Q 27: Về sự gọi tên


Hỏi: Làm thế nào mình có thể trực thức về một cảm xúc mà không gọi tên hoặc không đặt nhãn hiệu cho cảm xúc ấy? Nếu tôi có trực thức về một cảm giác, dường như tôi biết cảm giác ấy là cảm giác gì, gần như lập tức ngay lúc cảm giác ấy khởi phát. Hoặc là Ngài muốn nói với ý nghĩa khác khi Ngài bảo, ‘Đừng gọi tên, đặt tên cho cảm giác’?

Krishnamurti: Tại sao chúng ta lại đặt tên, gọi tên cho bất cứ sự thể nào phát hiện trong tâm thức mình? Tại sao chúng ta lại đặt một nhãn hiệu cho một đóa hoa, cho một người, cho một cảm giác? Hoặc là để truyền thông cảm giác mình, để diễn tả đóa hoa, vân vân và vân vân; hoặc là để tự đồng hóa với cảm giác ấy. Có phải thế không?

Tôi đặt tên cho một sự thể, một cảm giác, là để truyền đạt sự thể ấy, cảm giác ấy, chẳng hạn như khi tôi nói, ‘tôi cảm thấy giận dữ’, đó là để truyền đạt cảm giác nào đó trong tâm thức. Hoặc là tôi tự đồng hóa với cảm giác ấy để củng cố nó hoặc để giải tan nó hoặc để làm một cái gì đó.

Chúng ta đặt tên cho một sự vật, cho một đóa hoa hồng, để truyền thông nó cho những kẻ khác hoặc khi gọi tên như vậy, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu sự thể ấy. Chúng ta nói, ‘Đó là một đóa hoa hồng’ rồi nhìn lướt nhanh qua nó, và bỏ qua mà đi tới những sự vật khác. Nhờ vào việc gọi tên, đặt tên ấy chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu nó, chúng ta đã sắp loại nó và nghĩ rằng nhờ thế chúng ta mới hiểu trọn vẹn nội dung và vẻ đẹp của đóa hoa kia.

Lúc đặt tên cho một sự thể chúng ta chỉ đặt nó vào một phạm trù và chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu nó; chúng ta không ngắm nhìn nó một cách gần gũi kỹ lưỡng hơn. Nếu chúng ta không đặt tên cho nó thì thế nào chúng ta cũng bắt buộc phải nhìn ngắm nó. Nghĩa là chúng ta đi đến với đóa hoa hay bất cứ sự thể nào khác với một cái nhìn mới lạ tươi tắn, với một phẩm chất khảo sát mới lạ; chúng ta ngắm nhìn nó như là chưa bao giờ trông thấy nó trước kia.

Việc đặt tên, gọi tên là một cách tiện lợi dùng để tẩy đi những sự vật và những con người – như lúc mình nói rằng họ là người Đức, người Nhật, người Mỹ, người Ấn độ bạn có thể đặt cho họ một nhãn hiệu, rồi tẩy trừ nhãn hiệu ấy. Nếu bạn không đặt một nhãn hiệu cho người đời thì bạn buộc phải nhìn thấy họ, và lúc ấy thực là khó lòng giết người.

Bạn có thể tiêu diệt nhãn hiệu với một trái bom mà vẫn cảm thấy chính đáng, nhưng nếu bạn không đặt một nhãn hiệu và nhờ thế phải nhìn thấy một cá thể - dù cá thể ấy là một người hoặc một đóa hoa hoặc một sự việc ngẫu nhiên hoặc một cảm xúc – lúc ấy bạn bắt buộc phải nhìn lại, duyệt lại sự tương quan của bạn với sự thể ấy, và với hành động thích nghi sau đó.

Vì thế sự đặt tên hoặc dán nhãn hiệu là một cách tiện lợi để tẩy đi bất cứ việc gì, để phủ nhận, lên án hoặc biện minh nó. Đó là một khía cạnh của câu hỏi.

Tâm điểm nào xui khiến cho bạn đặt tên, trung điểm khởi phát việc đặt tên, chọn lựa, dán nhãn hiệu, trung điểm ấy là gì? Tất cả chúng ta đều cảm thấy có một trung điểm, một tâm điểm mà từ đó chúng ta hành động, từ đó chúng ta phán xét, từ đó chúng ta đặt tên, chúng ta cảm thấy có một tâm điểm như vậy, phải không? Vậy trung điểm, tâm điểm ấy là gì?

