10 Mẩu Truyện Thiền cho Đời Sống Thường Nhật Con Người - Câu truyện thiền số 8

 NGƯỜI CHO PHẢI CÁM ƠN

"Thiền Sư Seistsu kêu gọi tín đồ đóng góp để xây một thính đường mới rộng lớn hơn vì số lượng người đến nghe pháp quá đông; giảng đường hiện tại không đủ sức chứa.

Umezu, một thương gia giàu có, hiện diện tại buổi kêu gọi ủng hộ đó, cúng dường 500 đồng tiền vàng. Ông ta mang tiền dến đưa tận tay Thiền Sư Seistsu và Thiền Sư nói: "Được rồi, tôi nhận. Để đó đi!"

Umezu đưa túi tiền vàng cho Thiền Sư, nhưng ông ta không được vui mấy với thái độ dửng dưng của Thiền Sư Seistsụ Số tiền 500 đồng tiền vàng rất lớn, vì thời đó, người ta có thể sống cả năm trời chỉ với 3 đồng tiền vàng mà thôi; thế mà Thiền Sư lại chẳng nói một câu cám ơn nào.

"Trong túi là 500 đồng tiền vàng đấy, Sư ạ!" Umezu nói.

"Ông đã nói với tôi rồi cơ mà!" Thiền Sư trả lời.

"Mặc dù tôi là một thương gia giàu có, 500 đồng tiền vàng cũng không phải là số nhỏ đâu!"

"À, vậy là ông muốn tôi phải cám ơn ông chứ gì?" Thiền Sư hỏi.

"Ngài phải như thế mới đúng chứ?"

" Tại sao? Người cho cần phải cám ơn người nhận chứ? "

Có hai cách sống, hai con đường phải đi: một là sống đúng, đi đúng; hai là sống sai, đi sai. Sống đúng, đi đúng là chia xẻ, là cho, là ban tặng, là yêu thương. Sống sai, đi sai là thâu góp, là nắm giữ, là khuynh loát, là thống trị. Tình Yêu và Tiền Bạc là hai ví dụ điển hình nhất cho hai phương pháp sống và hành xử của con người. Tình Yêu là con đường đúng và Tiền Bạc là con đường dẫn tới hậu quả sai lầm đáng tiếc. Song buồn thay, hầu hết mọi người đều thích đi con đường thứ hai, con đường tiền bạc.

Tại sao điều đáng tiếc đó lại xảy ra vậy? Tại sao mọi người lại sai lầm? Qui luật nào, động lực nào thúc đẩy con người đắm say tiền bạc; dù họ biết là sẽ có một ngày họ Ôm hận.

Ta cần phải thâm nhập thật sâu thật sát vào nội tâm con người, phân tích mổ xẻ kỹ lưỡng tâm lý từng nhân vật điển hình trong câu truyện thiền số 8, những nhân vật biểu trưng cho chúng tạ Nếu ta không hiểu được câu truyện này, thì ta không thể hiểu được Phật, hiểu Chúa, hiểu Mahavirạ Không, không bao giờ được, vì những thánh nhân này đi trên con đường Thương Yêu, ta ngất ngưỡng say trên con đường tiền tài danh vọng. Hai con đường song song, không bao giờ gặp nhau tại một trung điểm nào cả. Phàm và Thánh không thể nào, không bao giờ chạm mặt.

Đôi lúc, ngay khi ta cố gắng hiểu Mahavira, hiểu Chúa, hiểu Phật, ta cũng hiểu các đấng thánh nhân đó qua từ ngữ "Tiền bạc". Những tín đồ Kỳ Na Giáo tính toán Mahavira đã rời bỏ những gì, bao nhiêu. Cái danh từ "Bao nhiêu" mới quan trọng, mới là điểm chính. Nếu Mahavira là con một kẻ ăn mày, bọn người này sẽ không tôn sùng ông ta đâu. May mắn thay, Mahavira là một thái tử, con một vị Vuạ Vị Vua này trị vì một vương quốc rộng lớn, ngọc ngà châu báu vô số —và Mahavira đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, ra đi tìm chân lý. Bất thình lình, Mahavira trở nên quan trọng, nổi bật lên giữa đám đông người ô hợp phàm tục. Vương quốc, tiền bạc, ngọc ngà, châu báu... bị từ bỏ, bị để lại sau lưng; chính điểm đó làm người ta quan tâm chú ý chứ không phải cái tư chất cao quí, cái phẩm cách thuần lương tối thượng của Mahavira làm người ta coi trọng.

