Chương 8 : Mâu thuẫn

Chúng ta nhìn thấy mâu thuẫn trong chúng ta và xung quanh chúng ta; chúng ta đánh mất sự thanh bình trong nội tâm mình và vì thế đánh mất luôn cả niềm thanh bình bên ngoài chúng ta, bởi vì chúng ta sống trong nỗi mâu thuẫn triền miên. Trong tâm hồn chúng ta xuất hiện thường xuyên trạng thái phủ nhận và chấp nhận; những gì mình muốn là thế và những gì mình đang là thế, giữa ý muốn và hiện thể bản tính có sự mâu thuẫn chênh lệch.

Trạng thái mâu thuẫn gây ra xung đột; xung đột không thể đem đến thanh bình được: đó là sự kiện quá hiển nhiên, đơn giản. Chúng ta không nên diễn dịch sự mâu thuẫn nội tại thành ra một thứ nhị thuyết triết lý, bởi vì làm như vậy chỉ là sự trốn tránh quá dễ dãi. Nói thế nghĩa là mỗi khi chúng ta cho rằng mâu thuẫn là một trạng thái nhị nguyên thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã giải quyết được mâu thuẫn: thực rõ ràng đó chỉ là một sự giả ước, một sự góp phần trong việc chạy trốn hiện thực.

Vậy thì đối với chúng ta xung đột nghĩa là gì, mâu thuẫn nghĩa là gì? Tại sao mâu thuẫn xuất hiện trong tâm tư tôi? Như sự quằn quại thường xuyên muốn trở thành một cái gì khác hẳn bản tính thực sự của tôi. Tôi là thế này, và tôi muốn là thế kia. Nỗi mâu thuẫn nội tại này là một sự kiện, chứ không phải một nhị thuyết siêu hình học.

Siêu hình học chẳng có ý nghĩa gì cả trong việc tìm hiểu cái đang là. Chẳng hạn như chúng ta có thể thảo luận về thuyết nhị nguyên, về bản chất của thuyết ấy, về sự hữu hay phi hữu của thuyết ấy, vân vân; nhưng những thứ ấy có giá trị gì đâu, khi mà chúng ta vẫn không biết rằng mâu thuẫn đang chi phối, lòng ta tràn đầy những khát vọng đối nghịch những quyền lợi đối nghịch, những sự đeo đuổi mục đích đối nghịch?

Tôi muốn trở nên một người tốt và tôi không thể trở nên được như vậy. Sự mâu thuẫn ấy, sự tương phản đối nghịch ấy trong lòng chúng ta, phải được lý giải, lĩnh hội đúng mức, vì nó gây ra xung đột; khi phải sống trong xung đột, trong chống chế tranh thủ, chúng ta không thể nào sáng tạo riêng lẻ được. Chúng ta hãy sáng suốt minh bạch về trạng thái mình đang sống. Vì có mâu thuẫn, nên mới có tranh chấp, chống đối chế ngự, và sự tranh đấu chống chế chính là sự phá hoại, sự hao tổn vô ích.

Sống trong trạng thái tâm tư như vậy, chúng ta không thể nào sáng tạo được gì cả mà lại chỉ gây thêm nhiều hiềm khích, tương tranh, thêm nhiều chua chát và sầu muộn. Nếu chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn điều vừa nêu và rồi giải thoát được ra ngoài mâu thuẫn, lúc bấy giờ, chúng ta mới có thể hưởng được niềm thanh thản nội tâm, chỉ có sự thanh bình tâm tư mới mang đến giao cảm giữa mình với người khác.

Vấn đề thực ra là như vậy, dù thấy rằng xung đột chỉ gây khốc hại hoang phí, vậy tại sao mâu thuẫn vẫn ngự trị trong mỗi người chúng ta? Muốn hiểu được điều ấy, chúng ta cần phải tiến thêm một bước xa hơn nữa.

Tại sao ta có cảm giác về những khát vọng đối nghịch nhau? Tôi không hiểu rằng chúng ta có ý thức được điều ấy trong tâm tư chúng ta, ý thức về nỗi mâu thuẫn, ý thức về cảm giác thèm muốn và không thèm muốn, về cảm giác tưởng nhớ một điều gì đó và cố gắng quên điều ấy để mà có thể tìm thấy một cái gì mới lạ.

Xin các bạn chỉ ngắm nhìn điều ấy. Điều ấy rất giản dị và rất thông thường. Đó không phải là một cái gì phi thường đâu. Sự kiện rõ ràng là mâu thuẫn hiện diện trong lòng ta. Thế thì tại sao sự mâu thuẫn ấy xuất hiện?

