Chương 6: Vượt Thoát
Để thoát ly khỏi sự khống chế của khổ đau, điều tiên quyết là hãy nhận thức rằng bạn “có” một khối khổ đau sâu nặng ở trong mình. Đó là bước đầu tiên mà bạn cần làm. Bước kế tiếp và quan trọng hơn là bạn phải đủ sự có mặt, đủ sự tỉnh táo để nhận ra khối khổ đau sâu nặng đó ở trong mình – như là một cơn lốc của những cảm xúc tiêu cực – khi nó bắt đầu hoạt động. Một khi bạn đã nhận ra thì khối khổ đau sâu nặng đó không thể còn giả vờ là bạn được nữa, không còn khống chế được bạn và lấy thêm sức mạnh cho chính nó.
Chính năng lực Có Mặt đầy ý thức sẽ giúp bạn phá vỡ thói quen sai lầm tự đồng hóa mình với những khổ đau ở trong mình. Khi bạn không còn tự đồng hóa mình với khối khổ đau sâu nặng đó thì nó sẽ không còn kiểm soát được suy nghĩ của bạn và nó sẽ không còn tự nuôi lớn chính nó bởi những suy nghĩ tiêu cực của bạn. Hầu như mỗi khối khổ đau đều không dễ dàng tan biến ngay, nhưng một khi bạn đã tách biệt được nó với những suy nghĩ tiêu cực ở trong mình thì sức mạnh của khối khổ đau đó đã bắt đầu suy giảm. Suy nghĩ của bạn sẽ không còn bị những cảm giác khổ đau làm cho u ám, cảm nhận của bạn sẽ không còn bị quá khứ làm cho biến dạng. Năng lượng của bạn bị kìm hãm trong khối khổ đau đó sẽ dần dần thay đổi tần số rung và chuyển sang năng lực của an nhiên tự tại. Như thế khối khổ đau sâu nặng sẽ tiếp sức cho nhận thức. Điều này giải thích tại sao hầu hết các bậc giác ngộ nhất, thông thái nhất trên thế giới này đều đã từng là những người có khối khổ đau nặng nề.
Cho dù bên ngoài bạn có nói gì, làm gì hay gắn lên mình bộ mặt gì đi nữa thì bạn cũng không thể nào che giấu được trạng thái suy nghĩ hay cảm xúc của mình ở bên trong. Đó là vì mỗi người đều toát ra một trường năng lượng tương ứng với trạng thái tâm thức bên trong của mình và người khác có thể dễ dàng cảm nhận được trường năng lượng đó dù họ chưa ý thức rõ về linh cảm này. Điều này có nghĩa là tuy họ không ý thức được là họ đã cảm nhận được trường năng lượng ở người kia, nhưng chính năng lượng đó lại quyết định phần lớn cách họ cảm nhận và ứng xử với người bên kia. Một số người có thể cảm nhận rõ ràng về sự rung động của trường năng lượng này khi họ gặp một người nào đó lần đầu, thậm chí trước khi họ có cơ hội chuyện trò với nhau. Đến khi họ có dịp trò chuyện thì ngôn ngữ bắt đầu chi phối quan hệ của họ và kèm theo đó là các vai trò xã hội mà hầu hết mỗi người đều miễn cưỡng trình diễn theo khi phải tiếp xúc với người khác. Khi đó, sự chú ý của bạn chuyển đến các vấn đề của đầu óc, khiến cho khả năng cảm nhận trường năng lượng tỏa ra ở người khác giảm sút nhiều. Tuy vậy, khả năng ấy vẫn còn tồn tại ở cấp độ vô thức.
Khi bạn nhận thức rằng các khối khổ đau sâu nặng, trong vô thức, luôn muốn tìm kiếm thêm khổ đau mới, tức là chúng luôn muốn có một chuyện gì đó tồi tệ xảy ra. Chẳng hạn như việc có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra là do các tài xế có các khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động vào cùng một lúc. Khi cả hai tài xế có khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động cùng một lúc tiến đến một trục lộ giao thông thì khả năng xảy ra tai nạn lớn hơn gấp nhiều lần so với lúc bình thường. Đó là vì, một cách vô thức, cả hai đều muốn cho tai nạn xảy ra. Vai trò của các khối khổ đau sâu nặng trong các vụ tai nạn xe cộ biểu hiện rõ nhất trong hiện tượng được gọi là những “cơn cuồng nộ trên xa lộ” (road rage), những lúc đó, những người lái xe bỗng trở nên hung bạo khác thường, dù chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt như có ai đó lái xe quá chậm, hay lái cắt ngang phía trước đầu xe của họ…
Nhiều hành vi bạo lực gây ra từ những người mà ta vẫn cho là rất “bình thường”, nhưng trong nhất thời họ bỗng biến thành những kẻ điên rồ. Cho nên trong các phiên tòa, luật sư của họ thường nói: “Điều này là hoàn toàn không phù hợp với tư cách của thân chủ tôi”. Còn bị cáo thì nói: “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, một cái gì đó đã khống chế tôi”. Theo tôi, rất có thể là trong nay mai, những vị luật sư của chúng ta sẽ nói với quan tòa: “Thưa tòa, đây là trường hợp nên được giảm tội vì bị cáo đã mất tự chủ do bị khối khổ đau sâu nặng ở trong người kích thích và ông ấy đã không biết mình đang làm gì. Thật ra thủ phạm không phải là ông ấy, mà là khối khổ đau sâu nặng ở trong ông”.
Thế một người có chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm khi họ bị khống chế bởi khối khổ đau sâu nặng ở trong họ không? Dĩ nhiên là “Không”, làm sao họ có thể chịu trách nhiệm được? Làm sao bạn có thể chịu trách nhiệm cho một việc mà chính bạn không ý thức và bạn không biết rằng bạn đang làm gì? Tuy nhiên, cứ theo khuynh hướng này thì loài người đang dần dần đi đến chỗ trở nên có nhận thức hơn và những ai không đi theo xu thế đó sẽ phải nhận chịu hậu quả của những hành động mất nhận thức của họ. Vì họ không song hành với trào lưu phát triển của vũ trụ.
Điều này cũng chỉ đúng phần nào thôi, vì khi ta nhìn sự việc từ một cái nhìn bao quát hơn, bạn không thể nào không song hành với sự tiến hóa của vũ trụ, ngay cả những mê muội của con người và những khổ đau do nó gây ra cũng là một phần của quá trình tiến hóa này. Khi bạn không còn chịu đựng nổi những vòng luân hồi triền miên của khổ đau nữa thì bạn bắt đầu tỉnh thức. Do đó, khối khổ đau sâu nặng cũng có chức năng hữu ích của nó trong bức tranh toàn cảnh.