Qua những con số, người ta tôn sùng đánh giá một người. Ba đấng giáo chủ của ba tôn giáo lớn ở Ấn: Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo đều xuất thân là thái tử, con Vua cả. Đó là Đức Phật, Krishna và Ramạ Chính cái điểm xuất thân quyền quí cao sang đó hấp dẫn người ta nhiều nhất, làm người ta sẵn sàng quì lạy dưới chân. Buồn thay! Vì thế, tôi đã nói người mê tiền sẽ không thể nào hiểu được người coi thường vật chất. Họ không bao giờ gặp nhau cả. Đó là lý do các bậc Thánh nhân rất cô độc trên bước đường giải thoát.

"Thiền Sư Seistsu kêu gọi mọi người đóng góp xây một thính đường rộng lớn hơn để đủ sức chứa số lượng tín đồ đông đảo.

Umezu, một thương gia giàu có, ủng hộ 500 đồng tiền vàng và tỏ vẻ không hài lòng thái độ dửng dưng của Thiền Sư... "

Qua câu truyện, ta nhận xét ngay Umezu là một tên nhà giàu keo kiệt bủn xỉn, coi trọng đồng tiền. Nhưng sao hắn ta lại dám bỏ ra 500 đồng tiền vàng? Hắn có mưu cầu lợi lộc gì chăng?

Thói thường, dân buôn bán là hạng người tính toán so đo lời lỗ rất kỹ. Bất cứ việc gì, họ đều đặt lên bàn cân đong đếm nặng nhẹ. Cái tập khí tính toán đó ăn sâu vào xương tủy họ, khó lòng đoạn trừ, nên dù hướng về tôn giáo, họ cũng đem sự linh thiêng tín ngưỡng lên bàn cân tính toán.

Umezu là một tên buôn bán; con số là mạng sống của ông tạ Nay đem ra 500 đồng tiền vàng, dĩ nhiên, Umezu muốn một sự trao đổi có lời. Có thể ông ta đã quá già và sắp chết, muốn dùng tiền để mua sự sung sướng chốn thiên đường. Năm trăm đồng tiền vàng kia có thể chỉ là một phần triệu gia sản của ông ta, có thấm thía gì đâu sự mua bán này? Thiền Sư Seistsu đã được mọi người tôn trọng tán thán là một bậc cao tăng khả kính, chắc chắn lời cầu nguyện của Sư sẽ giúp lão ta lên thiên đường, vậy bỏ ra 500 đồng tiền vàng mua lấy sự bình an sung sướng cảnh tiên vẫn còn quá rẻ. Umezu đã cân nhắc tính toán lời lỗ rất kỹ nên mới dám bỏ ra 500 đồng tiền vàng như vậy. Nhưng ông ta đã chưng hửng khó chiu. vì Thiền Sư Seistsu thản nhiên trước món tiền kếch sù kia.

"Được rồi, để đó đi!"

Lời nói của Thiền Sư như một gáo nước lạnh dội tạt vào mặt lão thương gia. Umezu tưởng rằng Thiền Sư phải rối rít cám ơn và tuyên bố với mọi người là lão đã ủng hộ đến 500 đồng tiền vàng (như mọi người đã từng làm khi có ai ủng hộ một số tiền lớn). Nào ngờ đâu, Sư Seistsu chỉ dửng dưng thốt lên vỏn vẹn "Được rồi, để đó đi" (có lẽ là Sư không biết vật giá bên ngoài nên cho là 500 đồng tiền vàng là không ra gì). Lão khó chịu ấm ức quá phải nhấn mạnh:

"Này Sư, trong túi là 500 đồng tiền vàng cơ đấy! Người ta chỉ cần 3 đồng thôi là đủ sống cả năm rồi!"

Thiền Sư vẫn chẳng chịu hiểu cho:

"Thì ông đã nói với tôi rồi!"

"Nhưng đến tận 500 đồng tiền vàng!"

"À, hóa ra ông muốn tôi phải cám ơn ông chứ gì?"

"Chứ sao, ít nhất Sư cũng phải như thế!"

"Tại sao? Người cho cần phải cám ơn người nhận chứ?"