Đối với chúng ta, mâu thuẫn có nghĩa là gì? Phải chăng mâu thuẫn ngụ ngầm một trạng thái vô thường tương phản lại một trạng thái vô thường khác? Tôi nghĩ rằng tôi mang một khát vọng thường còn nào đó, tôi đặt trong tâm tư mình một lòng khát khao thường còn và rồi một lòng khát khao khác lại xuất hiện và đối nghịch mâu thuẫn lại lòng khát khao thường còn; sự mâu thuẫn này tạo ra xung đột và xung đột chỉ là một điều phung phí vô ích. Nói rõ hơn thì nỗi khát vọng này thường hay phủ nhận chối bỏ nỗi khát vọng kia, sự tìm kiếm đeo đuổi này tranh thủ với sự tìm kiếm đeo đuổi kia.

Vậy, có cái gì có thể được coi như là lòng thèm muốn khát vọng thường còn, có mãi, bất di dịch? Chắc chắn là tất cả lòng thèm muốn khát vọng đều vô thường, chóng qua, ở đây không nên hiểu theo nghĩa siêu hình học mà phải hiểu một cách hiện thực nhất. Tôi muốn có một công ăn việc làm. Nói rõ hơn, tôi xem một công việc làm ăn nào đó như là phương tiện đưa dẫn đến hạnh phúc; rồi khi tôi đã được việc làm, tôi lại bất mãn. Tôi muốn trở thành ông quản lý, rồi lại muốn trở thành ông chủ, vân vân và vân vân. Lòng ham muốn ấy chẳng những xảy ra ở thế gian này, mà còn hướng dẫn đến một thế giới gọi là ‘thế giới tâm linh’: thầy giáo muốn trở thành hiệu trưởng, linh mục muốn trở thành giám mục, học trò muốn trở thành thầy giáo.

Sự muốn trở thành liên tục này, muốn liên miên đi đến từ một trạng thái này đến một trạng thái khác, lòng ham muốn này đã gây ra một mâu thuẫn, phải thế không? Do đó, tại sao bắt buộc phải nhìn đời như là một lòng khao khát thường còn, thay vì xem nó như là một chuỗi khao khát nhất thời, chóng qua và luôn luôn tương phản đối nghịch với nhau? Thế thì tâm trí mình không cần phải sống trong trạng thái mâu thuẫn. Nếu tôi xem đời sống như là một chuỗi khát khao nhất thời, chứ không phải như là một nỗi khát khao thường còn, bất di dịch, nếu tôi xem đời sống như là một chuỗi khát khao biến dịch thay đổi thường xuyên thì lúc bấy giờ mâu thuẫn không còn xuất hiện nữa.

Mâu thuẫn chỉ phát hiện khi tâm trí có một điểm khát khao cố định; nghĩa là khi mà tâm trí không còn xem tất cả lòng khát khao như biến dịch, biến chuyển thay đổi nhất thời, nhưng lại tóm giữ một nỗi khao khát nào đó và biến nó thành ra cố định, thường còn, bất di dịch; chỉ lúc ấy, khi những nỗi khát vọng khác phát hiện thì mâu thuẫn lại xuất hiện. Nhưng tất cả nỗi khát vọng thèm muốn đều biến dịch, vận hành thường xuyên, không có khát vọng nào là khát vọng cố định. Không có nỗi khát khao thèm muốn nào là một cứ điểm nhất định, nhưng tâm trí lại tạo lập một cứ điểm nhất định bởi vì tâm trí xem mọi sự như là một phương tiện để đạt tới, để thâu nạp; và khi mà mình còn đang hướng tới một tiêu điểm nào đó thì mâu thuẫn, xung đột nhất định phải xuất hiện.

Bạn muốn tới nơi, bạn muốn thành đạt, bạn muốn tìm thấy một Thượng đế tối thượng hay chân lý nào khả dĩ mang tới lòng thỏa mãn bất di dịch cho các bạn. Do đó các bạn không phải đi tìm chân lý, các bạn cũng không đi tìm Thượng đế. Các bạn đi tìm sự thỏa mãn trường tồn lâu dài, và các bạn che đậy sự thỏa mãn bằng manh áo của một ý tưởng, một tiếng nghe rất khả kính như Thượng đế, chân lý; nhưng thực sự tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự thỏa mãn và chúng ta đặt sự thỏa mãn ấy trên một điểm cao nhất, gọi là Thượng đế, và điểm thấp nhất là rượu chè. Khi nào tâm trí còn đi tìm kiếm sự thỏa mãn thì không còn có sự khác nhau nào giữa Thượng đế và rượu chè.