HIỆN HỮU
Một hôm, có người phụ nữ trạc ba mươi tuổi đến gặp tôi. Khi vừa chào hỏi nhau, tôi đã nhìn thấy niềm đau ẩn sau nụ cười lịch sự và xã giao của cô ấy. Rồi cô bắt đầu kể cho tôi câu chuyện của mình và chỉ trong vài giây, nụ cười tươi tắn của cô đã trở thành vẻ nhăn nhó của đau khổ. Sau đó thì cô khóc òa lên. Cô nói rằng cô cảm thấy rất cô đơn và không thỏa mãn trong lòng. Tôi có thể thấy là cô rất buồn và giận dữ. Cô kể, khi còn bé, cô đã bị ngược đãi vì có người cha bạo hành. Tôi thấy ngay là niềm đau của cô không phải do những gì đang xảy ra trong hoàn cảnh sống hiện thời của cô, mà do một khối khổ đau nặng nề của những gì đã xảy ra trong quá khứ. Khối khổ đau sâu nặng ở trong cô đã trở thành một “lăng kính méo mó” ảnh hưởng đến cách cô nhìn đời sống. Cô không thể thấy được mối liên hệ giữa thói quen suy nghĩ miên man và khối khổ đau sâu nặng ở trong cô, mà cô hoàn toàn tự đồng hóa mình với cả hai. Cô chưa thể thấy được chính suy nghĩ của mình đã tiếp sức cho khối khổ đau sâu nặng ở trong cô. Nói khác đi, cô đang sống với gánh nặng bởi một cái “Tôi” đầy bất hạnh. Tuy nhiên, ở một cấp độ khác, chắc hẳn cô đã nhận ra rằng khổ đau của cô phát xuất từ chính cô, rằng cô là gánh nặng của chính mình. Và bởi vì cô đã sẵn sàng để tỉnh thức nên cô đã tìm đến tôi.
Tôi hướng dẫn cô chú tâm vào những gì cô đang cảm thấy ở trong cô và yêu cầu cô cảm nhận nó một cách trực tiếp, chứ không phải qua những suy nghĩ đầy bất bình, hay qua những câu chuyện buồn của cô. Cô phản ứng lại bằng cách nói rằng cô đến đây để nhờ tôi chỉ cho cô một con đường để thoát ra khỏi những cảm giác khổ đau ấy, chứ không phải là để lún sâu vào đó. Tuy nhiên, cô vẫn miễn cưỡng làm theo những gì tôi hướng dẫn cho cô. Có lúc nước mắt cô chảy giàn giụa trên mặt và toàn thân cô run lên từng hồi. “Trong phút giây này, đây là những gì đang có mặt ở trong cô”, tôi nói. “Cô không thể tránh né hiện thực, những gì đang có mặt trong phút giây này, vì đây là những gì cô đang cảm nhận, thay vì cứ muốn cho giây phút này khác đi, tức là chống đối những gì đang có mặt, và tự tạo thêm khổ đau cho mình để cộng thêm vào nỗi đau đã có sẵn ở trong cô. Liệu cô có thể hoàn toàn chấp nhận những gì mà cô đang cảm nhận trong phút giây này?”.
Cô lặng người trong một lát. Rồi bỗng nhiên cô trở nên bồn chồn, gần như nhổm dậy và giận dữ trả lời: “Không, tôi không muốn chấp nhận thực trạng này”.
Tôi hỏi lại: “Vậy ai vừa nói câu này, cô hay là niềm bất mãn ở trong cô? Cô có thấy rằng niềm bất mãn của cô về tình trạng cô đang cảm thấy bất mãn ở trong cô chỉ là một lớp khác của niềm bất mãn?”. Cô lại lặng thinh. “Tôi không yêu cầu cô phải “làm” gì cả. Tôi chỉ yêu cầu cô là hãy xem rằng cô có thể để cho những gì mình đang cảm nhận được thể hiện ra hay không. Nói một cách khác, điều này có vẻ hơi kỳ khôi, rằng cô có ngại việc cho phép mình cảm nhận nỗi khổ đó hay không. Khi cô làm được như thế thì điều gì sẽ xảy ra với nỗi khổ của cô? Cô có muốn thử không?”.
Cô ấy hơi bối rối và rồi ngồi lặng yên trong một phút, sau đó tôi chợt nhận thấy có sự thay đổi đáng kể trong trường năng lượng của cô. Cô nói: “Thật kỳ lạ. Tôi vẫn còn cảm thấy nỗi khổ ở bên trong, nhưng giờ đây, quanh nó như có một khoảng không gian. Dường như nó không còn quá nghiêm trọng như trước đây”. Đây là lần đầu tiên tôi nghe một người diễn tả rằng: “Quanh nỗi bất bình của tôi, có một khoảng không gian”. Dĩ nhiên là khoảng không gian đó chỉ xuất hiện ở trong bạn khi bạn chấp nhận những gì đang xảy ra trong giây phút này.
Tôi không nói thêm gì mà để cho cô ấy có cơ hội tự trải nghiệm. Sau đó, cô đã hiểu ra rằng lúc cô thôi không còn tự đồng hóa mình với những cảm xúc đang xảy ra ở trong mình; thôi không còn tự đồng hóa với khối khổ đau sâu nặng xưa cũ đang sống ở trong mình; lúc cô trực tiếp chú tâm đến nỗi đau đó mà không chống lại thì nó không còn kiểm soát được suy nghĩ của cô nữa. Lúc đó khối khổ đau sâu nặng của cô sẽ không trộn lẫn với câu chuyện do lý trí dựng lên quanh con người đầy bất hạnh ở trong cô. Một chiều không gian mới đã đi vào đời cô và cô đã vượt lên trên quá khứ ở trong mình, đó là chiều không gian của Sự Có Mặt, của Hiện Hữu. Một người không thể nào cảm thấy bất bình nếu người đó không luôn nung nấu một câu chuyện đầy bất bình trong lòng mình. Cho nên đây là điểm kết thúc của nỗi bất bình ở trong cô, là bước đầu tiên để cô có thể chấm dứt khối khổ đau sâu nặng trong cô. Những cảm xúc tiêu cực tự nó không tạo ra niềm bất hạnh. Chỉ khi nào những cảm xúc đó đi kèm với một câu chuyện đầy bất hạnh mà chúng ta cả tin vào đó thì nó mới có thể tạo ra niềm bất hạnh ở trong ta.
Cuối buổi hẹn với cô ấy, tôi nhận thấy rằng mình vừa chứng kiến một sự trỗi dậy của Hiện Hữu, của Sự Có Mặt ở trong một con người. Mục đích của đời bạn chính là để đưa Sự Có Mặt, đưa ý thức vào trong thế giới này. Nhờ cô đấy mà tôi cũng chứng kiến được sự chuyển hóa của khối khổ đau sâu nặng ở trong một con người, không phải bằng sự giằng co, mà chỉ bằng việc đưa ý thức vào trong những gì đang xảy ra.