Lão Umezu là con người tiền bạc. Mạng sống lão là tiền bạc; hơi thở lão là tiền bạc. Những gì lão nghĩ đều qua những con số và những dấu cộng, trừ, nhân, chia. Tiền bạc cần thiệt, cũng quan yếu trong đời sống con người; nhưng không phải là tất cả. Con người không phải sống chỉ vì tiền bạc, nhờ vào tiền bạc. Có những thứ mà tiền bạc không thể nào mua được như Hạnh Phúc, An Bình Tâm Trí, Phẩm Hạnh, Đạo Đức, Can Đảm, Trung Trực, v.v. và v.v... Nếu cuộc đời chỉ có tiền bạc thì tốt hơn hết ta nên chết quách cho xong. Chúa Giê Su cũng từng nói: "Con người không thể sống chỉ có bánh mì mà thôi". Ngài cũng hiểu rằng bánh mì (hay tiền bạc) là cần yếu; con người không thể sống thiếu bánh mì— song ở một góc độ, tầng bậc cao hơn đời sống thường nhật thì bánh mì hay tiền bạc chỉ là rơm rác.

Tuy nhiên, đối với lão Umezu, đối với hạng người sống vì tiền thì quả là khó chịu, không hài lòng nếu cho ra mà không nhận lại gì dù một lời cám ơn nồng nhiệt. Bánh sáp đi thì bánh qui phải lại chứ! Khi ta cho ai một vật gì, giúp ai một điều gì, ban cho với một điều kiện thì ta luôn cảm thấy không hài lòng thỏa mãn bởi vì điều kiện ta đòi hỏi người khác ít khi nào được đáp lại đầy đủ như ý. Trong tâm ta còn tham cầu, còn điều kiện, còn mong chờ đòi hỏi thì không bao giờ ta cảm thấy an lạc cả. Trong Sáu Phương Pháp Đưa Người Đến Bờ An Lạc Rốt Ráo (Lục Độ Ba La Mật), những người con Phật đều rõ lời Phật dạy là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ, đều phải ba la mật, nghĩa là rốt ráo vẳng lặng. Người cho, người nhận, vật cho đều không (đẳng tam luân không tịch) thì mới rốt ráo vượt qua đến bờ bên kia giác ngộ, giải thoát đau khổ ràng buộc. Thế cho nên, chúng ta mới qui ngưỡng, tôn trọng, tán thán, tôn xưng Đức Phật là Đấng Đạo Sư của trời người; Mahavira là giáo chủ - vì tính chất đạo hạnh cao quí tối thượng đó.

Đức Phật đã từ bỏ hoàng cung, phú quí vinh hoa cùng tình ái hạn hẹp, những cái mà hạng phàm tục thế nhân đua nhau tranh giành tận hưởng đến bươu đầu sứt trán để đi tìm Hạnh Phúc An Lạc Tuyệt Đối Vĩnh Hằng của nội tâm. Mahavira cũng đã rời xa ngai vàng để dấn thân vào cát bụi, ngõ hầu tìm giải thoát thực sự. Krishnamurti cũng đã bước xuống ngôi vị giáo chủ một tôn phái để khoác lên người chiếc áo "không nhà, không tôn phái, không địa vị". Làm sao những hạng phàm tục chúng ta đây hiểu được? Do đó, những bậc thánh, vĩ nhân bước thênh thang trên con đường thương yêu; chúng ta ngất ngưỡng lần mò trên con đường tăm tối của bạc tiền danh vọng. Cái hố thẳm đó các bạn đã đào sâu lắm rồi; cái giếng đục đó các bạn đã đào sâu lắm rồi; hãy trèo lên đi; dù khó nhọc đến mấy hãy cố trèo lên đi, đừng tụt sâu xuống nữa, các bạn ạ! Hãy quẳng đi những túi bạc đeo trên người các bạn, hãy cho đi với tấm lòng rộng mở; càng đeo nặng túi tham chừng nào, các bạn càng khó trèo lên đó. Cho đi vô điều kiện, cho đi không cần nhận lại.

Hãy nhìn những hiểm họa do vật chất văn minh kỹ thuật mang tới cho con người, cho sanh linh trên toàn địa cầu này.. Con người đã và đang chịu đựng những hậu qủa khốc liệt gì do lòng tham đem lại? Chiến tranh, ô nhiễm môi sinh, bệnh tật nan trị, bạo lực tung hoành và còn thiên tai hạn hán v.v... Thảm trạng thế giới đó xảy ra do lòng tham đắm của con người gây nên.

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên phải xả bỏ tiền bạc. Một khi đã quá dư thừa thì tóm thâu vào nữa, có ích lợi gì? Tích lũy càng nhiều, càng thêm tai họa. Hoa Kỳ là nước văn minh vật chất tột đỉnh nhưng đồng thời cũng là một quốc gia bị xáo trộn nhiều nhất. Nếu những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ biết dừng lại, cho bớt đi và cám ơn những người nhận, thì chúng sanh an lạc biết chừng nào?

