Chương 7. Mười nền đất của đạo


Phật hỏi một sư: ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào?
Sư đáp, "theo ngày."
Phật nói: Ông không hiểu đạo.
Phật hỏi một sư khác: ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào?
Sư đáp, "bằng thời gian trôi qua trong một bữa ăn."
Phật nói: Ông không hiểu đạo.
Phật hỏi sư thứ ba: ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào?
Sư đáp, "bằng hơi thở."
Phật nói: Rất tốt, ông biết đạo.
Phật hỏi một sư: ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào?
Sư đáp, "theo ngày."
Câu hỏi rất đơn giản, và câu trả lời rất đơn giản. Nhưng nhiều điều được ngụ ý trong câu hỏi này. Và câu trả lời cũng chỉ ra nhiều điều về sư này - hiểu biết của ông ta, trạng thái tâm trí của ông ta.
Khi Phật hỏi, "Ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào?" ông ấy đang nêu ra một câu hỏi chỉ có thể được trả lời bởi chiều sâu. Cuộc sống của con người chỉ có thể được đo bằng chiều sâu. Điều đó có vẻ ngược đời: chiều dài có thể được đo chỉ bằng chiều sâu.
Thực tế, bạn càng sống sâu hơn, bạn càng sống lâu hơn. Chiều dài cuộc sống của bạn phụ thuộc vào chiều sâu của bạn. Phẩm chất cuộc sống của bạn phụ thuộc vào phẩm chất của bạn. Sư này có thể đã không hiểu được điều đó. Ông ta đơn giản nói, "Theo ngày." Câu trả lời đơn giản của ông ta cũng chỉ ra nhiều điều về bản thân ông ta. 'Theo ngày' nghĩa là theo thời gian; 'theo ngày' nghĩa là theo cái phù du; 'theo ngày' nghĩa là theo luồng, theo việc thay đổi. Ông ấy đo cuộc sống bằng cái tạm thời, không bằng cái vĩnh hằng, không bằng cái vô thời gian.
Cuộc sống tồn tại theo thời gian, nhưng cuộc sống không thuộc vào thời gian. Nó xuyên thấu thời gian, và một ngày nào đó nó biến mất khỏi thời gian. Nó cũng giống như khi tia sáng mặt trời xuyên vào nước, và khi nó xuyên vào nước, góc của nó thay đổi. Đó là lí do tại sao bạn cắm chiếc gậy thẳng vào nước nó sẽ có vẻ bị gẫy. Nó sẽ trông không thẳng bởi vì góc của ánh sáng thay đổi. Và khi tia sáng đi vào qua trung gian nước, nó không thuộc vào đó, nó đã đi từ cõi bên kia. Nó sẽ quay lại, nó sẽ quay lại được phản xạ - bởi vì mọi thứ đều trở về nguồn của nó, phải trở về nguồn của nó. Chỉ thế thì vòng tròn mới đầy đủ, và có mãn nguyện.
Khi Phật hỏi: Ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào? và sư này đáp, "Theo ngày," ông ta biểu lộ hiểu biết của mình. Ông ta không biết gì bên ngoài thời gian; ông ta coi cuộc sống chỉ là cái chứa thời gian: được sinh ra, xây dựng gia đình, sống, rồi tuổi già, rồi cái chết. Ngày cứ bật qua, giống như con số nhảy trong máy bơm xăng.
Nhưng điều này không phải là cuộc sống; điều này chính là cái rất ngoại vi. Bạn có quan sát rằng nếu bạn nhìn vào bên trong, thời gian là không tồn tại không? Nếu bạn nhìn ra bên ngoài thì có thời gian đấy, nhưng nếu bạn nhìn vào bên trong lại không có thời gian. Đôi khi bạn không cảm thấy điều đó sao, khi ngồi im lặng với mắt nhắm - rằng bên trong bạn chẳng có tuổi nào hết cả? Bên trong bạn vẫn còn hệt như khi bạn là đứa trẻ, hay như khi bạn còn trẻ. Bên trong chẳng cái gì thay đổi cả: khuôn mặt nhăn nheo theo thời gian, tóc điểm bạc, cái chết đang tới gần - đây tất cả đều là hình dạng bên ngoài. Nếu bạn nhìn vào gương thế thì tất nhiên có những dấu hiệu rằng nhiều thời gian đã trôi qua, rằng rất ít thời còn lại, rằng chẳng chóng thì chầy bạn sẽ qua đi. Nhưng nhìn vào bên trong: chưa bao giờ có thời gian ở đó. Bạn đích xác là hệt như bạn khi còn chạy trong vườn hay trên bãi biển và nhặt đá mầu và vỏ sò. Nhớ lại mà xem...
Bên trong bạn đích xác là cùng khoảnh khắc này nữa. Thời gian là ảo tưởng khi có liên quan tới thế giới bên trong, bởi vì trong thế giới bên trong chẳng cái gì đã thay đổi. Nó vẫn còn nguyên vậy, trạng thái của nó vẫn y nguyên.
Trong thế giới bên trong thời gian đơn giản không có liên quan. Và cuộc sống là trong thâm tâm. Nó tự bày tỏ nó ra bên ngoài, nhưng nó không thuộc vào bên ngoài. Nó trào lên từ bên trong của bạn. Nó đi ra ngoài giống như gợn sóng, nó dao động ra bên ngoài, nhưng nó nảy sinh từ cốt lõi bên trong nhất của bạn.
Khi Phật hỏi: Ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào? trong một câu hỏi rất đơn giản ông ấy đã hỏi một câu hỏi triết lí rất phức tạp nữa. Và sư này đã bị lừa. Sư này nói, "Theo ngày." Nhưng không có ngày, không có đêm. Thời gian là khái niệm tiện dụng, nó là cần cho thế giới bên ngoài. Khi bạn có một mình, thời gian không được cần tới. Nó là mối quan hệ giữa bạn và người khác; nó là khái niệm tương đối. Thử tìm, và bạn sẽ ngạc nhiên rằng khi tin vào thời gian bạn đã tin vào ảo tưởng - bởi vì điều không tương ứng với thực tại bên trong của bạn thì không thể là thực được.
Nó cũng giống như tiền: nếu bạn đi ra chợ, tiền có giá trị. Nếu bạn đơn giản ngồi một mình với tiền của mình, nó không có giá trị. Giá trị tới chỉ khi bạn trong quan hệ với người khác, bởi vì giá trị chỉ là thu xếp giữa bạn và người khác. Đó là lí do tại sao tiền lại có cái tên hay: nó được gọi là tiền lưu hành. ‘Lưu hành' ngụ ý: khi tiền chuyển động thì nó có giá trị; khi nó không chuyển động thì nó không có giá trị. Nếu bạn cứ giữ nó trong túi mình luôn luôn, nó là vô nghĩa. Bạn có thể giữ bất kì cái gì khác thay cho nó; nó vẫn như cũ.
Tiền có giá trị khi nó đổi qua tay. Từ tay này sang tay khác - thế thì có giá trị. Giá trị là ở trong việc lưu hành của nó, một lực chuyển động. Khi nó đi từ bạn sang ai đó khác nó có giá trị. Lần nữa, nếu nó mắc kẹt thì nó mất giá trị. Đó là lí do tại sao người keo kiệt là người nghèo nhất trên thế giới: họ có tiền nhưng họ không biết rằng tiền có giá trị chỉ khi nó là tiền lưu hành. Bạn có thể giấu nó trong két kho báu của mình; bạn sẽ vẫn còn nghèo.
Thời gian cũng là một loại tiền lưu hành giữa hai người, giữa các quan hệ, giữa các xã hội. Nhưng trong thế giới bên trong, khi bạn một mình, nó đơn giản vô nghĩa.
Tất cả các khái niệm về thời gian, nếu được nhìn sâu sắc, đều có vẻ rất ngu xuẩn. Nhưng mọi người không nhìn sâu vào mọi sự bởi vì nhìn sâu tạo ra lo âu. Thế thì bạn trở nên rất lo âu. Thế thì mọi sự không được ổn định, và bất kì khi nào cái gì đó không được ổn định người ta lại cảm thấy lo âu. Người ta muốn được ổn định lại.
Mọi người nói thời gian trôi qua. Nhưng nó trôi đi đâu? Nó tới từ đâu? Bạn nói nó tới từ tương lai và nó đi vào quá khứ sao? Điều đó nghĩa là tương lai tồn tại trước khi nó đã trở thành hiện tại sao? Bằng không, thì nó tới từ đâu - từ không đâu cả à? từ cái không à? Và thế rồi bạn nói nó đi vào quá khứ sao? Điều đó nghĩa là nó cứ tụ tập trong quá khứ, nó vẫn có đó sao? Nó vẫn tồn tại sao? Thế thì cái gì là khác biệt giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, nếu chúng tất cả đều tồn tại? Thế thì chúng tất cả đều là hiện tại. Thế thì không có quá khứ và không có tương lai.
Bạn nói khoảnh khắc đã trôi qua là quá khứ, và khoảnh khắc còn chưa tới là tương lai. Bạn đứng trên đường, bạn đã bước đi được hai dặm; cái đó đã trôi qua. Nhưng hai dặm đó vẫn tồn tại; bạn có thể nhìn lại, hai dặm đó vẫn đó. Và nếu bạn muốn đi ngược lại bạn có thể đi ngược lại được. Nhưng bạn có thể đi ngược thời gian được không?
Nhìn lại - chẳng cái gì tồn tại cả. Ngoại trừ khoảnh khắc hiện tại này, về cả hai phía đều đơn giản chí có khói, và không cái gì khác. Quá khứ đơn giản biến mất, và tương lai xuất hiện từ cái không. Và thế rồi vấn đề nảy sinh: nếu ngay từ đầu không có gì, và đến cuối cùng lại không có gì, thì làm sao có thể có cái gì đó ở giữa hai cái không này? Điều đó là không thể được.
