều đó đơn giản nghĩa là ông ấy chẳng có gì để nói cả. Ông ấy phản xạ, ông ấy phản xạ lại bạn. Ông ấy đơn giản biểu lộ cho bạn, bạn là ai. Ông ấy hiển lộ bạn cho bản thân bạn. Ông ấy đem bạn về trung tâm riêng của bạn.
Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo, vì điều đó giống như khuấy nước trong bằng tay. Mọi người có thể tới đó muốn tìm thấy sự phản chiếu khuôn mặt mình tuy nhiên họ sẽ không bao giờ thấy. Một tâm trí bị rắc rối và khổ sở với đam mê là không thuần khiết, và với nguyên nhân đó nó không bao giờ thấy được đạo.
Này các sư, lánh xa đam mê. Khi bụi đam mê được rũ bỏ thì đạo sẽ tự nó biểu lộ.
Nhiều điều cực kì quan trọng được nói trong lời kinh này. Thứ nhất Phật nói, Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo.
Đam mê là gì? Đam mê là một loại sốt, một loại run rẩy của bản thể bạn, một loại vẩn vơ bên trong. Đam mê nghĩa là bạn không bằng lòng như bạn đang đấy. Bạn muốn cái gì đó khác, bạn muốn cái gì đó hơn, bạn muốn một hình mẫu cuộc sống khác, một phong cách khác. Thế thì bạn nghĩ bạn sẽ hạnh phúc và hài lòng.
Tâm trí đầy đam mê là tâm trí đầy không hài lòng với hiện tại. Tâm trí với đam mê thì ham muốn, hi vọng, nhưng không bao giờ sống; nó trì hoãn. Nó nói ngày mai, bao giờ cũng ngày mai. Nó chưa bao giờ ở đây và bây giờ. Tâm trí đầy đam mê bao giờ cũng cứ bỏ lỡ hiện tại - và hiện tại lại là thực tại duy nhất đang có đó. Cho nên tâm trí đầy đam mê cứ bỏ lỡ thực tại. Nó không thể phản chiếu được cái đang đó, nó không thể phản chiếu được chân lí, nó không thể phản chiếu được pháp, được đạo. Nó không thể phản xạ được cái đang bao quanh bạn, bởi vì bạn chưa bao giờ ở đây.
Quan sát tâm trí bạn đi. Bất kì khi nào có ham muốn, bạn đều đã đi lạc lối rồi. Bạn không thể trong tương lai được, nhớ lấy. Bạn không thể trong quá khứ được, nhớ lấy. Điều đó là không thể được. Điều đó không xảy ra theo cách mọi sự đang vậy. Điều đó đơn giản không xảy ra. Bạn không thể trong quá khứ được. Quá khứ không còn nữa. Làm sao bạn có thể trong quá khứ được? Nhưng nhiều hay ít thì bạn bao giờ cũng trong quá khứ. Bạn đang trong kí ức về quá khứ. Đó là cách để không hiện hữu, đó không phải là cách hiện hữu. Đó là cách để không hiện hữu. Hay bạn đang trong tương lai vốn là điều không thể được, bởi vì tương lai còn chưa có. Làm sao bạn có thể sống trong ngôi nhà còn chưa có? Nhưng bạn lại sống đấy.
Con người cứ làm phép màu. Đây là những phép màu thực. Con người cứ sống trong quá khứ, cái không còn nữa, và con người bắt đầu sống trong tương lai, cái chưa có. Bạn yêu người đàn bà mà bạn còn chưa tìm thấy, hay bạn cứ yêu người đàn bà đã chết.
Tâm trí hoặc níu bám với quá khứ hoặc với tương lai. Đây là cách không hiện hữu. Đây là cách chúng ta bỏ lỡ sự tồn tại. Đây là cách dần dần chúng ta trở thành ảo ảnh, thành cái bóng, thành ma. Tự quan sát mình mà xem. Như tôi nhìn mọi người, cả triệu người vẫn còn trong cuộc sống của ma.
Một người đàn bà đã ở đây mấy ngày trước đây, và cô ấy nói cô ấy rất sợ ma. Và tôi nói, 'Đây là điều gì đó. Bởi vì đôi khi ma tới tôi, và họ nói rằng họ rất sợ bạn. Bạn cũng là ma. Sao bạn lại phải sợ ma?' Tôi nhìn vào mặt cô ấy. Đó là của quá khứ, nó có cái gì đó của tương lai, nhưng không có nội dung thực của hiện tại.
Sống trong kí ức hay sống trong tưởng tượng đó là cách của đam mê. Đam mê là việc vẩn vơ - hoặc sang trái hoặc sang phải, nhưng không bao giờ ở giữa. Và ở giữa là chân lí, hiện tại là chân lí... cánh cửa tới thực tại.
Phật nói:
Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo.
Chúng ta bao giờ cũng trên đạo - không có đạo khác hiện hữu - nhưng chúng ta không bao giờ cảm nhận được cái chúng ta bao giờ cũng sống cùng. Chúng ta bao giờ cũng trong thượng đế, nhưng chúng ta không bao giờ cảm nhận thượng đế. Thượng đế là hiển nhiên thế. Nhưng chúng ta cảm nhận mọi thứ trừ thượng đế, còn ngài bao quanh bạn... bên trong và bên ngoài. Ngài đang đập rộn ràng trong mọi thứ. Duy nhất ngài hiện hữu... nhưng bạn không thể thấy được ngài bởi vì bạn chưa bao giờ trong cái thực cả, bạn là không thực. Cho nên làm sao cái không thực có thể gặp được cái thực? Một tâm trí đầy đam mê không thể gặp được cái thực. Và điều này tiếp diễn.
Trẻ con đầy những đam mê. Người ta có thể hiểu được - chúng là trẻ con, chúng còn chưa biết cuộc sống. Thanh niên đầy những đam mê. Người ta có thể tha thứ cho họ nữa; họ quá trẻ. Điều đó nghĩa là họ còn quá ngu xuẩn - họ sẽ phải học. Nhưng ngay cả người già, sắp chết, trên giường chết... nhưng vẫn đầy đam mê. Thế thì điều đó là quá thể; người già không thể được tha thứ.
Đứa trẻ thì được, thanh niên có thể được tha thứ, nhưng người già? - không thể tha thứ được. Người đó đã sống cả đời mình và người đó đã không đi tới hiểu biết về một sự kiện đơn giản - rằng bạn không thể ở trong tương lai và bạn không thể ở trong quá khứ. Người đó đã sống cả đời mình và người đó đã bị thất vọng từng khoảnh khắc cuộc đời mình và người đó cứ trông đợi hoài. Người đó đã sống cả đời mình, ham muốn và ham muốn và ham muốn, và chẳng cái gì đã tới từ nó. Cái chết đã tới mà cuộc sống vẫn còn chưa đạt tới. Người đó đã chỉ chờ đợi, chuẩn bị cho nó... nó đã không xảy ra. Vậy mà người đó cứ tiếp tục - khao khát cuộc sống thêm.
Như tôi thấy nhiều người... tôi đã quan sát người ta chết - rất hiếm khi một người chết đi mà không có đam mê. Khi một người chết đi mà không đam mê, thì cái chết là đẹp. Nó có ý nghĩa vô cùng, nó có giá trị thực. Nhưng mọi người chết cái chết xấu. Ngay cả cái chết cũng không thể lay chuyển được họ ra khỏi mơ mộng và đam mê và sốt. Ngay cả cái chết cũng không thể làm cho họ nhận ra cái gì đang xảy ra.
Tôi đã nghe một giai thoại rất hay:
Có một nhà thổ. Chuông cửa rung và bà chủ nhà chứa trả lời, nhưng bà ấy chẳng thấy ai cả. Thế rồi, nhìn xuống tầng dưới, bà ấy thấy một người không tay không chân ngồi trên nền với chiếc xe lăn. Bà ta nói với anh chàng này, 'Anh còn có thể muốn cái gì ở đây nữa?'
Anh chàng nhìn lên bà ta, mỉm cười và nói, 'Tôi đây. Chẳng phải tôi đã rung chuông đó sao?'