Vài phút sau khi cô ấy ra về, một người bạn của tôi ghé ngang để đưa cho tôi vài thứ lặt vặt. Khi vừa bước vào phòng, cô ấy nói: “Chuyện gì đã xảy ra ở đây vậy? Tôi cảm thấy không khí nặng nề và tối tăm quá. Nó làm tôi muốn phát bệnh. Xin mở cửa ra cho thoáng một tí nhé và đốt vài nén nhang lên”. Tôi giải thích là tôi vừa chứng kiến sự vượt thoát của một người có khối khổ đau rất nặng nề, những gì mà cô bạn tôi cảm thấy chính là năng lượng khổ đau của cô ấy đã để lại trong buổi gặp gỡ. Tuy vậy, cô bạn của tôi cũng không muốn nán lại lâu hơn mà chỉ muốn đi ngay ra khỏi chỗ ấy.
Những gì xảy ra sau đó là một sự khẳng định thêm và rõ ràng hơn về những gì tôi đã biết: Rằng trên một bình diện nào đó, mỗi khối khổ đau sâu nặng có vẻ như thuộc về riêng mỗi người, nhưng tất cả những khối khổ đau riêng đấy đều có liên quan với nhau, vì nó là một phần của khối khổ đau sâu nặng chung của tập thể. Sự khẳng định này cũng làm cho chính tôi cảm thấy rúng động.
KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG ĐÃ TRỞ LẠI
Một lúc sau, tôi đến ăn tối ở một tiệm ăn Ấn Độ ở gần đó. Trong quán chỉ có vài người khách, tôi ngồi vào bàn và gọi một vài món ăn. Ở chiếc bàn bên cạnh tôi là một người đàn ông trạc tuổi trung niên, ngồi trên một chiếc xe lăn; ông vừa ăn xong bữa. Ông ta đưa mắt nhìn tôi, dù chỉ một thoáng, nhưng ánh mắt của ông ta rất dữ dằn. Chỉ vài phút sau, ông ta bỗng trở nên nôn nóng và cáu kỉnh, người bắt đầu co giật. Lúc đó có một người hầu bàn đến thu dọn món ăn ở trên bàn của ông. Ông cáu gắt với người này: “Tiệm gì mà thức ăn tồi quá!”. Người hầu bàn bực bội hỏi vặn lại: “Thế sao ông lại ăn hết?”. Thế là đông ta nổi điên lên, bắt đầu la hét và phun ra những lời chửi rủa cay độc. Miệng ông liên hồi tuôn ra những lời lẽ thô tục. Năng lượng hằn học mạnh mẽ của ông tỏa ra khắp nơi trong quán. Người ta có thể cảm nhận năng lượng khổ đau của ông đang được vung vãi đây đó, và nó đang tìm cách để len vào từng tế bào của mỗi người chung quanh. Nó muốn tìm một cái gì đó cùng tần số khổ đau của nó để bám vào. Lúc này ông mắng luôn cả những thực khách khác đang ngồi ở trong quán. Nhưng lạ thay, ông lại hoàn toàn phớt lờ chiếc bàn của tôi ngồi, vì tôi đang ngồi với Sự Có Mặt cao độ. Tôi nghi rằng khối khổ đau sâu nặng chung của tập thể đã trở về và nó như muốn bảo với tôi rằng: “Đừng tưởng rằng ông đã khuất phục được tôi. Nhìn lại đi, tôi vẫn còn đây!”. Cũng có thể là trường năng lượng khổ đau của người phụ nữ mà tôi đã gặp thải ra, đang bám theo tôi đến đây và đeo bám lấy người có cùng một tần số rung tương thích – người cũng có một khối khổ đau nặng nề tương ứng ở bên trong.
Cuối cùng thì người quản lý tiệm ăn cũng mở cửa và bảo: “Xin ông đi ngay khỏi chỗ này”. Vẫn ngồi trên chiếc xe lăn, ông ta quay mình, bấm nút cho hai bánh xe lăn nhanh ra khỏi quán. Những thực khách còn lại đều ngơ ngác. Nhưng chỉ sau một phút, ông ta quay trở lại, có lẽ vì khối khổ đau sâu nặng ở trong ông vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn. Vì nó còn muốn lấy thêm sức mạnh. Ông ta dùng chiếc xe để mở cửa, miệng liên hồi tuôn ra những lời lẽ tục tĩu. Một cô hầu bàn có ý muốn ngăn ông ta lại. Ông liền lao xe tới rất nhanh và chèn cô vào chân tường. Một vài thực khách khác cố gắng ngăn ông ta lại, nhưng ông vẫn cứ la hét, náo động.
Một lát sau, khi cảnh sát được mời đến thì ông ta im bặt. Họ yêu cầu ông lập tức rời khỏi quán và không được quay trở lại. May là cô hầu bàn, ngoài vài chỗ xây xát ở chân, không bị thương tích gì nghiêm trọng. Khi mọi chuyện êm xuôi, viên quản lý bước đến bên bàn của tôi và hỏi, nửa đùa nửa thật: “Ông chính là người đã gây ra tất cả những hoạt náo này, đúng không?”.
KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG Ở TRẺ CON
Khối khổ đau sâu nặng ở trẻ con thỉnh thoảng được thể hiện ra qua nét ủ rủ, buồn rầu hay triệu chứng co ro, thu mình lại. Đứa trẻ lúc đó bỗng trở nên ủ dột, từ chối mọi giao tiếp với những người chung quanh, thường rút vào ngồi trong một góc khuất nào đó, tay ôm lấy một con búp bê hay mút đầu ngón tay. Cũng có thể khối khổ đau sâu nặng đó được thể hiện ra thành những trận la hét, khóc lóc thảm thương hay những cơn bùng nổ của tính khí. Đứa trẻ thường hay la hét, quay quắt, làm mình làm mẩy hay thích phá phách để tìm vui. Khi chúng muốn làm một chuyện gì mà bị cha mẹ cản trở thì khối khổ đau sâu nặng này trong chúng có thể dễ dàng bị kích thích, và trong một bản ngã đang phát triển như ở một đứa trẻ thì những ham muốn này có thể rất mạnh mẽ. Các bậc cha mẹ thường chỉ bất lực khoanh tay đứng nhìn mà chẳng thể nào hiểu nổi tại sao chỉ trong vài giây mà con mình – một thiên thần bé bỏng – lại có thể biến thành một con quỷ nhỏ. Họ tự hỏi “Làm sao mà con mình lại có khối khổ đau sâu nặng đó được?”. Đó chính là phần chia khổ đau của đứa trẻ (tất nhiên là ở các mức độ khác nhau) từ khối khổ đau sâu nặng tập thể của loài người, xuất hiện từ lúc con người có bản ngã.
Cũng có thể đứa trẻ đã tiếp nhận khối khổ đau sâu nặng từ cha mẹ của chúng. Trong trường hợp đó thì đứa trẻ quả là một bản sao nguyên vẹn những khổ đau đã có sẵn ở trong cha mẹ nó. Một số trẻ có mức nhạy cảm cao rất dễ bị tác động từ khối khổ đau sâu nặng ở cha mẹ chúng. Những bi kịch xảy ra giữa cha mẹ chúng sẽ gây ra những nỗi đau tình cảm hầu như vượt ngoài sức chịu đựng của chúng và thường thì những đứa trẻ này khi trưởng thành sẽ có những khối khổ đau rất nặng nề. Dù cố che giấu khéo léo đến mức nào thì những bất hòa giữa cha mẹ cũng không thể dối gạt được con trẻ, vì đằng sau những lời nói hòa nhã, năng lượng tiêu cực giữa cha mẹ vẫn tỏa ra tràn ngập không khí gia đình. Những khối khổ đau sâu nặng khi bị đè nén thường trở nên rất độc hại, chúng còn độc hại hơn những khối khổ đau được biểu lộ một cách công khai. Năng lượng đô nhiễm tâm lý này được đứa trẻ tiếp thu và góp phần làm lớn lên khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng.