Thời gian không phải là khái niệm hợp thức chút nào. Nó chỉ là tiện dụng. Nó được chấp nhận, nó có tiện ích. Mọi sáng bạn tới lúc tám giờ sáng; nếu như không có thời gian thì sẽ khó khăn. Khi nào bạn sẽ tới? Làm sao bạn xoay xở được? Và làm sao có khả năng cho tôi gặp bạn? Điều đó sẽ thành khó khăn. Nhưng nhớ nó chỉ là sự thu xếp, nó không phải là chân lí.
Chân lí là vô thời gian. Thời gian là phát minh của con người, chân lí là vĩnh hằng. Thực tế, thời gian không trôi qua, chúng ta trôi qua. Chúng ta tới và đi; thời gian còn lại. Thế thì thời gian không phải là thời gian; thế thì nó là vĩnh hằng.
Phật đang hỏi tất cả những điều này trong một câu hỏi đơn giản. Sư này nói, "Theo ngày." Phật nói: "Ông không hiểu Đạo."
Hiểu biết của con người là rất hời hợt. Chúng ta có thể gọi nó là hiểu biết ở mức độ thân thể. Tất nhiên, thân thể có đồng hồ trong nó. Bây giờ các nhà khoa học gọi nó là đồng hồ sinh học. Đó là lí do tại sao nếu bạn ăn mọi ngày vào một giờ, thời gian ăn trưa của bạn, thế thì mọi ngày vào một giờ thân thể sẽ nói bạn đói. Thân thể có đồng hồ. Bạn thực tế không cần nhìn vào đồng hồ. Nếu bạn nghe theo thân thể mình, thân thể sẽ bảo bạn, "Bây giờ là lúc đi ngủ bởi vì mọi ngày mình đi ngủ vào lúc này."
Và bạn thậm chí có thể đặt báo thức vào đồng hồ thân thể mình. Khi bạn sắp đi ngủ bạn có thể lặp lại tên mình nói to, ba lần. Nếu tên bạn là Rama, bạn có thể nói, "Rama, nghe. Mình phải dậy lúc năm giờ sáng. Giúp nhé." Nói với thân thể bạn và đi ngủ, và đích xác vào năm giờ sáng thân thể bạn sẽ đánh thức bạn. Thân thể có đồng hồ. Đó là lí do tại sao mọi tháng, sau đích xác bốn tuần, hai mươi tám ngày, kinh nguyệt lại xảy ra cho đàn bà. Thân thể quản lí rất chính xác trừ phi cái gì đó đã đi sai với thân thể - thân thể đàn bà có thể có rối loạn. Bằng không, nó đích xác hai mươi tám ngày. Nếu đồng hồ vận hành tốt thì sẽ không bao giờ có vấn đề gì: hai mươi tám ngày nghĩa là hai mươi tám ngày. Sau chín tháng thân thể sẵn sàng cho sinh ra đứa trẻ, đích xác sau chín tháng. Nếu người đàn bà mạnh khoẻ và không có phức tạp trong thân thể cô ấy, nó sẽ xảy ra đích xác vào thời điểm chín tháng hoàn thành. Thân thể mang đồng hồ và vận hành cực kì hoàn hảo.
Thân thể, tất nhiên, được đo theo ngày. Và thân thể biểu lộ mọi dấu hiệu của thời gian trôi qua. Trẻ, già: bạn có thể thấy điều đó trong thân thể mình. Thân thể mang toàn thể bản tiểu sử.
Hiểu biết này của con người là rất vật lí, rất nông cạn.
Phật hỏi một sư khác: ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào?
Sư đáp, "bằng thời gian trôi qua trong một bữa ăn."
Hiểu biết của ông ấy đi sâu thêm chút ít. Ông ấy ít vật lí hơn và nhiều tâm lí hơn. Để tận hưởng bữa ăn bạn cần tâm trí, để mê mải bạn cần tâm trí, để có nhục dục bạn cần tâm trí. Hiểu biết của người này có sâu hơn chút ít. Người đó đang nói gì? Người đó đang nói rằng cuộc sống của con người được đo bằng vui thích, mê đắm, nhục dục, những kinh nghiệm mà người đó đã thu thập trong cuộc sống của mình. Người này đang nói, "Mình sống bao lâu không phải là vấn đề, mà vấn đề là mình tận hưởng vui thích của cuộc sống được bao nhiêu."
Có một câu chuyện về Nero, hoàng đế La Mã. Ông ta phải đã là đích xác cùng kiểu nhà sư thứ hai này. Ông ta bao giờ cũng có hai ngự y đi cùng. Ông ta sẽ ăn, và các ngự y sẽ giúp cho ông ta nôn ra. Thế rồi ông ta lại ăn nữa. Bạn không thể cứ ăn mãi được; có giới hạn. Cho nên khi ông ta cảm thấy rằng bây giờ dạ dầy đầy rồi, ông ta sẽ ra lệnh cho ngự y giúp ông ta nôn ra; thế rồi ông ta có thể ăn nữa. Ông ta sẽ ăn mười, mười hai lần một ngày.
Và đừng nghĩ rằng điều này là rất cường điệu: tôi đã bắt gặp vài người làm điều đó đấy.
Có một sannyasin: cô ấy bảo tôi cô ấy đã ở đây ít nhất hai năm rồi. Cô ấy nói, "Tôi xấu hổ lắm, nhưng tôi phải nói với thầy rằng mọi ngày, khi tôi ăn, tôi nôn ra ngay lập tức." Tôi nói, "Sao thế?" Cô ấy nói, "Để cho tôi có thể ăn thêm. Nhưng thế rồi tôi lại nôn ra."
Bây giờ việc nôn đã trở thành thói quen. Bây giờ cô ấy không thể chống lại được; khi cô ấy ăn cô ấy phải nôn ra. Nó đã thành thói quen máy móc. Phải mất gần sáu tháng để phá bỏ thói quen của cô ấy.
Nero phải đã làm điều đó. Bình thường, bạn không thể nôn được nhưng bạn có thể cứ ăn quá nhiều. Có những người sống để ăn. Ăn là tốt, ăn để sống là tốt, nhưng một khi bạn bắt đầu sống để ăn thế thì bạn đang trong trạng thái rất lẫn lộn. Ăn là phương tiện, không phải là mục đích.
Sư này nói, "Bằng thời gian trôi qua trong một bữa ăn."
Ông ấy phải đã là một kẻ háu ăn. Ông ấy phải đã hiểu chỉ một ngôn ngữ, và đó là ngôn ngữ của nếm. Ông ấy phải đã là người nghiện thức ăn. Ông ấy nói rằng nếu chúng ta có thể đếm cuộc sống thực, thế thì cuộc sống thực nghĩa là những khoảnh khắc mà chúng ta tận hưởng, mê đắm. Nó có thể là thức ăn, nó có thể là dục, hay sự vừa lòng khác. Nhiều người thuộc vào kiểu này. Triết lí của họ thuộc vào kiểu đó. Triết lí của họ dường như là: Ăn, uống, vui vẻ - và không có gì khác trong cuộc sống.
Đã từng có một triết gia lớn ở Ấn Độ, Charvak. Đây là thông điệp của ông ấy cho đệ tử của mình: "Ăn, uống, và vui vẻ. Và đừng bận tâm về cuộc sống khác, về linh hồn, và Thượng đế. Điều này tất cả đều vô nghĩa. Đây chỉ là những lí thuyết do các tu sĩ bịa ra để bóc lột các ông." Ông ấy là người Mác xít đầu tiên đấy. Marx tới sau ba nghìn năm; ông ấy là người Mác xít đầu tiên, người cộng sản.
Nhưng nếu cuộc sống mà chỉ có ăn, uống, mê đắm, thế thì nó không thể có nghĩa gì cả. Đó là lí do tại sao ở phương Tây một vấn đề mới đã trở thành rất, rất quan trọng, và vấn đề là: ý nghĩa cuộc sống là gì? Tất cả những người thông minh đều đang hỏi điều đó ở phương tây. Tại sao? Không ai hỏi điều đó ở phương đông; nhưng ở phương Tây vấn đề này đã trở thành gần như là bệnh dịch. Nó không còn mang tính hàn lâm nữa; mọi người đều đang hỏi ý nghĩa của cuộc sống là gì. Và họ hỏi vào sai thời điểm - khi họ có đủ ăn, đủ uống, và đủ vui vẻ. Sao họ hỏi câu hỏi này?
Thực tế, khi bạn có tất cả mọi thứ mà thế giới này có thể cho bạn, thế thì nảy sinh câu hỏi, "Ý nghĩa của nó là gì?" Hôm qua bạn đã ăn, hôm nay bạn đang ăn, ngày mai bạn cũng sẽ ăn - vậy vấn đề là gì? Ăn và thải ra: một đầu bạn cứ tọng vào mình, và đầu kia bạn cứ làm trống rỗng bản thân mình. Đây là toàn thể cuộc sống của bạn sao? Và ở giữa có chút ít vị trên lưỡi...
Điều đó dường như ngớ ngẩn. Nỗ lực này dường như là quá nhiều, và kết quả dường như chẳng là gì, gần như không có gì.
Con người cần có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa chỉ có thể tới từ chỗ cao hơn. Ý nghĩa bao giờ cũng tới từ cõi bên kia. Chừng nào bạn còn chưa cảm thấy có quan hệ với cái gì đó cao hơn, bạn cảm thấy vô nghĩa. Bởi vì Nietzsche đã nói, "Thượng đế chết rồi," ông ấy đã mở cánh cửa cho nhiều hiện tượng xấu. Chẳng hạn, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, trở thành có thể. Bởi vì một khi không có Thượng đế, cánh cửa đó bị đóng lại tại chỗ con người bao giờ cũng cảm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình.
