Tôi muốn thảo luận vấn đề hành động. Vấn đề này có thể khá khó khăn phức tạp trong bước đầu, nhưng tôi mong rằng khi suy tưởng một cách chín chắn hơn, chúng ta sẽ có thể thấy được vấn đề minh bạch hơn, vì trọn vẹn đời sống chúng ta, trọn cuộc đời chúng ta, chỉ là một biến trình hành động.
Hầu hết chúng ta đều sống trong một chuỗi hành động lê thê, những hành động dường như không liên hệ gì với nhau, rã rời, đưa dẫn đến nạn phân hóa và phẫn chí vô vọng. Đây là một vấn đề có liên hệ với mỗi người trong chúng ta, vì ta sống bằng hành động, và không hành động không thể có được đời sống, không thể có được kinh nghiệm, không thể có được tư tưởng.
Tư tưởng chính là hành động, chỉ đeo đuổi hành động trong một cấp độ ý thức đặc biệt nào đó, chỉ đeo đuổi khía cạnh hời hợt bên ngoài của ý thức, chỉ vướng bận ràng buộc với hành động bên ngoài mà không hiểu được biến trình trọn vẹn của chính hành động, như thế chỉ có nghĩa là đưa mình đến sự phẫn chí vô vọng, khốn khổ mê cung không thể nào tránh được.
Đời sống chúng ta là một chuỗi những hành động hay một biến trình hành động trong những cấp độ khác nhau của ý thức. Ý thức là thể nghiệm gọi tên và ghi chép. Nghĩa là ý thức chỉ là sự thách đố và sự đáp ứng, nói rõ hơn là thể nghiệm, rồi đặt tên hay gọi danh, rồi ghi lại, chép lại, tức là trí nhớ, ký ức. Biến trình này, chính là hành động, phải thế không? Ý thức là hành động, không thể có được hành động nào mà không có sự thách đố, đáp ứng, mà không có thể nghiệm, đặt tên hay gọi danh.
Thế thì hành động tạo tác ra người hành động. Nói rõ hơn, người hành động chỉ xuất hiện khi hành động có được một kết quả nào đó, một cứu cánh để hướng tới. Nếu không có kết quả nào cả trong hành động, người hành động cũng chẳng có lý do tồn tại, nhưng nếu có một cứu cánh hay một kết quả nào đó để hướng tới, lúc ấy chính hành động tạo ra người hành động.
Thế thì người hành động, hành động và cứu cánh hay kết quả chỉ là một biến trình nhất trí, một biến trình độc nhất; biến trình này chỉ xuất hiện thành hình khi hành động có được một cứu cánh trước mặt. Hành động hướng về một kết quả nào đó chính là ý chí; nếu không thế thì làm gì có ý chí, phải thế chăng? Sống tham vọng muốn đạt tới một cứu cánh nào đó, lòng ham muốn ấy tạo ra ý chí, ý muốn, tức là người hành động; nói rõ hơn, tôi muốn thành đạt, tôi muốn viết một quyển sách, tôi muốn trở nên một người giàu sang, tôi muốn vẽ một bức tranh.
Chúng ta quá quen thuộc với ba trạng thái này: người hành động, hành động và cứu cánh. Đó, đời sống hàng ngày chúng ta chỉ gồm thế. Tôi đang vừa giải bày cái đang là, nhưng chúng ta sẽ bắt đầu hiểu cách chuyển hóa cái đang là, chỉ lúc nào chúng ta khảo sát nó một cách rõ ràng hơn, để đừng rớt lại bất cứ ảo tưởng hay thành kiến nào, bất cứ ý kiến chủ quan nào về nó. Thế thì ba trạng thái làm thành kinh nghiệm: người hành động, hành động và kết quả; ba trạng thái ấy hiển nhiên là một biến trình chuyển dịch, trở nên, hình thành? Phải thế?
Nếu không có người hành động, nếu không có hành động hướng đến một cứu cánh, không thể nào có được sự biến dịch trở thành; nhưng đời sống, như ta đã biết rõ, đời sống hàng ngày của chúng ta là một biến trình chuyển dịch, hình thành, trở nên, trở thành. Tôi đang nghèo và tôi hành động, với một cứu cánh trước mắt là trở nên giàu sang phú quí. Tôi xấu xa và tôi muốn trở nên đẹp đẽ.
