Krishnamurti: Đối với chúng ta, trí nhớ có nghĩa là gì? Bạn đến trường để học và thu góp đầy sự kiện, tức là kiến thức có tính cách chuyên môn kỹ thuật. Nếu bạn là kỹ sư, bạn sử dụng ký ức về kiến thức chuyên môn để xây cất một chiếc cầu. Đó là trí nhớ có tính cách chuyên môn, trí nhớ sự kiện.
Nhưng cũng có một loại trí nhớ, gọi là trí nhớ tâm lý. Bạn nói điều gì đó với tôi, điều dễ chịu hoặc khó chịu, và tôi ghì giữ lại điều ấy trong trí, lần sau tôi gặp lại bạn, tôi gặp bạn với trí nhớ ấy của tôi, trí nhớ chứa đựng những gì bạn đã nói với tôi hoặc không nói với tôi. Có hai khía cạnh tâm lý và khía cạnh có tính cách sự kiện. Hai khía cạnh này đều luôn luôn liên hệ với nhau vì thế khó phân biệt rõ ràng lắm.
Chúng ta biết rằng trí nhớ có tính cách sự kiện rất cần thiết cho việc sinh sống nhưng trái lại trí nhớ tâm lý có cần thiết không? Yếu tố nào giữ lại trí nhớ tâm lý? Cái gì khiến cho có sự hồi nhớ tâm lý về lời sỉ nhục hoặc sự ngợi khen? Tại sao mình giữ lại một số kỷ niệm và vứt bỏ một số kỷ niệm khác? Cố nhiên mình chỉ giữ lại những kỷ niệm nào thú vị và tránh trốn những kỷ niệm khó chịu.
Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy rằng mình đã gạt bỏ những kỷ niệm đau đớn nhanh chóng hơn là những kỷ niệm vui sướng. Tâm trí là trí nhớ, dù ở cấp độ nào, dù mình gọi thế nào cũng được; tâm trí là sản phẩm của quá khứ, tức là trí nhớ, một trạng thái nô lệ, bị qui định. Thế mà với trí nhớ ấy chúng ta lại đối mặt với sự thách thức mới lạ của đời sống. Sự thách thức của cuộc đời vẫn luôn luôn mới lạ mà sự đáp ứng của chúng ta thì lại luôn luôn cũ kỹ, bởi vì sự đáp ứng của chúng ta chỉ là kết quả của quá khứ.
Vì thế sự hiện nghiệm và sự kinh nghiệm đều khác nhau, hiện nghiệm là kinh nghiệm không có trí nhớ và kinh nghiệm là kinh nghiệm với trí nhớ. Nghĩa là đời sống luôn luôn mở bày ra trước ta với sự thách thức mới lạ, luôn luôn mới lạ. Còn ta lại đón gặp đời sống với đáp ứng bị qui định bởi điều quen thuộc cũ kỹ. Vậy những gì xảy ra? Tôi hấp thu nuốt chửng điều mới lạ, tôi không hiểu được sự lạ; và sự hiện nghiệm về điều lạ đã bị quá khứ qui định. Vì thế mình chỉ có thể hiểu điều lạ một cách thiếu sót, không bao giờ có sự hiểu biết trọn vẹn. Chỉ khi nào mình hiểu trọn vẹn một sự việc thì sự việc ấy mới không để dấu sẹo trong trí nhớ.
Khi sự thách thức của cuộc đời hiện đến với tất cả sự mới lạ thì bạn đón gặp sự thách thức ấy với sự đáp ứng cũ kỹ. Sự đáp ứng cũ kỹ ấy qui định sự mới lạ, vặn méo sự mới lạ, khuynh ngược mọi sự, do đó, không thể nào mình hiểu được sự mới lạ một cách vẹn tròn, và sự mới lạ kia luôn luôn phải chịu nuốt chửng vào sự cũ kỹ và tăng trưởng củng cố sự cũ kỹ ấy.