Đa số trẻ con biết, dù chỉ trong tiềm thức, về bản ngã và khối khổ đau sâu nặng khi phải sống chung với cha mẹ chúng, những người mất nhận thức một cách sâu sắc. Một phụ nữ có cả cha lẫn mẹ đều là những người có bản ngã lớn và những khối khổ đau nặng nề có lần đã bảo tôi rằng, khi nghe cha mẹ cô quát mắng nhau thì, dù vẫn yêu thương họ, cô thường tự nhủ: “Cả hai người này điên cả rồi. Mà sao tôi lại sinh ra ở trong một gia đình như thế này?”. Cô có nhận thức về tính điên rồ của lối sống như vậy và nhận thức đó đã giúp cô giảm bớt nỗi khổ mà cô đã tiếp nhận từ cha mẹ cô.
Các bậc cha mẹ thường thắc mắc về việc làm sao để đối phó với khối khổ đau sâu nặng ở trong con cái của họ. Nhưng câu hỏi cần giải đáp trước tiên là họ có biết cách tiếp xúc và hóa giải được khối khổ đau sâu nặng ở trong chính họ hay không. Họ có khả năng để nhận ra khối khổ đau sâu nặng ở trong họ không khi khối khổ đau ấy bắt đầu phát tác? Các bậc cha mẹ có đủ Hiện Hữu, Sự Có Mặt sâu sắc để khi khối khổ đau sâu nặng ở trong họ bắt đầu hoạt động thì họ có thể nhận thức được những cảm xúc của mình và không để nó biến thành những suy nghĩ tiêu cực và qua đó mà biến họ thành những “con người bất hạnh?”.
Khi khối khổ đau sâu nặng ở trong một đứa bé đang hoạt động thì bạn không thể làm gì tốt hơn là hãy tỉnh táo, giữ mình Có Mặt để đừng bị lôi cuốn vào những phản ứng do cảm xúc gây ra. Vì khối khổ đau sâu nặng ở trong đứa trẻ chỉ chực chờ sự phản ứng vô thức của bạn. Những khối khổ đau sâu nặng ở trong đứa trẻ rất thích những bi kịch của khổ đau. Bạn không tham dự vào đó nhưng cũng đừng coi đó là một điều quá nghiêm trọng. Đừng chiều theo những yêu sách của đứa trẻ, nếu không thì đứa trẻ sẽ hiểu là: “À, mình càng làm tới thì mình càng được những gì mình đòi hỏi”. Đây là công thức của những tha hóa mà bạn vô tình tạo ra cho đứa trẻ trong cuộc sống sau này. Khi không gặp phản ứng của bạn thì những khối khổ đau sâu nặng trong đứa trẻ sẽ không được khích lệ và nhanh chóng trở nên lắng dịu. May là những cơn bộc phát của những khối khổ đau sâu nặng ở trẻ con thường ngắn ngủi hơn ở người lớn.
Ngày hôm sau khi các cháu đã lắng dịu, bạn có thể hỏi chúng về những gì xảy ra, nhưng đừng giải thích gì nhiều về khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng. Chẳng hạn bạn có thể hỏi: “Ngày hôm qua, con còn nhớ có cái gì đó ở trong con đã làm cho con khóc không? Con cảm thấy nó thế nào? Cảm giác đó có dễ chịu không? Cái chế ngự lấy con ấy, con có thể gọi tên nó là gì? Không ư? Nếu con có thể đặt tên cho cái đó thì con sẽ gọi nó là gì? Nếu con có thể nhìn thấy được nó thì nó trông như thế nào? Nếu con vẽ tranh để miêu tả nó thì con sẽ vẽ thế nào? Khi cảm giác ấy đi khỏi, thì trong người con cảm thấy như thế nào? Nó đi ngủ rồi phải không con? Cảm giác ấy có bao giờ trở lại với con không?”.
Đây là vài câu hỏi gợi ý và những câu hỏi này cốt để giúp đánh thức khả năng quan sát của đứa bé, tức là khả năng Hiện diện của chúng. Khả năng ấy sẽ giúp cho đứa bé không tự đồng hóa mình với khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng. Bạn có thể nói về khối khổ đau sâu nặng ở trong chính bạn nhưng bạn dùng cách nói của đứa trẻ để giúp các cháu dễ hiểu. Nên lần sau khi đứa trẻ bắt đầu bị khối khổ đau sâu nặng này khống chế thì bạn có thể nói: “Nó bắt đầu quay trở lại rồi, phải không con?”. Dùng những cách mà đứa bé đã dùng khi nói về điều này. Hướng sự chú ý của đứa trẻ vào chỗ đứa trẻ “cảm nhận” cái đó như thế nào. Hãy bày tỏ một thái độ quan tâm hoặc hiếu kỳ thay vì chỉ trích hay phê phán.
Có thể là cách này chưa thể ngăn chặn được sự hoành hành của khối khổ đau sâu nặng ở trong các cháu hoặc có thể là đứa trẻ sẽ không nghe lời bạn. Tuy nhiên, ngay khi khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động thì chút ý thức đó vẫn nằm trong nhận thức của đứa trẻ. Và sau mỗi lần khối khổ đau sâu nặng trong các cháu bộc phát, thì chút ý thức đó trong các cháu cũng mạnh lên và khối khổ đau sâu nặng sẽ suy yếu dần.
Đứa trẻ ngày càng lớn lên trong Hiện Hữu. Đến một lúc nào đó chính đứa trẻ lại là người sẽ chỉ cho bạn là khối khổ đau sâu nặng của bạn đang khống chế bạn.
NỖI BẤT BÌNH
Không phải nỗi bất bình nào cũng từ khối khổ đau sâu nặng gây ra. Có những bất bình được tạo ra khi bạn không song hành với phút giây hiện tại, khi bằng cách này hay cách khác, bạn từ chối Hiện Hữu. Khi bạn nhận ra rằng phút giây này luôn luôn là một điều hiển nhiên, một việc không thể nào khác đi được, thì lúc đó bạn sẽ biết chấp nhận sự việc từ trong nội tâm và vì thế bạn chẳng những sẽ không tạo thêm bất bình, mà do không còn thái độ chống đối ở bên trong, đời sống sẽ cho bạn thêm sức mạnh.