Như thế, đời sống tôi là một biến trình trở nên: trở thành một cái gì đó. Ý chí ý muốn thể hiện là ý chí, ý muốn tựu thành, trở thành, trong những cấp độ khác nhau của ý thức, trong những trạng thái khác nhau, trong đó gồm đủ sự thách đố, đáp ứng, đặt tên và ghi chép. Thế thì sự hình thành, sự trở thành là tương tranh xung đột, sự trở nên, trở thành là nỗi đau khổ, phải vậy chăng? Có phải chăng nó chỉ là sự phấn đấu thường xuyên liên tục; tôi là thế này, và tôi muốn trở nên thế kia.
Thế vậy, hiện giờ là: có thể nào có được hành động mà không có sự trở thành trở nên không? Có thể nào có được hành động không đau đớn, không giao tranh liên tục như vậy không? Nếu không có cứu cánh nào cả thì cũng không có người hành động nào hết, vì hành động với một cứu cánh trước mặt, chính là hành động có cứu cánh ấy đã tạo ra người hành động.
Nhưng có thể nào có được hành động không cứu cánh, và do đó không có người hành động? Có hành động nào như thế? Nghĩa là hành động mà không mong đạt tới một kết quả? Hành động như thế không còn là sự trở thành, trở nên nữa, vì không còn trở nên, trở thành, cho nên hành động ấy không còn là sự xung đột nữa. Có một trạng thái hành động, một trạng thái hiện nghiệm mà không có người thể nghiệm và không có cả kinh nghiệm. Nói như vậy có giọng điệu triết lý, nhưng thực sự điều ấy rất giản dị.
Trong giây phút hiện nghiệm, các bạn không ý thức được bản thân các bạn như là kẻ thể nghiệm, kẻ trải qua kinh nghiệm ở bên ngoài chính kinh nghiệm, các bạn đang ở trong trạng thái hiện nghiệm. Có thể lấy một thí dụ giản dị như lúc các bạn đang giận. Trong khoảnh khắc nổi giận, không có cái gì gọi là kinh nghiệm và cũng chẳng có cái gì gọi là người trải qua kinh nghiệm, lúc ấy, chỉ có một trạng thái duy nhất là trạng thái hiện nghiệm, trực nghiệm.
Nhưng lúc các bạn không còn giận nữa, lúc ấy, một tí tắc sau sự hiện nghiệm ấy thì mới xuất hiện người trải qua kinh nghiệm và kinh nghiệm, người hành động và hành động với một cứu cánh trước mặt, tức là ý định muốn dứt bỏ hoặc đàn áp cơn giận dữ. Chúng ta thường ở trong trạng thái ấy luôn, trong trạng thái hiển nghiệm; nhưng chúng ta cũng thường lướt qua trạng thái ấy ngay sau đó và lúc ấy lại bắt đầu gọi tên cho trạng thái ấy, đặt tên và ghi chép nó lại, thế thì đã tạo ra sự ghi chép liên tục cho sự trở thành trở nên.
Nếu chúng ta có thể hiểu được hành động trong ý nghĩa căn bản chính tiếng ấy, lúc đó sự lý ngộ ấy cũng sẽ ảnh hưởng đến những sinh hoạt hời hợt của chúng ta, nhưng trước tiên hết chúng ta cần phải hiểu bản chất căn bản của hành động. Vậy, phải chăng hành động được sinh thành bởi một ý tưởng nào đó? Phải chăng các bạn có một ý tưởng nào đó trước hết, rồi sau đó mới hành động? Hay phải chăng hành động đi trước và rồi hành động tạo ra xung đột, cho nên các bạn xây dựng một ý tưởng nào đó chung quanh nó? Có phải hành động đã tạo ra người hành động hay người hành động lại đi trước hành động?
Khám phá ra cái gì đi trước, là một điều rất quan trọng. Nếu ý tưởng đi trước, rồi hành động chỉ là thuận theo ý tưởng ấy, hành động như vậy chẳng phải là hành động nữa mà chỉ là phỏng theo, bắt chước, bức bách cưỡng ép theo ý tưởng nào đó. Ý thức được điều này rất là quan trọng, vì khi nào mà xã hội chúng ta phần lớn chỉ được xây dựng trên bình diện trí thức hay ngôn từ thì đối với chúng ta ý tưởng phải đi trước, hành động đi theo sau đó. Trong trường hợp như thế, hành động chỉ là đầy tớ của một ý tưởng nào đó và chỉ xây dựng ý tưởng thôi thì rõ là tai hại cho hành động.