Một số người thích nghĩ rằng đó là một thể tính tâm linh, gọi là Thượng đế, hoặc muốn gọi sao cũng được. Vì thế chúng ta hãy tìm xem tâm điểm ấy, trung điểm ấy là gì mà tác dụng vẫn là đặt tên, gọi tên, sắp loại, phán xét. Hiển nhiên tâm điểm ấy chính là trí nhớ phải thế không? Một chuỗi dài những cảm giác, được đồng hóa tri nhận hoặc được ẩn giấu tiềm mặc – đó chính là quá khứ được lưu dưỡng nhờ hiện tại. Tâm điểm ấy, trung điểm ấy, dưỡng sinh bằng hiện tại qua việc đặt tên, dán nhãn hiệu, hồi tưởng.

Một chốc nữa, khi phơi bày vấn đề ra, chúng ta sẽ thấy rằng khi nào trung tâm điểm ấy vẫn hiện hữu thì không thể nào có được sự hiểu biết giao cảm. Chỉ khi nào tâm điểm ấy tiêu ma đi thì sự hiểu biết giao cảm mới xuất hiện, bởi vì rốt ráo chính tâm điểm kia là trí nhớ: trí nhớ về đủ loại kinh nghiệm khác nhau đã được đặt tên, dán nhãn hiệu, đồng hóa tri nhận.

Khởi phát từ những kinh nghiệm được gọi tên, được đặt nhãn hiệu ấy, xuất phát từ trung điểm ấy mới xuất hiện việc chấp nhận và phủ nhận, lòng quyết định thế này hay không thế kia, tùy thuận theo những cảm giác những sự khoái lạc và những đau đớn của trí nhớ về kinh nghiệm. Vì thế trung tâm điểm kia là tiếng, lời, chữ. Nếu bạn không gọi tên trung tâm điểm kia thì nó có hiện hữu không?

Nghĩa là nếu bạn không suy nghĩ qua những phạm trù của những chữ thì bạn có thể suy nghĩ không? Sự suy tư chỉ thành hình qua trung gian của tiến trình ngôn từ hoặc tiến trình ngôn từ bắt đầu thoại ứng với sự suy tư. Trung điểm ấy, tâm điểm ấy là trí nhớ về vô số những kinh nghiệm đau buồn vui sướng và những kinh nghiệm này đã được lưu giữ nhờ tiến trình ngôn thức. Các bạn hãy tự ngắm nhìn sự việc này và các bạn sẽ thấy rằng những tiếng chữ, đã trở thành quá quan trọng, những nhãn hiệu đã trở nên quá quan trọng, quan trọng hơn cả thực chất và chúng ta đều sống bằng ngôn từ.

Đối với chúng ta, những tiếng như chân lý, Thượng đế, đã trở thành vô cùng quan trọng – hoặc cảm giác mà những tiếng này đã biểu hiện. Khi chúng ta nói những tiếng như ‘Huê kỳ’, ‘Thiên chúa giáo’, ‘Ấn độ giáo’ hoặc tiếng ‘giận dữ’ thì lúc ấy chúng ta chính là tiếng ấy, tức là sự diễn đạt cảm giác. Nhưng chúng ta không biết cảm giác ấy là gì, bởi vì danh từ, tiếng lời đã trở nên quan trọng.

Khi bạn tự gọi mình là một Phật tử, một người Thiên chúa giáo, thì tiếng gọi ấy có nghĩa gì, ý nghĩa nằm ẩn đằng sau tiếng ấy là gì, mà bạn không bao giờ khảo sát việc ấy? Trung điểm của chúng ta, tâm điểm ấy chính là tiếng danh từ nhãn hiệu. Nếu nhãn hiệu không quan trọng, nếu điều quan trọng là cái nằm đằng sau nhãn hiệu kia thì lúc ấy bạn mới có khả năng tra hỏi, nhưng nếu bạn bị đồng hóa với nhãn hiệu và dính gắn vào đó thì bạn không thể tiến hành việc tra hỏi được.

Chúng ta bị đồng hóa với nhãn hiệu, cái nhà, hình thể tên tuổi, đồ đạc, bàn ghế, ngân khoản ở nhà băng, những kích thích tố của chúng ta, vân vân. Chúng ta là tất cả mọi sự này – những sự vật này được biểu hiện bằng một tên. Những sự vật, đồ vật đã trở nên quan trọng, những tên gọi, những nhãn hiệu, đã trở nên quan trọng; và vì thế trung điểm, tâm điểm chính là tiếng, lời, ngôn từ.

Nếu không có tiếng, không có nhãn hiệu thì không có trung điểm, phải thế? Lúc ấy xuất hiện một sự giải tan, một sự trống không – không phải sự trống rỗng của sợ hãi, đây là một sự thể hoàn toàn khác hẳn. Mình có cảm giác như không là gì cả, bạn cảm thấy hoàn toàn mới lạ hẳn, vì bạn đã tống đi tất cả mọi nhãn hiệu, hay đúng hơn, bạn đã hiểu được lý do tại sao bạn đặt nhãn hiệu cho những cảm giác và những ý tưởng, khi hiểu được như thế, mình cảm thấy mới lạ, phải thế không?