Vị Thiền Sư nói: Người cho nên cám ơn!

Umezu nên cám ơn Thiền Sư đã nhận món quà. Chúng ta nên cám ơn người khác khi chúng ta giúp họ điều gì — vì có người nhận thì người cho mới có cơ hội để cho, để làm việc phước chứ. Người cho nên cám ơn, người nhận cũng cám ơn. Cả hai tương quan tương tức với nhau để cùng sinh tồn, cùng giải thoát. Các vị thiền sư sống giữa cuộc đời, cũng cần một chút vật thực qua ngày nuôi tấm thân tứ đại, nhưng các thiền sư vẫn thong dong tự tại vượt thoát ra ngoài sức chi phối mãnh liệt của vật chất. Tiền bạc chỉ là phương tiện trao đổi ở thế giới điên loạn này; đừng biến nó thành cứu cánh, đừng tự biến mình thành nô lệ. Người giác ngộ khác với chúng tạ Họ cũng sống giữa đời nhưng khôn khéo xử dụng những thủ thuật và uyển chuyển dùng những phương tiện đó để cảnh tỉnh dẫn dắt chúng ta leo lên miệng hố, đạp sóng tới bờ.

Ở Nhật Bản, có một dị nhân hay bị bắt vào tù vì tội ăn cắp — hôm nay ông ta lấy một món đồ nhỏ nầy, ngày mai ông ta lại ăn cắp một vật tầm thường khác. Không có vật gì đáng giá cả nhưng đó cũng là hành vi ăn cắp và vẫn phải bị ngồi tù. Ông ta vào tù ra tù đến cả 26 lần, và tội nhân trong tù đều là đệ tử của ông. Lần cuối cùng ông ra tù, ông đã 78 tuổi rồi, những đệ tử của ông khuyên: "Thôi, Thầy đã già rồi, đừng làm như thế nữa!" Ông đã trả lời: "Nếu ta không làm nữa thì ai sẽ vào tù để hóa độ những tội nhân kiả Ai sẽ giảng dạy, khuyên bảo chúng cải tà qui chánh? Nếu mọi người chỉ biết giải thoát sung sướng một mình mình thì ai sẽ là người vào địa ngục cứu khổ muôn loài? Ai là người bẻ khóa xiềng xích giải thoát cho sanh linh? Đó là con đường duy nhất ta phải làm, nếu không chúng sẽ không theo ta tu tập sửa đổi lỗi lầm."

Đó là cách cho của bậc giác ngộ, bậc đạt đạo —-ban cho chúng sanh sự giải thoát, ban cho chúng sanh trí tuệ.

Viết dến đây, tôi (người dịch) lại nhớ đến đại nguyện của ngài A Nan trong bài tựa thần chú Lăng Nghiêm: "... ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn."

Ngài A Nan đã lập thệ nguyện với đại hùng tâm: "đời năm trược hắc ám con xin vào trước, nếu có một chúng sanh nào chưa thành Phật, con đây cũng sẽ không nhập Niết Bàn vội để an hưởng giải thoát một mình... "

Đại thệ nguyện đó chỉ có bậc Bồ Tát mới làm nổi, còn chúng ta đây, giúp ai một tí đã kể công, cho ai một đồng đã mong người nhận ghi ơn tạc dạ, ủng hộ cúng dường thì muốn tên mình đưa lên bảng vàng công đức. Càng làm càng bành trướng bản ngã, càng làm càng chấp trước chiếm hữu.

Cuộc đời dày đặc những tham vọng ngông cuồng như thế đó. Thế nhân mang nặng những hệ lụy như thế đó. Vì thế, con người chỉ có một cách nhìn và một lối đi: đi xuống địa ngục!

Tôi và bạn có dại dột gì đi xuống địa ngục không? Chắc chắn không, bạn nhỉ? Vậy, đừng ôm giữ nữa, hãy buông xả đi! Buông xả chính là hương thiền tỏa ra. Buông xả chính là trở về cội nguồn, chân tâm, Phật tánh. Buông xả để thể nhập chân như, vạn sự nhẹ thênh, vẳng lặng, nhất thể (Doãn quốc Sỹ).

Người cho cần phải cám ơn.

Người cho cần phải buông xả.

Đó là nếp sống chân thật quân bình của Thiền.

Xách nước qua đây,

Đai tre ải đứt,

Thùng vỡ đáy tung,

Nước ào ra hết,

Đâu còn đáy nước trăng trong ,

Hư không còn lại tay không hững hờ.

Kìa, vành trăng Chân Lý!

👉 Câu truyện thiền số 9