Điều này có vẻ dường như trừu tượng, nhưng không khó hiểu lắm, nếu bạn chịu khó đi vào vấn đề một cách gần gũi hơn, và ý tứ hơn. Tình thế hiện nay ở thế giới đòi hỏi mình phải đối phó một cách mới lạ đường lối đối trị của mình phải mới mẻ vì vấn đề thế giới vẫn luôn luôn mới mẻ. Chúng ta không có khả năng đối trị vấn đề một cách mới lạ, vì chúng ta đi đến vấn đề với tâm trí nô lệ, với những thành kiến quốc gia, địa phương, gia đình, tôn giáo.
Những kinh nghiệm trước của chúng ta vẫn tác động thành một hàng rào chặn đứng sự tìm hiểu ngộ nhập điều thách thức mới lạ, vì thế chúng ta vẫn tiếp tục rèn luyện, củng cố trí nhớ, do đó, chúng ta không bao giờ hiểu sự mới lạ, chúng ta không bao giờ đón gặp sự thách thức một cách trọn vẹn, toàn triệt. Chỉ khi nào mình có khả năng đón nhận sự thách thức một cách mới mẻ, tươi tắn, chỉ lúc ấy sự thách thức kia mới chìa ra hoa thơm quả ngọt cho mình.
Người đặt câu hỏi nói ‘tôi nhớ rõ ràng những buổi nói chuyện trước của Ngài. Vậy trí nhớ là một kinh nghiệm thiếu sót trong ý nghĩa nào?’ Hiển nhiên đó là kinh nghiệm thiếu sót vì đó chỉ là một ấn tượng, một kỷ niệm. Nếu bạn hiểu được những gì đã được nói trước đây và thấy được sự thật của lời nói ấy thì sự thật kia, chân lý kia, không phải là một sự hồi nhớ được.
Chân lý không phải là trí nhớ, kỷ niệm, bởi vì chân lý luôn luôn mới lạ, luôn luôn biến chuyển tự tính – Bạn nhớ lại những buổi nói chuyện trước. Tại sao? Bởi vì bạn đã dùng buổi nói chuyện trước như một sự hướng dẫn nào đó trong đời, chứ bạn không hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của buổi nói chuyện ấy. Bạn muốn đi sâu vào ý nghĩa của buổi nói chuyện ấy, và vô tình hay cố tình, buổi nói chuyện ấy đã được giữ lại trong trí.
Nếu bạn hiểu điều gì một cách trọn vẹn, nghĩa là thấy được chân lý của điều ấy một cách hoàn toàn, bạn sẽ thấy rằng không có trí nhớ gì cả. Sự giáo dục của chúng ta là sự rèn luyện trí nhớ, củng cố trí nhớ. Sự tu hành và nghi lễ tôn giáo của bạn, sự đọc sách và kiến thức của bạn, tất cả đều là củng cố trí nhớ.
Nói thế có nghĩa là gì? Tại sao chúng ta lại bám víu vào trí nhớ? Tôi không biết bạn có để ý rằng khi mình lớn lên, trở nên già hơn, mình hay nhìn lại quá khứ, nhìn lại những nỗi vui, nỗi khổ, điều thú vị của quá khứ; nếu mình còn trẻ, mình lại nhìn về tương lai. Tại sao chúng ta làm thế? Tại sao trí nhớ lại trở nên quan trọng như vậy? Vì một lý do giản dị dễ thấy là chúng ta không biết cách sống trọn vẹn, hoàn toàn trong hiện tại. Chúng ta dùng hiện tại như là một phương tiện để đi đến tương lai, vì thế hiện tại không còn ý nghĩa quan trọng nữa.