Không còn một trung tâm điểm nào để từ đó phát xuất hành động của bạn. Trung tâm điểm, tức là tiếng, ngôn từ, đã được giải tan. Những nhãn hiệu đã được lấy đi và đâu là trung tâm điểm của bạn nữa? Bạn vẫn còn đó nhưng một sự chuyển biến tâm thức đã được thành hình. Sự chuyển biến tâm thức ấy có vẻ hơi khủng khiếp; vì thế bạn lại không tiến bước sâu hơn nữa với những gì còn dính dáng trong biến trình kia, bạn lại bắt đầu phê phán nó, thẩm định tâm trạng cảm tình của bạn đối với nó.

Bạn không tiến hành thực sự với điều hiểu biết lý hội về những gì đang diễn tiến, trái lại chưa chi, bạn đã phê phán rồi, nghĩa là bạn lại có một trung tâm điểm để hành động từ đó. Vì thế bạn ở lỳ cố định ngay vào lúc bạn phê phán; những tiếng ‘thích’ và ‘không thích’ trở nên quan trọng. Nhưng những gì xảy ra khi bạn không đặt tên? Bạn ngắm nhìn một cảm xúc, một cảm giác, một cách trực tiếp hơn nữa, và nhờ đó bạn có được sự tương quan đổi khác với nó, cũng như khi bạn có mối giao cảm khác hẳn với một đóa hoa khi bạn không đặt tên nó.

Bạn bị bắt buộc phải nhìn đóa hoa một cách mới lạ. Khi bạn không đặt tên cho một đoàn thể gồm nhiều người, bạn bắt buộc phải nhìn vào mỗi khuôn mặt từng người và không còn đối đãi họ như là đối với đám đông. Vì thế bạn cảm thấy trở nên tỉnh thức linh hoạt hơn, chăm chú để tâm hơn, tỏ nhiều sự hiểu biết hơn, bạn có tâm cảm trắc ẩn, thương yêu lưu luyến, sâu sắc hơn; nhưng nếu bạn đối xử họ như là một đám đông thì mọi sự đều dứt hết rồi, không còn gì nói được nữa.

Nếu bạn không đặt nhãn hiệu, bạn phải xem mỗi một cảm giác khi vừa lúc nó phát khởi. Khi bạn dán nhãn hiệu thì cảm giác có khác nhãn hiệu hay là nhãn hiệu đã đánh thức cảm giác? Xin bạn hãy nghĩ kỹ. Khi chúng ta dán nhãn hiệu, phần đông chúng ta đều đã tăng cường cảm giác. Cảm giác và sự đặt tên đồng phát khởi chớp nhoáng. Nếu có một lỗ hở khoảng cách giữa sự đặt tên và cảm giác thì lúc ấy bạn có thể tìm xem cảm giác có khác sự đặt tên và lúc ấy bạn mới có khả năng đối phó với cảm giác ấy mà không đặt tên nó.

Vấn đề là như vậy, phải thế không? Nghĩa là làm thế nào thoát ra khỏi một cảm giác mà ta đặt tên, chẳng hạn như sự giận dữ. Không phải tìm cách chế ngự, cao thượng hóa, đàn áp nó; làm như vậy thực là khờ khệch và ấu trĩ; vấn đề là làm thế nào thực sự thoát khỏi việc ấy? Muốn thực sự thoát khỏi nó, chúng ta cần phải khám phá xem phải chăng ngôn từ, tiếng chữ đã trở nên quan trọng hơn chính cảm giác. Tiếng ‘giận dữ’ quan trọng hơn chính cảm giác. Muốn thực sự khám phá điều ấy thì cần phải có lỗ trống, kẻ hở khoảng cách giữa cảm giác và sự đặt tên. Đây là một bình diện của vấn đề.

Nếu tôi không đặt tên cho một cảm giác nghĩa là nếu tư tưởng không chỉ tác động sinh hoạt vì những tiếng hoặc nếu tôi không suy tư bằng những phạm trù của những tiếng, những hình ảnh hoặc những biểu tượng mà phần đông chúng ta đều làm thế - nếu tôi không suy tư như vậy thì lúc ấy cái gì xảy ra? Chắc chắn lúc ấy tâm trí không phải chỉ là thực thể quan sát.