Đứng về phương diện xã hội, việc say sưa rượu chè có thể là xấu xa; nhưng lòng thèm khát nội tâm muốn tìm thỏa mãn, muốn tìm lời lãi vốn liếng thì lại càng tai hại hơn nữa, phải thế không? Nếu các bạn thực sự muốn tìm thấy chân lý, các bạn phải chính trực một cách cực độ, không phải chỉ suông trong bình diện ngôn từ thôi, mà phải chính trực toàn triệt; các bạn phải sáng suốt minh bạch một cách phi thường, và các bạn không thể nào sáng suốt minh bạch nếu các bạn không muốn đối mặt với những sự kiện. 

Thế thì những gì đã đem đến mâu thuẫn trong mỗi chúng ta? Rõ ràng là lòng thèm khát muốn trở nên, trở thành một cái gì đó, phải thế không? Tất cả chúng ta đều muốn trở thành một cái gì đó, trở thành một người nào đó: trở thành một kẻ thành công ở thế gian này và thành đạt với một kết quả nào đó. Qua thời gian, qua phạm trù thành đạt, qua phạm trù địa vị quyền thế hiển nhiên sự mâu thuẫn phải xuất hiện.

Tựu chung, tâm trí là sản phẩm của thời gian. Tư tưởng đã được xây dựng trên nền móng của ngày hôm qua, trên nền móng của quá khứ, và khi nào tư tưởng sinh hoạt vận hành trong cương vực của thời gian, suy tư qua phạm trù của tương lai, của sự trở thành, thâu đạt, thành đạt, nhất định mâu thuẫn phải xuất hiện, vì lúc ấy chúng ta không thể đối mặt, chạm mặt đúng mức với cái đang là. Chỉ lúc nào ý thức được, hiểu được, ý thức một cách không chọn lựa về cái đang là, chỉ lúc ấy mới có thể có được tự do thoát khỏi yếu tố phân hóa, tức là sự mâu thuẫn.

Vì thế, phải chăng việc tìm hiểu trọn vẹn tiến trình suy tư của chúng ta là một việc rất cần thiết chính yếu? Vì chính trong tiến trình suy tư, ta mới tìm thấy được mâu thuẫn.

Chính tư tưởng đã trở thành mâu thuẫn vì chúng ta đã không hiểu trọn vẹn tiến trình bản thân chúng ta; sự tri kiến bản thân chỉ có thể thực hiện khi nào chúng ta hoàn toàn ý thức về tư tưởng chúng ta, không phải như là một quan sát viên đang tác động trên tư tưởng mà phải hoàn toàn ý thức về tư tưởng chúng ta một cách trọn vẹn và không chọn lựa; việc này vô cùng gian nan khó khăn. Nhưng chỉ có làm thế thì mới có thể phá tan mâu thuẫn khốc hại điêu đứng.

Lúc nào chúng ta còn cố gắng đạt tới một kết quả tâm lý, lúc nào chúng ta còn muốn thọ hưởng sự an ninh tâm thần, nhất định lúc ấy mâu thuẫn còn ngự trị trong đời sống chúng ta.

Tôi chẳng nghĩ rằng hầu hết chúng ta đã ý thức được sự mâu thuẫn này; hoặc giả nếu chúng ta ý thức được thì chúng ta lại không thấy được ý nghĩa thực thụ của nó. Ngược lại, mâu thuẫn lại làm kích thích tố cho đời sống, chính sự va chạm bất hòa, chính yếu tố xung khắc ấy đã gây cho chúng ta có cảm giác rằng chúng ta đang sống.

Sự nỗ lực và cơn quằn quại trong mâu thuẫn đã khiến cho chúng ta có cảm giác rằng chúng ta tràn đầy sinh khí. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta thích chiến tranh, tại sao chúng ta hưởng những nỗi dày vò vô vọng. Lúc nào chúng ta còn thèm khát muốn được đạt tới một kết quả nào đó, thèm khát muốn được bảo đảm an bình nội tâm, lúc ấy nhất định mâu thuẫn phát hiện; lúc nào mâu thuẫn còn đó thì tâm trí không thể nào trầm lặng được.