Chúng ta không thể sống trong hiện tại, bởi vì chúng ta dùng hiện tại như là sự bước đi hướng tới tương lai. Bởi vì tôi đang trở thành một nhân vật gì đó, cho nên tôi không bao giờ tự hiểu mình một cách trọn vẹn, và muốn tự hiểu mình, hiện thể đích thực của mình là gì, muốn hiểu thế thì không cần phải tôi luyện trí nhớ. Trái lại, trí nhớ là chướng ngại vật cho sự lý hội về hiện thể.
Tôi không biết bạn có để ý rằng một tư tưởng mới, một cảm giác mới, chỉ hiện đến khi tâm trí không bị kẹt trong màn lưới của ký ức. Khi có khoảng cách giữa hai tư tưởng, giữa hai kỷ niệm, khi mình có thể ở lại với khoảng cách ấy, lúc ấy từ khoảng cách kia khởi phát lên một trạng thái mới lạ của hiện thể, và trạng thái hiện thể mới lạ này không còn là trí nhớ nữa.
Chúng ta có nhiều kỷ niệm, và chúng ta rèn luyện trí nhớ và dùng nó như một phương tiện để tiếp diễn đời sống liên tục. Cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’ trở nên vô cùng quan trọng khi mà sự rèn luyện trí nhớ vẫn còn đó, và vì phần đông chúng ta đều được làm thành bởi cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’, cho nên trí nhớ giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống chúng ta.
Nếu bạn không có trí nhớ thì tài sản của bạn, gia đình bạn, những ý tưởng của bạn sẽ không còn quan trọng như vậy nữa; vì thế muốn củng cố cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’, nên bạn rèn luyện trí nhớ. Nếu bạn để tâm chú ý, bạn sẽ thấy rằng có một khoảng cách giữa hai tư tưởng, giữa hai cảm xúc. Trong khoảng cách ấy, (khoảng cách ấy không phải là sản phẩm của trí nhớ), mình mới tìm được sự tự do phi thường, vượt ra ngoài cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’, và khoảng cách ấy là phi thời gian.
Chúng ta hãy nhìn vấn đề trong một chiều hướng khác. Chắc chắn trí nhớ là thời gian, phải thế không? Trí nhớ tạo ra ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai. Trí nhớ về ngày hôm qua qui định ngày hôm nay, do đó hun đúc ngày mai. Nghĩa là quá khứ băng ngang qua hiện tại và tạo ra tương lai. Một tiến trình thời gian vẫn liên tục tiếp diễn, tức là ý chí muốn thành đạt, muốn trở nên.
Trí nhớ là thời gian, và nhờ thời gian, chúng ta mong muốn hy vọng đạt tới một kết quả nào đó. Hôm nay tôi là người thư ký, rồi thời gian và cơ hội đến, tôi sẽ trở thành ông quản lý hoặc ông chủ. Vì thế, tôi cần phải có thời gian; cũng đồng một tâm thức y hệt như vậy, chúng ta nói như vầy, ‘tôi sẽ đạt tới thực tại, tôi sẽ tiến tới Thượng đế’. Do đó, tôi phải có thời gian để thực hiện, nghĩa là tôi phải rèn luyện trí nhớ, củng cố trí nhớ bằng sự thực hành, bằng kỷ luật, để làm một nhân vật nào đó, để thành đạt, thành tài, được lời lãi lợi lộc, nghĩa là được tiếp diễn liên tục trong thời gian.
Nhờ vào thời gian, chúng ta mong mỏi đạt tới điều phi thời gian; nhờ vào thời gian, chúng ta mong mỏi đạt tới sự vĩnh cửu. Bạn có thể làm như thế? Bạn có thể bắt chụp sự vĩnh cửu trong màn lưới của thời gian, qua trí nhớ, mà trí nhớ lại thuộc vào thời gian? Mình chỉ có thể đạt tới điều phi thời gian khi trí nhớ tức là cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’ ngừng lại. Nếu bạn thấy được sự thật của vấn đề ấy, nghĩa là mình không thể hiểu được hoặc đón nhận được điều phi thời gian qua phạm trù thời gian, khi lý hội được như vậy, lúc ấy, chúng ta mới có thể đi vào vấn đề trí nhớ, ký ức.