Những ý tưởng lại khai sinh ra những ý tưởng khác, và khi chỉ khai sinh ý tưởng thôi thì những ý tưởng chằng chịt ấy gây ra xung đột chống đối mâu thuẫn, xã hội thành nặng chĩu vướng víu trong biến trình tri thức của sự vận hành ý niệm. Cơ cấu xã hội chúng ta rất là tri thức, chúng ta tôi luyện tri thức và đánh mất tất cả những yếu tố khác của bản thân và bị ngột ngạt trong những ý tưởng.
Có thể nào những ý tưởng tạo ra hành động không? Hay những ý tưởng chỉ khuôn đúc tư tưởng để rồi giới hạn hành động? Khi hành động bị một ý tưởng thúc đẩy, hành động ấy chẳng bao giờ có thể giải phóng được con người? Hiểu được điều này là vô cùng quan trọng. Nếu một ý tưởng uốn nắn hành động, hành động ấy không thể nào mang đến sự giải quyết cho những nỗi khốn khổ của chúng ta, bởi vì, trước khi ý tưởng được thể hiện trong hành động, trước tiên chúng ta cần phải khám phá xem ý tưởng đã xuất hiện thành hình như thế nào.
Khảo sát, nghiên cứu sự vận hành của ý niệm, sự kết thành của những ý tưởng, thuộc phe xã hội, phe Tư bản, phe Cộng sản hay ý tưởng thuộc những tôn giáo khác nhau, sự khảo sát ấy rất là tối ư quan trọng đối với chúng ta, nhất là khi xã hội chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm, chờ chực mời mọc một nỗi hiểm họa mới, một sự cắt đứt phân ly khác. Kẻ nào thực sự nghiêm chỉnh trong ý định tìm kiếm sự giải quyết cho bao nhiêu vấn đề phức tạp của chúng ta thì trước hết cần phải lĩnh hội biến trình của sự vận hành ý niệm nói trên.
Đối với chúng ta, một ý tưởng có nghĩa là gì? Một ý tưởng được xuất hiện hình thành như thế nào? Ý tưởng và hành động có thể nào liên kết chung nhau không? Giả thử rằng tôi có một ý tưởng nào đó và tôi muốn thể hiện nó. Tôi tìm kiếm một phương pháp để thể hiện ý tưởng ấy, và tôi suy tưởng, đánh mất thời giờ và năng lực để tranh luận về cách thể hiện ý tưởng ấy. Nếu thế, tìm hiểu cách thành hình của những ý tưởng rất là quan trọng, chỉ khi nào đã khám phá ra sự thực ấy, chúng ta mới có thể thảo luận về vấn đề hành động. Nếu không thảo luận về những ý tưởng mà lại chỉ tìm cách hành động thôi thì việc ấy chẳng có ý nghĩa gì cả.
Làm thế nào các bạn có được một ý tưởng nào đó; một ý tưởng rất giản dị, không cần phải triết lý; tôn giáo hay kinh tế gì cả? Làm thế nào các bạn có được một ý tưởng giản dị thông thường? Hiển nhiên nó là một biến trình tư tưởng? Ý tưởng chỉ là kết quả của một biến trình tư tưởng. Nếu không có biến trình tư tưởng, không thể nào có được ý tưởng. Thế thì tôi phải tìm hiểu chính biến trình tư tưởng trước khi tìm hiểu sản phẩm của nó, tức là ý tưởng.
Tư tưởng là gì? Khi nào các bạn suy nghĩ, các bạn tư tưởng? Hiển nhiên không thể nào chối cãi được, tư tưởng là kết quả của một sự đáp ứng, đáp ứng của thần kinh hệ hay của tâm lý, phải thế chăng?
Tư tưởng là sự đáp ứng trực tiếp của những giác quan đối với một khích động nào đó; hoặc nó là sự đáp ứng tâm lý, sự đáp ứng của trí nhớ, ký ức tích lũy. Có sự đáp ứng trực tiếp của những giây thần kinh đối với một khích động nào đó, và có một sự đáp ứng tâm lý xuất phát từ ký ức tích lũy, kể cả ảnh hưởng của nòi giống, bè nhóm, sư phụ, gia đình, truyền thống, vân vân, tất cả những thứ đó được các bạn gọi là tư tưởng. Thế thì phải chăng biến trình tư tưởng là sự đáp ứng của ký ức?
Các bạn sẽ không có được tư tưởng nào cả, nếu các bạn không có trí nhớ, ký ức, sự đáp ứng của trí nhớ đối lại một kinh nghiệm nào đó, chính sự đáp ứng ấy đã khiến cho biến trình tư tưởng được tác động vận hành.