Ý nghĩa nảy sinh khi bạn cảm thấy rằng bạn là một phần của bình diện thiêng liêng và bạn cảm thấy rằng bạn là một phần của luồng chảy thiêng liêng. Khi bạn cảm thấy rằng bạn là một phần của cái toàn thể vĩ đại, thế thì bạn có ý nghĩa. Viên gạch trong bản thân nó không có nghĩa, nhưng khi nó trở thành một phần của cung điện lớn, một phần của Taj Mahal, thì nó có nghĩa. Nó đã đóng góp cái gì đó cho cái đẹp của Taj Mahal; nó không vô tích sự, nó có ý nghĩa.
Khi Thượng đế không có đó thì con người bắt đầu tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình: trở thành một phần của đảng - Đảng Cộng sản vĩ đại, hay Đảng Phát xít vĩ đại. Trở thành một phần... thế thì Stalin và Adolf Hitler trở thành thượng đế. Thế thì bạn nắm tay họ để cho bạn có thể cảm thấy chút ít ý nghĩa - rằng bạn không một mình, rằng bạn không chỉ là ngẫu nhiên, rằng bạn có sứ mệnh nào đó để hoàn thành. Có thể bạn ở đây để đem chủ nghĩa cộng sản tới thế giới này, đem xã hội phi giai cấp tới thế giới này; hay bạn ở đây để đem tới vương quốc của người Aryans. Thế thì người ta trở thành một phần của tôn giáo Hindu, thành Ki tô giáo, Mô ha mét giáo. Người ta tìm cách nào đó, ở đâu đó, để trở thành một phần của cái gì đó. Và mọi người làm bất kì cái gì ngu xuẩn: mọi người trở thành thành viên câu lạc bộ Rotarian và Lions chỉ để có cảm giác rằng họ là một phần của một tổ chức quốc tế. Bạn là người được chọn theo cách nào đó, bạn là người phục vụ cộng đồng và bảo vệ hoà bình Rotarian; mọi người không thể là người Rotarian được. Chỉ rất ít người mới có thể là người Rotarian, nhưng bạn là người Rotarian. Cho nên bạn có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa ngu xuẩn làm sao! Có thành vấn đề gì liệu bạn là người Rotarian hay không? Điều đó thực sự không đem tới ý nghĩa cho cuộc sống của bạn, nó đơn giản lừa dối bạn.
Bạn có thể ăn tốt, bạn có thể sống tốt, bạn có thể có tất cả mọi vui thích của cuộc sống - dầu vậy bạn sẽ vẫn còn trống rỗng. Người này, sư thứ hai này, nói rằng cuộc sống được đo bằng thú vui, bằng mê mải, bằng nhục dục. Nhưng Phật nói: Ông không hiểu Đạo - bởi vì Đạo không thể được hiểu bằng tâm trí hướng thân thể, và Đạo không thể được hiểu bởi tâm trí hướng tâm trí. Cả hai loại tâm trí này đều không thể hiểu được Đạo qua thời gian, cả hai cũng không thể hiểu được Đạo qua kinh nghiệm.
Đạo là ở bên ngoài thời gian và bên ngoài kinh nghiệm.
Phật hỏi sư thứ ba: ông đo chiều dài cuộc sống con người như thế nào?
Sư đáp, "bằng hơi thở."
Phật nói: Rất tốt, ông biết đạo.
Bây giờ, trong bản dịch tiếng Anh, nói 'bằng hơi thở' dường như không có ý nghĩa nhiều như nó đã xuất hiện với Phật khi sư này nói, "Bằng prana (sinh lực, khí)." 'Hơi thở' là việc dịch cho 'prana', nhưng prana còn có ý nghĩa hơn nhiều so với hơi thở. Việc dịch thực tế, gần với chân lí hơn, sẽ là 'tâm linh', không phải là 'hơi thở'. Và từ 'tâm linh' tồn tại trong những từ như việc 'thở vào', 'thở ra'. 'Tâm linh' dường như gần nhà hơn, nhưng dầu vậy vẫn không đích xác đúng. Cho nên để tôi giải thích cho bạn prana là gì; thế thì bạn sẽ có khả năng hiểu được. Bằng không nó có vẻ chút ít ngớ ngẩn: người này nói, "Bằng hơi thở," và Phật nói: Rất tốt, ông biết Đạo. Người này chỉ nói, "Bằng hơi thở."
Điều thứ nhất: nếu bạn nhìn vào bản thân mình, bạn sẽ thấy không có ai cả; vòng tròn thứ nhất quanh bạn, vòng tròn bên ngoài nhất. Thế rồi có tâm trí bạn: vòng tròn thứ hai bên trong vòng tròn thứ nhất. Và thế rồi bạn sẽ đi tới chiếc cầu: chiếc cầu đó là hơi thở của bạn, prana. Bằng chiếc cầu đó bạn được nối với linh hồn. Đó là lí do tại sao khi một người dừng thở chúng ta nói người đó chết, chiếc cầu bị gẫy. Bây giờ linh hồn là tách rời và thân thể là tách rời. Khi đứa trẻ được sinh ra điều đầu tiên người ta trông đợi ở nó là việc thở. Qua việc thở linh hồn và thân thể trở nên được nối với nhau. Và lần nữa, điều cuối cùng nó sẽ làm khi nó chết sẽ là dừng việc thở. Lại sẽ có sự chia li; thân thể và linh hồn sẽ tách rời.
Prana là cây cầu, chất keo qua đó bạn được gắn lại. Con người có thể sống không có thức ăn trong nhiều ngày; bạn có thể sống không có nước trong nhiều giờ; nhưng không thở bạn không thể sống thậm chí trong vài phút. Ngay cả vài giây cũng dường như là khó.
Việc thở là cây cầu giữa vật chất và phi vật chất, giữa hình dạng và vô hình dạng, giữa thế giới và Thượng đế - hay bất kì thuật ngữ nào bạn chọn. Hơi thở là cây cầu, và nhiều thứ phụ thuộc vào hơi thở. Cách bạn thở, phẩm chất nào của prana của bạn: nhiều điều phụ thuộc vào nó.
Quan sát xem... khi bạn giận dữ bạn thở theo một cách, khi bạn im lặng bạn thở theo cách khác. Xung động khác, nhịp điệu khác, phẩm chất khác. Khi bạn giận dữ hơi thở của bạn không có nhịp điệu, không có âm nhạc, không có hài hoà. Nó gập ghềnh. Khi bạn đang trong đam mê, trong đam mê dục, lần nữa hơi thở lại lên cơn sốt. Nó không trong hoà điệu; cái gì đó đi sai với việc thở. Khi bạn đang ngồi im lặng, chỉ an bình, không làm gì cả - không ham muốn, không đam mê, không giận dữ - chỉ đầy từ bi, đầy tình yêu, việc thở của bạn rất ôn hoà. Việc thở của bạn có nhịp điệu của nó, có điệu vũ của nó. Nó không có bạo hành, không hung hăng; nó rất tinh tế.
Bạn có quan sát điều đó không? - khi bạn đang trong đam mê hơi thở của bạn sẽ có mùi rất khó chịu của nó; khi bạn an bình hơi thở của bạn sẽ có mùi rất thơm của nó. Bởi vì bạn đang thoải mái, toàn thể bản thể đang thoải mái, bạn ở nhà; việc thở sẽ mang thông điệp rằng bạn ở nhà.
Có những khoảnh khắc của thiền sâu sắc khi việc thở gần như dừng lại. Tôi nói gần như; nó không dừng thật. Nhưng nó trở thành im lặng tới mức bạn không thể cảm thấy nó. Bạn có thể cảm thấy nó chỉ nếu bạn để chiếc gương sát mũi mình. Thế thì trên chiếc gương bạn có thể cảm thấy nó; bằng không bạn không thể cảm thấy nó được. Đó là những khoảnh khắc hiếm hoi của ân huệ và phúc lành.
Tất cả hệ thống Yoga của thế giới đều làm việc trên việc thở, bởi vì chính là qua việc thở mà bạn sẽ chuyển từ thân thể sang phi thân thể. Chính là qua việc thở mà bạn sẽ đi vào trong cốt lõi bên trong nhất của sự tồn tại của mình.
Sư này là phải khi ông ấy nói, "Cuộc sống con người được đo bằng cách người đó thở, bằng cách thức người đó thở." Nếu bạn sợ, việc thở của bạn khác; bạn bực dọc, việc thở của bạn khác; bạn buồn, việc thở của bạn khác. Với mọi tâm trạng việc thở của bạn đều thay đổi. Việc thở cứ biểu lộ ra bạn đang ở đâu. Nếu bạn có thể quan sát việc thở của mình, bạn sẽ học toàn thể bảng chữ của những bầu khí hậu thay đổi bên trong bạn. Bạn có thể thấy tất cả các tâm trạng được phản chiếu trong việc thở. Việc thở là cách lớn lao để đo bạn đang ở đâu, bạn là gì, bạn đang làm gì. Phật nhấn mạnh vào việc thở rất nhiều. Và nhấn mạnh của ông ấy là duy nhất: nó rất khác với Patanjali, nó rất khác với Hatha Yoga, nó rất khác với các hệ thống khác, tất cả các hệ thống khác. Ông ấy nói: Đừng dùng bất kì hệ thống nào cho việc thở, bởi vì nếu bạn làm cái gì đó với việc thở, bạn sẽ tạo ra cái gì đó nhân tạo. Cứ để việc thở được tự nhiên - bạn đơn giản quan sát nó. Bạn không làm gì cho nó, bạn đơn giản là nhân chứng, bạn đơn giản nhìn vào nó.
Bây giờ, nếu bạn quan sát việc thở, dần dần bạn sẽ thấy rằng bạn khác với việc thở. Chắc chắn - bởi vì người quan sát không thể là cái được quan sát, chủ thể không thể là đối thể, người theo dõi không thể là cái được theo dõi.