Bây giờ thế là đủ. Tới tận cùng... sắp chết, mọi người vẫn nghĩ về dục. Có liên nối nào đó, bởi vì dục nghĩa là việc sinh. Cho nên chết và dục thực sự được nối rất sâu sắc. Nếu bạn không có khả năng lựa chọn nó trong khi bạn còn sống động đầy đủ, thì sẽ rất khó để lựa chọn nó khi bạn sắp chết. Bởi vì cái chết tới, nó cũng đem đi cả cực của nó, cái bóng của nó.
Cuộc sống bắt đầu với dục, cuộc sống chấm dứt với chết, và khi cái chết tới, năng lượng dục có cuộc vận lộn cuối cùng. Nó trở thành ngọn lửa bừng sáng. Chính ngọn lửa bừng sáng đó dẫn bạn vào cuộc sống khác... bánh xe bắt đầu quay lần nữa. Chết đi với tâm trí dục, đam mê, bạn lại đang tạo ra một cuộc sống mới, việc sinh mới. Bạn đã bắt đầu tìm kiếm bụng mẹ. Dục nghĩa là việc tìm kiếm bụng mẹ đã bắt đầu. Bạn còn chưa chết, nhưng việc tìm kiếm đã bắt đầu. Linh hồn bạn đã chuẩn bị lấy cú nhảy vào bụng mẹ khác.
Phật nói nếu bạn có thể chết mà không đam mê, bạn đã phá vỡ ham muốn. Bạn có thể không bao giờ được sinh ra nữa. Hay cho dù bạn có được sinh ra thì nó cũng sẽ chỉ là một lần nữa thôi. Có thể chút ít nghiệp vẫn còn lại, tài khoản phải được đóng lại, mọi sự được kết thúc - nhưng về cơ bản bạn tự do.
Khi tâm trí tự do với đam mê, tâm trí là tự do. Tự do nghĩa là tự do khỏi đam mê. Và chỉ tâm trí tự do mới có thể thấy cái gì là thực. Chỉ tâm trí tự do - tự do khỏi đam mê - mới có thể thấy cái đang có ở đây.
Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo, vì điều đó giống như khuấy nước trong bằng tay.
Đôi khi bạn có quan sát không? Vào đêm trăng tròn bạn đi ra hồ - mọi thứ đều im lặng... thậm chí không một gợn sóng trên bề mặt hồ... và trăng được phản chiếu đẹp thế. Khuấy nước, tạo ra vài gợn sóng trong nước bằng tay bạn, và trăng bị tan thành từng mảnh... phản chiếu biến mất. Bạn có thể thấy bàng bạc trên khắp hồ, nhưng bạn không thể thấy được trăng. Các mảnh mẩu... tính toàn bộ bị phá vỡ, toàn vẹn mất đi.
Tâm thức con người cũng có thể ở trong hai trạng thái. Một trạng thái là trạng thái của đam mê - khi có nhiều gợn sóng và sóng khao khát bờ đâu đó trong tương lai, hay vẫn níu bám với bờ nào đó trong quá khứ. Nhưng hồ bị khuấy động. Bề mặt không bình thản, yên tĩnh và thanh bình. Bề mặt không thể phản chiếu được thực tại; nó bóp méo. Tâm trí đầy những đam mê là cơ chế để bóp méo. Bất kì điều gì bạn thấy, bạn thấy qua việc bóp méo.
Đi ra hồ vào đêm trăng tròn và quan sát hai điều này trong hồ. Trước hết thấy mọi thứ yên tĩnh, bình thản, trăng được phản chiếu, cái đẹp vô cùng, và mọi thứ đều tĩnh lặng thế - cứ dường như thời gian đã dừng lại. Và mọi thứ hiện tại thế - cứ dường như chỉ hiện tại có đấy. Thế rồi tạo ra gợn sóng, hay đợi cho gió tới và bóp méo. Thế thì tất cả mọi phản chiếu đều mất hay bị bóp méo. Thế rồi bạn cứ nhìn - bạn không thể tìm ra trăng, bạn không thể hình dung ra được trăng giống cái gì. Bạn không thể hình dung ra nó từ sự phản chiếu.
Cũng có hai trạng thái của tâm trí. Tâm trí không có ý nghĩ, ham muốn, đam mê là yên tĩnh... yên tĩnh như cái hồ. Thế thì mọi thứ như nó đấy, được phản xạ. Và biết cái đang đó, là biết thượng đế, là biết chân lí. Nó tất cả bao quanh bạn, chỉ bạn là không trong trạng thái để phản chiếu nó.
Khi đam mê của bạn bị loại bỏ, dần dần mọi sự bắt đầu vào hàng, chúng trở nên được tích hợp. Và khi phản chiếu được hoàn toàn rõ ràng, bạn được giải thoát. Chân lí giải thoát. Không cái gì khác giải thoát. Biết cái đang đó, là được tự do, là tự do tuyệt đối.
Giáo điều không thể giải thoát được bạn, tín điều không thể giải thoát được bạn, nhà thờ không thể giải thoát được bạn. Chỉ chân lí mới giải thoát. Và không có cách nào tìm ra chân lí chừng nào bạn còn chưa đi tới tạo ra tình huống trong bản thân mình nơi cái đang đó được soi gương.
Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo.
Tâm thức phải trở nên không có nội dung. Đó là nghĩa của việc vô đam mê. Khi bạn hiệu hữu, đơn giản bạn hiện hữu, tôi gọi điều đó là hồn nhiên nguyên thuỷ. Bạn không khao khát, ham muốn về bất kì cái gì. Bạn chỉ trong khoảnh khắc này, tuyệt đối ở đây và bây giờ. Mãn nguyện lớn nảy sinh trong bản thể bạn, thoả mãn mênh mông nảy sinh trong bản thể bạn. Bạn cảm thấy được ân huệ.
Thực tế đó là điều bạn đang tìm kiếm. Trong tất cả các ham muốn, bạn đang tìm kiếm trạng thái mãn nguyện. Nhưng ham muốn không thể đem nó lại được. Ham muốn tạo ra nhiều gợn sóng hơn trên chiếc hồ của bạn. Ham muốn tạo ra nhiều bồn chồn hơn trong bạn. Bạn đang ham muốn chỉ mỗi một điều - làm sao đi tới trạng thái mà mọi thứ chỉ là việc mãn nguyện... không đâu mà đi... người ta đơn giản vui sướng. Chỉ bằng hiện hữu, người ta phúc lạc. Chỉ bằng hiện hữu, người ta có thể nhảy múa và ca hát.
Đó là điều bạn đang tìm kiếm. Ngay cả trong ham muốn của mình, trong tham lam của mình, trong dâm dục của mình, trong tham vọng của mình, đó đích xác là cái bạn đang tìm kiếm - nhưng bạn đang tìm kiếm theo hướng sai. Nó không thể xảy ra được theo cách đó. Nó chưa bao giờ xảy ra theo cách đó. Nó có thể xảy ra chỉ theo mỗi một cách thôi - cách của Phật, cách của Krishna hay Christ. Cách thức là một; nó không thuộc vào ai cả.
Cách đó sẵn có ngay ở đây bây giờ cho bạn... bạn chỉ phải đi tới gặp nó ở đây. Bạn đang trốn chạy đi đâu đó khác, bạn chưa bao giờ được tìm thấy ở nhà bạn. Bất kì địa chỉ nào bạn cho, bạn đều chẳng bao giờ được tìm thấy ở đó. Bạn bao giờ cũng ở đâu đó khác.
Thượng đế tới và tìm bạn. Tất nhiên, ông ấy tin cậy vào bạn, và ông ấy tới với cái gọi là địa chỉ của bạn, nhưng bạn lại chẳng bao giờ ở đó cả. Ông ấy gõ cửa và căn phòng trống rỗng, ngôi nhà trống rỗng. Ông ấy đi vào trong nhà, nhìn mọi nơi, nhưng bạn không có đó. Bạn ở đâu đó khác. Bạn bao giờ cũng ở đâu đó khác - chỗ nào đó khác mới là nhà của bạn.
Người thường nghĩ rằng họ phải đi tìm thượng đế. Chân lí là điều đối lập - thượng đế đang đi tìm bạn, nhưng bạn không được tìm thấy.
