Thưa thầy kính yêu,
Có thể có mục đích tối thượng của quá trình tiến hoá vật lí không? Nếu có, nó là gì?
Digvijay này, không có mục đích của cuộc sống. Cuộc sống bản thân nó là mục đích của nó. Nó không đi tới mục tiêu nào đó. Nó là ở đây bây giờ, nó không có tương lai. Cuộc sống bao giờ cũng trong hiện tại. Nhưng tâm trí không thể sống được trong hiện tại: tâm trí chết trong hiện tại. Do đó, trong nhiều thời đại, các nhà huyền môn đã phát minh ra các phương cách để đem tâm trí về hiện tại. Khoảnh khắc tâm trí về tới hiện tại, nó tan ra như tuyết, tan ra trong mặt trời nóng; nó biến mất, bay hơi.
Và sự biến mất của tâm trí là kinh nghiệm lớn lao nhất có thể có cho con người, bởi vì trong sự biến mất đó là sự xuất hiện của Thượng đế.
Tâm trí sống trong tương lai; tương lai là lãnh thổ của nó, vương quốc của nó. Và tương lai là có thể chỉ thông qua việc hướng đích. Cho nên tâm trí làm ra mục đích từ mọi thứ; cuộc sống phải có mục đích - không chỉ mục đích mà mục đích tối thượng. Thế thì tâm trí hoàn toàn hạnh phúc, thế thì nó có thể tự bảo vệ nó: làm sao đạt tới mục đích đó, làm sao đạt tới điều tối thượng đó?
Khoảnh khắc bạn có thể hỏi, "Làm sao?" tâm trí hoàn toàn thấy thoải mái. Nó rất láu lỉnh, tinh ranh, thiện nghệ trong việc bịa ra cách thức và phương tiện để đạt tới cái gì đó, dù đó là bất kì cái gì - nhưng nó phải có đó trong tương lai. Tâm trí sống qua việc tạo ra mục đích: chính trị, xã hội, cách mạng, tâm linh, vân vân và vân vân; nhưng tâm trí cần mục đích nào đó để tồn tại, mục đích nuôi dưỡng nó.
Trong chân lí, tất cả đều hiện hữu và không cái gì sẽ xảy ra. Ngày mai không bao giờ tới. Nó bao giờ cũng là bây giờ và ở đây.
Cách tiếp cận huyền môn là khác toàn bộ với tâm trí hướng đích. Nhà huyền môn nói, "Sống khoảnh khắc này trong tính toàn bộ của nó, yêu khoảnh khắc này trong tính toàn bộ của nó, nhấn chìm bản thân bạn trong sự tồn tại tràn ngập, và bạn sẽ đi tới ngày một gần hơn với Thượng đế." Với "Thượng đế" tôi không ngụ ý người nào đó; với "Thượng đế" tôi đơn giản ngụ ý cốt lõi bản chất của sự tồn tại, trung tâm của cơn xoáy lốc.
Vũ trụ là chu vi và Thượng đế là trung tâm. Nếu bạn chìm sâu vào trong bây giờ, trong ở đây, thì bạn nhất định đương đầu với trung tâm. Và phép màu là ở chỗ trung tâm của tất cả cũng là trung tâm của bạn nữa. Trở nên nhận biết về nó, sống trung tâm đó, từ trung tâm đó, trong nhận biết đầy đủ, là vị phật, là được chứng ngộ.
Nhưng nhớ lấy, phật tính không phải là mục đích tối thượng. Nó không phải là cái gì đó phải được đạt tới ở đâu đó khác. Nó sẵn có ngay bây giờ rồi - ngay lập tức nó sẵn có, không tối thượng gì cả. Nhớ hai từ này: cái tối thượng và cái tức khắc. Cái tối thượng đem tâm trí vào, cái tức khắc giúp tâm trí biến mất.
Với tôi, cái tức khắc là cái tối thượng. Không có mục đích, dù là vật lí, tâm lí, tâm linh. Tất cả đều như nó phải vậy thôi... nó đã có đó rồi. Vứt căng thẳng, lo âu của bạn về tương lai, điều sắp xảy ra. Tất cả đã xảy ra rồi! Sống nó đi! Đừng tham vọng. Mục đích làm cho bạn thành tham vọng, và chúng làm bạn phát rồ. Một người càng hướng đích, người đó càng trở nên rồ dại hơn - bởi vì tham vọng không là gì ngoài bản ngã. Bạn có thể cứ bày đặt ra những mục đích mới; bao giờ cũng sẽ có đường chân trời bên ngoài. Và với những mục đích mới đó bản ngã của bạn cứ tiếp tục có những cuộc hành trình mới.
Nhà huyền môn và thế giới của nhà huyền môn là chiều hướng hoàn toàn khác. Điều tôi đang nói tới ở đây chẳng liên quan gì tới hướng mục đích cả - đó là con đường của tâm trí. Tôi đang dạy bạn con đường của vô trí.
Digvijay này, tôi biết mối quan tâm vô cùng của bạn vào quá trình cách mạng. Tôi hoàn toàn nhận biết rằng bạn đã cống hiến cả đời mình cho việc tìm kiếm đó. Và bạn sẽ bị sốc khi bạn nghe tôi nói rằng bạn đã làm phí hoài cuộc đời bạn - phí hoài bởi vì hiện tại đang bị hi sinh cho tương lai. Và chừng nào bạn còn chưa vứt bỏ ý tưởng này về mục đích tối thượng bạn sẽ chẳng bao giờ có khả năng xuống đất, tới hiện tại, tới khoảnh khắc này. Và không có điều đó, không có thiền, và không thiền không có Thượng đế.
Cái tức khắc là cái tối thượng - tôi dạy bạn cái tức khắc, sống khoảnh khắc sang khoảnh khắc, không mang quá khứ. Phật nói, không oa trữ quá khứ, không tích luỹ quá khứ; tôi muốn thêm, không phóng chiếu vào tương lai nữa. Nếu quá khứ và tương lai biến mất, cái gì còn lại? Im lặng lớn lao, sự hiện diện sâu sắc của cái gì đó hoàn toàn không được biết tới. Bí ẩn tràn ngập bạn. Và bí ẩn đó là tức khắc. Tôi sẽ không nói "tối thượng", bởi vì 'tối thượng' nghĩa là bạn có thể trì hoãn đến mai. 'Tức khắc' gây choáng cho bạn, lay bạn vào nhận biết ngay bây giờ.
Mục đích là có thể nếu chúng ta phân chia cuộc sống thành phương tiện và cứu cánh. Đó là cách nó đã thế qua nhiều thời đại. Nhưng cuộc sống là một, nó không thể bị phân chia. Nó là không phân chia được, là toàn thể; nó là một đơn vị hữu cơ. Không cái gì là phương tiện, không cái gì là cứu cánh. Toàn thể cuộc sống là một. Bạn không thể phân loại phương tiện và cứu cánh.