Khi bạn bắt đầu quan sát việc thở của mình - và Phật nói liên tục làm điều đó: bước đi, ngồi, bất kì khi nào bạn không làm gì khác, chỉ quan sát việc thở của mình, cứ nhìn nó - bằng việc thấy nó, chân thành lớn lao sẽ nảy sinh trong bạn. Bởi vì bạn sẽ đứng đằng sau việc thở, và đằng sau việc thở là linh hồn bạn; bạn sẽ được định tâm trong linh hồn mình.
Và nếu bạn quan sát việc thở, bạn sẽ học: những thay đổi tinh tế trong việc thở chỉ ra nơi bạn đang ở, và việc thở liên tục vận hành như chiếc cần đo. Hơi chút thay đổi trong việc thở sẽ được chú ý khi nhận biết đầy đủ. Và bạn có thể vứt bỏ ngay lúc ấy: bạn có thể trở nên tỉnh táo hơn. Nếu bạn cảm thấy việc thở của mình đang vẩn vơ một chút, và bạn cảm thấy rằng việc vẩn vơ này là vẩn vơ tới khi dục chiếm quyền sở hữu, thế thì đó là lúc trở nên nhận biết hơn. Và nếu việc thở vẩn vơ này lắng đọng lại, bạn đã vượt qua. Ham muốn đó, cái đã sở hữu bạn, nay sẽ không thể sở hữu được bạn. Dần dần, bạn trở nên nhận biết về kiểu thay đổi nào xảy ra trong việc thở khi bạn trở nên giận dữ. Chúng tinh tế tới mức nếu bạn có thể trở nên nhận biết khi việc thở hơi thay đổi thì chúng có thể bị vứt bỏ từ đó - bởi vì chúng đúng là trong hạt mầm và hạt mầm có thể bị vứt bỏ một cách dễ dàng. Khi chúng trở thành cây lớn thì rất khó vứt bỏ chúng. Bạn trở nên nhận biết về giận dữ chỉ khi nó đã sở hữu bạn. Chẩn đoán của bạn quá chậm.
Ở nước Nga Xô viết họ đã phát triển một cách chụp ảnh mới; họ gọi nó là Kirlian. Và bây giờ các nhà chụp ảnh Kirlian nói rằng chúng ta có thể bắt được bệnh tật từ sáu tháng trước khi nó thực sự xảy ra cho một người. Và nếu điều đó có thể được thực hiện, thế thì sẽ không có nhu cầu bất kì ai phải bị ốm. Bản thân người đó không nhận biết rằng mình sẽ thành nạn nhân của bệnh lao trong sáu tháng. Làm sao bạn có thể nhận biết về điều đó được? Nhưng trước khi nó đi vào thân thể, trước hết nó đi vào prana. Trước khi nó đi vào thân thể, trước hết nó đi vào năng lượng của bạn. Họ có thể gọi nó là 'bioplasma' trong tiếng Nga; nó đích xác điều chúng ta ngụ ý bởi prana - bioplasma: lực sống của bạn, điện thân thể của bạn.
Trước hết nó đi vào trong điện thân thể, và thế rồi phải mất sáu tháng để đi vào hiện tượng vật lí. Thế rồi nó trở thành cứng rắn trong thân thể. Thế thì đã quá trễ rồi. Khi bạn bắt đầu chữa trị nó, thì đã quá trễ rồi. Nếu bạn có thể bắt được nó khi nó còn trong bioplasma, bạn có thể tiêu diệt nó rất, rất dễ dàng. Sẽ không có vấn đề trong nó. Và thân thể sẽ không bao giờ phải chịu đựng, thân thể thậm chí không biết về nó.
Phật nói rằng bất kì cái gì đi vào trong bioplasma trước hết nó xảy ra trong việc thở của bạn. Bất kì cái gì xảy ra cho thân thể bạn, cho tâm trí bạn, trước hết xảy ra cho việc thở của bạn. Có thể một ngày nào đó các nhà nhiếp ảnh Kirlian sẽ có khả năng phát hiện lại sự kiện rằng có mối liên kết nào đó giữa xung của bioplasma và việc thở. Nó phải là như vậy - bởi vì khi bạn thở sâu bạn có hào quang lớn hơn. Điều đó đã được chụp ảnh. Khi bạn thở sâu bạn có nhiều ô xi hơn và nhiều năng lượng tuôn chảy hơn, và thân thể bạn có hào quang lớn hơn, chói sáng hơn cho nó. Khi bạn thở theo cách đờ đẫn, toàn thể phổi bạn không đầy ô xi và bạn cứ mang nhiều các bô nic tù đọng; thế thì hào quang của bạn co lại và trở thành rất nhỏ.
Người thực sự sống có hào quang rất lớn, lớn tới mức khi người đó tới gần bạn thì hào quang của người đó chạm vào hào quang của bạn. Và bạn sẽ cảm thấy nó: có những người mà ở cùng với họ bạn đột nhiên cảm thấy rằng bạn bị hấp dẫn, bị kéo lại. Họ là không thể nào chống lại được, bạn cứ muốn tới gần họ, ngày một gần hơn. Hào quang của họ đã chạm vào hào quang của bạn.
Thế rồi có những người có hào quang gần chết, hào quang không tồn tại chút nào. Họ đẩy ra, họ không hấp dẫn. Họ giống như người chết; không ai cảm thấy bị hấp dẫn tới họ.
Phật nói: Quan sát, trở nên nhận biết về việc thở của ông.
Yoga của ông ấy được gọi là anapanasati yoga (an ban thủ ý yoga) - Yoga của việc quan sát hơi thở đi vào và quan sát hơi thở đi ra. Ông ấy nói: Điều này là đủ. Cho nên khi sư này nói, "Bằng hơi thở," Phật nói: Rất tốt, ông biết Đạo.
Đạo của Phật có mười nền đất được gọi là bhumi - địa. Bhumi nghĩa là nền đất. Phật đã nói rằng nếu bạn hiểu mười nền đất này, và nếu bạn thực hành mười nền đất này, bạn sẽ đạt tới điều tối thượng. Và tôi muốn đi vào thập địa (bhumi) này, mười nền đất này. Chúng rất thực tiễn.
Nền đất thứ nhất là pamudita - hoan hỉ: nó nghĩa là vui vẻ. Bây giờ, bạn sẽ ngạc nhiên. Mọi người có hiểu lầm về Phật và giáo huấn của ông ấy - họ nghĩ rằng ông ấy là nhà tư tưởng rất buồn, bi quan. Ông ấy không phải vậy. Nền đất đầu tiên của ông ấy là vui vẻ. Ông ấy nói: Chừng nào bạn còn chưa vui vẻ thì bạn sẽ không bao giờ đạt tới được chân lí. Vui vẻ, hân hoan, lễ hội; đó là ý nghĩa của pamudita.
Giống như đoá hoa - cởi mở, nhảy múa trong gió thoảng, và vui vẻ. Chỉ vui vẻ mới có thể đưa bạn tới bờ bên kia. Nếu bạn không vui vẻ, chính buồn của bạn sẽ vận hành như tảng đá buộc quanh cổ bạn và sẽ nhấn chìm bạn. Mọi người không bị nhấn chìm bởi bất kì cái gì khác ngoài buồn của họ và cái nhìn bi quan. Cuộc sống phải là vui vẻ; thế thì cuộc sống trở thành tâm linh.
Nếu nhà thờ của bạn mà buồn bã, thế thì nhà thờ đó tồn tại cho cái chết, không cho cuộc sống. Nhà thờ, đền chùa, phải vui vẻ. Nếu bạn tới thánh nhân và ông ta không có khả năng khôi hài, thì thoát khỏi ông ta đi, cẩn thận đấy. Ông ta có thể giết bạn, ông ta sẽ chứng tỏ tính độc hại. Nếu ông ta không thể cười được, thế thì bạn có thể chắc chắn rằng ông ta không biết chân lí là gì. Chân lí đem tới khả năng khôi hài; chân lí đem tới tiếng cười; chân lí đem tới hạnh phúc tinh tế, chẳng bởi lí do nào.
Pamudita - hoan hỉ nghĩa là: vui vẻ không bởi lí do nào cả. Bạn đôi khi vui vẻ, nhưng điều đó không phải là pamudita - bởi vì nó có lí do. Một ngày nào đó bạn thắng cuộc thi và bạn rất sung sướng. Bạn sẽ làm gì? Nó sẽ không xảy ra mọi ngày đâu. Bạn sẽ làm gì ngày mai? Hay bạn mới trúng xổ số và bạn rất sung sướng, nhưng điều này sẽ không xảy ra mọi ngày đâu.
Một hôm tôi thấy Mulla Nasruddin rất buồn, ngồi trên hành lang nhà mình. Tôi hỏi, "Có chuyện gì thế Nasruddin? Sao anh lại trông buồn thế?"
Anh ta nói, "Hai tuần trước một trong các bác của tôi chết và để lại cho tôi năm mươi nghìn ru pi."
Thế là tôi nói, "Điều này có gì mà buồn. Anh phải hạnh phúc chứ."
Anh ta nói, "Vâng, tôi có hạnh phúc. Và thế rồi tuần tiếp lại ông bác khác mất và để lại cho tôi một đống ru pi."
Thế là tôi nói, "Sao anh lại buồn? Anh đáng phải nhảy múa chứ!"
Anh ta nói, "Tôi biết. Nhưng bây giờ... chẳng còn ông bác nào nữa."
Điều đó không thể xảy ra mọi ngày; các bác không thể chết...
Vui vẻ của bạn, nếu nó có nguyên nhân, nó nhất định biến thành bất hạnh chẳng chóng thì chầy. Nó đã trên đường rồi; quan sát xem. Nếu bạn có nguyên nhân để hạnh phúc thì bạn đã lâm vào bất hạnh rồi - bởi vì nguyên nhân sẽ biến mất. Chỉ vui vẻ không nguyên nhân mới có thể là của bạn; và thế thì không ai có thể lấy nó đi được.