Điều Phật đang nói là, nếu bạn vô đam mê thì bạn sẽ được ông ấy tìm thấy. Bạn sẽ được tìm thấy ngay tức khắc, bởi vì bạn sẽ ngồi ở trong khoảnh khắc hiện tại. Tâm trí bạn sẽ không vẩn vơ, ngọn lửa của bạn sẽ tuyệt đối không lay động. Trong chính khoảnh khắc đó của thiền bạn gặp thượng đế, bạn gặp chân lí. Bạn trở nên tự do.
Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo.
Nhưng một điều phải được ghi nhớ lấy. Bạn có thể vứt bỏ đam mê trần tục - nhiều người làm rồi. Họ trở thành thánh nhân Hindu, thành sư, họ đi vào các tu viện, nhưng họ không vứt bỏ đam mê đâu. Bây giờ họ bắt đầu nghĩ về thượng đế. Bây giờ họ bắt đầu nghĩ về làm sao thành đạt trong thế giới khác. Tâm trí của kẻ thành đạt của họ vẫn tiếp tục, chỉ ngôn ngữ của họ thay đổi. Bây giờ họ không còn ham muốn tiền nữa, họ không còn ham muốn số dư ngân hàng, nhưng dầu vậy họ vẫn ham muốn an ninh - an ninh trong tay của thượng đế.
Khi bạn tìm kiếm số dư ngân hàng, hay khi bạn đi tới công ti bảo hiểm để được bảo hiểm, đây chính là ngôn ngữ cho việc tìm kiếm sâu sắc và an ninh. Bạn bỏ chúng; thế rồi bạn trở thành người Ki tô giáo hay bạn trở thành người Hindu. Bằng việc trở thành người Ki tô giáo, bạn đang tìm gì vậy? Bạn lại đang tìm an ninh. Bạn đang nghĩ, 'Người này, Jesus là đứa con duy nhất của thượng đế. Mình sẽ được an ninh hơn khi cùng với ông ấy.'
Hay bạn đang tìm kiếm trở thành người Hindu. Bạn nghĩ, 'Những người Hindu này, họ đã từng ở lâu nhất trong nghề tôn giáo. Họ phải biết chứ. Họ phải biết tất cả mọi bí mật thương mại. Họ phải có chìa khoá. Nhiều nền văn minh đã tới và đã đi, nhưng những người Hindu này có mẹo nào đó - họ vẫn tiếp tục. Babylon không còn nữa, Assyria chỉ là đống hoang tàn, nền văn minh cổ của người Ai Cập chỉ còn trong bảo tàng. Nhiều nền văn minh đã tồn tại trên trái đất này và đã mất đi; chỉ những kho báu là còn lại đây đó. Nhưng những người Hindu này lại là cái gì đó; họ vẫn còn đó. Họ đã không bị thời gian phá huỷ, họ có phẩm chất nào đó của vĩnh hằng. Họ phải đã biết bí mật nào đó. Trở thành người Hindu đi.' Nhưng bạn đang tìm kiếm an ninh.
Nếu bạn tìm kiếm an ninh, tâm trí bạn vẫn mang cùng đam mê, ham muốn, sợ hãi. Bạn có thể không quan tâm tới thế giới này. Có nhiều người tới tôi và họ nói, 'Đây là vô thường, tạm thời. Thế giới này không xứng đáng. Chúng tôi đang tìm cái gì đó như phúc lạc vĩnh hằng.' Cho nên, chẳng cái gì đã thay đổi. Thực tế, họ dường như còn tham lam hơn người thường.
Người thường được thoả mãn với thứ tạm thời. Những người này dường như rất không thoả mãn. Họ không thoả mãn với những thứ tạm thời - nhà đẹp, xe đẹp, đàn bà đẹp và chồng, vợ và con cái, họ đều không thoả mãn. Họ nói, 'Đây toàn là những thứ tạm bợ, chẳng chóng thì chầy chúng sẽ bị lấy đi mất. Chúng tôi đang tìm kiếm cái gì đó không thể bị lấy đi.' Những người này còn tham lam hơn. Đam mê của họ không biết tới biên giới. Họ cho rằng họ mang tính tôn giáo. Họ không phải vậy.
Người tôn giáo là người đã vứt bỏ mọi đam mê, đam mê kiểu như vậy. Chỉ bằng việc đổi ngôn ngữ thì chẳng cái gì được thay đổi cả.
Tôi đã nghe:
Mulla Nasruddin nói với bạn anh ta, 'Tôi chưa bao giờ gọi anh là đồ chó đẻ.'
'Có anh đã gọi rồi!' Người bạn giận lắm. Anh ta khăng khăng, 'Có anh đã gọi rồi!'
'Không tôi không gọi đâu!' Mulla lặp lại. 'Mọi điều tôi đã nói là, "Khi anh về nhà hãy vứt xương cho mẹ anh".'
Nhưng điều đó là một. Chỉ bằng việc đổi ngôn ngữ, chẳng cái gì đổi cả.
Cái gọi là người tôn giáo cũng phàm tục như phàm nhân, đôi khi thậm chí lại còn phàm tục hơn thế. Tôi đã bắt gặp nhiều người tôn giáo, nhiều sư Jaina - họ với tôi dường như còn trần tục hơn tín đồ của họ. Bởi vì thế giới này không có nghĩa là thế giới này. Thế giới này đơn giản nghĩa là đam mê, ham muốn, tham lam. Họ đang khao khát về moksha, khao khát về thế giới khác, về thiên đường, về cõi trời. Giấc mơ của họ đầy những tương lai.
Giấc mơ của bạn cũng đầy những tương lai, nhưng tương lai của bạn không lớn thế. Hừ? bạn chỉ nghĩ trước được vài ngày, hay ít nhất là vài tháng. Nếu bạn là người rất, rất tưởng tượng, thì nhiều nhất là vài năm, có vậy thôi. Đam mê của bạn không mạnh thế. Đam mê của họ dường như phát khùng. Họ không chỉ nghĩ trước vài năm, họ đang nghĩ trước vài kiếp - về thế giới khác. Ham muốn của họ đã đi tới chỗ nổi đoá, họ điên. Họ có thể ra đi và từ bỏ thế giới này, nhưng việc từ bỏ đó là giả, bởi vì họ đang từ bỏ vì các thế giới tốt hơn. Khi bạn từ bỏ vì cái gì đó tốt hơn, đó là mặc cả, đó không phải là từ bỏ.
Bạn đi tới rạp phim, tới rạp chiếu bóng. Tất nhiên, bạn phải bỏ ra năm ru pi. Bạn phải hi sinh năm ru pi ngay lập tức. Nhưng điều đó là... chẳng ai gọi đó là từ bỏ cả. Đó là mặc cả. Nếu bạn muốn sống trên trời, trong cõi trời, bạn phải trả giá cho điều đó.
Nhớ điều này - rằng bất kì khi nào bạn trả giá cái gì đó cho cái gì đó, thì đó không phải là từ bỏ đâu. Chính ý tưởng về trả giá ngay lập tức làm rõ ràng rằng điều đó thuộc vào thế giới của ham muốn. Bởi vì cuộc sống là tự do và không ai cần trả giá cho nó cả. Để tôi nhắc lại điều đó. Cuộc sống là tuyệt đối tự do, không ai cần trả giá cho nó. Khoảnh khắc bạn bắt đầu trả giá cho nó, nó không phải là cuộc sống. Nó phải là cái gì đó giống như món hàng ở chợ - có thể ở chợ tôn giáo, nhưng nó phải là hàng hoá gì đó.
Nếu ai đó yêu cầu bạn từ bỏ bởi vì đó là cách để lấy được, thế thì người đó đang yêu cầu bạn trả giá cho nó. Người đó đang nói về kinh tế, không về tôn giáo. Người đó đang nói về tài chính. Người đó đang bảo bạn, 'Bạn phải trả giá chừng này. Nếu bạn muốn được ở trong cõi trời của thượng đế, bạn sẽ phải trả giá những điều này. Bạn sẽ phải hi sinh.'