Nhưng khoảnh khắc bạn nghĩ về tiến hoá, mục đích, bạn phải phân chia cuộc sống, thế thì cái gì đó trở thành phương tiện và cái gì đó khác trở thành cứu cánh. Adolf Hitler tin vào tiến hoá, do đó ông ta có thể thuyết phục giới trí thức Đức, vốn là một trong những giới trí thức tinh tế nhất trên thế giới. Nhân danh tiến hoá ông ta có thể thuyết giảng triết lí Quốc xã rằng siêu nhân là mục đích, rằng con người phải bị hi sinh cho siêu nhân. Nó hấp dẫn, nó có vẻ logic.
Ai là siêu nhân? Và ai sẽ trở thành siêu nhân? Tất nhiên, người Bắc Âu, người Đức. Nó ca tụng bản ngã Đức vô cùng. "Cho dù toàn thể nhân loại có phải bị tiêu diệt, thì cũng đáng tiêu diệt bởi vì mục đích vĩ đại của siêu nhân loại đang hiện ra to lớn lờ mờ trên đường chân trời. Mọi thứ có thể bị hi sinh cho nó." Đó là cách ông ta có thể thuyết phục nước ông ta để lôi toàn thế giới vào cuộc chiến tranh thế giới.
Sri Aurobindo cũng nói theo cùng ngôn ngữ - ngôn ngữ của tiến hoá. Không siêu nhân nhưng siêu tâm trí là mục đích. Và bạn phải hi sinh hiện tại của mình cho siêu tâm trí đó; lại cùng ý tưởng về hi sinh. Con người vẫn còn bị chi phối bởi ý tưởng về hi sinh. Hi sinh! Hi sinh! Hi sinh! Là liệt sĩ đi! Đó là cách duy nhất để tạo ra tương lai vàng.
Nỗ lực của tôi ở đây chính là điều đối lập lại. Tránh các Adolf Hitler và Sri Aurobindo ra. Không hi sinh! Đừng cố là liệt sĩ! Không có mục đích nào khác hơn khoảnh khắc này, và sự tồn tại là hoàn hảo như nó bao giờ cũng là có thể. Sự tồn tại là hoàn hảo như nó sẽ là vậy. Sự tồn tại là hoàn hảo.
Nhưng bởi vì ý tưởng về mục đích, chúng ta bắt đầu so sánh: thế thì người cao hơn khỉ và khỉ cao hơn chó, vân vân và vân vân. Nhưng ai sẽ quyết định? Bạn đã bao giờ hỏi khỉ chưa? Như tôi biết, chúng sẽ cười Charles Darwin, bởi vì chúng không thể tin được con người đáng thương này cao hơn khỉ. Bạn đã từng đánh nhau với khỉ chưa? Đánh nhau bằng tay không với khỉ và bạn sẽ biết ai mạnh hơn. Bạn có thể nhảy như khỉ trên cây được không? Và thế thì bạn sẽ biết thân thể ai lực sĩ hơn. Khỉ sống trên cây và bạn sống trên đất: bạn là khỉ sa ngã! Nhưng Charles Darwin chưa bao giờ hỏi khỉ.
Bản thân con người cứ quyết định. Cho nên nếu người Đức quyết định thế thì người Đức là giống nòi cao nhất, hiển nhiên. Và nếu người Ấn Độ quyết định thế thì họ là người Aryans, người Aryans thực, dòng máu thuần khiết. Và nếu người Do Thái quyết định thế thì họ là dân tộc được chọn của Thượng đế. Nhưng ai sẽ quyết định? Và nếu người quyết định thế thì người là cao hơn mọi con vật. Thực ra, chẳng có ai cao hơn và chẳng có ai thấp hơn. Mọi phân loại này đều ngu xuẩn - không có cấp bậc.
Sự tồn tại mang tính tuyệt đối cộng sản. Mọi người đều bình đẳng, tham gia vào cùng cuộc sống, thở cùng không khí, được sưởi ấm bởi cùng mặt trời, nhảy múa dưới cùng bầu trời. Ngay cả cây cối cũng không thấp hơn bạn, ngay cả tảng đá cũng không thấp hơn bạn. Chính ngôn ngữ của cái thấp hơn và cái cao hơn là hoàn toàn sai. Nhưng từ 'tiến hoá' mang ngôn ngữ đó vào; nó trở thành cái "ở trong". Thế thì bạn phải làm ra cấp bậc: thế thì bạn ở trên con vật và dưới thiên thần. Và thế thì toàn thể cuộc hành trình bắt đầu: làm sao đi lên cao hơn và cao hơn và cao hơn nữa? Và không có mái, không có trần; bạn có thể cứ phóng chiếu mãi.
Nhưng nếu bạn hỏi ong chúng sẽ không cho rằng bạn cao hơn chúng. Giới trí thức của ong phải quan sát cả nghìn lẻ một cái ngu xuẩn của con người - bởi vì ong là hiện tượng có tổ chức nhất trong sự tồn tại. Con người và xã hội con người phải trông giống như sự hỗn độn nếu được so sánh với xã hội của ong. Mọi thứ đều có tổ chức thế - ngay cả Adolf Hitler cũng phải cảm thấy chút ít kém cỏi. Và sẵn sàng thế, tự nguyện thế - ong không bị ép buộc, chúng không sống trong trại tập trung. Sẵn lòng, vui vẻ, chúng là một phần của một tổ chức, được tham gia sâu sắc với tổ chức tới mức chúng đánh mất tính cá nhân của chúng một cách toàn bộ; chúng sống như một phần hữu cơ, chúng không tách rời. Hay nếu bạn quan sát xã hội kiến, nó mang tính cố định, hệ thống; nó có trật tự vô cùng.
Bây giờ, làm sao bạn sẽ quyết định được ai cao hơn? Xã hội hỗn độn này của con người sao? Trong ba nghìn năm con người đã đánh nhau trong năm nghìn cuộc chiến tranh - thường xuyên giết lẫn nhau, sát hại, tàn sát, nhân danh chính trị, nhân danh tôn giáo... và con người này bạn cho rằng là sinh linh tiến hoá cao nhất trên trái đất sao? Có những người như Arthur Koestler cho rằng cái gì đó ở ngay lúc bắt đầu đã đi sai trong tâm trí con người, chi tiết cần thiết nào đó bị thiếu - con người được sinh ra đã điên khùng.
Nếu bạn quan sát con người, nó có vẻ như vậy đấy. Toàn thể cuộc sống của người đó dường như là cuộc sống của bạo hành, tranh đấu, huỷ diệt. Không con vật nào khác có tính huỷ diệt như thế. Không con vật nào khác giết đồng loại riêng của; hổ không giết các con hổ khác và chó không giết các con chó khác. Cho dù chúng đánh nhau, việc đánh nhau của chúng là đánh thử thôi; chúng đánh nhau chỉ để quyết định kẻ nào là mạnh. Một khi điều đó được quyết định rồi, trận đánh chấm dứt - bởi vì tấn công ai đó yếu hơn bạn không chỉ là sai, nó hoàn toàn mang tính huỷ diệt và ngu xuẩn nữa.