Khi tâm trí không suy tư qua trung gian của những tiếng, những biểu tượng, những hình ảnh thì không còn sự cách biệt giữa thực thể tư duy và sự tư duy, tức là ngôn từ, tiếng, lời. Lúc ấy, tâm trí được yên lặng, phải không? Được im lặng tự nhiên chứ không phải bị cưỡng ép im lặng. Khi tâm trí thực sự im lặng thì lúc ấy mình mới có thể đối phó lập tức với những cảm giác nào vừa phát khởi. Chỉ khi nào chúng ta đặt tên cho những cảm giác, và do đó, củng cố những cảm giác ấy thì những cảm giác ấy mới có được sự liên tục; chúng được chứa trữ trong trung tâm điểm của tâm thức và từ đó chúng ta mới đặt thêm nhiều nhãn hiệu, hoặc để củng cố, hoặc để truyền đạt chúng.

Khi tâm trí không còn là trung tâm điểm, không còn là thực thể tư duy được làm thành bởi những tiếng, những kinh nghiệm đã qua – tức là những kỷ niệm, những nhãn hiệu được tích trữ và được sắp loại vào ngăn kệ, phạm trù – khi tâm trí không làm những việc này thì lúc ấy tất nhiên tâm trí trở nên im lặng. Nó không còn bị ràng buộc, không còn có một trung tâm điểm khởi phát như là bản ngã – nhà của tôi, sự thành đạt của tôi, công việc của tôi – tức là những tiếng làm kích thích cảm giác và do đó, củng cố trí nhớ.

Khi tất cả mọi sự này không xảy ra thì tâm trí rất im lặng, trầm lặng. Trạng thái này không phải là một sự phủ nhận. Trái lại muốn đi tới điểm này, bạn phải trải qua tất cả những thứ ấy, một việc làm quá vất vả to tát; không phải chỉ học được một mớ chữ rồi lặp đi lặp lại như một đứa học trò – ‘không nên đặt tên’ ‘không nên đặt tên’. Theo dõi mọi sự trong tất cả ẩn nghĩa của chúng, thể nghiệm, tìm xem đường lối vận hành của tâm thức, rồi đi tới việc không đặt tên, nghĩa là, đi tới chỗ không còn một trung tâm điểm tách lìa khỏi tư tưởng – tất nhiên trọn vẹn tiến trình này chính là sự tham thiền thực sự.

Khi tâm trí thực sự trầm tĩnh, lúc ấy thực tại vô hạn mới có thể thành hình. Bất cứ tiến trình nào khác, bất cứ sự truy cầu thực tại nào khác, chỉ là tự phóng ảnh bản ngã, tự tạo và không thực. Nhưng tiến trình này rất gian nan, nghĩa là tâm trí phải thường xuyên có trực thức về mọi sự xảy ra trong nội tâm mình. Muốn đi tới điểm này, mình không thể phê phán hoặc biện minh từ đầu đến cuối – và tiến trình này không phải đưa đến sự chấm dứt hẳn. Không có sự chấm dứt hẳn, vì một việc tuyệt vời vẫn còn tiếp diễn. Đây không phải là lời hứa hẹn.

Chính bạn phải thể nghiệm lấy, phải đi sâu hơn nữa vào bản thân bạn, đi vào sâu thẳm đến nỗi tất cả những tầng lớp của trung tâm điểm đều được giải tan và bạn có thể làm như vậy một cách nhanh chóng hoặc một cách lười biếng. Thực là một việc tuyệt vời, đầy hứng thú mỗi khi mình ngắm tiến trình của tâm trí, cách lối lệ thuộc của tâm trí vào những tiếng, những tiếng đã kích thích trí nhớ như thế nào hoặc làm sống lại kinh nghiệm đã qua như thế nào và nuôi dưỡng kinh nghiệm ấy như thế nào.

Trong tiến trình ấy tâm trí đang sống trong tương lai hoặc trong quá khứ. Vì thế những tiếng giữ một vai trò trọng đại trên bình diện thần kinh học cũng như trên bình diện tâm lý. Xin các bạn đừng cố công học nhớ những lời nói của tôi hoặc cũng đừng học từ một quyển sách nào đó.



Các bạn không thể học lấy điều ấy từ một kẻ khác hoặc không thể tìm được điều ấy trong bất cứ quyển sách nào. Những gì các bạn học hoặc tìm thấy trong một quyển sách nào đều sẽ không thực. Nhưng các bạn có thể thí nghiệm điều ấy, các bạn tự ngắm nhìn bản thân trong hành động, tự ngắm nhìn khi đang suy nghĩ, nhìn xem các bạn suy nghĩ thế nào, nhìn xem lúc cảm giác vừa mới khởi phát thì bạn đặt tên cho cảm giác ấy nhanh như thế nào – và việc ngắm nhìn trọn vẹn tiến trình ấy giải phóng tâm trí khỏi trung tâm điểm của nó. Lúc ấy, tâm trí được trầm lặng và có thể đón nhận điều vĩnh cửu thiên thu.