Và tất nhiên điều đó hấp dẫn bạn, bởi vì bạn biết logic này. Làm sao bạn có thể được cái gì cho không? Bạn phải trả giá cho nó chứ. Và khi bạn thấy thượng đế, bạn phải trả vô cùng nhiều. Bạn phải trả bằng tất cả mọi vui thú của mình. Bạn phải trở nên đông cứng, chết. Bạn phải từ bỏ cuộc sống. Cho nên bạn trở thành 'anh chàng tốt', 'anh bạn hay'. Và bây giờ thượng đế cảm thấy rất hạnh phúc. 'Trông đấy, người này đã từ bỏ mọi thứ vì ta. Bây giờ anh ta nên được phép.'
Thượng đế chưa bao giờ yêu cầu bất kì hi sinh nào từ bạn. Làm sao ông ấy có thể yêu cầu bất kì hi sinh nào từ bạn được? Đó không phải là chợ. Thiên đường không thể kiếm được. Bạn không định trả giá cho nó. Bạn chỉ phải học cách tận hưởng nó, có vậy thôi. Nếu bạn biết cách tận hưởng nó, ngay bây giờ nó đang sẵn có. Bạn không phải trả giá cho nó.
Nhưng toàn thể tâm trí chúng ta đã từng được huấn luyện bởi các nhà kinh tế và chính khách. Họ nói bạn sẽ phải trả giá. Hi sinh thời thơ ấu của bạn trong giáo dục để cho khi bạn là thanh niên bạn có thể có nhà đẹp, có gia đình, được kính trọng, có việc đáng kính. Bạn sẽ phải trả giá cho nó - cho nên hi sinh thời thơ ấu của bạn để cho khi bạn là thanh niên, bạn có tất cả mọi thú vui của thế giới.
Thế thì khi bạn là thanh niên vợ bạn nói, 'Mua bảo hiểm đi, bởi vì trẻ con đang lớn và chúng sẽ cần. Và chúng ta sẽ trở nên già đi - và tuổi già thì sao? Anh định làm gì?' Hi sinh tuổi trẻ của bạn vì tuổi già để cho trong tuổi già bạn có thể về hưu, và được tiện nghi.
Cho nên hi sinh thời thanh niên của bạn vì tuổi già của bạn. Và thế rồi bạn làm gì khi bạn về hưu? Bây giờ toàn thể cuộc sống trôi qua rồi. Bao giờ cũng chuẩn bị cho cái gì đó khác. Và bạn càng chuẩn bị nhiều, bạn càng trở nên khéo léo trong việc chuẩn bị, có vậy thôi. Thế thì bạn có thể chuẩn bị nhiều hơn. Một người trở nên khéo léo trong việc chuẩn bị thì không bao giờ sẵn sàng sống. Người đó trở nên sẵn sàng hơn để chuẩn bị, có vậy thôi.
Đó là cách toàn thể cuộc sống bị bỏ lỡ. Và thế rồi trong tuổi già họ nói, 'Bây giờ chuẩn bị cho thế giới khác. Bạn đang làm gì? Cầu nguyện, thiền, đi nhà thờ. Bây giờ trở nên mang tính tôn giáo. Bạn đang làm gì? Cái chết đang tới. Chuẩn bị cho kiếp sau.'
Bây giờ toàn thể logic này là ngu xuẩn. Thời thơ ấu bị hi sinh cho thời thanh niên, thời thanh niên bị hi sinh cho tuổi già, tuổi già bị hi sinh cho kiếp sau. Thế là mọi thứ chỉ là sự hi sinh. Khi nào thì thời gian cho tận hưởng mới tới? Để tôi nói với bạn - nếu bạn muốn tận hưởng, đừng bao giờ chuẩn bị! Nếu bạn muốn tận hưởng, tận hưởng đi! Làm nó ngay bây giờ, bởi vì không có cách khác để làm nó.
Và nếu bạn trở thành một người chuẩn bị lớn, một người hiệu quả, khéo léo, vĩ đại trong việc chuẩn bị, bạn bao giờ cũng sẽ chuẩn bị nhưng bạn sẽ không bao giờ đi vào bất kì cuộc hành trình nào. Bạn sẽ trở thành khéo léo trong việc chuẩn bị, đóng gói và mở gói, tới mức bạn sẽ không biết cách đi vào cuộc hành trình. Bạn sẽ chỉ biết cách đóng gói và mở gói lặp lại.
Đó là điều mọi người đang làm trong cuộc sống. Cuộc sống là tự do, nó là món quà... món quà của thượng đế. Tận hưởng nó đi. Để điều này đi sâu nhất vào trong trái tim bạn. Để bí mật này bây giờ còn bí mật hơn. Cuộc sống là món quà. Để có nhảy múa trên đường phố.
Không có nhu cầu phải chuẩn bị. Chuẩn bị bao giờ cũng là cái bóng của đam mê. Khi bạn ham muốn tương lai, tất nhiên bạn phải chuẩn bị cho nó. Trong hiện tại, chẳng cần chuẩn bị gì cả. Hiện tại đã tới rồi. Cây đã xanh, và hoa hồng đã nở hoa, và chim chóc đang đánh thức bạn. Phỏng có ích gì mà chuẩn bị?
Sự kì lạ này của chuẩn bị là tuyệt đối mang tính người. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó ở bất kì đâu. Bạn đã bao giờ thấy con vật nào chuẩn bị cái gì không? cây nào chuẩn bị cho cái gì không? ngôi sao nào chuẩn bị cho cái gì không? Chúng tất cả phải phì cười. Con người là con vật kì cục thế. Chúng tất cả phải cười. Cái gì đã đi sai. Chúng đang tận hưởng, chính bây giờ chúng đang tận hưởng.
Thực tại phải được phản chiếu rõ ràng trong con vật, trong chim chóc, trong đất đá, hơn là trong con người. Tâm trí con người đầy những gợn sóng. Những gợn sóng này phải bị loại bỏ.
Con người đang ở trong tình huống rất kì lạ. Dưới con người là tự nhiên - tuyệt đối vô ý thức và phúc lạc. Trên con người là chư phật - tuyệt đối ý thức và phúc lạc. Con người ở ngay giữa - bước chuyển, cây cầu... dây thừng căng giữa hai điều vĩnh hằng. Con người không hạnh phúc như con chim cu trong vườn, không, cũng không hạnh phúc như Phật. Con người ở lưng chừng - bị căng ra, căng thẳng, muốn đi theo cả hai đường cùng lúc... trở nên ngày một bị chia chẻ hơn.
Đó là lí do tại sao tôi lại nói bệnh tâm thần phân liệt không phải là bệnh đặc biệt, nó là hiện tượng rất thông thường. Nó không phải là phi tự nhiên. Mọi người đều bị tâm thần phân liệt, phải bị thế. Chính tình huống của nhân loại là tâm thần phân liệt. Con người không vô ý thức cho nên con người không thể như cây cối - tận hưởng mà không chuẩn bị. Và con người chưa phải là vị phật, cho nên con người không thể tận hưởng mà không có chuẩn bị. Con người không trong hiện tại. Con người ở ngay giữa.
Nhưng chẳng cái gì phải lo nghĩ cả. Bạn không bao giờ có thể hạnh phúc được như cây cối bây giờ. Không có cách nào quay lại - thế giới đó đã mất rồi. Đó là nghĩa của việc đuổi Adam ra khỏi vườn Địa đàng - anh ta không còn là một phần của phúc lạc vô ý thức. Anh ta đã trở nên ý thức bởi việc ăn quả của cây tri thức. Anh ta đã trở thành con người.
Adam là con người, và mọi con người đều giống Adam. Mọi thời thơ ấu đều trong vườn Địa đàng. Mọi đứa trẻ đều hạnh phúc như con vật, hạnh phúc như người nguyên thuỷ, hạnh phúc như cây cối. Bạn có quan sát đứa trẻ chạy trong lùm cây, trên bờ biển không? - nó còn chưa có tính con người. Mắt nó vẫn còn trong trẻo, nhưng vô ý thức. Nó sẽ phải đi ra khỏi vườn Địa đàng.