Hai con chó sẽ đánh nhau: chúng sẽ nhe răng, chúng sẽ gầm gừ sủa, chúng sẽ nhảy vào nhau, nhưng chúng đơn giản quan sát ai là kẻ mạnh hơn. Một khi chúng đã rút ra nhận xét ai mạnh hơn, một con sẽ ngừng sủa, sẽ cụp đuôi, và thế là xong! Nó đã ra dấu hiệu rằng "Tôi là kẻ yếu hơn và anh là kẻ mạnh hơn." Và không có xấu hổ, nó không xấu hổ - nó có thể làm được gì nếu nó là yếu hơn còn con kia mạnh hơn? Làm sao nó lại phải chịu trách nhiệm cho điều đó được? Cây này cao hơn, cây kia không cao hơn. Bạn có cho rằng bụi hồng đang cảm thấy xấu hổ bởi vì cây xoài và cây xoan và những cây khác đang vươn lên cao thế không? Hoa hồng không lo lắng chút nào: "Vậy thì sao? Các anh cao hơn còn chúng tôi không cao hơn - đó là cách thức anh vậy, đây là cách thức chúng tôi vậy."
Thấy sự lành mạnh của vấn đề này: ngoại trừ con người không ai điên rồ thế đi đánh ai đó yếu hơn. Một khi điều đó được quyết định... Và bạn thậm chí không có nhiều ý thức như con chó và con hổ có - rằng chúng có thể thấy, điều rõ ràng là kẻ kia mạnh hơn? Thế thì phỏng có ích gì mà đi đánh nhau? Trò chơi chấm dứt - kẻ kia là kẻ thắng. Do đó huỷ diệt không xảy ra, do đó giết hại không xảy ra. Và con vật thậm chí không giết con vật khác trừ phi chúng đói - ngoại trừ con người. Chỉ con người đi săn.
Và Digvijay là một cựu hoàng tử: anh ấy phải biết đi săn là gì, anh ấy phải có các cái đầu con vật để trong cung điện, vật trưng bày. Bạn càng giết được nhiều hổ và sư tử, bạn càng vĩ đại hơn. Và để làm gì? Chỉ để trưng bày! Bất kì khi nào tôi tới thăm cung điện của một ông vua, tôi cảm thấy rất tiếc cho ông vua đó. Ông ta dường như hoàn toàn vô cảm; trưng bày những cái đầu chết và xác chết này và da của con vật, ông ấy cho rằng ông ấy đang trưng bày sức mạnh của mình, sự sống động của mình. Ông ấy đơn giản trưng bày cái ngu xuẩn, cái vô nhân đạo tột bậc của ông ta.
Con vật giết hại chỉ khi chúng đói; thế thì điều đó có thể được tha thứ. Không con vật nào đã bao giờ giết hại mà không đói; không con vật nào giết để chơi. Giết ai đó trong trò chơi, bạn có thể nghĩ thợ săn này tiến hoá hơn sinh linh khác không? Phá huỷ một cuộc sống để chơi cho thoả thích - và trò chơi này là không công bằng, bởi vì bạn ngồi trên ngọn cây còn con vật ở dưới đất, và từ trên cao nơi con vật không thể với tới được bạn bắn nó. Con vật này không có vũ khí để tự bảo vệ mình, và bạn coi bạn là rất bạo dạn sao? Bạn đơn giản chỉ ra sự hèn nhát của bạn.
Nếu chúng ta nhìn vào con người dường như là con người không phải là con vật tiến hoá nhất trên trái đất - chính điều đối lập. Không con vật nào phát điên ngoại trừ con người. Vâng, vài con vật cũng phát điên, nhưng chúng chỉ phát điên khi chúng bị nhốt vào vườn thú, không điên khi chúng ở trạng thái hoang dã. Và vườn thú là hiện tượng con người.
Nghĩ về bản thân bạn: nếu voi mà tạo ra vườn thú và cho bạn vào trong vườn thú - bạn sẽ còn lành mạnh được bao lâu? Bạn sẽ không thể nào lành mạnh được đâu; điều tự nhiên là trở nên phát điên. Con vật không trở nên đồng dục - trừ phi chúng bị đưa vào vườn thú. Trong vườn thú chúng biến thành đồng dục; trong vườn thú chúng nhất định thế bởi vì chúng không thể kiếm được con cái. Trong vườn thú chúng bị giới hạn trong không gian nhỏ thế; những không gian nhỏ thế nhất định làm chúng phát rồ.
Bạn phải đã thấy hổ bước lên xuống trong chuồng của chúng, bởi vì chúng thường sống và chạy hàng dặm. Toàn thể thế giới hoang dã là của chúng, và bây giờ chỉ mỗi cái chuồng nhỏ... và bị bao quanh bởi khách du lịch và khách thăm và những người ngu nhìn chúng. Nghĩ về bản thân bạn trong vườn thú do voi làm ra hay do hổ hay do khỉ, mọi loại khỉ nhìn vào bạn, hết ngày nọ tới ngày kia, toàn thể tình huống là phi tự nhiên.
Bây giờ các nhà khoa học nói rằng lãnh thổ nào đó là cần cho mọi con vật, một không gian nào đó; nếu điều đó mà không được trao cho con vật đó, nó nhất định phát điên. Con vật hoang cần một khu vực hàng dặm để vẫn còn tự do và còn lành mạnh. Vâng, trong vườn thú chúng phát rồ, chúng phát điên. Chúng tấn công ngay cả đồng loại của chúng; chúng trở nên mang tính hủy diệt. Thậm chí đôi lúc người ta còn biết chúng tự tử nữa, nhưng chưa bao giờ trong trạng thái tự nhiên của chúng. Chỉ mỗi con người tự tử, phát điên, trở thành đồi bại dục - và dầu vậy con người cứ nghĩ rằng mình là đỉnh cao nhất!
Khi có liên quan tới tôi, tôi không tin vào cấp bậc. Khỉ là khỉ, người là người. Không ai cao hơn và không ai thấp hơn. Đá là đá và cây là cây. Và chúng ta tất cả đều tham gia vào một Thượng đế. Vâng, có thay đổi lớn đang xảy ra, nhưng nó không phải là tiến hoá; tiến hoá nghĩa là chúng ta đi lên cao hơn. Thay đổi có đó, chắc chắn; cuộc sống thường xuyên chuyển động, nó là dòng sông. Nhưng thay đổi không có nghĩa tiến hoá, nhớ lấy. Bạn có thể thay đổi mà không có sự tiến hoá của bạn - và đó là điều đang xảy ra.
Và thay đổi đó, thay đổi thường xuyên, cho bạn nền tảng để áp đặt lí thuyết của bạn về tiến hoá lên nó. Mọi sự đang thay đổi, cuộc sống bao giờ cũng trong một luồng; không cái gì là thường hằng, tất cả đều linh động. Con người đã không giống thế này trước đây, và con người sẽ không bao giờ lại giống như thế này. Mọi thứ đều trong quá trình, nhưng quá trình này không hướng đích; nó không đi tới mục đích nào đó. Nó là quá trình rất chơi đùa.