Những bất bình gây ra bởi khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn rõ ràng là quá đáng. Nói khác đi, đây là một phản ứng thái quá và ai cũng dễ dàng nhìn thấy điều này, ngoại trừ bạn, người đang mang cảm giác bất bình. Những người có khối khổ đau nặng nề luôn luôn dễ dàng tìm ra một lý do nào đó để cảm thấy buồn đau, giận dữ… Nguyên nhân của những niềm đau mạnh mẽ ấy lại là những việc chẳng quan trọng gì, một việc chỉ đáng cho người ta nhún vai bỏ qua, mỉm cười dễ dãi. Những chuyện cỏn con đó không phải là nguyên nhân thực sự mà chỉ là một giọt nước cuối cùng có tác dụng như một ngòi pháo làm mọi chuyện bùng nổ ra. Chúng làm sống lại những cảm xúc cũ. Những cảm xúc này sẽ đi vào trong đầu bạn, được khuếch đại và gia tăng sức mạnh của những cấu trúc của bản ngã ở trong bạn.
Quan hệ giữa bản ngã và khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn rất thân thiết với nhau, chúng như anh em một nhà. Chúng rất cần có nhau. Khi có một sự kiện hay một tình huống có tính chất kích thích nào đó, nó sẽ được suy diễn và phản ứng qua bộ lọc của bản ngã đầy cảm xúc. Điều này có nghĩa là ý nghĩa của sự việc đã bị bản ngã và khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn bóp méo hoàn toàn. Bạn nhìn thực tại qua lăng kính méo mó của quá khứ đầy những cảm xúc tiêu cực ở trong mình. Nói khác đi, những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận không phải là những điều nằm trong tự thân của sự kiện và tình huống đó, mà chỉ nằm ở trong bạn. Trong vài trường hợp, sự kiện hay tình huống là một điều xác thực, nhưng bạn lại phóng đại nó lên nhiều lần qua phản ứng đầy khổ đau của mình. Khuynh hướng phóng đại mọi chuyện này chính là những gì mà khối khổ đau sâu nặng cố ý muốn tạo ra, những gì mà nó có thể nương vào đó để sống còn. Đối với những người đang bị khống chế bởi khối khổ đau sâu nặng thì họ thường không thể tự mình thoát ra khỏi lối suy diễn lệch lạc, hay thoát ra khỏi những “câu chuyện đầy bi lụy” của mình. Một câu chuyện càng có nhiều cảm xúc tiêu cực thì nó càng trở nên nặng nề và khó cho bạn có thể nhìn xuyên thấu sự việc. Thế là câu chuyện không còn là câu chuyện nữa mà đã biến thành hiện thực của bạn. Khi bạn hoàn toàn bị mắc kẹt vào vòng xoáy của ý nghĩ tiêu cực và những cảm xúc đi kèm thì chuyện thoát ra khỏi nó là một điều bất khả, vì bạn không thể biết điều gì khác ở bên ngoài vòng xoáy đó. Bạn bị mắc kẹt vào bi kịch hay một cơn ác mộng, rơi vào ngục tối của chính mình. Đối với bạn, đó là hiện thực duy nhất, không còn hiện thực nào khác ngoài điều đó.
Đối với bạn, những điều bạn phản ứng là điều duy nhất mà bạn có thể làm.
PHÁ VỠ THÁI ĐỘ TỰ ĐỒNG HÓA MÌNH VỚI KHỐI KHỔ ĐAU
Một người mà khối khổ đau sâu nặng đang bộc phát thường phát ra một năng lượng đặc thù làm cho người khác cảm thấy rất khó chịu. Khi gặp một người như thế, bạn thường muốn lánh xa hoặc tránh để khỏi phải giao tiếp. Trường năng lượng tiêu cực phát ra từ người đó làm cho bạn chùn bước. Nhưng có người thì phản ứng ngược lại với người đang chịu khổ đó bằng những lời lẽ gây hấn hoặc thậm chí đi đến chỗ bạo hành với người đó. Điều này có nghĩa là ở trong họ cũng có một cái gì cùng tần số rung với khối khổ đau sâu nặng ở người kia. Cho nên những gì mà họ phản ứng một cách hung bạo với người kia là thứ đã có sẵn ở trong họ. Đó là khối khổ đau sâu nặng của riêng họ.
Nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những người mang khối khổ đau nặng nề và thường bộc phát ấy dễ lâm vào những tình huống gây xung đột. Những tình huống này có lúc là do họ chủ động gây ra, nhưng có lúc thì sự việc xảy ra dù họ không hề làm gì cả. Vì trường năng lượng tiêu cực mà họ phát ra từ khối khổ đau sâu nặng ở bên trong có thể làm nảy sinh năng lượng thù nghịch và mâu thuẫn ở người khác. Để không phản ứng lại, bạn cần cắm rễ trong trạng thái an nhiên tự tại khi phải đối diện với một người như thế. Nếu bạn duy trì được sự an nhiên tự tại thì Sự Có Mặt của bạn sẽ giúp cho người kia tách ly khỏi khối khổ đau sâu nặng và vì thế mà chứng nghiệm được sự kỳ diệu của tỉnh thức. Phút giây tỉnh thức có thể sẽ qua nhanh, nhưng một quá trình mới ở trong người đó đã được bắt đầu.
Tôi đã chứng kiến phút giây tỉnh thức như thế cách đây vài năm. Lúc đó đã gần 11 giờ đêm. Tôi nghe chuông ở cửa phòng chung cư của tôi reo vang. Ethel, người phụ nữ hàng xóm, đang gọi tôi qua hệ thống thông tin nội bộ của khu chung cư. Giọng bà đầy lo lắng: “Eckhart, mở cửa cho tôi vào đi. Có việc này rất quan trọng, tôi cần báo với ông!”. Ethel là một phụ nữ ở độ tuổi trung niên, bà thông minh và có học vấn cao. Ethel cũng là một người có một bản ngã khá lớn và một khối khổ đau nặng nề. Bà từng trốn thoát khỏi trại giam của bọn phát xít Đức khi bà còn bé trong khi nhiều người thân của bà đã chết ở trong trại các tập trung.
Khi đã vào nhà, Ethel ngồi xuống ở ghế, trong người bà đang có sự kích động mạnh, hai bàn tay của bà run run. Bà trải lá thư và một số giấy tờ ra trên ghế và ra cả sàn nhà. Ngay lập tức, có linh tính nào đấy nên ý thức và Sự Có Mặt ở trong tôi đang gia tăng cường độ. Tôi không thể làm gì khác ngoài thái độ cởi mở, tỉnh táo, và Có Mặt một cách cao độ – Có Mặt cao độ với mỗi tế bào trong cơ thể mình. Tôi nhìn bà, không gợn một tí suy nghĩ nào, không xét đoán, chỉ im lặng lắng nghe những điều Ethel kể. Đầu óc tôi không hề bình phẩm một điều gì. Bà tuôn ra một hơi: “Tôi lo sốt cả người lên. Hôm nay họ vừa gởi thư cho tôi. Họ đang cố gây khổ cho tôi đây mà. Ông hãy giúp tôi đối phó với họ nhé. Những tên luật sư bịp bợm, lừa đảo kia chẳng chừa một cái gì đâu. Họ dọa lấy nhà của tôi. Rồi tôi sẽ dọn đi đâu đây?”.