Không phải là Adam đã có thời bịđuổi ra đâu mọi Adam đều phải bị đuổi đi đuổi lại. Mọi đứa trẻ đều phải bị tống ra khỏi vườn của thượng đế; nó là một phần của sự trưởng thành. Cái đau là ở trưởng thành. Người ta phải đánh mất nó để thu lại được nó, để thu lại nó một cách có ý thức. Đó là gánh nặng của con người và định mệnh của con người, nỗi khổ của con người và tự do của con người, vấn đề của con người và sự vĩ đại của con người - cả hai.
Phật không là gì ngoài Adam quay lại, vào lại vườn Địa đàng. Nhưng bây giờ ông ấy tới với nhận biết đầy đủ. Bây giờ vòng tròn là đầy đủ. Ông ấy tới vừa nhảy múa, ông ấy tới tuyệt đối phúc lạc. Ông ấy phúc lạc như bất kì cây cối nào, nhưng không phải là vô ý thức. Ông ấy đã thu lại ý thức, ông ấy đã vươn lên tới ý thức. Bây giờ ông ấy không chỉ phúc lạc ông ấy là nhận biết rằng ông ấy là phúc lạc. Phẩm chất mới đã đi vào.
Đó là điều đang cố gắng đi vào trong bạn - gõ đầu bạn từ mọi nơi. Đó là điều tôi ngụ ý khi tôi nói thượng đế đang tìm bạn. Tôi ngụ ý rằng ý thức muốn xảy ra cho bạn. Cho phép nó xảy ra. Thừa nhận rằng thượng đế đang tìm bạn. Buông bỏ, rơi vào hài hoà với ông ấy. Đó là điều Phật gọi là pháp - hài hoà với tự nhiên... hoà thuận đầy đủ, đầy đủ trong hoà thuận, nhưng nhận biết.
Và tôi không chờ đợi. Đừng chờ đợi tới thời đại nào mà toàn thể nhân loại sẽ trở nên nhận biết và vô đam mê. Đó sẽ là chờ đợi rất vô tích sự; bạn sẽ chờ đợi trong vô vọng.
Tôi đã nghe:
Một người say bước về nhà thì gặp một nhóm người đang đào một hố lớn ở giữa phố. 'Các anh đang làm gì đấy?' anh ta hỏi.
'Chúng tôi đang làm đường ngầm,' câu trả lời vọng tới.
'Khi nào các anh kết thúc nó?' anh ta hỏi. 'A, trong tám năm.'
Người say nghĩ một chốc rồi kêu lên, 'A, đồ chết tiệt. Tôi sẽ lấy taxi.'
Nhân loại một ngày nào đó sẽ trở nên có ý thức tập thể - khả năng đó tồn tại - nhưng không ai biết khi nào. Hàng triệu năm sẽ qua đi, và hàng triệu cá nhân sẽ phải trở thành phật trước khi điều đó có thể xảy ra. Thế thì một ngày nào đó có thể là phật tính trở thành hiện tượng tự nhiên.
Nhưng trước điều đó, bạn phải cố gắng một cách riêng lẻ. Và bạn không thể chờ đợi nó. Việc chờ đợi đó sẽ rất mang tính tự tử. Và nếu mọi người đều chờ đợi điều đó, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Bởi vì để cho nó xảy ra thì cần một số linh hồn riêng lẻ trở thành chư phật.
Bây giờ vài thực nghiệm đang được tiến hành về thiền. Người ta đã thấy rằng nếu trong một làng, một làng nhỏ bốn trăm người, số thiền nhân lên tới ít nhất một phần trăm... chẳng hạn, nếu trong một làng năm trăm người, năm người bắt đầu thiền, tỉ lệ tội phạm trong làng đó tụt xuống ngay lập tức. Mọi người ít phạm tội hơn, chỉ bởi vì một phần trăm dân làng đang thiền. Điều đó ảnh hưởng tới toàn thể tâm thức - chỉ một phần trăm. Và chỉ việc thiền thôi - họ không phải là phật.
Nếu một phần trăm nhân loại trở thành phật, toàn thể phẩm chất sẽ thay đổi. Ý thức sẽ trở nên dễ dàng hơn, có thể trở nên gần tự nhiên và tự phát nhất.
Cho nên nếu bạn chờ đợi, bạn đang đợi trong vô vọng. Và nếu bạn đang chờ đợi và mọi người cứ chờ đợi, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Làm điều gì đó về nó, bạn sẽ tạo ra một tình huống ngày càng dễ dàng hơn để điều đó xảy ra cho người khác.
Những người có đam mê không bao giờ có khả năng cảm nhận đạo, vì điều đó giống như khuấy nước trong bằng tay. Mọi người có thể tới đó muốn tìm thấy sự phản chiếu khuôn mặt mình tuy nhiên họ sẽ không bao giờ thấy.
Đó là lí do tại sao bạn không biết mình là ai. Bạn đã không có khả năng thấy được khuôn mặt nguyên thuỷ của mình. Nói gì tới những điều khác? Nói gì tới khuôn mặt của thượng đế? Bạn đã không có khả năng nhìn vào khuôn mặt riêng của mình trong tâm trí mình, ngay cả đến phản chiếu đó cũng là không thể được. Khuôn mặt này không trở thành thực tại, bạn chỉ thấy các mảnh mẩu, bởi vì tâm trí liên tục run rẩy, vẩn vơ.
Ngọn lửa này không bao giờ ở trạng thái nghỉ ngơi vô cùng, cho nên mọi thứ đều lung linh. Đôi khi bạn thấy một trong những con mắt của mình, đôi khi bạn thấy mũi mình, đôi khi bạn thấy một trong những bàn tay của mình, đôi khi bạn thấy một phần khuôn mặt mình, nhưng mọi thứ đều bị lộn xộn. Và nếu bạn muốn hình dung ra nó, nó trở thành bức tranh Picasso. Bạn không biết cái gì là cái gì.
Tôi đã nghe nói rằng Picasso vẽ bức chân dung của một người bạn. Người bạn này tới, anh ta ngắm nghía khắp mọi phía. Anh ta nói, 'Tốt đấy, đẹp đấy, nhưng tôi không thích cái mũi này. Ít nhất ông sẽ phải thay đổi điều đó.'
Picasso nói, 'Được thôi, tháng sau tới nhé.' Anh ta nói, 'Một tháng cơ à! Sao lâu thế?'
Picasso nói, 'Tôi thậm chí không thể chắc chắn được liệu tôi sẽ có thể làm được điều đó trong một tháng hay không.'
Anh ta nói, 'Ông ngụ ý gì vậy?'
Picasso nói, 'Bây giờ đừng buộc tôi phải nói ra sự thật. Thực tế tôi không biết tôi đã làm ra cái mũi ở đâu. Tôi sẽ phải tìm kiếm và suy tư về điều đó. Chắc chắn tôi đã làm cái mũi của ông, ở đâu đó, nhưng ở đâu đây?'
Nếu bạn nhìn vào bản thân mình, bạn là bức tranh Picasso đấy. Mọi thứ đều lộn xộn, trong đống rối tung. Bạn không biết căn cước của mình, mình là ai. Cho nên bạn níu bám lấy giúp đỡ, hỗ trợ từ bên ngoài - tên bạn, tên bố bạn, họ bạn, chứng chỉ của bạn từ đại học, bằng cấp của bạn. Đây là những hỗ trợ bên ngoài. Chúng giúp bạn bằng cách nào đó để cho ý tưởng nào đó về bạn là ai. Nhưng thực tế bạn không biết mình là ai. Bởi vì làm sao bạn có thể biết tới bản thân mình nếu bạn không biết rằng bạn là bác sĩ hay kĩ sư hay thợ ống nước? Cái gì có đó để làm với bản thể bạn?
Bạn có thể là thợ ống nước, bạn có thể là bác sĩ, bạn có thể là kĩ sư - điều đó chẳng liên quan gì tới bản thể tinh tuý của bạn. Đây tất cả đều là ngẫu nhiên. Bạn có thể là người da trắng hay bạn có thể là người da đen, nhưng điều đó chẳng liên quan gì tới bản thể tinh tuý của bạn. Những điều này chỉ là ngẫu nhiên, chẳng cái gì bản chất. Sự khác biệt giữa người da trắng và người da đen chỉ ở sắc tố nhỏ. Nếu bạn đi ra chợ, sắc tố sẽ không đắt hơn bốn hào. Đó là khác biệt duy nhất giữa người da đen và người da trắng. Rất không bản chất, nhưng đã trở thành cực kì quan trọng.