Trẻ con chơi, bạn không thể nói rằng chúng đang tiến hoá; trẻ con chơi, bạn không thể nói chúng đang đạt tới cái gì đó. Chúng không đạt tới cái gì cả. Điều đó đích xác là khái niệm về leela ở phương Đông. Leela nghĩa là chơi - thế giới là trò chơi của Thượng đế, và trong trò chơi không có vấn đề tiến hoá.
Ý tưởng tiến hoá thực sự là của phương Tây; phương Đông chưa bao giờ tin vào tiến hoá. Phương Đông tin vào chơi đùa. Trong chơi đùa không có tiến hoá chút nào. Không cái gì là phương tiện và không cái gì được lấy làm cứu cánh. Nó là điệu vũ của năng lượng, không đi vào hướng đặc biệt nào, không được ngụ ý đạt tới cái gì đó; vui vẻ là bản thân việc chơi đùa, giá trị là ở bên trong, không ở bên ngoài. Khi bạn bắt đầu nghĩ về tiến hoá, giá trị là bên ngoài; giá trị phụ thuộc vào điều bạn định đạt tới, điều bạn định trở thành.
Nếu một người trở thành một nhà khoa học lớn, người được giải thưởng Nobel, người đó đã tiến hoá, nhưng người vẫn còn là tiều phu, người đó đã không tiến hoá. Tại sao? Có cái gì ý nghĩa thế khi làm toán?
Và có cái gì vô ý nghĩa thế khi chẻ củi? Người này thích chẻ củi, người khác thích chơi với con số, số học, hình học hay cái gì đó khác - đây là ý thích, các ý thích khác nhau. Người này thích bơi, ai đó khác thích triết lí hoá… chẳng có gì cao hơn và chẳng có gì thấp hơn.
Nhưng chúng ta đã làm ra xã hội trên hình mẫu cấp bậc. Người brahmin ở trên đỉnh - người brahmin nghĩa là giáo sư, hàn lâm viện sĩ, người được giải thưởng Nobel, tiến sĩ nổi tiếng, kĩ sư trứ danh, học giả. Đó là nghĩa của brahmin - ông ta là người cao nhất. Tại sao? Tại sao tiều phu không là người cao nhất? Nếu tiều phu tận hưởng việc chẻ củi hơn giáo sư tận hưởng việc dạy của mình, ai cao hơn? Giáo sư có thể đơn giản kéo lê, lặp lại mọi lúc, cùng một điều.
Tôi biết một giáo sư hay lặp lại cùng những bài giảng ít nhất trong ba mươi năm. Tôi đã nghe nó, và các sinh viên khác của ông ấy đã bảo tôi rằng đích xác cùng bài giảng đó, đúng tới từng chữ... Thế là một hôm, khi vị giáo sư này đang ngủ buổi trưa, tôi vào nhà ông ấy. Tôi nhìn vào sách của ông ấy, tìm thấy cuốn sách mà ông ấy đã tích trữ mọi bài giảng, rồi đánh cắp nó.
Bạn không thể nào tin được điều gì xảy ra cho vị giáo sư này! Ông ấy đã không xuất hiện ngày hôm sau. Tôi hỏi han ông ấy sau đó; ông ấy nói, "Tôi choáng váng quá, cuộc đời tôi kết thúc rồi - ai đó đã lấy cắp mất cuốn sách của tôi, và tôi không thể nói được nếu thiếu nó. Tôi đã dùng những ghi chép đó trong ba mươi năm nay! Bây giờ tôi không thể làm lại ghi chép mới được."
Tôi có thể thấy con người đáng thương này; ông ta chỉ vận hành như cái máy hát vậy thôi. Chẳng cần tới ông ấy. Tôi đưa cho ông ấy cuốn sách và tôi nói, "Sao thầy bận tâm tới đại học làm gì? Thầy có thể đơn giản gửi cuốn sách này, một người trong chúng em có thể đọc nó, và người khác có thể ghi chép. Sao thầy phải bận tâm trong tuổi già của mình tới trường đại học lặp đi lặp lại làm gì? Cuốn sách này sẽ làm điều đó. Thầy có thể chết trong an bình. Cuốn sách này là đủ rồi. Thầy không phải sống chút nào cả - không có nhu cầu."
Bây giờ, vị giáo sư này là một brahmin; ông ấy là cao nhất bởi vì cái đầu được coi là cao nhất. Nó ở trên đỉnh, có thể đó là lí do tại sao ý tưởng này đã nảy sinh rằng cái đầu và những người làm việc bằng đầu là những người trên cao nhất. Các ông chủ được gọi là "thủ trưởng" và người phục vụ được gọi là "thủ hạ"! Tại sao? Chỉ bởi vì về vật lí cái đầu ở trên đỉnh sao...?
Chúng ta đã tạo ra cấp bậc trong xã hội. Cấp thấp nhất là những người nghèo chẻ củi hay quét đường. Sao họ là người thấp nhất? - bởi vì họ đang làm những điều bản chất nhất. Các giáo sư có thể bị bỏ đi, xã hội có thể tồn tại mà không có họ; nhưng xã hội không thể tồn tại nếu thiếu người quét phố, người dọn nhà vệ sinh, người chẻ củi - xã hội không thể tồn tại nếu thiếu họ. Họ còn bản chất hơn, nền tảng hơn nhiều, nhưng họ là những người thấp nhất.
Toàn thể ý niệm này là sai. Không có phân cấp. Giáo sư làm công việc của ông ấy, và tiều phu làm việc của mình, và cả hai đều được cần tới. Cũng không có cấp bậc giữa con người và các con vật khác, không có cấp bậc giữa con người và con người. Tôi chống lại toàn thể ý tưởng cấp bậc.
Và đó là viễn kiến của tôi về công xã mới.
Trong công xã mới sẽ không có ai cao hơn và không có ai thấp hơn. Trong đạo tràng này, không có ai cao hơn, không có ai thấp hơn. Có người dọn nhà vệ sinh và có các giáo sư, nhà trị liệu, và họ tất cả như nhau - họ tất cả đều làm việc có ích nào đó, việc bản chất nào đó. Thầy phó hiệu trưởng ở đây, trong công xã này, là trên cùng một nền như người chẻ củi. Nhà trị liệu vĩ đại không có danh vọng, quyền lực nhiều hơn người dọn nhà vệ sinh. Do đó, không có vấn đề gì. Một tiến sĩ có thể chọn việc dọn nhà vệ sinh - một tiến sĩ đang làm điều đó; một tiến sĩ khác chỉ quét phố của đạo tràng.