Chỉ thánh nhân và người điên mới vui vẻ chẳng bởi nguyên nhân nào hết cả. Đó là lí do tại sao lại có tương tự giữa người điên và thánh nhân, chút ít tương tự, chờm lấp. Biên giới của họ chờm nhau. Cả hai là rất khác: thánh nhân có nhận biết, người điên tuyệt đối vô nhận biết. Nhưng một điều là chắc chắn: cả hai đều hạnh phúc chẳng bởi nguyên nhân nào.
Người điên hạnh phúc bởi vì người đó vô nhận biết tới mức người đó không biết cách bất hạnh; người đó vô ý thức tới mức người đó không thể tạo ra khổ được. Để tạo ra khổ bạn cần chút ít ý thức. Và thánh nhân hạnh phúc bởi vì ông ta tràn đầy nhận biết thế; làm sao ông ta có thể tạo ra bất hạnh được? Khi bạn đầy nhận biết bạn tạo ra hạnh phúc cho bản thân mình, bạn trở thành nguồn hạnh phúc của mình.
Đó là điều Phật ngụ ý bởi pamudita - hoan hỉ, và ông ấy nói đây là nền đất thứ nhất.
Nền đất thứ hai là hồn nhiên (vimal - li cấu). Nó ngụ ý hồn nhiên, thuần khiết, đơn giản.
Hồn nhiên... nhớ từ này. Nếu bạn trở nên quá thông thái, bạn làm mất hồn nhiên. Nếu bạn trở thành bác học, bạn làm mất hồn nhiên. Cho nên đừng cứ thu thập các đức tin và hiểu biết, bằng không thì hồn nhiên của bạn sẽ bị biến chất. Nếu bạn không biết, thì bạn không biết. Đơn giản nói, "Tôi không biết." Chấp nhận dốt nát của mình và bạn sẽ hồn nhiên hơn. Và từ hồn nhiên, nhiều điều xảy ra. Đừng bao giờ đánh mất tính trẻ con của bạn. Tôi không ngụ ý rằng bạn nên ngây thơ. Ngây thơ và mang tính trẻ con là khác nhau hoàn toàn. Ngây thơ nghĩa là vô trách nhiệm; mang tính trẻ con nghĩa là đơn giản, hồn nhiên, tin cậy.
Nền đất thứ ba là pabhakari - phát sáng. Nó nghĩa là chói sáng, ánh sáng.
Cảm thấy bản thân bạn là ngọn lửa, sống động cứ dường như bạn là ánh sáng bùng cháy bên trong, đi với ngọn lửa bên trong. Làm bất kì cái gì bạn làm, nhưng bao giờ cũng cảm thấy bản thân mình cứ dường như bạn được làm ra từ ánh sáng. Và dần dần bạn sẽ thấy chói sáng nảy sinh quanh bạn.
Nó đã có đó rồi! Nếu bạn giúp đỡ, nó sẽ nảy sinh - và bạn sẽ có hào quang.
Bây giờ các nhiếp ảnh gia Kirlian thậm chí có thể chụp ảnh nó. Bây giờ nó rất dễ thấy.
Con người được tạo nên từ điện sinh học; mọi thứ đều được làm ra từ điện. Điện dường như là cấu phần cơ sở của tất cả. Hỏi nhà vật lí: họ nói vật chất không bao gồm cái gì ngoài điện. Cho nên mọi thứ đều không là gì ngoài các công thức khác nhau và tổ hợp của năng lượng. Và Phật nói: Con người là ánh sáng. Ánh sáng nghĩa là điện.
Bạn phản thừa nhận sự kiện này, bạn phải hợp tác với nó, và bạn sẽ trở thành ánh sáng lớn - không chỉ lên bản thân bạn; bạn sẽ trở thành ánh sáng lên người khác nữa. Và bất kì khi nào bạn đi đều sẽ có ánh sáng.
Đây là pabhakari - phát sáng, nền đất thứ ba.
Nền đất thứ tư là arsimati sống động (diệm huệ): rạng ngời, sống động, sinh khí.
Người tìm kiếm tôn giáo không nên đờ đẫn và chết. Nhưng thông thường bạn sẽ thấy những người này. Đó là lí do tại sao tôi lại quan tâm tới việc nói cho bạn về các nền đất này - ngay cả Phật tử cũng đã quên.
Nếu bạn nhìn sư Phật giáo, bạn sẽ thấy người nhợt nhạt, chết, đờ đẫn, ngủ, trong trạng thái ngẩn ngơ, kéo lê bằng cách nào đó, mang gánh nặng cuộc sống bằng cách nào đó, không quan tâm. Phật nói: rạng ngời, sống động, sinh khí; đây là nền tảng thứ tư. Sống động bởi vì đấy là đôi cánh duy nhất mà bạn sẽ đạt tới chân lí. Nếu bạn lờ phờ bạn bị mất hút.
Và rạng ngời lên - bởi vì khi không có lo âu về tương lai và không có ham muốn về tương lai, thế thì toàn thể năng lượng đều sẵn có cho bạn. Thế thì bạn có thể đốt bó đuốc của mình từ cả hai đầu một lúc.
Nền đất thứ năm là phiêu lưu sudurjaya (cực nan thắng). Nó ngụ ý tính phiêu lưu, tính dũng cảm, thách thức, hoan nghênh. Bất kì khi nào có thách thức, đón chào nó, đừng né tránh nó. Và bất kì khi nào có phiêu lưu, đừng chạy trốn. Vào cuộc hành trình, vào chuyến đi.
Không ai đã bao giờ đánh mất cái gì bởi việc mang tính phiêu lưu. Tôi không nói rằng con đường của phiêu lưu đầy những hoa hồng - nó không phải vậy. Hoa hồng thưa thớt và rải rác ở giữa, và có nhiều gai. Nhưng người ta trưởng thành, người ta trở nên được kết tinh khi người ta chấp nhận cuộc sống của việc phiêu lưu.
Người thường chấp nhận cuộc sống của an ninh, của không phiêu lưu: việc tốt, nhà tốt, chồng tốt và con tốt - và mọi người đều được thoả mãn. Mọi người được thoả mãn trong việc sống và chết một cách thoải mái, dường như thoải mái là mục đích.
Thế thì họ không bao giờ trưởng thành, thế thì họ không bao giờ đạt tới bất kì đỉnh cao nào, thế thì họ không bao giờ đạt tới điều Maslow gọi là 'hiện thực hoá'. Họ vẫn còn chỉ là những khả năng. Cứ dường như hạt mầm đã chọn ẩn nấp trong nhà và không sẵn sàng đi vào cuộc phiêu lưu rơi vào đất. Điều đó là nguy hiểm, bởi vì hạt mầm sẽ phải chết. Điều đó là nguy hiểm, bởi vì hạt mầm không biết cái gì sẽ xảy ra khi nó đã biến mất. Không hạt mầm nào đã bao giờ biết cái gì xảy ra sau khi hạt mầm chết. Làm sao hạt mầm có thể biết được? Cây có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra.
Phật nói: sudurjaya - nhìn xa, sudur - cái ở rất xa, để cái đó là thách thức của bạn. Đừng bị giới hạn vào cái thoải mái, vào cái quen thuộc, vào cái an ninh; không đặt triết lí của bạn lên những hứa hẹn của công ti bảo hiểm cuộc sống. Có một chút ít dũng cảm hơn, đi vào trong cái không biết.
Khi bạn đi vào cái không biết, cái không biết đi vào bạn. Khi bạn sẵn sàng vứt bỏ an ninh của mình, Thượng đế cũng sẵn sàng vứt bỏ các bí ẩn của ngài. Khi bạn sẵn sàng trần trụi và sẵn có, Thượng đế cũng sẵn sàng trần trụi và sẵn có. Ngài đáp ứng, ngài đáp ứng đích xác cho bạn. Ngài chưa bao giờ đi xa hơn bạn đi. Nếu bạn đi tới ngài, ngài đi tới bạn; nếu bạn trốn đi, ngài cũng trốn đi, sudurjaya - phiêu lưu.
Và thế rồi nền đất thứ sáu: trực diện abhimukhi - hiện tiền - tính trực tiếp, tính mặt đối mặt, tính đương đầu với cái đang đó. Abhimukhi - hiện tiền: trực tiếp mặt đối mặt. Đừng bận tâm về quá khứ và đừng bận tâm về tương lai. Đối mặt với chân lí khi nó tới, đương đầu với sự kiện khi nó tới, và không có chuẩn bị, với tính trực tiếp.
Người sống bằng chuẩn bị là người giả. Trong cuộc sống không có khả năng để diễn tập... nhưng chúng ta tất cả đều sống qua diễn tập. Trước khi bạn về nhà bạn đã bắt đầu chuẩn bị điều bạn định nói với vợ bạn. Bạn không thể trực tiếp ngay được sao? Bạn không thể đợi đến khoảnh khắc khi vợ có đó, và để cái gì xảy ra thì xảy ra được sao? Nhưng về nhà từ văn phòng bạn đang chuẩn bị: cô ấy sẽ nói gì, và bạn sẽ nói gì để trả lời? Diễn tập... và thế rồi bạn bao giờ cũng bị che mờ bởi việc diễn tập của mình. Bạn không thể thấy được cái đang đó. Bạn bao giờ cũng thấy qua đám mây của mình. Những đám mây đó rất bóp méo.
Phật nói: abhimukhi, trực tiếp - tỉnh táo và để có đáp ứng. Dù kết quả là bất kì cái gì, đừng sợ nó. Mọi người bắt đầu diễn tập bởi vì họ sợ kết quả, cho nên họ muốn lập kế hoạch mọi thứ. Có những người lập kế hoạch cho mọi thứ, mọi động tác đều được lập kế hoạch. Thế thì cuộc sống tất nhiên là cuộc sống của diễn viên - nó không thực, nó không đích thực, nó không đúng. Và nếu cuộc sống của bạn mà không đúng, thế thì bạn không thể nào đi tới chân lí được.