Hóa ra là Ethel đã không chịu nộp chi phí cho một dịch vụ gì đó của chung cư bà đang mướn, vì nhân viên quản trị khu chung cư không chịu sửa chữa theo yêu cầu của bà về vài thiết bị hư hỏng trong nhà. Thế là họ dọa sẽ lấy lại nhà và đưa Ethel ra tòa.
Bà nói một hơi khoảng 10 phút. Tôi vẫn ngồi im, nhìn và chăm chú lắng nghe. Bất ngờ Ethel ngừng nói, bà nhìn lại mớ giấy tờ bày biện ngổn ngang quanh mình, như thể bà vừa mới tỉnh dậy từ một giấc mơ. Bà bỗng trở nên nhẹ nhàng và trầm tĩnh. Toàn bộ trường năng lượng trong con người của bà thay đổi. Rồi bà quay sang tôi, buột miệng: “Những thứ này chẳng có gì quan trọng, đúng không?”. Tôi trả lời: “Đúng, chẳng có gì đáng quan tâm”. Bà lặng yên ngồi thêm một vài phút, xong bà im lặng nhặt đống giấy tờ lên và quày quả ra về. Sáng hôm sau gặp tôi trên đường đi, bà ngăn tôi lại và nhìn tôi với một ánh mắt hơi ngờ vực: “Ông đã làm trò gì thế? Tối hôm qua là ngày đầu tiên trong suốt cả năm nay, tôi mới ngủ thẳng một giấc. Tôi ngủ vùi như một đứa trẻ”.
Ethel cho rằng tôi đã “làm” một cái gì đó đối với bà. Nhưng thực ra tôi chẳng làm cái gì cả. Có lẽ thay vì hỏi tôi đã làm gì bà thì Ethel nên hỏi rằng tôi đã không làm gì. Điều mà tôi đã không làm là: Tôi đã không phản ứng với những gì Ethel đã kể cho tôi nghe, tôi đã không khẳng định câu chuyện đầy bi kịch của bà, không tạo thêm những suy nghĩ miên man ở trong bà và không tạo thêm cảm xúc cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bà. Tôi đã tạo điều kiện cho bà tự chiêm nghiệm bất cứ cái gì bà đang trải qua vào lúc đó. Và điều kiện đó được tạo ra từ năng lực của thái độ không can thiệp, không vọng động. Thái độ có mặt là luôn luôn mạnh hơn những gì người ta nói hay làm. Dù thỉnh thoảng sự có mặt đó sẽ phát sinh ra những lời nói hay hành động nào đó thích hợp.
Những gì đã xảy đến với bà chưa phải là một sự thay đổi lâu dài mà chỉ là một sự hé thấy của sự tỉnh thức, của những gì đã sẵn có ở trong mình. Trong Thiền, sự hé thấy đó gọi là satory. Satory là một giây phút của Sự Có Mặt, của hiện Hữu, giây phút bạn hoàn toàn thoát ra khỏi tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn, thoát khỏi những suy nghĩ miên man và bóng dáng của nó là những cảm xúc đi kèm trong cơ thể của bạn. Đó là lúc trỗi dậy của khoảng không gian bên trong, nơi mà trước đây chỉ là một mớ hỗn độn của những suy tư không ngừng nghỉ và những bủa giăng của cảm xúc.
Suy tư không thể lĩnh hội được Hiện Hữu, vì thế nó thường suy diễn về Hiện Hữu một cách sai lạc. Nên suy tư thường tuyên bố rằng bạn bây giờ đã trở thành một người vô tình, xa lánh và không thể giao tiếp. Sự thật là bạn có mối liên hệ với người khác, nhưng ở một mức độ sâu hơn suy nghĩ và cảm xúc. Thật ra là ở cấp độ đó bạn mới có thể thực sự đến với người khác, mới có thể liên hệ và vượt lên trên những quan hệ thông thường. Trong sự tĩnh lặng của Hiện Hữu, bạn mới có thể cảm nhận được bản chất Vô Tướng, tính nhất như giữa mình và người khác. Nhận biết được tính nhất như giữa mình với người khác chính là tình yêu chân chính, lòng xót thương và sự quan tâm chân thật.
CÁC KIỂU KÍCH THÍCH KHÁC NHAU
Một số những khối khổ đau sâu nặng chỉ phản ứng với một tình huống hay một kiểu kích thích nào đó. Thường là do tình huống này có tác động đến nỗi đau cảm xúc ở quá khứ. Ví dụ một đứa bé lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn có nhiều mâu thuẫn về vấn đề tiền bạc thì khi trưởng thành, nó có thể cảm thấy sợ hãi những gì có dính đến tiền bạc và điều này sẽ hình thành nên một khối khổ đau sâu nặng, khiến đứa trẻ dễ dàng bị kích thích, trở nên giận dữ và buồn bực với những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Đằng sau nỗi giận dữ và buồn bực đó là vấn đề đấu tranh để sống còn và nỗi sợ hãi sâu sắc. Tôi đã từng chứng kiến những người rất là tâm linh – tức là những người đã phần nào nếm được hương vị của tỉnh thức – lại bất thần la hét, quát mắng hay lên tiếng cáo buộc những người môi giới chứng khoán hay buôn bán bất động sản khi họ nhấc điện thoại nói chuyện với những người này. Cũng giống như lời cảnh báo về sức khỏe trên mỗi gói thuốc lá, trên mỗi tờ giấy bạc cũng nên có lời cảnh báo: “Tiền bạc có thể khơi dậy khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn và làm cho bạn hoàn toàn đánh mất nhận thức của mình”.
Những đứa trẻ có thời thơ ấu bị bỏ rơi hay thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, thì khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng sẽ dễ dàng bị kích thích bởi bất kỳ tình huống nào có thể khơi lại nỗi đau bị ruồng bỏ. Chỉ cần người hôn phối đến đón họ trễ một vài phút ở sân bay thì khối khổ đau sâu nặng ở trong họ đã có thể bị kích thích và trở thành một cơn giận dữ. Trong quan hệ yêu đương, nếu chẳng may họ bị ruồng bỏ hay người yêu của họ chết đi vì một lý do nào đó thì họ rất dễ rơi sâu vào trầm cảm, vì sự mất mát này khơi lại niềm đau bị ruồng bỏ từ quá khứ, khiến nó vượt xa niềm đau tự nhiên khi một người bị mất người thân. Đó có thể là nỗi u sầu cực độ, hoặc là nỗi buồn dai dẳng không nguôi, hay là cơn giận dữ đầy đám ảnh.