Nếu không có cấp bậc, không có vấn đề gì; bằng không, vị tiến sĩ sẽ nghĩ, "Làm sao tôi có thể làm việc này được, việc cho người hầu này? Tôi không là cái tay, tôi là cái đầu." Trong công xã này không có đầu, không có tay - mọi người, toàn thể mọi người đều được kính trọng, yêu mến, vì bất kì điều gì họ đang làm, hay bất kì điều gì họ có thể làm, bất kì điều gì họ thích làm.
Toàn thể sự tồn tại này là một công xã. Thượng đế là trung tâm và chúng ta tất cả đều là chu vi của nó.
Không có tiến hoá, Digvijay này, không mục đích tối thượng. Nó là trò chơi thôi. Tận hưởng nó đi, mở hội nó đi! Nếu ý tưởng này về mục đích tối thượng và tiến hoá có thể được vứt bỏ khỏi tâm trí bạn, tôi biết tiềm năng của bạn; bạn có thể trở thành một trong những sannyasin lớn. Bạn có thể là con người mới. Nhưng bạn đang phát rồ bởi vì ý tưởng cuộc sống của bạn đã được cống hiến cho nó. Và nếu nó là sai về nền tảng thế thì bạn sẽ hối hận một ngày nào đó. Quên tất cả về nó đi! Bắt đầu thiền ngày một nhiều về bản thể bên trong riêng của bạn. Đừng lo nghĩ điều gì sẽ xảy ra; thay vì thế, được tham dự với cái đã xảy ra. Thượng đế là sự hiện diện, Thượng đế là sự hiện hữu, không phải là sự trở thành, và toàn thể sự tồn tại này cũng vậy.
Cái ngày chúng ta vứt bỏ đi ý tưởng về tiến hoá và mục đích tối thượng, thế giới sẽ được tự do khỏi sự tù túng của nó về tương lai. Chính tương lai đang giữ chúng ta trong tù túng, và quá khứ nữa - và cả hai đang trong cùng mưu đồ chống lại con người.
Tương lai và quá khứ được vứt bỏ, bạn đạt tới tự do - tự do, Phật nói, không có giới hạn.
Câu hỏi thứ hai:
Thưa thầy kính yêu,
Làm sao thầy biết lắm chuyện đùa thế?
Viramo, trước hết, tôi chưa từng là người Anh trong bất kì kiếp sống quá khứ nào của mình. Thứ hai, trong nhiều kiếp sống quá khứ tôi đã là người Do Thái.
Ngài Reginald, lên một chiếc taxi New York, bị người lái xe thách thức giải một câu đố: "Một người tôi vẫn nghĩ có cùng bố như tôi có và có cùng mẹ, nhưng đấy không phải là chị tôi và không phải là anh tôi. Đó là ai?"
Người Anh nghĩ một chốc, rồi từ bỏ. "Đấy là tôi," người lái taxi nói với anh ta.
"Thế à! Rất hay. Tôi phải thử chuyện này với mấy tay ở câu lạc bộ mới được!"
Một tháng sau ông ta ngồi ở London với mấy anh bạn hút xì gà chí thân. Ông ta nói, "Thưa các quí ông, cá nhân này tôi tâm niệm trong đầu không phải là anh tôi, không phả là chị tôi, vậy mà người này có cùng cha mẹ như của tôi - đó là ai?"
Sau vài giây suy nghĩ, mọi thành viên thú nhận thua cuộc. "Đó là ai?" một người trong họ hỏi. "Lại đây, Reggie, cho chúng tớ câu trả lời đi."
Reggie vỗ đùi trong chiến thắng. "Đó là người lái xe taxi ở thành phố New York!" ông ta cười phá lên.
Và câu chuyện thứ hai:
Morton và Fogel đang thảo luận khôi hài qua bữa trưa. "Người Do Thái có phản ứng khác đi khi họ nghe chuyện đùa không?" Morton hỏi.
"Câu hỏi đích đáng đấy!" Fogel đáp. "Nếu cậu kể chuyện đó cho người Anh, anh ta sẽ cười nó ba lần: một lần khi cậu kể nó, lần nữa khi cậu giải thích nó và lần thứ ba khi anh hiểu ra vấn đề. Kể cùng câu chuyện đó cho người Đức: anh ta sẽ cười hai lần - cả hai lần đều để cho lịch sự - sẽ không có lần thứ ba bởi vì anh ta chẳng bao giờ nắm được vấn đề. Kể cùng câu chuyện đó cho người Mĩ: anh ta sẽ cười một lần, ngay lập tức, bởi vì anh ta sẽ hiểu ngay nó.
"Nhưng," Fogel nói, "khi cậu kể chuyện đùa đó cho người Do Thái..."
"Ừ?" Morton hỏi.
"Khi cậu kể cùng câu chuyện đó cho người Do Thái, anh ta sẽ không cười chút nào đâu. Thay vì thế anh ta sẽ nói, 'Đấy là chuyện đùa cũ rồi - mà bên cạnh đó, anh còn kể sai toét!"
Câu hỏi thứ ba:
Thưa thầy kính yêu,
Tôi nghe thầy nói rằng là một sannyasin nghĩa là phải sẵn sàng sống một cuộc sống rất cô đơn. Nhưng từ khi tôi là sannyasin tôi cảm thấy rằng tôi không thể cô đơn thêm nữa, vì thầy bao giờ cũng ở quanh. Tôi có hiểu sai thầy không?
Deva Maya này, bạn không hiểu tôi chút nào rồi. Vấn đề không phải là hiểu đúng hay sai - bạn không hiểu tôi chút nào.
Tôi đã không bảo bạn rằng một sannyasin phải sẵn sàng để sống một cuộc sống cô đơn đâu. Điều tôi đã nói với bạn là: sannyasin biết cách sống một mình. Và sống cô đơn là khác hoàn toàn với sống một mình. Không chỉ khác, chúng là đối lập. Chúng xa nhau như trời và đất; khoảng cách là vô hạn giữa chúng.
Sống cô đơn nghĩa là trạng thái tiêu cực: bạn khao khát người khác, bạn khao khát bầu bạn, bạn thiếu đám đông. Bạn không thể dung thứ cho bản thân mình; bạn cảm thấy bản thân mình không thể tha thứ được. Bạn chán với bản thân mình - đó là điều cô đơn nghĩa là gì - hoàn toàn chán.
Sống một mình là khác hoàn toàn: nó là cực lạc hoàn toàn. Sống một mình nghĩa là một trạng thái tích cực. Bạn không thiếu người khác, bạn đang tận hưởng bản thân mình. Bạn không bị chán với chính mình, bạn đang mê say. Một thách thức lớn tới từ cốt lõi bên trong của bạn. Bạn bắt đầu cuộc hành trình vào nội tâm. Khi có người khác bạn bận với họ, tâm thức bạn vẫn còn tập trung vào họ. Khi bạn một mình, tâm thức bạn đi vào nội tâm. Khi bạn ở cùng với người khác bạn phải là người hướng ngoại - tâm thức bạn quay lưng lại với bản thân nó. Khi bạn ở cùng người khác ánh sáng của bạn chiếu lên khuôn mặt của họ; khi bạn một mình ánh sáng của bạn chiếu lên khuôn mặt nguyên thuỷ riêng của bạn.
