Q 33: Về sự thiển bạc hời hợt


Hỏi: Một kẻ hời hợt thì làm thế nào trở nên đứng đắn nghiêm chỉnh?

Krishnamurti: Trước hết, chúng ta phải có ý thức trực tiếp rằng chúng ta hời hợt, nông cạn, phải thế không? Hời hợt, thiển bạc có nghĩa là gì? Một cách chính yếu thì đó có nghĩa là sống tùy thuộc, nương cậy vào một cái gì đó, phải thế không? Nương cậy, lệ thuộc vào kích thích tố, lệ thuộc vào sự thách thức, nương dựa vào một người khác, vin tựa vào một số giá trị, một số kinh nghiệm, một số kỷ niệm, vin tựa vào đó về đường tâm lý – phải chăng tất cả sự nương tựa ấy làm thành sự nông cạn hời hợt?

Khi tôi nương tựa vào việc đi nhà thờ mỗi buổi sáng hoặc mỗi buổi lễ để được thăng hoa tâm hồn, để được giúp đỡ, phải chăng điều này đã làm tôi trở thành nông cạn, thiển bạc? Nếu tôi phải thi hành một số lễ nghi nào đó để duy trì cảm giác nguyên vẹn thuần tính hoặc để lấy lại một cảm giác nào mà trước kia tôi đã trải qua, phải chăng điều này đã làm tôi trở nên nông cạn, hời hợt? Phải chăng điều này đã làm tôi trở nên thiển bạc cạn cợt khi tôi tự hiến thân mình cho một đất nước, cho một kế hoạch hoặc cho một đoàn thể chính trị đặc thù nào đó.

Nhất định toàn thể tiến trình tùy thuộc nương tựa này chỉ là sự thoát ly bản thân của tôi; tinh thần đồng hóa này, đồng hóa với một thực thể to tát chỉ là chối bỏ hiện thể của tôi. Nhưng tôi không thể phủ nhận hiện thể của tôi; tôi phải hiểu hiện thể của tôi và không cố gắng tự đồng hóa với vũ trụ, với Thượng đế, với một đoàn thể chính trị đặc biệt nào đó hoặc bất cứ cái gì khác. Tất cả những thứ này đều đưa dẫn đến sự suy tư cạn cợt và từ sự tư duy thiển cận ấy mới phát xuất ra hành động tàn ác hằng cửu dù đứng về tỉ lệ lớn rộng của thế giới hoặc đứng về mức độ cá thể.

Thoạt tiên hết, chúng ta có tri nhận rằng chúng ta đang làm mọi sự như vậy? Chúng ta không tri nhận gì cả, chúng ta chỉ biện minh chúng. Chúng ta nói, ‘Tôi sẽ làm gì nếu tôi không làm những việc này? Tôi sẽ còn tệ hại hơn nữa; thần trí tôi sẽ đổ nát đi. Vậy bây giờ, ít ra tôi cũng đang chống trở để hướng đến một cái gì vĩ đại hơn’. Chúng ta càng chống chỏi thì chúng ta càng trở nên nông cạn hời hợt. Tôi phải thấy như vậy trước tiên hết, phải thế không?

Đó là một trong những việc khó khăn nhất: thấy rằng tôi là gì, nhận rằng tôi ngu xuẩn, rằng tôi nông cạn, rằng tôi hẹp hòi, rằng tôi ghen tuông. Nếu tôi thấy tôi là gì, nếu tôi nhận tôi là thế, lúc ấy tôi mới bắt đầu được. Nhất định một trí óc nông cạn là một trí óc muốn trốn thoát hiện thể; muốn không chạy trốn, mình cần phải khảo nghiệm gian nan, phủ nhận sự ù lỳ, bất động, nọa tính. Vừa lúc tôi biết rằng tôi không sâu sắc, thì lúc ấy một tiến trình sâu thẳm đã thoáng hiện – nếu tôi không làm gì cả với sự nông cạn kia.

Nếu tâm thức nói, ‘tôi thấp hèn bần tiện, và tôi sắp khảo sát điều ấy, tôi sắp hiểu được trọn vẹn sự bần tiện này, tác động hẹp hòi này’, lúc ấy mình mới có khả tính thay hình đổi dạng, chuyển hóa toàn triệt; nhưng trái lại một người có một trí óc bần tiện, nhận thấy rằng mình bần tiện và cố gắng không bần tiện, bằng cách đọc sách, bằng cách gặp gỡ người đời, bằng cách du lịch, đi đây đi đó, bằng cách hoạt động tích cực liên miên như một con khỉ thì trí óc đó vẫn là bần tiện.

Vả lại, bạn thấy rằng chỉ có một cuộc cách mạng thực sự là khi nào chúng ta đối trị vấn đề, đi đến vấn đề một cách chính đáng. Cách lối đứng đắn đi đến vấn đề tạo ra một lòng tin lạ thường mà tôi quả quyết rằng bạn có thể dời đi được những rặng núi – những dãy núi của những thành kiến của riêng mình, sự nô lệ qui định của riêng mình. Khi ý thức về tâm trí cạn cợt của mình thì bạn đừng cố gắng sâu sắc. Một đầu óc nông cạn không bao giờ có thể biết được sự sâu thẳm vĩ đại.

Một đầu óc nông cạn có thể được nhét đầy kiến thức, đầy tin tức, nó có thể lặp đi nhắc lại những lời những tiếng – bạn thừa biết tất cả những mớ sở hữu tích lũy trong một đầu óc nông cạn hiện hoạt. Nhưng nếu bạn biết rằng bạn nông cạn, thiển bạc, nếu bạn ý thức trực tiếp về sự thiển bạc ấy, quan sát tất cả mọi sự sinh hoạt của nó mà không phê phán, không kết án, lúc ấy chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy rằng sự thể nông cạn kia đã biến tiêu đâu mất một cách toàn triệt mà không cần tác động của bạn đối với nó. Điều ấy đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉnh thức, chu đáo mà không có lòng háo hức khao khát muốn đạt đến một kết quả nào đó, một sự thành đạt nào đó. Chỉ có một đầu óc nông cạn mới ham kết quả, ham thành công, thành đạt.

Bạn càng ý thức trực tiếp về toàn thể tiến trình này thì bạn càng khám phá những sinh hoạt của tâm thức, nhưng bạn phải quan sát chúng mà không dụng công chấm dứt chúng, vì vừa lúc bạn tìm kiếm một cứu cánh, thì bạn lại bị kẹt vào sự phân hai giữa cái ‘tôi’ và cái ‘không phải tôi’ – điều này lại chỉ lưu diễn vấn đề như cũ.