Khác biệt giữa người giầu và người nghèo là gì?... chỉ là ngẫu nhiên. Giữa người thành công và người thất bại?... chỉ là ngẫu nhiên. Chúng không thực sự xác định ra bạn. Nhưng chúng ta không biết cách xác định theo bất kì cách nào khác, cho nên chúng ta cứ níu bám lấy phân mảnh này và chúng ta cứ làm ra cái gì đó từ nó.
Thực tại của bản thể bạn là ở bên trong bạn. Bạn chỉ cần tâm trí im lặng chút ít; nó sẽ được phản chiếu. Bạn sẽ biết mình là ai. Và đó sẽ là bước đầu tiên của bạn để biết thực tại này là gì. Toàn thể trò chơi này là gì? Thế giới ảo thuật này là gì?
Bằng việc biết bản thân mình, bạn sẽ tiến bước đầu tiên trong việc biết thượng đế. Bằng việc biết bản thân mình một cách tuyệt đối, bạn đã lấy bước cuối cùng trong việc biết thượng đế. Bằng việc biết bản thân mình, bạn biết thượng đế là gì. Không có cách khác - bởi vì bạn là thượng đế, nhưng bạn đã không có khả năng nhìn khuôn mặt nguyên thuỷ của mình.
Một tâm trí bị rắc rối và khổ sở với đam mê là không thuần khiết, và với nguyên nhân đó nó không bao giờ thấy được đạo.
Này các sư, lánh xa đam mê. Khi bụi đam mê được rũ bỏ thì đạo sẽ tự nó biểu lộ.
Đạo sẽ tự biểu lộ bản thân nó. Không có nhu cầu phát hiện ra nó. Tất cả mọi điều cần thiết là bạn nên có tâm trí hồn nhiên, thuần khiết. Và khi Phật nói thuần khiết, ông ấy không ngụ ý tâm trí đạo đức đâu. Ông ấy không ngụ ý tâm trí tôn giáo đâu. Định nghĩa của ông ấy về thuần khiết còn khoa học hơn. Ông ấy nói tâm trí không có ý nghĩ.
Bởi vì người đạo đức là đạo đức, nhưng người đó có ý nghĩ đạo đức. Người vô đạo đức là vô đạo đức, nhưng người đó có ý nghĩ vô đạo đức. Khi có liên quan tới tâm trí, thì cả hai đều đầy ý nghĩ. Phàm nhân có ý nghĩ phàm tục, người tôn giáo có ý nghĩ tôn giáo. Dù bạn đang hát bài ca từ bộ phim mới nhất hay bạn đang tụng lời nguyện tôn giáo, điều đó không tạo ra khác biệt - tâm trí bạn đang vẩn vơ, tâm trí bạn không im lặng.
Cho nên, với thuần khiết, Phật không ngụ ý đạo đức. Không, ông ấy đơn giản ngụ ý tâm trí không có nội dung. Mọi nội dung đều không thuần khiết. Dù nội dung là bất kì cái gì, nó đều không thuần khiết. Ông ấy không nói không thuần khiết theo bất kì nghĩa kết án nào. Ông ấy đang nói điều đó chỉ theo nghĩa rất khoa học - bất kì cái gì ngoại lai, bất kì cái gì xa lạ, đều làm cho tâm trí thành không thuần khiết.
Tâm trí là việc phản chiếu thuần khiết, khả năng phản chiếu. Nếu tâm trí có ý tưởng nào đó trong bản thân nó, chúng sẽ không cho phép sự phản xạ của chúng được thuần khiết. Thế thì việc phóng chiếu bắt đầu và việc phản chiếu bị phá huỷ. Cho nên bất kì khi nào bạn có ý tưởng tôn giáo hay ý tưởng phi tôn giáo, dù bạn là người Cộng sản hay Dân chủ, điều đó cũng không tạo ra khác biệt gì. Người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo, người Hindu, người Sikh - điều đó không tạo ra khác biệt gì. Nếu bạn có ý tưởng, tâm trí bạn là không thuần khiết.
Tâm trí đầy ý thức sẽ trống rỗng mọi nội dung. Người đó sẽ không là người Ki tô giáo không là người Hindu không là người Do Thái. Người đó sẽ không là người đạo đức không là người vô đạo đức. Người đó sẽ đơn giản hiện hữu. Việc hiện hữu đó, cái hiện hữu đó, là thuần khiết. Đó là điều tôi gọi là hồn nhiên nguyên thuỷ. Thế thì mọi bụi bặm đều được lau sạch và bạn chỉ là một lực phản chiếu.
Này các sư, lánh xa đam mê. Khi bụi đam mê được rũ bỏ thì đạo sẽ tự nó biểu lộ.
Và thế rồi bỗng nhiên bạn sẽ thấy - đạo bao giờ cũng ở đây bây giờ, chỉ bạn đang bỏ lỡ nó. Không thể nào đánh mất được đạo, không thể nào đánh mất được thượng đế. Bạn có thể cố gắng - đó là điều bạn đang làm. Bạn có thể cố gắng, và nhiều khoảnh khắc bạn cũng có thể tin rằng bạn đã thành công. Nhưng thực tế điều đó chẳng bao giờ xảy ra.
Bạn không thể đánh mất đạo được, không có cách nào để đánh mất đạo cả. Không có cách nào đi lạc lối cả. Bạn chỉ có thể tin vào giấc mơ của mình rằng bạn có thể đi lạc lối, nhưng trong thực tế bạn không thể đi lạc lối được. Bất kì lúc nào khi bạn trở nên thức tỉnh, bạn sẽ đơn giản cười - rằng bạn đã từng nghĩ mình đã đi xa lắm. Bạn chưa bao giờ đi ra khỏi nhà mình đâu... bạn bao giờ cũng sống ở đây. Chỉ với mắt nhắm bạn cứ mơ và mơ và mơ.
Trong mơ bạn có thể đi xa như bạn muốn, nhưng trong thực tế không có cách nào để đi bất kì đâu ngoại trừ đi tới thượng đế.
Bởi vì dù bạn ở bất kì đâu, thực tại vẫn đấy. Bạn là một phần của thực tại và bạn tồn tại chỉ như một phần hữu cơ của thực tại. Bạn không thể đi mất được. Bạn không thể tự phân tách bản thân mình. Bạn được xoắn xuýt với sự tồn tại, bạn được dệt cùng với sự tồn tại. Chúng ta không phụ thuộc, chúng ta không độc lập, chúng ta tương hỗ. Chúng ta là thành viên của lẫn nhau. Không có cách nào đi đâu cả.
Cho nên khi tâm trí thuần khiết, khi bụi bặm của đam mê bị loại bỏ, đạo sẽ tự nó hiển lộ.
Bỗng nhiên bạn sẽ thấy - thượng đế đang đứng trước bạn. Bỗng nhiên bạn sẽ nhận ra rằng bạn bao giờ cũng đứng ở cửa, trên ngưỡng cửa. Bạn sẽ bắt đầu cười. Toàn thể trò chơi sao mà buồn cười thế.
Người thực sự tôn giáo không bao giờ đánh mất khả năng khôi hài. Và nếu bạn thấy người tôn giáo không có khả năng khôi hài, bạn có thể chắc chắn người đó vẫn còn chưa về tới nhà. Bởi vì người tôn giáo... người đó càng hiểu, người đó càng thấy cái lố bịch của trò chơi, người đó càng bắt đầu cười nhiều hơn. Làm sao tất cả những điều đó lại trở thành có thể được? Làm sao mình đã mơ? Làm sao mình đã ở trong mơ? - và những giấc mơ đó lại trông thật thế.
Phật nói:
Thấy đạo cũng giống như đi vào trong phòng tối với ngọn đuốc. Bóng tối lập tức ra đi trong khi một mình ánh sáng còn lại. Khi đạo được đạt tới và chân lí được nhìn thấy, dốt nát tan biến và chứng ngộ kéo dài mãi mãi.