Maya này, bạn đã không hiểu tôi rồi. Tôi đâu có bảo bạn rằng là một sannyasin nghĩa là "sẵn sàng sống cuộc sống rất cô đơn." Từ đâu mà bạn có được ý tưởng này về sống cuộc sống rất cô đơn? Chắc chắn người ta phải có khả năng sống một mình, nhưng sống một mình không có nghĩa là bạn không thể quan hệ; ngược lại, người có thể sống một mình trở thành tràn đầy vui vẻ, trở thành tràn trề đến mức người đó phải quan hệ. Người đó trở thành đám mây mưa - người đó phải mưa rào xuống. Người đó trở thành đoá hoa tràn đầy hương thơm tới mức người đó phải mở cánh hoa ra và cho phép hương thơm của nó thoát đi theo gió.
Người biết cách sống một mình trở thành tràn đầy bài ca tới mức người đó phải hát nó lên. Và bạn có thể hát bài hát ở đâu? Bạn có thể hát bài ca chỉ trong tình yêu, trong quan hệ, trong chia sẻ với mọi người. Nhưng bạn chỉ có thể chia sẻ nếu bạn có ngay chỗ đầu tiên.
Vấn đề là ở chỗ mọi người không có vui vẻ nào trong bản thể mình và họ bị buộc phải chia sẻ nó. Bây giờ, hai người khổ bị buộc chia sẻ vui vẻ của họ với nhau - cái gì sẽ xảy ra? Khổ sẽ không gấp đôi lên đâu, nó sẽ gấp bội lên đấy.
Đó là điều mọi người đang làm với nhau: chồng với vợ và vợ với chồng, và cha mẹ với con cái và con cái với cha mẹ. Thực ra kẻ thù không thù địch như bạn bè cuối cùng chứng tỏ ra: hành hạ nhau, chất khổ lên nhau, ném những thứ bẩn thỉu của mình lên nhau. Họ đang bốc mùi - họ có thể làm được gì? Khi họ tới gần bạn, bạn phải chịu mùi khắm của họ. Và bạn phải chịu nếu bạn muốn họ chịu mùi khắm của bạn. Cho nên đó là mặc cả.
Bạn không thể sống một mình, họ không thể sống một mình - các bạn phải sống cùng nhau. Cho dù nó khắm đấy, ít nhất thì cũng còn có an ủi rằng "Mình không một mình."
Người biết cách sống một mình cũng biết cách có tính thiền. Tính một mình nghĩa là thiền - ưa thích bản thể riêng của bạn, mở hội bản thể riêng của bạn.
Walt Whitman nói: Tôi mở hội bản thân mình, tôi ca hát bản thân mình. Đó là tính một mình. Con người Whitman này thực sự là nhà huyền môn, không chỉ là nhà thơ. Ông ấy nên được tính cùng với các nhà tiên tri cổ đại của Upanishad. Nước Mĩ đã không cho sinh ra nhiều nhà huyền môn vĩ đại; Whitman thực sự là một trong những món quà quí giá nhất của nước Mĩ cho thế giới. Ông ấy nói: Tôi mở hội bản thân mình, tôi ca hát bản thân mình. Đó là điều nhà huyền môn bao giờ cũng được cho là đương nhiên làm, đó chính là chức năng của nhà huyền môn: mở hội bản thân mình. Nhưng làm sao bạn sẽ mở hội? Bạn sẽ phải mời người khác chứ. Bạn sẽ phải bảo người khác tới và tham dự.
Thiền cho bạn cái nhìn thấu về kho báu bên trong riêng của bạn, và trong tình yêu bạn chia sẻ nó. Đó là điều tôi ngụ ý khi tôi nói rằng sannyasin phải sẵn sàng sống một mình - để cho một ngày nào đó người đó có thể sẵn sàng yêu. Chỉ người biết cái đẹp của sự một mình mới có thể yêu được. Nhưng chỉ hơi khác một chút thôi và bạn có thể bỏ lỡ toàn bộ vấn đề.
Bây giờ, khác biệt giữa một mình và cô đơn là không nhiều; khi có liên quan tới ngôn ngữ thì không có khác biệt chút nào, chúng là đồng nghĩa. Trong từ điển bạn sẽ thấy một mình được mô tả là cô đơn, cô đơn là một mình - nhưng đó chỉ là trong từ điển, không trong bản thân cuộc sống. Trong bản thân cuộc sống nó khác hoàn toàn.
Đừng sống qua ngôn ngữ, đừng trở nên quá bị ám ảnh với ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ chỉ là tiện dụng. Nó có thể dẫn bạn đi sai - nó làm cho lạc lối. Nó không thể giúp gì điều đó; nó đã được những người không biết gì phát minh ra. Tôi đang nói "một mình" và tâm trí bạn nghe thấy "cô đơn." Một khi bạn dịch một mình thành cô đơn bạn đã ở xa nghìn dặm đường rồi - không chỉ nghìn dặm mà cả triệu năm ánh sáng xa tôi.
Potter thấy một cửa hàng với biển đề: "Hiệu giặt kiểu Trung Quốc của Hans Schmidt." Vì tò mò anh ta đi vào và được một người Trung Quốc đón chào, người này tự giới thiệu mình là Hans Schmidt. "Sao anh có cái tên như thế?" Potter hỏi. "Khi tôi lên bờ ở Mĩ tôi đứng trong hàng người nhập cảnh sau một người Đức," người phương đông giải thích. "Khi họ hỏi tên người Đức, anh ta nói, 'Hans Schmidt.' Khi viên chức đó hỏi tên, tôi nói, 'Sam Ting.'"*
Điều đó rất dễ hiểu.
P.F.C. Perkins từ chối đi đánh nhau ở Korea (Triều Tiên). Anh ta được bảo rằng nếu anh ta không phục vụ trong quân đội, viên tư lệnh hiến binh sẽ bắn anh ta. "Anh có phải là người từ chối nhập ngũ vì trái đạo lí không?" viên trung sĩ nhất hỏi.
"Tôi không từ chối cái gì cả" Perkins nói, "nhưng tôi bị cả hai bệnh lậu và bệnh tiêu chảy, và nếu bệnh 'Korea'* này là cái gì giống thế - thì cứ bắn tôi đi còn hơn!"
Maya này, tôi nói điều gì đó, bạn nghe ra cái gì đó hoàn toàn khác.
Một gã người London thấy một cô gái xinh mắt ngồi một mình ở bàn khác và nói, "Cô có hút thuốc lá không?"
Cô ấy nói, "Rất tiếc, tôi không hút thuốc."
Anh ta đợi một chốc rồi nói, "Cô có uống một cốc không?"
"Rất tiếc, tôi không uống."
Anh ta đợi thêm mười phút nữa rồi hỏi, "Cô có đi ăn tối với tôi không?"
"Tôi rất tiếc," cô gái đáp, "tôi không ăn tối."