Thí dụ như khi tôi tự gọi mình là một người Ấn, tôi đã có ký ức tích lũy về chủ nghĩa quốc gia. Sự tích trữ trí nhớ về những phản ứng quá khứ, những hành động, những tiềm ý, những truyền thống, tập quán, tất cả sự tích lũy ký ức ấy đã đáp ứng lại sự gợi thách của một người Hồi giáo, người đạo Phật hoặc đạo Thiên Chúa; sự đáp ứng của ký ức đối lại với một sự thách đố bên ngoài đã tạo ra biến trình tư tưởng.
Hãy nhìn biến trình tư tưởng đang vận hành trong tâm trí các bạn và các bạn có thể chứng nghiệm được sự thực này một cách trực tiếp. Một người nào đó đã mạ lỵ sỉ nhục bạn, và sự mạ lỵ sỉ nhục ấy còn lưu lại trong ký ức bạn, nó thuộc vào thành phần của hậu cảnh tâm tư bạn. Khi bạn gặp lại người ấy sự gặp gỡ ấy tức là sự thách đố, sự đáp ứng lại chính là trí nhớ điều mạ lỵ sỉ nhục ấy.
Thế thì sự đáp ứng của ký ức, tức là biến trình tư tưởng, đã tạo ra một ý tưởng nào đó, do đó, ý tưởng ấy luôn luôn vẫn bị qui định, chúng ta phải ghi nhận điều quan trọng này. Nói rõ hơn, ý tưởng là sự đáp ứng của ký ức, và ký ức vẫn luôn luôn bị qui định. Ký ức luôn luôn thuộc về quá khứ, và quá khứ được hồi sinh trong hiện tại bởi một sự thách đố nào đó.
Chính ký ức chẳng có đời sống riêng biệt nào cả, nó chỉ sinh hoạt trong hiện tại khi phải đối mặt va chạm với một sự thách đố nào đó xảy tới. Và phải chăng tất cả ký ức, dù chìm hay nổi, đều bị qui định? Vì thế chúng ta phải tìm hiểu bằng một đường lối khác hẳn. Các bạn phải tự kiểm trong nội tâm các bạn, tìm hiểu xem rằng có phải các bạn đang tác động trên một ý tưởng nào đó và xem có thể nào có được hành động mà không có sự vận hành của ý niệm. Chúng ta hãy tìm xem nội dung của hành động không lệ thuộc vào ý tưởng.
Khi nào các bạn hành động mà không phải vướng kẹt trong sự vận hành của ý niệm? Khi nào có thể có được hành động không phải là hậu quả của kinh nghiệm? Như chúng ta đã bàn bạc, bất cứ một hành động nào được xây dựng nền tảng trên kinh nghiệm đều phải giới hạn và chỉ làm chướng ngại án ngữ. Hành động nào không phải là kết quả của một ý tưởng thì tất nhiên phát hiện đột ngột bất ngờ một cách tự nhiên, lúc biến trình tư tưởng xuất phát từ kinh nghiệm không còn kiểm soát hành động; nói thế nghĩa là chúng ta có thể thực hiện được hành động độc lập, không lệ thuộc vào kinh nghiệm, khi nào tâm trí không còn kiểm soát hành động nữa.
Chỉ khi nào mình đạt tới trạng thái ấy mới thể hiện được sự giao cảm: chỉ khi nào tâm trí xây dựng trên kinh nghiệm không còn khuôn đúc hành động nữa. Hành động là gì, lúc biến trình tư tưởng không còn nữa? Có thể nào thực hiện được hành động mà không kẹt trong biến trình tư tưởng?
Nói rõ hơn như chẳng hạn lúc tôi muốn xây cất một cây cầu, một ngôi nhà, tôi biết rõ kỹ thuật xây cất và kỹ thuật ấy chỉ cách tôi xây cất cho đàng hoàng. Chúng ta gọi đó là hành động. Viết một bài thơ, vẽ một bức tranh, gánh vác trách nhiệm hành chánh, những phản ứng xã hội hoàn cảnh, tất cả những việc làm này đều được gọi là hành động. Tất cả hành động này đều được thiết lập trên một ý tưởng nào đó hoặc một kinh nghiệm đã qua nào đó, ý tưởng hoặc kinh nghiệm ấy uốn nắn hành động. Nhưng có thể nào thực hiện được một hành động, lúc biến trình ý niệm không vận hành?