Nền đất thứ bẩy là durangama - viễn hành - đi xa, chấp nhận lời gọi của cõi bên kia. Có cõi bên kia ở mọi nơi. Chúng ta được bao bọc bởi cõi bên kia. Cõi bên kia đó chính là Thượng đế đấy; cõi bên kia đó phải được thấm vào. Nó là bên trong, nó là bên ngoài; nó bao giờ cũng có đó. Và nếu bạn quên nó... nhưng chúng ta vẫn thường quên, bởi vì rất không thoải mái, không thuận tiện, khi nhìn vào cõi bên kia. Cứ dường như người ta nhìn vào vực thẳm, và người ta bắt đầu run rẩy, người ta bắt đầu cảm thấy sốt. Chính nhận biết về vực thẳm và bạn bắt đầu run rẩy. Không ai nhìn vào vực thẳm cả; chúng ta cứ nhìn theo hướng khác, chúng ta cứ né tránh cái thực. Cái thực giống như vực thẳm, bởi vì cái thực là cái trống rỗng lớn lao. Nó là bầu trời bao la không biên giới. Phật nói: durangama - sẵn có cho cõi bên kia. Đừng bao giờ vẫn còn bị giới hạn trong các biên giới, bao giờ cũng vượt qua biên giới. Làm ra biên giới nếu bạn cần chúng, nhưng bao giờ cũng nhớ bạn phải bước ra. Đừng bao giờ làm ra sự tù túng.
Chúng ta làm ra nhiều loại tù túng: quan hệ, đức tin, tôn giáo - chúng tất cả đều là các tù túng. Người ta cảm thấy ấm cúng bởi vì không có gió hoang thổi. Người ta cảm thấy được bảo vệ mặc dầu việc bảo vệ là giả, bởi vì cái chết sẽ tới và sẽ lôi bạn vào cõi bên kia. Phật nói: Trước khi cái chết tới và lôi ông vào cõi bên kia, đi theo cách riêng của ông.
Một Thiền sư sắp chết. Ông ấy rất già, chín mươi tuổi. Bỗng nhiên ông ấy mở mắt ra và ông ấy nói, "Giầy của ta đâu rồi?"
Và đệ tử nói, "Thầy định đi đâu? Thầy có điên không đấy? Thầy sắp chết, và thầy lang đã nói rằng không còn khả năng nào; còn vài phút nữa."
Ông ấy nói, "Đó là lí do tại sao ta lại hỏi về giầy của ta: Ta muốn đi ra nghĩa địa, bởi vì ta không muốn bị kéo lê. Ta sẽ bước đi theo cách của ta và ta sẽ gặp cái chết ở đó. Ta không muốn bị kéo lê. Và ông biết ta - ta chưa bao giờ dựa vào bất kì ai khác. Điều này sẽ là rất xấu, rằng bốn người sẽ khênh ta đi. Không."
Ông ấy bước ra nghĩa địa. Không chỉ thế, ông ấy đào huyệt riêng của mình, nằm vào trong đó, và chết. Đây là điều Phật ngụ ý bởi durangama: dũng cảm chấp nhận cái không biết, dũng cảm đi theo cách riêng của bạn và đón chào cõi bên kia. Thế thì cái chết được biến đổi, thế thì cái chết không còn là cái chết nữa.
Con người dũng cảm như vậy không bao giờ chết; cái chết bị thất bại. Con người dũng cảm như vậy đi ra ngoài cái chết. Với người đi theo cách riêng của mình tới cõi bên kia, cõi bên kia không bao giờ giống như cái chết. Thế thì cõi bên kia trở thành việc đón chào. Nếu bạn đón chào cõi bên kia, cõi bên kia đón chào bạn; cõi bên kia bao giờ cũng vọng lại bạn.
Nền đất thứ tám là achala - bất động: định tâm, tiếp đất, bất động. Và Phật nói người ta nên học được định tâm, bất động, tiếp đất. Bất kì cái gì xảy ra, người ta nên học cách vẫn còn kiên định. Cứ để cho toàn thể thế giới đi vào biến mất, cứ để cho toàn thể thế giới tan biến, nhưng vị phật sẽ cứ ngồi dưới gốc cây Bồ đề của mình, bất động. Trung tâm của ông ấy sẽ không vẩn vơ, ông ấy sẽ không đi xa khỏi trung tâm.
Thử điều đó đi. Dần dần, bạn bắt đầu đi tới gần trung tâm của mình hơn. Và bạn càng tới gần hơn, bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc hơn, và vững chãi lớn lao sẽ nảy sinh trong bản thể bạn. Mọi sự cứ xảy ra, nhưng chúng đang xảy ra bên ngoài; không cái gì thấm vào trung tâm của bạn. Nếu bạn có đó, thì không cái gì tạo ra khác biệt nào. Cuộc sống tới, cái chết tới, thành công, thất bại, ca ngợi và xúc phạm, và đau đớn và vui thích - chúng tới và đi. Chúng tất cả đều trôi qua, nhưng trung tâm chứng kiến bao giờ cũng còn lại.
Nền đất thứ chín là thông minh sadhumati - thiên huệ: thông minh, nhận biết, lưu tâm. Phật rất ủng hộ cho thông minh, nhưng nhớ rằng ông ấy không ngụ ý nó là trí năng. Trí năng là thứ nặng nề, thông minh mang tính toàn bộ hơn. Trí năng được vay mượn, thông minh là của riêng bạn. Trí năng mang tính logic, hợp lí; thông minh còn hơn logic. Nó là siêu logic, nó là trực giác. Người trí năng chỉ sống qua lí trí. Chắc chắn, lí trí có thể dẫn bạn tới điểm nào đó, nhưng bên ngoài cái đó, linh cảm phải được cần tới.
Ngay cả các nhà khoa học vĩ đại những người làm việc bằng lí trí cũng đi tới điểm mà lí trí không có tác dụng, nơi họ chờ đợi linh cảm, tia chớp trực giác nào đó, ánh sáng nào đó từ cái không biết. Và điều đó bao giờ cũng xảy ra: nếu bạn đã làm việc cần mẫn với trí tuệ, và bạn không nghĩ rằng trí tuệ là tất cả, và bạn sẵn có cho cõi bên kia, một ngày nào đó một tia sáng xuyên thấu vào bạn. Nó không phải là của bạn; và vậy mà nó lại là của bạn bởi vì nó không là của ai khác cả. Nó tới từ Thượng đế. Nó tới từ trung tâm bên trong nhất của bạn. Nó có vẻ như là đang tới từ cõi bên kia bởi vì bạn không biết trung tâm của mình mang trực giác.
Phật dùng thông minh theo nghĩa của nhận biết, theo nghĩa của lưu tâm. Từ tiếng Phạn, sadhumati, là rất hay. mati nghĩa là thông minh, còn sadhu nghĩa là trí huệ: thông minh một cách trí huệ; không chỉ thông minh, mà thông minh một cách trí huệ. Có những người có thể có lí nhưng lại không hợp lí. Hợp lí còn nhiều hơn là có lí. Đôi khi người hợp lí sẽ sẵn sàng chấp nhận điều bất hợp lí nữa - bởi vì người đó hợp lí. Người đó có thể hiểu rằng điều bất hợp lí cũng tồn tại. Người có lí chẳng bao giờ có thể hiểu được rằng bất hợp lí cũng tồn tại. Người đó chỉ có thể tin vào tam đoạn luận logic giới hạn.
Nhưng có những điều mà không thể được chứng minh một cách logic, và vậy mà chúng vẫn đấy. Mọi người đều biết chúng đấy, và chẳng ai đã bao giờ có khả năng chứng minh chúng. Tình yêu có đó; không ai đã bao giờ có khả năng chứng minh nó là gì, hay liệu nó có hay không. Nhưng mọi người đều biết - tình yêu có đó. Ngay cả những người phủ nhận - họ không sẵn sàng chấp nhận bất kì cái gì bên ngoài logic - ngay cả họ cũng rơi vào tình yêu. Khi họ rơi vào tình yêu thế thì họ đang khó khăn, họ cảm thấy mặc cảm.
Nhưng tình yêu có đó.
Và không ai đã bao giờ được thoả mãn bởi một mình trí tuệ chừng nào trái tim còn chưa được thoả mãn. Đây là hai cực bên trong bạn: cái đầu và trái tim. Sadhumati nghĩa là: tổng hợp lớn lao của cả hai, cái đầu và trái tim. Sadhu nghĩa là trái tim, còn mati nghĩa là cái đầu.
Khi trái tim trí huệ được nối với thông minh sắc bén, thế thì có thay đổi lớn, biến đổi. Đó chính là nhận biết tất cả là gì.
Và nền đất thứ mười là Dharma-megha pháp vân: việc mưa rào ân huệ, trở thành đám mây chân lí, tình yêu và ân huệ. Dharma-megha (pháp vân)...
Bạn có quan sát rằng mới vài ngày trước đây đã có biết bao nhiêu đám mây mưa xuống, mưa rào lên trái đất khát này không? Phật nói: Chừng nào ông còn chưa trở thành việc mưa rào ân huệ thì ông sẽ không đạt tới điều tối thượng. Chín nền đất là để chuẩn bị cho bạn. Nền đất thứ mười là việc bắt đầu chia sẻ; bạn bắt đầu mưa rào.