Một câu châm ngôn hay cần nhớ lấy. Thấy đạo cũng giống như đi vào phòng tối với ngọn đuốc.
Nếu bạn đi vào phòng tối với ngọn đuốc, với ngọn đèn, thì bóng tối sẽ lập tức biến mất - ngay lập tức; Phật nói ngay tức khắc. Không mất thời gian gì. Không phải là bạn mang ánh sáng vào, thế rồi bóng tối chần chừ một chốc, quyết định xem có nên đi hay không, lấy một chút tời gian rồi mới đi. Không, chẳng cần thời gian nào vì bóng tối không phải là thực.
Nếu mà nó là thực, nó sẽ cần chút ít thời gian - có thể là một phần giây, nhưng nó sẽ cần thời gian để ra đi. Nó sẽ phải đi; việc đi sẽ cần thời gian. Đôi khi có thể là bóng tối lười biếng, nó có thể cần chút ít thời gian lâu hơn. Đôi khi nó có thể là người chạy nhanh hơn; thế thì nó sẽ đi nhanh. Nhưng đằng nào thì nó cũng cần thời gian nếu nó là thực.
Khi bạn mang ánh sáng vào, chính việc đem ánh sáng vào là sự biến mất. Bóng tối không có, chỉ ánh sáng là có. Khi bóng tối có, thực tế chẳng có gì cả. Đấy chỉ là việc thiếu ánh sáng, có vậy thôi. Bóng tối không có sự hiện hữu tích cực, nó chỉ là việc vắng bóng ánh sáng. Cho nên khi bạn mang sự hiện diện tới, sự vắng bóng không còn đó.
Phật nói thế giới này cũng giống như bóng tối. Một khi bạn đem ánh sáng vào cho nó, một khi bạn trở nên nhận biết, một khi bạn vứt bỏ đam mê của mình và trở nên mang tính thiền, một khi tâm trí đạt tới sự thuần khiết của thiền, bỗng nhiên ánh sáng có đó. Bóng tối tiêu tan đi, biến mất ngay tức khắc, ngay lập tức, không có thời gian.
Thấy đạo cũng giống như đi vào trong phòng tối với ngọn đuốc. Bóng tối lập tức ra đi trong khi một mình ánh sáng còn lại. Khi đạo được đạt tới và chân lí được nhìn thấy, dốt nát tan biến và chứng ngộ kéo dài mãi mãi.
Chứng ngộ là cái bao giờ cũng có trong hoàn cảnh rồi. Chứng ngộ là cái bao giờ cũng ở đó rồi. Bạn đã không nhận biết. Bạn ngủ say. Nó vẫn đang ngồi bên cạnh bạn chờ đợi bạn thức tỉnh đấy. Chứng ngộ là bản tính của bạn, là chính bản thể của bạn. Từ ngay lúc đầu tiên nó đã có đó rồi. Nó có đó ngay bây giờ. Nếu bạn có thể làm sáng lên trong nhận biết, bạn có thể đạt tới nó ngay lập tức. Nó bỗng nhiên chói sáng.
Nhưng nếu bạn muốn, bạn có thể mất thời gian, bạn có thể di chuyển chậm, dần dần. Bạn có thể trở mình và ngủ lại và chờ đợi thêm chút nữa. Nhưng bất kì khi nào bạn mở mắt ra, bạn sẽ thấy nó. Nó bao giờ cũng ở đó rồi. Chỉ cần hỏi nó sẽ được đạt tới vào bất kì lúc nào. Nó chưa bao giờ khó cả. Nó dường như khó bởi vì bạn ngủ. Một khi bạn thức tỉnh, bạn sẽ cười. Làm sao mà nó lại khó được? Sao nó lại đã khó? Nó đã là cái gì đó đã hiện diện, chỉ mỗi việc bạn phải đòi lấy nó thôi.
Đạo có đó. Sóng tới rồi đi... đại dương có đó. Tâm trí tới và đi... vô trí có đó. Vai diễn tới rồi đi... Phật có đó. Phật là khuôn mặt nguyên thuỷ của bạn, chính bản thể của bạn.
Này các sư, lánh xa đam mê.
Vứt việc ham muốn đi. Việc ham muốn của chúng ta tích luỹ lại mọi thứ. Việc ham muốn của chúng ta trở thành diễn giải của chúng ta về mọi thứ. Bạn càng ham muốn, bạn sẽ càng khổ, bởi vì bạn càng ham muốn, càng nhiều thứ sẽ là mong đợi của bạn. Bạn càng ham muốn, bạn sẽ càng ít biết ơn hơn, bởi vì bạn càng nhiều ham muốn, bạn sẽ càng cảm thấy con người đề nghị và thượng đế quyết định. Bạn càng ít ham muốn, bạn sẽ càng biết ơn hơn, bởi vì bạn càng ít ham muốn, bạn sẽ càng thấy nhiều hơn bao nhiêu thứ đã được trao mà không có việc ham muốn, không có đòi hỏi. Nếu bạn không ham muốn chút nào, bạn sẽ trong biết ơn vô cùng, bởi vì biết bao nhiêu thứ đã được cho rồi. Cuộc sống là món quà thế... nhưng chúng ta cứ đi cùng tâm trí mình.
Tôi đã nghe:
Một người được cho là người lười nhất trong nước và một cách tự nhiên đã dành hầu hết thời gian của mình cho việc ngủ. Người đó thụ động thế và vô dụng tới mức vào một lúc mọi người trong thị trấn đã nghĩ cũng là ý tưởng hay mà đem chôn anh ta mặc cho anh ta sống hay chết.
Họ đã làm một chiếc quan tài thô, đem nó tới nhà anh ta, để anh ta vào trong đó mà không có phản đối gì từ gia đình anh ta, và bắt đầu nghi lễ cổ những vẫn dùng để đưa ra nghĩa địa. Tất nhiên không có kháng cự từ anh ta; anh ta lười thế. Anh ta nói, 'Được thôi.' Hay anh ta thậm chí cũng chẳng nói điều đó nữa. Anh ta có thể đã chỉ quan sát điều đang diễn ra.
Nhưng trước khi họ tới nghĩa địa, họ bị một người lạ chặn lại, người này đã nghe nói về nghi lễ tàn ác này. Họ bảo cho người lạ là người này đã không làm việc và đã không có đến một hạt ngũ cốc ở chỗ anh ta, và thị trấn phát mệt mỏi vì phải cung phụng thức ăn cho anh ta. 'Thế là đủ lắm rồi,' họ nói, 'và chúng tôi đều chán ngấy.'
'Nếu các ông giữ lại người đó, tôi rất vui được cho người đó một xe ngũ cốc,' người lạ nói. Trước khi dân thị trấn có thể đáp lại, cái đầu thò ra khỏi cỗ quan tài, và người gần chết hỏi, 'Ngũ cốc đó đã được bóc vỏ chưa?'
Người đó, bị bao quanh bởi lười biếng, nhìn vào mọi thứ qua lười biếng của mình. Lười biếng của người đó trở thành cách diễn giải của người đó về mọi sự.
Nếu bạn buồn ngủ, bạn sẽ nhìn cuộc sống với đôi mắt buồn ngủ, một cách tự nhiên thôi.
Và nếu bạn bỏ lỡ cuộc sống, điều đó là tự nhiên - bởi vì cuộc sống là có thể chỉ nếu mắt bạn đầy sống động, nếu mắt bạn toả sáng với cuộc sống. Nếu bạn nhìn cuộc sống bằng con mắt sống động, có gặp gỡ, có giao cảm.
Chúng ta sống bị bao quanh bởi những đám mây ham muốn. Thế thì những ham muốn đó trở thành cách diễn giải của chúng ta. Thế thì chúng ta cứ nghĩ theo những ham muốn đó.
Chuyện xảy ra:
Đương đơn xin việc liên quan tới đập nước phải qua một kì thi viết, câu hỏi thứ nhất trong đó là: Thuỷ điện nghĩa là gì?
Mulla Nasruddin, một trong các đương đơn cho việc này, nhìn vào câu hỏi này, rồi viết ngược lại nó: Điều đó nghĩa là tôi không kiếm được việc này.