Nếu một phụ nữ bị cha mình lạm dụng khi còn nhỏ sẽ có khối khổ đau sâu nặng dễ dàng hoạt động khi người đó có mối quan hệ gần gũi với một người đàn ông. Hoặc là những xúc cảm tạo nên khối khổ đau sâu nặng ấy sẽ đưa cô đến với một người có khối khổ đau tương tự như ở người cha của cô. Trong vô thức, khối khổ đau sâu nặng ở trong người phụ nữ ấy cảm thấy bị thu hút bởi những người mà nó cảm thấy sẽ tạo cho nó thêm những khổ đau tương ứng. Sự thu hút của những khối khổ đau sâu nặng đó có khi bị suy diễn sai lạc là tình yêu.
Còn một người đàn ông mà khi còn bé thường bị mẹ bỏ rơi, ít được mẹ yêu thương chăm sóc thì khối khổ đau nặng nề ở trong người đó có tính chất đối cực. Trong quan hệ với phụ nữ, anh ta vừa khát khao vừa oán hận. Anh ta mong muốn thông qua người yêu để có được tình yêu và sự chăm sóc của người mẹ; đồng thời cũng muốn “giải quyết” nỗi oán hận với mẹ thông qua người yêu. Vì vậy, hầu như người phụ nữ nào cũng dễ dàng kích thích khối khổ đau sâu nặng này ở trong anh ta, và anh ta có một niềm thôi thúc rất ám ảnh rằng phải “dụ dỗ và chinh phục” tất cả những người phụ nữ mà anh ta gặp để có được tình yêu và sự chăm sóc của họ. Đây là điều mà khối khổ đau sâu nặng trong anh ta cần. Vì thế, anh ta biến mình thành một chuyên gia mê hoặc phụ nữ, nhưng ngay khi quan hệ của anh bắt đầu đi đến chỗ thân mật hơn, hay khi bước tiến anh ta bị ngăn cản, thì lúc đó cơn giận với mẹ trước đây bắt đầu sống dậy và mối quan hệ luyến ái của anh thường đi đến chỗ tan vỡ.
Nhận ra được khối khổ đau sâu nặng ở trong mình khi nó bắt đầu nảy sinh tức là bạn hiểu được ngay những gì thường làm cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn bị kích thích, có thể đó là một tình huống, một câu nói hay việc làm của một người nào đó. Khi những kích động này xảy ra, bạn sẽ nhận ra ngay và nâng cao mức cảnh giác. Trong một hoặc hai giây, bạn sẽ chú ý đến những phản ứng dưới dạng những cảm xúc, tức là khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn đang bắt đầu trỗi dậy. Khi ở trong trạng thái Hiện Hữu đầy cảnh giác đó, bạn sẽ không tự đồng hóa mình với nó, tức là khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn chưa chế ngự được bạn và trở thành tiếng nói vang vang ở trong đầu. Nếu những kích thích đó đến từ một người khác thì bạn có thể bảo với người ấy ngay: “Anh muốn cho em biết rằng, những gì em vừa nói đó đang làm kích động khối khổ đau sâu nặng ở trong anh”. Nên có sự thỏa thuận trước với nhau rằng hãy nói cho nhau biết, bất kỳ lúc nào, khi một trong hai người vừa nói hay làm một điều gì đó đã gây sự kích động cho khối khổ đau sâu nặng ở trong người kia.
Khi bạn thực tập theo cách này thì khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn sẽ không còn dùng những bi kịch trong quan hệ luyến ái của bạn để lấy thêm sức mạnh cho chính nó; và bạn hoàn toàn tự chủ và Có Mặt thay vì rơi vào trạng thái mất nhận thức và bị cuốn vào những bi kịch dựng nên bởi khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động ở trong mình.
Khi khối khổ đau sâu nặng của bạn trỗi dậy mà bạn đang có mặt, đang có ý thức về nó thì đa số năng lượng tiêu cực của nó sẽ bùng cháy và biến thành năng lực của Hiện hữu. Phần còn lại sẽ rút lui và chờ một cơ hội khác để trỗi dậy, tức là chờ lúc bạn rơi vào trạng thái thiếu nhận thức. Một cơ hội tốt cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn trở lại chính là lúc bạn đánh mất sự có mặt của chính mình, ví dụ như sau vài cốc bia hay trong khi đang xem một phim đầy những hình ảnh bạo lực hay khiêu dâm. Lúc này, một chút cảm xúc tiêu cực đang phát sinh ở trong bạn như là cảm thấy mình đang trở nên cáu kỉnh, hay lo âu cũng có thể dẫn đường cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn sống lại. Khối khổ đau sâu nặng rất cần sự mất nhận thức của bạn. Vì nó không thể dung hòa, sống sót được dưới ánh sáng của Hiện Hữu, của ý thức sáng tỏ ở trong bạn.
KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG LÀ NHÂN TỐ CỦA TỈNH THỨC
Thoạt đầu, dường như khối khổ đau sâu nặng là chướng ngại lớn nhất cho sự khởi phát của thứ nhận thức mới ở loài người. Nó chiếm hữu bạn, kiểm soát và làm thay đổi lối suy tư của bạn, phá hoại các quan hệ của bạn và xuất hiện như một đám mây u ám chiếm lấy toàn bộ trường năng lượng của bạn. Khối khổ đau sâu nặng có khuynh hướng làm cho bạn trở nên mất nhận thức, mà về mặt tâm linh, thì ta có thể nói là bạn đang hoàn toàn tự đồng hóa mình với những suy tư và cảm xúc tiêu cực ở trong mình. Nó buộc bạn phải có phản ứng, làm hay nói ra những điều mà mục đích chỉ là tạo nên sự bất hạnh cho mình và cho những người chung quanh.
Khi niềm bất hạnh ở trong bạn càng dâng cao thì đời sống của bạn càng bị nhiều tàn phá. Tàn phá về mặt cơ thể vì cơ thể bạn không thể chịu được căng thẳng thêm nữa, nên thường nảy sinh nhiều bệnh tật hoặc tạo ra những sai lệch khác trong chức năng của cơ thể. Hoặc bạn có thể dính đến một chuyện gì đó, hay lâm vào một tình huống xung đột nghiêm trọng với người khác do khối khổ đau sâu nặng gây nên, vì nó chỉ muốn những điều bất hạnh, tồi tệ xảy ra cho bạn.
Khi bạn còn bị khống chế bởi khối khổ đau sâu nặng, khi bạn chưa nhận thức được bộ mặt thật của khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn thì nó sẽ là một phần lớn của bản ngã ở trong bạn. Vì những gì mà bạn sai lầm tự đồng hóa mình vào đó sẽ trở thành một phần của bản ngã. Khối khổ đau sâu nặng chính là một trong những thứ có sức thu hút mạnh nhất để bản ngã ở trong bạn tự đồng hóa mình vào đó, ngược lại khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn cần có bản ngã để lấy thêm sức mạnh cho nó. Tuy nhiên, khối liên minh ác hại đó có thể đi đến chỗ đổ vỡ trong trường hợp khối khổ đau sâu nặng của người đó trở nên quá nặng nề và, thay vì làm mạnh cấu trúc của bản ngã của người đó, nó lại xói mòn bản ngã của người đấy bởi những đợt công phá liên tục bằng năng lượng tiêu cực của khối khổ đau sâu nặng. Tương tự như một thiết bị điện, thay vì chạy bằng dòng điện thì lại bị chính dòng điện phá hủy vì điện thế quá cao.