Bất kì cái gì bạn có được bạn phải chia sẻ; thế thì bạn sẽ được nhiều hơn. Bất kì cái gì bạn có, bạn phải mưa rào, bạn phải trao nó cho người khác, bạn phải phân phát nó. Tất cả mọi điều bạn đạt tới trong bản thể mình đều phải trở thành từ bi của bạn. Thế thì bạn sẽ có được nhiều hơn. Bạn càng trở thành người tiêu hoang phí năng lượng bên trong của mình, càng nhiều không gian sẽ được tạo ra để Thượng đế giáng xuống bạn, để chân lí xuyên thấu vào bạn.
Đó là lí do tại sao rất khó biết được chân lí và không chia sẻ nó. Điều đó là không thể được! Mahavira vẫn còn im lặng trong mười hai năm, thế rồi bỗng nhiên một ngày nào đó ông ấy bừng nở. Điều gì đã xảy ra? Trong mười hai năm ông ấy đã im lặng; ông ấy phải đã đi vào trong chín nền đất. Thế rồi tới nền đất thứ mười; ông ấy trở thành một pháp vân Dharma-megha: ông ấy trở thành đám mây của chân lí và bắt đầu mưa rào.
Bạn không thể làm gì được về nó. Nó cũng giống như đoá hoa nở ra và toả hương thơm của nó theo gió. Nó cũng giống như ngọn đèn cháy và chiếu ánh sáng của nó khắp xung quanh. Không cách nào để ngăn cản nó, bạn không thể keo kiệt về chân lí được.
Phật đạt tới chân lí, thế rồi trong bốn mươi hai năm liên tục ông ấy đi từ chỗ này sang chỗ khác - liên tục nói, liên tục nói điều đã xảy ra cho ông ấy. Một hôm ông ấy được hỏi, "Thầy dạy chúng tôi im lặng nhưng thấy thì cứ nói hoài."
Phật nói: Ta phải nói để dạy các ông in lặng. Im lặng, để cho một ngày nào đó các ông cũng có thể nói. Im lặng, bởi vì trong im lặng các ông sẽ thu được cam lồ.
Hoa vẫn còn khép cho tới đúng thời điểm khi hương thơm đã sẵn sàng. Thế rồi nó nở cánh hoa ra, không trước điều đó.
Im lặng, nhận biết, mang tính phiêu lưu - một ngày nào đó tất cả chín địa này, chín nền đất này, sẽ chuẩn bị bạn để trở thành đám mây. Thế thì bạn sẽ mưa rào lên mọi người và bạn sẽ chia sẻ.
Chân lí bao giờ cũng được chia sẻ theo những cách khác nhau. Meera nhảy múa; cô ấy biết cách nhảy múa chân lí. Phật chưa bao giờ nhảy múa. Chaitanya hát; ông ấy biết cách hát. Phật chưa bao giờ hát. Điều đó tuỳ vào từng cá nhân. Bất kì khả năng nào bạn có, bất kì khả năng sáng tạo nào bạn có, khi chân lí tới trong bạn nó sẽ tìm thấy khả năng của bạn, sáng tạo của bạn.
Mới đêm hôm trước một sannyasin đã nói với tôi, "Khó lắm; tôi càng trở nên thiền, tôi càng thích soạn nhạc." Anh ấy là nhà soạn nhạc và anh ấy đã dừng việc đó. Bây giờ anh ấy nghĩ rằng điều này tựa như quấy rối: "Điều gì đang xảy ra nhỉ? Bất kì khi nào mình cảm thấy thiền, ngay lập tức những ý tưởng lớn lại nảy sinh trong mình và mình lại muốn soạn nhạc. Bây giờ, phải làm gì đây? Mình có nên dừng nó lại không?"
Không có nhu cầu dừng lại. Thiền đem sáng tạo của bạn tới bùng nổ. Bất kì cái gì ẩn giấu bên trong bạn sẽ trở thành không che giấu; bất kì cái gì bạn mang bên trong mình sẽ được hát ra, sẽ được nhảy múa - bất kì cái gì có đó. Bạn sẽ trở thành một dharma-megha - pháp vân.
Ba câu trả lời này từ ba sư chỉ ra ba kiểu hiểu biết: kiểu thân thể, kiểu tâm lí và kiểu tâm linh. Hơi thở nghĩa là tâm linh - đó là lí do tại sao tôi gọi hiểu biết thứ ba là tâm linh. Nếu bạn có hiểu biết thứ nhất thế thì mười nền đất này là không dành cho bạn. Nếu bạn có kiểu hiểu biết thứ hai, thế nữa mười nền đất này cũng không dành cho bạn. Nếu bạn có kiểu hiểu biết thứ ba, thế thì mười nền đất này là dành cho bạn.
Và chừng nào bạn còn chưa thể trở thành một Dharma-megha pháp vân, nhớ lấy, cuộc sống của bạn là vô dụng. Bạn đã sống mà không có mục đích nào, bạn đã sống một cách vô ích, không kết quả. Thực tế, bạn đã không sống; bạn chỉ dường như sống thôi.
Cho nên suy tư về câu chuyện nhỏ này của Phật, việc hỏi của ông ấy, và các câu trả lời... suy tư về nó đi. Tôi sẽ kể cho bạn vài giai thoại để chỉ cho bạn cách chúng ta hiểu.
Một mục sư hỏi một bé gái, nó nghĩ gì về buổi đi lễ nhà thờ đầu tiên của mình.
"Tốt," bé nói, sau khi suy nghĩ về chủ đề này một chốc, "âm nhạc hay, nhưng phần thương mại dài quá."
Bây giờ, một bé gái - bé chỉ biết cách xem ti vi; đó là hiểu biết của bé. Và bé biết âm nhạc và thương mại. Trong nhà thờ bé nghĩ rằng buổi thuyết giảng là thương mại. Bé nói, "Âm nhạc hay, nhưng phần thương mại dài quá."
Một đôi cưới nhau được bốn mươi năm. Bà ấy quyết định đi kiểm tra toàn diện sức khoẻ ở bệnh viện. Khi bà ấy về nhà, bà ấy cực sướng.
"Bác sĩ nói em có sức khoẻ hoàn hảo," bà ấy ba hoa với chồng. "Thực tế, ông ấy nói em có thể ấy mười hai lần một tháng."
"Tuyệt vời!" chồng nói. "Bớt hai đi cho anh."
Bây giờ nhà kinh doanh là nhà kinh doanh - "Bớt hai đi cho anh."
Hai cái xác được đặt trong cùng một phòng ở nhà tang lễ. Một đêm khi mọi người đã đi hết, một cái xác ngồi dậy và hỏi cái xác kia, "Cậu chết ở vì cái gì?"
"Thuốc lá," anh kia trả lời. "Tớ hút quá nhiều thuốc lá."
"Cậu hút loại nào?"
"Raleighs," anh kia trả lời.
"Ít nhất, cậu cũng tiết kiệm được cuống vé chứ?"
"Ồ có! Cậu nghĩ thế nào về tớ có được cái quan tài này?"
Ngay cả khi người ta chết họ vẫn tiếp tục. Một cách tự nhiên, điều tự nhiên là họ sẽ tiếp tục quá khứ cũ của họ, cách hiểu cũ của họ, tính toán.
Buổi trình diễn của các cô gái nhỏ phục vụ cho trại lính ở Việt Nam. Tại một tiền đồn, mọi sự thu xếp đã được thực hiện để cho họ ăn trước khi ra đi.
"Tôi nói," viên sĩ quan có trách nhiện nói. "Các cô có muốn ăn cùng các sĩ quan không?"
"Đừng bận tâm nếu chúng tôi làm điều đó, anh bạn thân," bà lãnh đạo nói, "nhưng chúng tôi không thể có cái gì đó để ăn trước sao?"
Bây giờ buổi trình diễn của các cô gái nhỏ là buổi trình diễn của các cô gái nhỏ... Ngay cả từ cũng không mang nghĩa mà chúng có. Bạn gắn nghĩa vào trong chúng. Mỗi lần bạn thốt ra một lời, quan sát; mỗi lần bạn nghe một lời, quan sát; mỗi lần bạn làm một điệu bộ, quan sát - và bạn sẽ thấy rằng dù mức độ hiểu biết của bạn là bất kì cái gì, nó đều được diễn đạt theo đủ mọi cách.
Ngồi trong một tiệm ăn, một tu sĩ đang nhìn chăm chú vào sắc đẹp của một thiếu phụ có anh bạn đi hộ tống. Một thường dân chơi khăm ông ta về mối quan tâm nữ giới của ông ta.
"Chỉ bởi vì tôi đang ăn kiêng thường xuyên không có nghĩa là thỉnh thoảng tôi không thể nghiên cứu thực đơn!" tu sĩ nói.
Bên trong của bạn - bị kìm nén, bị bác bỏ, bị ném vào tầng ngầm, cứ phản chiếu trong các cách thức của bạn. Thậm chí thỉnh thoảng khi bạn né tránh cái gì đó, thế nữa, trong chính né tránh của bạn mà hiểu biết của bạn được biểu lộ ra.
Câu chuyện nổi tiếng về hai Thiền sư...
Lúc sắp lội qua khúc sông cạn họ bắt gặp một người đàn bà, một người đàn bà rất trẻ và đẹp. Cô ấy muốn qua sông nhưng cô ấy lại sợ. Thế là một sư cõng cô ấy trên vai và đem cô ấy qua bờ bên kia. Sư kia nổi giận, sư kia hậm hực nói: "Điều đó là cấm! Sư Phật giáo không được chạm vào đàn bà. Bây giờ điều này là quá thể. Không chỉ chạm: hắn ta còn cõng người đàn bà này trên vai!" Sư kia vẫn cứ im lặng, nhưng ông này sôi lên trong lòng.
Hàng dặm đường trôi qua. Khi họ tới tu viện, khi họ đi vào cổng, sư kia quay lại sư thứ nhất và nói, "Này, ta sẽ mách thầy đấy. Ta sẽ kể lại điều đó. Việc đó là cấm!"