"Thôi được, vì trời! Nếu cô không hút thuốc hay uống rượu hay ăn tối, vì trời cô có làm gì về dục không?"
"Ồ, vào lúc sáu giờ tôi có uống cốc trà và ăn cái bánh bích qui."
Bạn đổi từ 'cô đơn' đó đi; vứt nó đi hoàn toàn khỏi tâm trí bạn. Học một mình là gì đi - và một mình là hiện tượng đẹp, đẹp nhất. Thế thì sự hiện diện của tôi sẽ không quấy rối sự một mình của bạn, sự hiện diện của tôi sẽ tôn cao nó. Sự hiện diện của tôi, việc nhớ tới tôi, cảm giác tôi ở quanh bản thân bạn, việc nhận chìm bản thân bạn, sẽ tôn cao nó, sẽ làm cho nó phong phú hơn, sẽ làm cho nó trong như pha lê hơn. Và không chỉ sự hiện diện của tôi mà sự hiện diện của các sannyasins của tôi cũng sẽ tuyệt đối không quấy rối sự một mình.
Thực ra, sự một mình không thể bị quấy rối chút nào. Nó là trạng thái được kết tinh thế của tâm thức, không cái gì có thể làm phân tán bạn khỏi nó được, và mọi thứ đều giúp cho nó mạnh hơn. Bạn có quan sát hiện tượng ngược đời này không? Chẳng hạn, ngay bây giờ chúng ta đang ngồi đây trong im lặng... tiếng chim ríu rít - nó quấy rối im lặng hay làm phong phú thêm? Con quạ - nó quấy rối im lặng của bạn, hay giúp và cho im lặng sự tương phản? Nếu bạn thực sự im lặng, thế thì ngay cả ở bãi chợ bạn cũng sẽ ngạc nhiên rằng im lặng của bạn sâu sắc hơn. Nếu im lặng của bạn bị quấy rối bởi bãi chợ, điều đó đơn giản nghĩa là nó không phải là im lặng ngay chỗ đầu tiên. Nó bị ép buộc, được trau dồi, được thực hành, rởm - nó không thực.
Nếu im lặng thực có đó, chẳng cái gì có thể quấy rối được nó. Từng nhiễu loạn tới để tôn cao thêm nó. Điều đó cũng giống như trong đêm tối bạn bước đi trên phố và chiếc xe ô tô đi qua với những đèn pha bật sáng chói. Trong một khoảnh khắc bạn bị loá mắt bởi ánh sáng đó, và thế rồi chiếc xe đi qua. Bạn có cho rằng bóng tối đã bớt đi hơn trước không? Nó còn sâu sắc hơn trước đây, nó còn đậm đặc hơn trước đó. Chiếc xe và ánh đèn pha trước đã không quấy rối nó chút nào; thay vì thế lại giúp nhiều lắm.
Và đây là cách nó là vậy với sự một mình: sự một mình của bạn sẽ không bị quấy rối bởi công xã, và chắc chắn không bị quấy rối bởi tôi - bởi vì tôi không phải là tiếng ồn. Tôi là giai điệu, là âm nhạc - âm nhạc không thể nghe được bằng tai nhưng chỉ có thể nghe được bằng trái tim.
Điều tốt là bạn đã bắt đầu cảm thấy tôi. Điều tốt là bạn nói, "Vì tôi là sannyasin tôi cảm thấy rằng tôi không thể cô đơn thêm nữa, vì Thầy bao giờ cũng ở quanh."
Vâng, bạn không thể cô đơn thêm nữa, nhưng bạn sẽ một mình nhiều hơn bởi vì tôi bao giờ cũng cùng bạn. Và một mình là kho báu quí giá, là cánh cửa tới vương quốc của Thượng đế. Nhưng quên cái từ 'cô đơn' đó đi; nó là xấu, nó là bệnh hoạn.
Và người tìm kiếm tình bạn, tình yêu, bầu bạn, từ sự cô đơn thì sẽ không tìm thấy nó đâu. Thực ra, với bất kì ai người đó sẽ giao thiệp, người đó sẽ cảm thấy bị lừa và người đó sẽ làm cho người khác cũng cảm thấy bị lừa. Người đó sẽ cảm thấy mệt mỏi và chán chường, và người đó sẽ làm cho người khác cũng cảm thấy mệt mỏi và chán chường. Người đó sẽ cảm thấy bị hút hết sức và người đó sẽ làm cho người khác cũng cảm thấy bị hút hết sức, bởi vì cả hai sẽ hút năng lượng của nhau. Và họ không có nhiều năng lượng ngay chỗ đầu tiên. Dòng suối của họ chảy rất mảnh; họ giống như dòng suối mùa hè trong khu đất khô cằn. Bạn không thể lấy được nước ra từ chúng. Nhưng nếu bạn tìm kiếm tình bạn và tình yêu và bầu bạn từ sự một mình, bạn là dòng sông ngập lụt, dòng sông trong trong mưa. Bạn có thể chia sẻ thật nhiều tuỳ bạn muốn. Và bạn càng chia sẻ nhiều, bạn sẽ càng có nhiều.
Đây là kinh tế bên trong: bạn càng cho nhiều, bạn càng được nhiều từ Thượng đế. Một khi bạn đã biết cái mẹo của nó bạn trở thành kẻ ăn tiêu hoang phí, bạn không còn là kẻ keo kiệt nữa.
Người tâm linh không thể là người keo kiệt được, và người keo kiệt không thể là người tâm linh được.
Câu hỏi thứ tư:
Thưa thầy kính yêu,
Thầy phải nói gì về chính phủ Ấn Độ của thủ tướng Chowdhry Charan Singh?
Narendra này, tôi chẳng có gì để nói về những thứ rác rưởi như thế, nhưng bởi vì bạn đã hỏi, chỉ để lịch sự với bạn và với câu hỏi của bạn, chỉ để biểu lộ sự kính trọng của tôi cho câu hỏi của bạn, tôi sẽ kể cho bạn ba câu chuyện.
Thứ nhất:
Một người lấy taxi tới lâu đài của thủ tướng nơi anh ta bảo người lái xe đợi mình.
Người lái xe từ chối nói anh ta không có thời gian. "Nhưng ông sẽ đợi tôi đấy," hành khách nói. "Tôi là thủ tướng mới mà."
"Trong trường hợp đó," người lái xe đáp, "Tôi sẽ đợi - nhưng ông đừng ở đó lâu đấy nhé!"
Và chuyện thứ hai:
Lịch làm việc của nội các Ấn Độ:
Thứ hai: Hội họp với các nhân vật lãnh đạo. Thứ ba: Hình thành nội các mới.
Thứ tư: Cuộc họp đầu tiên của nội các mới. Thứ năm: Thông báo đầu tiên của nội các mới. Thứ sáu: Rút bỏ các công bố.
Thứ bẩy: Từ chức của nội các mới. Chủ nhật: Ngày nghỉ.