Những người có khối khổ đau nặng nề thường sẽ có lúc cảm thấy họ không thể chịu đựng thêm cuộc sống vô vị của mình như thế này nữa, không thể chịu đựng thêm những bi kịch, những khổ đau triền miên như thế này. Một phụ nữ đã bày tỏ điều này với tôi một cách đơn giản và trần trụi khi bà nói rằng, bà đã chán ngấy cảm giác bất hạnh ở trong bà rồi. Những người khác, như tôi, thì cảm thấy không thể sống với chính mình như thế này được nữa. Lúc đó ưu tiên trước nhất của họ là tìm lại được sự im lắng, quân bình ở nội tâm. Nỗi đau như cào xé của khối khổ đau sâu nặng ở trong họ buộc họ phải tách ly khỏi thói quen tự đồng hóa mình với những suy nghĩ và với cơ cấu của suy nghĩ và cảm xúc, tức là cái đã làm phát sinh ra và nuôi dưỡng cảm nhận về một con người đầy bất hạnh ở trong họ. Lúc đó họ nhận thức rằng, bản chất chân chính của họ không phải là một câu chuyện buồn nào đó, hoặc những cảm xúc vui buồn ở trong họ. Họ thấy rằng họ là ý thức, là Sự Nhận Biết vô hình tướng, chứ không phải là những gì mang hình tướng, những gì mà họ có thể nhận biết được. Thay vì lôi kéo họ vào trạng thái mất nhận thức, khối khổ đau sâu nặng lại làm phát sinh sự tỉnh thức ở trong họ. Khối khổ đau sâu nặng là nhân tố quyết định buộc họ phải đi vào trạng thái Có Mặt.
Tuy vậy, nhờ dòng nhận thức mới đang tuôn chảy vào thế giới ngày nay mà nhiều người không cần phải đi qua mức độ quá khổ ải mới đến được với khả năng tự tách mình ra khỏi khối khổ đau sâu nặng ở trong họ. Vì khi họ ý thức được là họ đang lâm vào tình trạng tha hóa, thì họ có thể “chọn” để bước ra khỏi thói quen tự đồng hóa mình với suy nghĩ và cảm xúc mà đi vào cõi Hiện Hữu. Họ từ bỏ thái độ chống đối, trở nên tỉnh thức, và hòa làm một với hiện Hữu, Hiện Hữu ở bên trong và bên ngoài. Bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người là điều không thể tránh được. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, bước nhảy vọt này là một sự lựa chọn có nhận thức. Vậy thì ai lựa chọn? Chính bạn. Và bạn là ai? Là nhận thức đã ý thức được chính nó.
THOÁT LY KHỎI KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG
Nọi người thường hay đặt câu hỏi là: “Họ phải mất bao lâu để có thể thoát ra khỏi sự khống chế của khối khổ đau sâu nặng ở trong họ?”. Dĩ nhiên là câu trả lời tùy thuộc vào sức mạnh của mỗi khối khổ đau sâu nặng ở trong mỗi người và mức độ có mặt của từng cá nhân. Tuy nhiên, không phải khối khổ đau sâu nặng làm cho bạn khổ, mà chính là thói quen tự đồng hóa mình với nó mới gây ra đau khổ cho chính bạn và cho những người chung quanh. Khi bạn tự đồng hóa mình với khối khổ đau sâu nặng, điều này buộc bạn sống lại với những gì đã xảy ra trong quá khứ và đưa bạn rơi trở vào trạng thái mất nhận thức. Do đó, câu hỏi quan trọng hơn là: “Phải mất bao lâu bạn mới thoát ra khỏi tình trạng tự đồng hóa mình với khối khổ đau sâu nặng?”. Câu trả lời là: “Chẳng mất bao lâu cả. Khi khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động, hãy nhận biết rằng những gì bạn đang cảm nhận chính là khối khổ đau sâu nặng đang phát tác ở trong ta. Đây là tất cả những gì bạn cần để có thể thoát khỏi tự đồng hóa mình với những khổ đau ấy. Khi bạn không còn tự đồng hóa mình với khối khổ đau sâu nặng nữa thì tự nhiên bạn sẽ có sự chuyển hóa ở bên trong. Nhận thức mới này làm cho những cảm xúc xưa cũ trước đây – vốn thường chế ngự không những cuộc trò chuyện bên trong đầu bạn mà còn kiểm soát những sinh hoạt và giao tiếp của bạn với những người khác – không còn chiếm hữu lấy bạn và không thể tự tạo thêm sức mạnh cho chính nó. Những cảm xúc cũ có thể tồn tại ở trong bạn thêm một thời gian và có thể tái hoạt động trở lại theo một chu kỳ nhất định. Có lúc bạn sẽ nhầm lẫn và tự đồng hóa mình với những cảm xúc đó, và trở thành mê mờ, tuy nhiên trường hợp này thường không kéo dài được lâu. Khi bạn không còn phóng chiếu những khổ đau xưa cũ của mình lên những tình huống mà bạn gặp phải có nghĩa là bạn đã có khả năng trực tiếp đối diện với những khổ đau đó ở trong mình. Khi làm như thế, tất nhiên là bạn cảm thấy không mấy dễ chịu, nhưng nó cũng không thể giết chết bạn. Năng lực Có Mặt của bạn có khả năng dung nạp tất cả những cảm xúc khổ đau này. Những cảm xúc tiêu cực đó không phải bản chất chân chính của bạn.
Bạn đừng sai lầm cho rằng mình vừa làm một điều gì sai trái khi nhận ra khối khổ đau sâu nặng ở trong mình. Tự trách mình và biến mình thành nạn nhân, thành một người đang có vấn đề là điều mà bản ngã của bạn rất thích thú. Nhận thức về sự phát sinh của khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn cần được đi kèm theo thái độ chấp nhận. Nếu bạn làm khác đi thì bạn sẽ che mờ tình trạng đó một lần nữa. Chấp nhận, nghĩa là hãy cho phép mình cảm nhận bất kỳ điều gì xảy ra trong mình vào lúc đó. Đó là một phần của những gì đang xảy ra, tức là tính hiển nhiên của hiện Hữu. Ta không thể tranh cãi hay chống đối Hiện hữu, tức là những gì đang xảy ra. Nếu phản kháng lại, bạn sẽ gánh chịu khổ đau. Chấp nhận những gì đang xảy ra, bạn trở lại với những gì là bản chất chân chính của mình: sự rộng rãi, khoáng đạt vô hình tướng ở bên trong. Bạn là cái Toàn Thể, là Tất Cả. Bạn không còn là một mảnh rời rạc - trạng thái mà bản ngã của bạn luôn tự cảm nhận về chính nó. Bản chất chân thực của bạn trỗi dậy, hòa làm một với bản chất của Thượng Đế.
Thức tỉnh mục đích sống – Eckhart Tolle
Xem Tiếp Chương 7