Sư thứ nhất nói, "Ông nói cái gì thế? Cái gì cấm?"
Ông kia nói, "Ông quên rồi sao? Ông đã cõng người đàn bà trẻ đẹp kia trên vai. Phải không được chạm chứ!"
Sư thứ nhất cười và ông ấy nói, "Vâng, tôi đã cõng cô ấy đấy, nhưng tôi đã bỏ cô ấy trên bờ sông rồi, hàng dặm đằng sau. Ông vẫn còn mang cô ấy sao?"
Vâng, sư kia vẫn còn mang cô ấy đấy.
Nhớ rằng hiểu biết của bạn được biểu lộ theo mọi cách, và nếu bạn quan sát đúng, chính việc quan sát của bạn sẽ đem bạn tới bước xa thêm.
Một thuỷ thủ không may bị chìm tàu tại một hòn đảo hoang vắng Nam Thái Bình Dương. May mắn là thức ăn và nước uống vẫn còn đầy, và thời tiết lại rất tốt. Thế là anh ta sống sót tương đối thoải mái trong sáu tháng, sau thời gian đó, cực kì bị kích động, anh ta phát hiện ra một con tàu nhỏ trên đường chân trời. Khi nó trôi giạt tới mỗi lúc một gần hơn, anh ta có thể thấy rằng đó là chiếc bè cứu sinh của một con thuyền có chứa một hành khách. Và khi bè tới gần hơn anh thấy hành khách này là một phụ nữ trẻ. Cuối cùng chiếc bè cũng ghé lên bãi biển và anh ta đi tới cô ấy. Cô ấy đẹp - cao và sinh động với tóc hung, người da trắng.
"Chào cô! chào cô!" anh thuỷ thủ đơn độc đáng thương nói. "Cô cũng bị chìm tàu sao?"
"Vâng, tôi cũng bị chìm tàu," cô ấy đáp.
"Tôi đã ở đây sáu tháng rồi," anh ta nói.
"Sáu tháng à!" cô ấy kêu lên. "Ồ, thế thì tôi chắc chắn tôi đã lấy được cái gì đó mà anh đã bỏ lỡ."
"Đừng nói với tôi là cô đã kiếm được kẻ đồng dục nam với cô!" anh ta kêu lên vui vẻ.
Ham muốn riêng của bạn, hiểu biết riêng của bạn, tham lam riêng của bạn, bao giờ cũng có đó trong từng đáp ứng, trong từng phản ứng. Nếu bạn quan sát kĩ bạn sẽ trở nên nhận biết rằng bạn cứ đi bầy tỏ việc hiểu hay hiểu lầm của mình trong từng khoảnh khắc cuộc đời bạn.
Câu hỏi của Phật là rất đơn giản, và các sư đã trả lời có thể đã không nghĩ chút nào rằng chúng có ý nghĩa siêu hình nào. Họ thậm chí đã cười vào những câu hỏi buồn cười mà Phật đang hỏi họ. Nhưng với những câu hỏi rất đơn giản ông ấy đã gợi ra tầng hiểu biết lớn lao của họ. Ý nghĩa của câu chuyện này là lớn. Tôi chưa bao giờ hỏi bạn câu hỏi nào, nhưng câu hỏi mà bạn hỏi tôi là đủ. Chúng chỉ ra mọi thứ về bạn. Khi tôi đọc câu hỏi của bạn, tôi ít quan tâm tới câu hỏi của bạn hơn là tôi quan tâm tới người hỏi. Tôi quan tâm nhiều hơn tới người hỏi.
Đó là lí do tại sao tôi lại cứ khăng khăng rằng bạn nên viết tên bạn dưới câu hỏi, bạn nên kí lên nó - bởi vì câu hỏi trong bản thân nó không ngụ ý điều gì. Nó trở thành có nghĩa chỉ khi tôi biết người hỏi là ai. Câu trả lời của tôi không dành cho câu hỏi, mà dành cho người hỏi. Người này có thể hỏi một câu hỏi và tôi có thể trả lời nó theo cách này, người khác hỏi đích xác cùng câu hỏi đó, với cùng lời như thế, nhưng tôi sẽ không trả lời theo cùng cách - bởi vì câu hỏi không phải là quan trọng, người hỏi mới quan trọng.
Câu hỏi của bạn chỉ ra hiểu biết của bạn. Câu hỏi của bạn chỉ ra lẫn lộn của bạn. Câu hỏi của bạn chỉ ra chỗ bạn đang ở. Và tôi phải trả lời cho bạn, bạn đang ở đâu. Nhớ điều đó.
Trong buổi tâm tình darshan điều đó xảy ra nhiều lần, và tốt hơn cả là bạn nên nhớ điều đó. Nhiều người tới; ai đó hỏi một câu hỏi, những người khác nghe. Bạn được phép nghe, nhưng những câu trả lời đó mà tôi đang trao cho người đặc biệt đó lại không được trao cho bạn. Bằng không thì sẽ có hiểu lầm lớn.
Đôi khi chuyện xảy ra là một người hỏi nói điều gì đó, tôi giải thích điều đó cho anh ấy, tôi giúp anh ấy hiểu vấn đề của mình; người khác tới và anh ta nói, "Đó đích xác là câu hỏi của tôi và thầy đã trả lời rồi." Tôi nói, "Không, đừng bị lừa dễ dàng thế. Hai bạn là khác nhau thế. Thực tế, không có hai người tương tự trên thế giới này, cho nên làm sao câu hỏi của các bạn có thể tương tự được? Bạn hỏi câu hỏi của bạn, và quên điều tôi đã nói với người kia đi."
Và thế rồi nhiều lần mọi người trở nên phân vân, bởi vì họ thấy rằng tôi có thể tự mâu thuẫn với mình.
Mới đêm hôm nọ một người đã hỏi về nỗi sợ: "Tôi sợ." Tôi nói với anh ấy về cái chết bởi vì tôi có thể thấy tại sao anh ta lại sợ. Cái chết ở trong mắt anh ấy, cái chết bao quanh anh ấy, anh ấy bị cái chết theo như cái bóng. Tôi nói nhiều về cái chết hơn về cái sợ, và anh ấy hiểu điều đó. Tôi nói với anh ấy, "Chấp nhận cái chết và nỗi sợ sẽ biến mất."
Người tiếp nói, "Bây giờ không có nhu cầu để hỏi. Tôi cũng có sợ hãi trong tôi và thầy đã trả lời rồi." Tôi nhìn vào người này; nỗi sợ của anh ấy chẳng có liên quan gì tới cái chết cả. Nỗi sợ của anh ấy là sợ đơn độc; nó là một chiều hoàn toàn khác của sợ hãi. Và tôi nói, "Quên hết tất cả những gì tôi đã nói với người kia đi. Đó không phải là câu hỏi của bạn và nó không được trả lời cho bạn. Nói cho tôi biết về nỗi sợ của bạn." Và dần dần sự việc trở nên rõ ràng rằng nỗi sợ của anh ấy chẳng liên quan gì tới cái chết cả. Nỗi sợ của anh ấy là nỗi sợ về việc bị bỏ lại một mình; nỗi sợ rằng có thể sự một mình của anh ấy bao giờ cũng còn lại ở đó.
Nỗi sợ thứ nhất là sợ chết, nỗi sợ thứ hai là sợ về liệu tình yêu có xảy ra hay không. Nỗi sợ của anh ấy có liên quan tới tình yêu - liệu anh ấy có bao giờ cũng còn lại một mình hay không, hay sẽ có ai đó yêu anh ấy? Và anh ấy có khả năng để yêu được không? Liệu có khả năng rằng anh ấy sẽ ở cùng với ai đó và vết thương đơn độc thường xuyên này có biến mất không? Anh ấy không lo nghĩ về cái chết, anh ấy lo nghĩ về cuộc sống. Nỗi sợ của anh ấy không liên quan tới cái chết, nỗi sợ của anh ấy liên quan tới cuộc sống và mối quan hệ và trao đổi và giao cảm, tình yêu. Họ khác nhau hoàn toàn, nhưng họ cả hai đều dùng từ 'sợ'.
Và khi tôi cho câu trả lời khác cho người khác, một cách tự nhiên bạn có thể thu thập tất cả các câu trả lời và bạn sẽ thấy: "Người này điên rồi!" Chúng sẽ mâu thuẫn nhau. Chúng nhất định sẽ mâu thuẫn. Cách tiếp cận của tôi mang tính cá nhân; cách tiếp cận của tôi là cá nhân-tới-cá nhân. Tôi cố gắng đặt quan hệ với bạn như những cá nhân.
Trong bài nói buổi sáng bạn có thể thiền về bất kì điều gì tôi nói, nhưng bất kì khi nào bạn quyết định làm cái gì đó, hỏi đích thân tôi. Đừng quyết định điều đó qua bài nói buổi sáng bởi vì các bạn quá đông, và tôi đang nói theo cách chung chung. Bài nói buổi sáng chỉ để làm rõ các nguyên tắc cho bạn. Buổi tâm tình darshan là để làm rõ thực hành cho bạn. Bài nói buổi sáng là để làm cho bạn nhận biết rằng biết bao nhiêu khả năng đang có đó cho việc trưởng thành, và cách để trưởng thành. Nhưng tôi lại không nói với các bạn một cách cá nhân, tôi không thể nói thế được. Tâm tình (darshan) tới mức bạn có thể hỏi câu hỏi cá nhân, bạn có thể tiếp cận tới tôi và bạn có thể thấy khuôn mặt bạn trong tấm gương của tôi và tôi có thể nhìn thẳng vào mắt bạn. Bài nói buổi sáng mang tính triết lí nhiều hơn, tâm tình buổi tối mang tính tôn giáo nhiều hơn.
Và nếu bạn có thể nhớ khác biệt này, sẽ có ích lợi lớn lao từ nó, có hiểu biết lớn lao từ nó.