Q 34: Về sự tầm thường


Hỏi: Tâm trí phải chú trọng đến những sự việc gì?

Krishnamurti: Đây là một thí dụ rất quí về đường lối thành hình của sự xung đột: sự xung đột giữa điều cần phải là gì đó và điều đang là gì đó.

Thoạt tiên chúng ta thiết lập lên điều cần phải là gì đó, tức là lý tưởng, rồi cố gắng sống ăn rập theo khuôn mẫu ấy. Chúng ta cho rằng tâm trí phải chú trọng đến những sự việc cao thượng, với lòng vị tha, với lòng rộng lượng, với sự tử tế, với tình thương; đó là khuôn mẫu, tín ngưỡng, điều nên theo, điều bắt buộc phải theo, và chúng ta cố gắng sống ăn rập theo đó.

Do đó có sự xung đột xảy ra giữa sự phóng ảnh về cái nên là gì đó và hiện thể, cái đang là, và qua sự xung đột kia chúng ta lại hy vọng được chuyển hóa. Khi mà chúng ta hãy còn chống chỏi với cái phải là gì đó thì chúng ta cảm thấy mình nhân đức, cảm thấy mình tốt lành, nhưng điều quan trọng là điều nào: cái phải là hoặc cái đang là? Tâm trí của chúng ta phải chú trọng đến những gì – không phải chú trọng về mặt ý thức hệ mà về mặt thực tế?

Tâm trí của chúng ta chỉ chú trọng tới những điều tầm thường, dung phàm, phải thế không? Nào là chú trọng đến việc mình có vẻ, có dáng dấp như thế nào, nào là chú trọng đến tham vọng gian tham, đố kỵ, nói nhảm, ngồi lê đôi mách, tàn bạo hung dữ. Tâm trí đang sống trong một thế giới gồm toàn sự tầm thường xoàng xĩnh, và một đầu óc tầm thường tạo ra một khuôn mẫu cao thượng quí phái thì vẫn là tầm thường, phải thế không?

Vấn đề này là không phải tìm hiểu xem tâm trí nên chú trọng tới những gì, mà là: tâm trí có thể nào tự giải vây ra khỏi sự tầm thường, những sự dung phàm? Nếu chúng ta tỉnh thức, nếu chúng ta tra hỏi tìm hiểu, chúng ta sẽ biết được những sự tầm thường đặc thù của riêng chúng ta: nói nhảm, nói ba hoa không ngừng, sự ba hoa không ngừng của trí óc, sự lo âu vụn vặt, lo chuyện này, lo chuyện nọ, tò mò tọc mạch về những việc làm, hành động, hành vi của thiên hạ, cố gắng đạt cho tới một kết quả nào đó, đeo bám vào sự phóng đại bản thân vân vân. Tâm trí chúng ta đều chú trọng tới những thứ như vậy, chúng ta cũng thừa rõ rồi. Điều ấy có thể chuyển hóa được? Đó mới là vấn đề, phải không? Còn việc hỏi về những gì tâm trí phải chú trọng thì đó chỉ là ấu trĩ, chưa trưởng thành.

Vậy, khi ý thức trực tiếp rằng tâm trí tôi chỉ là tầm thường, chỉ chú trọng tới những điều dung phàm tầm thường, thì tâm trí ấy có thể tự thoát khỏi trạng huống này? Phải chăng chính bản tính của tâm trí đã là tầm thường rồi? Tâm trí là gì, nếu không phải là kết quả của trí nhớ? Trí nhớ là gì? Nhớ về cách sống cho qua ngày, trường tồn, chẳng những ở mặt sinh lý vật chất mà cả ở mặt tâm lý bằng cách khai triển một số phẩm tính nào đó, một số đức hạnh nào đó, sự tích lũy của những kinh nghiệm, sự định cư của tự thể trong chính sinh hoạt của nó. Có phải đó là tầm thường không?

Tâm trí, tức là kết quả của trí nhớ, của thời gian, đã là tầm thường trong tự thể; tâm trí có thể làm gì để tự giải thoát khỏi sự tầm thường của chính nó? Tâm trí có thể làm gì? Xin bạn hãy nhìn sự quan trọng của vấn đề này. Tâm trí, tức là sinh hoạt vị ngã, có thể nào tự giải vây khỏi sinh hoạt ấy? Dĩ nhiên là không thể nào được; dù tâm trí có làm gì đi nữa, thì nó vẫn là tầm thường, dung phàm. Nó có thể suy tưởng về Thượng đế; nó có thể bày ra những hệ thống chính trị, nó có thể đặt ra những tín ngưỡng, nhưng nó vẫn còn nằm trong lãnh vực của thời gian, sự thay đổi của nó chỉ là thiên chuyển từ ký ức này sang ký ức khác, nó vẫn bị ràng buộc bởi những giới hạn của chính nó.

Tâm trí có thể nào phá vỡ giới hạn ấy? Hay là giới hạn ấy đổ vỡ đi khi tâm trí trầm lặng, khi tâm trí không hoạt động, khi nó tri nhận những sự tầm thường của chính nó, dù nó có tưởng tượng sự tầm thường ấy thành ra vĩ đại đến đâu đi nữa? Khi đã thấy được sự tầm thường của nó, tâm trí ý thức trọn vẹn về những sự tầm thường ấy và nhờ thế trở nên thực sự trầm lặng – chỉ lúc ấy mới có thể thấy những sự tầm thường ấy rơi rớt đi. Khi mà bạn vẫn còn tra hỏi tìm xem tâm trí phải chú trọng đến những gì thì tâm trí sẽ chú trọng đến những cái dung phàm, dù sự dung phàm ấy có thể là việc xây cất nhà thờ, đọc kinh hoặc đi chùa, đi đền, đi nhà thờ, làm gì đi nữa thì vẫn là dung phàm.

Chính tâm trí là bần tiện, thấp hèn rồi và chỉ nói rằng nó bần tiện thấp hèn thì bạn vẫn chưa giải tan sự bần tiện thấp hèn ấy được. Bạn phải hiểu nó, tâm trí phải tri nhận những sinh hoạt của chính nó và trong tiến trình tri nhận kia, trong sự trực thức về những điều tầm thường nhỏ mọn kia mà nó đã dựng lên một cách ý thức hoặc vô thức, tâm trí mới trở nên trầm lặng. Trong sự trầm lặng ấy một trạng thái sáng tạo xuất hiện và đây mới là yếu tố mang đến một sự chuyển thức.