Sự trầm lặng của tâm trí rất cần thiết trong việc tìm hiểu ý nghĩa trọn vẹn của đời sống. Tư tưởng không thể nào trầm lặng được; tư tưởng, sản phẩm của thời gian, không bao giờ có thể tìm thấy sự phi thời gian, không bao giờ có thể biết được những gì vượt bên ngoài thời gian. Chính bản chất tư tưởng của chúng ta là một sự mâu thuẫn, vì chúng ta luôn luôn suy tư qua phạm trù của quá khứ hoặc của tương lai, vì thế chúng ta không bao giờ có thể tri nhận, không bao giờ có thể hoàn toàn ý thức được hiện tại.

Hoàn toàn ý thức được hiện tại là một việc vô cùng khó khăn, vì tâm trí không thể đối mặt trực tiếp với một sự kiện mà không thể bị vướng vào sự lường gạt. Tư tưởng là sản phẩm của quá khứ, vì thế tư tưởng chỉ có thể vận hành qua phạm trù của quá khứ hoặc của tương lai; tư tưởng không thể hoàn toàn ý thức về một sự kiện ngay trong hiện tại.

Khi mà tư tưởng, sản phẩm của quá khứ, còn cố gắng tiêu diệt mâu thuẫn và tiêu diệt tất cả những vấn đề phức tạp do mâu thuẫn gây ra thì tư tưởng chỉ là cố gắng đeo đuổi một kết quả nào đó, cố gắng tựu thành một cứu cánh, tư tưởng như thế chỉ tạo ra thêm nhiều mâu thuẫn, nghĩa là thêm nhiều xung đột, thống khổ và hỗn loạn trong tâm thức chúng ta và xung quanh chúng ta.

Muốn thoát khỏi sự mâu thuẫn, mình phải ý thức về hiện tại mà không chọn lựa gì cả.

Làm thế nào có thể chọn lựa gì khi các bạn đối mặt với một sự kiện? Hiển nhiên chúng ta không thể nào tri nhận được sự kiện khi mà tư tưởng cố gắng vận hành tác động trên sự kiện qua phạm trù của sự trở thành, biến dịch, thay đổi, chuyển biến. Vì thế sự tự tri là bước đầu của việc giao cảm; không có tự tri, mâu thuẫn và xung đột vẫn tiếp diễn ngự trị. Muốn biết được trọn vẹn tiến trình, muốn biết được toàn thể bản thân, việc ấy không đòi hỏi phải cần có bất cứ một chuyên viên nào, bất cứ một quyền uy thế lực nào cả. Chạy theo quyền uy thế lực chỉ sinh ra sợ hãi.

Không có một chuyên viên, một nhà chuyên môn nào có thể tỏ cho chúng ta hiểu được tiến trình bản ngã. Mình phải tự khảo sát bản ngã mình cho chính mình. Các bạn và tôi có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng cách nói với nhau bàn bạc với nhau về điều ấy, nhưng không ai có thể giải bày ra rõ ràng cho chúng ta; không có một chuyên viên hay một bậc đạo sư nào có thể khai thác nó cho chúng ta.

Chúng ta có thể ý thức về nó trong tương giao của chúng ta, tương giao với những sự vật, với tài sản, với con người và với những ý tưởng. Trong mối tương giao ấy, chúng ta sẽ khám phá rằng mâu thuẫn xuất hiện khi hành động tự khuôn đúc theo một ý tưởng. Ý tưởng chỉ là sự đúc kết của tư tưởng trong vai trò của một biểu tượng, và nỗ lực hướng đời sống ăn rập theo biểu tượng chỉ tạo ra mâu thuẫn thôi.

Vậy, khi nào tư tưởng còn tạo ra mẫu mực, còn khuôn thước, khi nào chúng ta còn có mẫu mực tư tưởng trong đầu thì lúc ấy mâu thuẫn còn tiếp diễn; muốn phá vỡ mẫu mực tư tưởng, do đó, đồng lúc phá vỡ luôn mâu thuẫn, thì sự tự tri, tự giác nhất định phải phát hiện trước tiên.

Sự tri kiến bản ngã không phải là một tiến trình hiếm hoi dành cho một số ít người. Mình có thể tri kiến được bản ngã ngay trong ngôn ngữ thông thường trong đời sống thường nhật, trong đường lối suy tư và cảm giác, trong cử chỉ thái độ nhìn một người khác. Nếu chúng ta có thể ý thức được mỗi một tư tưởng, mỗi một cảm giác trong từng giây phút, lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng mình hiểu được những động tác của bản ngã trong sự tương giao. Chỉ có lúc ấy sự trầm lặng của tâm thức mới có thể xuất hiện và chỉ trong niềm tĩnh lặng ấy, thực tại tối thượng mới hiện thể.