Người lười này lo nghĩ về hạt ngũ cốc - liệu nó đã được bóc vỏ hay là chưa. Người đó sẵn sàng chết, nhưng nếu người đó phải bóc vỏ ngũ cốc, thế thì đó là cố gắng quá nhiều.
Bất kì nghĩa gì chúng ta gán cho cuộc sống, chúng ta đều gán nó cho cuộc sống. Và Phật đang nói nếu bạn muốn biết ý nghĩa thực của cuộc sống, thế thì bạn phải vứt bỏ việc gán mọi nghĩa cho nó. Thế thì đạo tự hiển lộ chính nó. Thế thì cuộc sống mở ra cánh cửa bí ẩn của nó. Bạn dừng việc gán nghĩa cho nó - ham muốn của bạn là gán nghĩa cho nó; họ đang định nghĩa cái không thể định nghĩa được. Và nếu bạn vẫn còn bị che mờ bởi ham muốn của mình, bất kì cái gì bạn biết cũng đều không là gì ngoài mơ của bạn. Đó là lí do tại sao chúng ta nói ở Ấn Độ rằng cuộc sống này, cái gọi là cuộc sống này đã được sống qua ham muốn, là ảo vọng maya, nó là ảo thuật. Bạn tạo ra nó, bạn là nhà ảo thuật. Nó là ảo vọng maya của bạn, ảo thuật của bạn.
Chúng ta không sống trong cùng thế giới, nhớ lấy. Chúng ta sống trong các thế giới tách biệt, bởi vì chúng ta không sống trong cùng ham muốn. Bạn phóng chiếu ham muốn của mình, hàng xóm của bạn đang phóng chiếu ham muốn của người đó. Đó là lí do tại sao khi bạn gặp một người và bạn muốn sống với một người, với người đàn bà hay với người đàn ông hay với người bạn, khó khăn lại nảy sinh. Đó là va chạm giữa hai thế giới.
Mọi người đều tốt khi ở một mình. Ở cùng nhau, cái gì đó đi sai. Tôi chưa bao giờ bắt gặp một người sai, nhưng hàng ngày tôi đều bắt gặp, tôi phải theo dõi và nhìn và quan sát mối quan hệ sai. Tôi chưa bao giờ bắt gặp người sai, nhưng hàng ngày tôi đều bắt gặp mối quan hệ sai. Dường như là hầu hết mọi mối quan hệ đều sai. Bởi vì hai người sống trong hai thế giới ham muốn, họ có các thế giới ảo thuật riêng của mình. Khi họ tới với nhau những thế giới này va chạm nhau.
Chuyện xảy ra:
Một đêm Mulla Nasruddin đang ngồi bên đống lửa và vợ anh ta ngồi bên kia. Giữa họ mèo và chó cũng nằm, lười biếng hấp háy mắt nhìn vào ngọn lửa. Chị vợ đánh bạo đưa ra nhận xét này, 'Bây giờ anh yêu, anh nhìn con mèo và con chó kia. Xem chúng ở cùng nhau yên bình và yên tĩnh làm sao. Sao chúng ta không thể làm được điều đó?'
'Làm thế được thôi,' Nasruddin nói, 'nhưng em hãy thử buộc chúng lại với nhau và xem điều gì sẽ xảy ra.'
Buộc hai người lại với nhau - đó là điều hôn nhân là gì - và xem điều xảy ra. Bỗng nhiên hai thế giới... Dường như không thể nào hiểu được người đàn bà bạn yêu. Không nên như vậy - bạn yêu cô ấy - nhưng dường như không thể nào hiểu nổi. Không thể nào hiểu nổi người đàn ông bạn yêu. Không nên như vậy - bạn yêu anh ấy - nhưng dường như không thể nào hiểu nổi.
Rất dễ hiểu người lạ, rất khó hiểu người bạn rất gần gũi. Hiểu mẹ bạn, bố bạn, anh bạn, chị bạn, bạn của bạn, là rất khó. Bạn càng gần gũi, càng khó hơn bởi vì các thế giới đang va chạm.
Những thế giới này bao quanh bạn như vầng hào quang tinh tế. Chừng nào bạn còn chưa vứt bỏ việc sáng tạo ảo thuật này mà bạn cứ nuôi dưỡng, bạn sẽ vẫn còn trong xung đột. Bạn sẽ vẫn còn trong xung đột với mọi người, bạn sẽ vẫn còn trong xung đột với thượng đế. Bởi vì người đó có thế giới riêng của mình, và bạn có thế giới riêng tư của mình. Chúng chưa bao giờ đi đôi với nhau. Bạn phải vứt bỏ tâm tư riêng của mình.
Vứt bỏ tâm tư chính là mọi điều về thiền đấy. Bạn phải vứt bỏ tư duy của mình, ham muốn của mình. Bạn chỉ phải hiện hữu, và bỗng nhiên mọi thứ lại rơi vào trong cái toàn thể hữu cơ, trở thành sự hài hoà.
Và những ham muốn này là gốc rễ của bóng tối bao quanh bạn. Những ham muốn này là hỗ trợ, là nền tảng của bóng tối bao quanh bạn. Những ham muốn này là cản trở không cho phép bạn trở nên tỉnh táo.
Đề phòng những ham muốn này. Và nhớ - từ 'đề phòng' nghĩa là nhận biết. Đó là cách duy nhất. Nếu bạn thực sự muốn loại bỏ những ham muốn này, đừng bắt đầu tranh đấu với chúng. Bằng không bạn sẽ bỏ lỡ lần nữa. Bởi vì nếu bạn bắt đầu tranh đấu với ham muốn của mình, điều đó nghĩa là bạn đã tạo ra một ham muốn mới - được vô ham muốn. Bây giờ ham muốn này sẽ va chạm với các ham muốn khác. Điều này đang làm thay đổi ngôn ngữ; bạn vẫn còn như cũ.
Đừng bắt đầu tranh đấu với ham muốn. Khi Phật nói, Này các sư, lánh xa đam mê, ông ấy không ngụ ý tranh đấu với đam mê. Bởi vì bạn có thể tranh đấu chỉ nếu có thưởng, nếu bạn sẽ đạt được cái gì đó. Thế thì lần nữa ham muốn đã nảy sinh - một hình bóng mới, một hình dạng mới, nhưng vẫn cùng ham muốn cũ thôi. Đừng tranh đấu, hãy nhận biết.
Đề phòng ham muốn. Trở nên mang tính quan sát hơn, tỉnh táo hơn. Và bạn sẽ thấy - bạn càng tỉnh táo, ham muốn càng ít có đấy. Gợn sóng bắt đầu rút xuống, các con sóng bắt đầu biến mất. Và một ngày, bỗng nhiên... bất kì khoảnh khắc nào điều đó cũng có thể xảy ra, bởi vì tất cả mọi khoảnh khắc đều có tiềm năng như bất kì khoảnh khắc nào khác. Không có khoảnh khắc tốt lành cho nó xảy ra. Nó có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc bình thường nào, bởi vì tất cả mọi khoảnh khắc đều tốt lành. Không có nhu cầu cho nó xảy ra dưới gốc cây bồ đề. Nó có thể xảy ra dưới bất kì gốc cây nào, hay thậm chí chẳng có cây nào. Nó có thể xảy ra dưới mái nhà bạn. Nó có thể xảy ra ở bất kì đâu... bởi vì thượng đế là ở mọi nơi.
Nhưng dần dần trở nên nhận biết đi. Tạo ra ngày một nhiều nhận biết hơn, thu lấy ngày một nhiều nhận biết hơn. Một ngày nào đó nhận biết tới điểm mà năng lượng nhiều tới mức nó đơn giản bùng nổ. Và trong bùng nổ đó, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện hữu. Ngay lập tức bóng tối biến mất, ngay tức khắc bóng tối biến mất - và ánh sáng hiện hữu. Và ánh sáng đó là chiếu sáng riêng của bạn, cho nên bạn không thể làm mất nó được. Một khi đã được biết tới, nó trở thành kho báu vĩnh hằng.
Xem Chương 8 – Quay về Mục lục Tập 2