Nhất định là có thể thực hiện được hành động ấy khi nào ý tưởng ngừng lại, ý tưởng chỉ dứt đi khi nào tình thương, tình yêu thoáng hiện. Tình yêu không phải là ký ức, trí nhớ. Tình yêu không phải là kinh nghiệm. Tình yêu không phải là nghĩ nhớ đến một người mình đang yêu, vì việc nghĩ nhớ ấy chỉ là tư tưởng. Các bạn không thể nghĩ về tình yêu được. Các bạn có thể nghĩ tới người các bạn đang yêu hay qui phục, như bậc tôn sư, hình tượng, vợ, chồng; nhưng ý nghĩ, tư tưởng chỉ là biểu tượng, không phải là thực thể, tức là tình yêu. Do đó tình yêu không phải là một kinh nghiệm.
Khi nào có tình yêu thì có hành động ngay lập tức, phải thế không? Và hành động ấy phải chăng mới giải phóng? Hành động ấy phải là kết quả của sự vận hành tâm niệm, không thể nào có biên giới phân cách giữa tình yêu và hành động như trường hợp giữa ý tưởng và hành động.
Ý tưởng luôn luôn cũ kỹ, ám bóng đen phủ lên hiện tại; và chúng ta phải luôn luôn cố gắng xây lại nhịp cầu nối tiếp hành động và ý tưởng. Khi nào tình yêu xuất hiện, tình yêu ở đây không có nghĩa sự vận hành tâm thức, vận hành ý niệm, cũng không có nghĩa trí nhớ, ký ức; và không phải là hậu quả của một kinh nghiệm nào đó, một kỷ cương tác hành nào đó, khi nào tình yêu xuất hiện và không mang những ý nghĩa vừa kể, lúc đó, ngay lập tức, chính tình yêu ấy là hành động rồi.
Chỉ có điều độc nhất này mới giải phóng được mọi sự. Không thể nào giải thoát được, nếu sự vận hành tâm tưởng còn đó, nếu hành động còn bị khuôn đúc bởi một ý tưởng, tức là bởi kinh nghiệm, nếu biến trình vận hành tâm niệm ấy còn tiếp diễn thì tất cả hành động đều bị giới hạn.
Lúc nào mình thấy được sự thực này, lúc ấy chất tính của tình yêu mới xuất hiện; tình yêu ở đây không còn lệ thuộc tâm thức và các bạn không thể nào nghĩ về tình yêu được.
Mình phải ý thức trọn vẹn tiến trình vừa kể, tìm hiểu cách hình thành của những ý tưởng, tìm hiểu xem hành động đã xuất phát từ những ý tưởng như thế nào, giới hạn hành động ra làm sao và tùy thuộc vào cảm giác thế nào. Tìm hiểu xem ý tưởng tùy thuộc ra làm sao và tùy thuộc vào cảm giác thế nào, ý tưởng thuộc về ai, về phe tả hay phe cực hữu, điều ấy hoàn toàn không quan trọng gì cả.
Khi nào mình còn đeo bám vào những ý tưởng, mình vẫn phải bị vướng trong một tâm thái chật vật khó lòng thể nghiệm, trực nghiệm bất cứ sự việc gì. Lúc ấy, chúng ta chỉ sống hời hợt trong cương thổ của thời gian, chỉ sống trong quá khứ, quá khứ tạo ra cảm giác, hoặc nếu sống trong tương lai thì đó cũng chỉ là một hình thức cảm giác khác. Chỉ khi nào tâm trí được giải thoát ra ngoài ý tưởng, chỉ lúc ấy mới thành tựu được sự trực nghiệm hiện thể.
Những ý tưởng không phải là chân lý, và chân lý là một sự thể cần phải được trực nghiệm tức thì, từ giây phút này đến giây phút khác. Đó không phải là một kinh nghiệm mà các bạn có thể muốn được, nếu có thể muốn được thì đó không phải là chân lý; mà chỉ là cảm giác. Chỉ khi nào mình có thể vượt qua được mớ ý tưởng chằng chịt trong đầu (tức là bản ngã, cái ‘tôi’ nghĩa là tâm trí, tâm trí ấy được liên tục đôi phần hay trọn vẹn), chỉ khi nào mình có thể vượt qua được những thứ ấy, khi nào tư tưởng được im lặng một cách trọn vẹn, chỉ lúc đó mới có được tâm thái trực nghiệm. Lúc đó, mình sẽ biết được bản tính của chân lý.
➡️ Chương 6