Trí nhớ về những sự việc chuyên môn kỹ thuật là một trí nhớ cần thiết quan yếu, nhưng trí nhớ tâm lý dùng để duy trì bản ngã, cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’, dùng để đồng hóa và tiếp diễn tự ngã; trí nhớ tâm lý ấy hoàn toàn có tính cách phương hại đến đời sống và đến thực tại. Khi mình thấy được sự thật của vấn đề ấy, điều sai lầm sẽ rơi mất đi, rồi tâm thức không còn lưu giữ lại kinh nghiệm của ngày qua.
Bạn ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn thực ngoạn mục, ngắm nhìn một cây mọc thực đẹp trên một cánh đồng, khi lần đầu tiên bạn ngắm nhìn nó, bạn tận hưởng ngây ngất một cách trọn vẹn, toàn triệt; nhưng khi bạn trở lại cảnh cũ và mong muốn tìm hưởng lại cảnh đẹp xưa; thế thì cái gì xảy ra khi bạn trở lại cảnh cũ để mong hưởng lại mọi sự? Không còn gì để hưởng nữa, bởi vì trí nhớ về cảnh tịch dương ngày qua, chính trí nhớ ấy đã khiến bạn trở lại cảnh cũ, đưa đẩy, thôi thúc bạn tận hưởng lại.
Ngày hôm qua không có trí nhớ gì cả, mà chỉ là sự thán thưởng tự nhiên, tự phát, một sự đáp ứng trực tiếp; nhưng ngày hôm nay, khi trở lại cảnh cũ, bạn lại thèm muốn bắt lại kinh nghiệm của ngày hôm qua. Nghĩa là, trí nhớ đang xen vào đứng giữa bạn và cảnh tịch dương, do đó, không còn sự say hưởng thưởng ngoạn nữa, không còn sự phong phú miên man nữa, sự tràn đầy trọn vẹn của cảnh đẹp tuyệt thế.
Thêm một trường hợp nữa, chẳng hạn, bạn có một người bạn, người ấy nói đôi điều với bạn vào ngày hôm qua, hắn sỉ nhục lăng mạ hoặc ngợi khen tán tụng bạn và bạn lưu giữ lại kỷ niệm; với kỷ niệm trí nhớ ấy, bạn lại đón nhận hắn vào ngày hôm nay. Thực ra thì bạn không đón nhận, trùng phùng người bạn của bạn, đúng ra bạn đã mang theo bạn trí nhớ của ngày hôm qua và ký ức ấy đã xen vào mọi sự.
Rồi chúng ta tiếp tục sống ở đời, vây phủ đời sống bản thân và hành động mình bằng trí nhớ, ký ức; do đó, không còn gì mới lạ, đời sống không còn mới lạ, trinh bạch tươi tắn nữa. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao trí nhớ đã làm cuộc đời trở nên mệt mỏi, khắc khoải, chán chường, hoang trống, hư vô.
Chúng ta sống thù nghịch với nhau, bởi vì cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’ đã được củng cố bằng trí nhớ. Trí nhớ xuất hiện vào đời sống qua hành động trong hiện tại: chúng ta nuôi dưỡng trí nhớ bằng hiện tại để cho trí nhớ hiện hữu, nhưng khi chúng ta không làm thế thì trí nhớ sẽ phôi pha triệt tiêu đi. Trí nhớ về những sự kiện, về những sự việc có tính cách kỹ thuật, là một trí nhớ cần thiết, điều này quá hiển nhiên rồi nhưng loại trí nhớ được hiểu như là sự ghì giữ về mặt tâm lý, loại trí nhớ này làm phương hại cho sự hiểu biết về đời sống, phương hại đến tình giao cảm tiếp thông giữa mình với người khác.