Thứ hai: Xem ở trên. Và chuyện thứ ba:
Chính một sự kiện lịch sử là Diogenes đã đi khắp thế giới đã biết, cầm đèn trong tay, cố gắng tìm ra một người trung thực.
Khi ông ấy đi tới New Delhi, họ đánh cắp mất chiếc đèn của ông ấy.
Câu hỏi thứ năm:
Thưa thầy kính yêu,
Dục và chết dường như là hấp dẫn chính đối với tôi. Thầy có thể nói gì về hai cực này để giúp tôi vượt ra ngoài?
Saguna này, dục và chết thực sự là một năng lượng. Dục là mặt này của đồng tiền, chết là mặt kia. Do đó, bất kì ai quan tâm tới dục đều nhất định quan tâm tới chết - mặc dầu người đó muốn tránh nó. Bất kì ai quan tâm tới chết thì đều nhất định quan tâm tới dục - mặc dầu người đó muốn tránh nó. Tại sao? - bởi vì quan niệm phổ biến là ở chỗ dục và chết là đối lập. Chúng không phải vậy. Và bởi vì quan niệm phổ biến này mà đã phải tồn tại hai loại văn hoá trên thế giới: hướng dục và hướng chết.
Chẳng hạn, Ấn Độ vẫn duy trì trong nhiều thế kỉ văn hoá hướng cái chết. Bởi vì nó hướng cái chết nên nó kìm nén dục. Nghĩ rằng dục là điều ngược lại, nó kìm nén dục, nó tránh né dục; nó giả vờ dục không tồn tại. Bạn có thể nói về cái chết không có vấn đề gì, nhưng bạn không thể nói được về dục.
Mới hôm nọ một sannyasin đã hỏi, "Tôi suýt bị cảnh sát bắt và giam bởi vì tôi nói lời tạm biệt cô bạn gái và chúng tôi hôn nhau trước đồn cảnh sát." Rất khó để mà gạt bỏ cảnh sát. Cảnh sát đã bắt giữ họ; họ phải đợi ở đó trong hai giờ. Bằng cách nào đó họ đã thuyết phục cảnh sát, đã xin lỗi.
Sannyasin này đã hỏi, "Tôi phân vân lắm. Tôi đã làm gì sai ở đó? Tôi đã nói lời tạm biệt bạn gái mình, cô ấy sắp đi; chúng tôi có thể gặp nhau, chúng tôi có thể không gặp nhau, vì ai biết được về ngày mai? Cô ấy sẽ đi xa trong sáu tháng, và ai biết cái gì sẽ xảy ra trong sáu tháng này? Cho nên cái gì sai với việc tôi hôn cô gái ấy và cô ấy hôn tôi, chỉ là chào tạm biệt? Sao nó lại có thể bị phản đối? Mọi người đái trên phố và chẳng ai phản đối cả!"
Bây giờ, sannyasin đó không biết rằng từ khi Morarji Desai trở thành thủ tướng của đất nước này việc đái đã trở thành điều thiêng liêng. Bạn có thể đái ở bất kì đâu - đó là cái gì đó thiêng liêng. Thực ra nó là nghĩa vụ thiêng liêng đấy. Đái nhiều nhất có thể được đi, vì vấn đề không phải là việc đái: đấy là nước của cuộc sống. Bạn nuôi dưỡng đất; bạn đang làm việc phục vụ công cộng lớn lao.
Tôi đã nghe:
Khi Morarji Desai tới Mĩ, ông ấy rất phân vân bởi vì trong các buổi tiệc tùng, trong các cuộc tụ tập, các cuộc mít tinh, các quí bà bao giờ cũng dồn vào phía bên kia phòng. Cuối cùng, ông ấy phải hỏi; ông ấy tò mò tại sao các quí bà lại không tới gần ông ấy. Ông ấy được thông báo, "Chúng tôi rất tiếc phải nói, nhưng các quí bà sợ rằng ông có thể cảm thấy khát khao vào bất kì lúc nào, và nếu ông làm việc của mình ở chỗ công cộng thì điều đó sẽ rất ngượng ngùng. Cho nên họ dồn sang phía bên kia. Trong trường hợp cái gì đó giống thế xảy ra, họ có thể trốn thoát; ít nhất thì họ cũng có thể quay lưng họ lại ông."
Ở Ấn Độ, hôn là cái gì đó giống như tội lỗi, tội ác. Và ở chỗ công cộng, và điều đó nữa trước đồn cảnh sát! Ấn Độ có văn hoá hướng theo cái chết. Bạn có thể nói về cái chết; xác chết của người ăn xin có thể nằm ra bên cạnh đường và không ai sẽ chú ý gì. Mọi người sẽ cứ đi qua. Điều đó là chấp nhận được; chết được chấp nhận. Thực ra, không chỉ được chấp nhận, mà được khuếch đại lên - để tạo ra sợ trong mọi người để cho họ trở nên mang tính tôn giáo.
Nếu chết được khuếch đại lên, nó thực sự làm bạn hoảng hồn. Và từ nỗi sợ bạn có thể bắt đầu đi tới đền chùa, tới tu viện, tới tu sĩ, bởi vì cái chết đang tới - sớm hay muộn bạn sẽ phải chết. Một số thu xếp nào đó phải được thực hiện, thu xếp nào đó cho cuộc hành trình dài.
Ai biết cái gì sẽ được cần tới? Các tu sĩ giả vờ rằng họ biết.
Và mọi cái gọi là thánh nhân của Ấn Độ sẽ nói về chết. Họ sẽ đem ra chủ đề về chết lặp đi lặp lại mãi. Toàn thể kinh doanh của họ tuỳ thuộc vào cái chết; nếu mọi người quên mất cái chết, thì mọi người bắt đầu quên Thượng đế, mọi người bắt đầu quên về đền chùa, mọi người bắt đầu quên về các thánh nhân. Cho nên thánh nhân không thể để bạn một mình; họ sẽ cứ đem chủ đề về chết vào tâm trí bạn để cho họ có thể cứ giữ cho bạn run rẩy. Nỗi sợ của bạn là bí mật thương mại của họ: nếu bạn sợ, bạn sẽ vẫn còn là nô lệ cho họ. Nếu bạn trở nên không sợ, thế thì bạn sẽ thoát ra khỏi toán con chiên của họ; thế thì bạn không thể bị khai thác. Cái chết không xấu với họ, nó là tốt. Nó giúp cho kinh doanh của họ.
Nhưng dục... cái đó là nguy hiểm cho họ. Ấn Độ không phải là quốc gia hướng theo dục. Hôn, ôm, yêu, chính hiện tượng yêu, làm cho bạn hướng đất, làm cho bạn ít sợ chết. Những người yêu là những người ít sợ chết nhất. Khi bạn đang trong tình yêu bạn không quan tâm tới cái chết. Nếu nó tới, thì nó tới. Thì sao? Nếu bạn đang trong yêu, bạn có thể chết vẫn mỉm cười. Với nụ hôn trên môi bạn có thể nói lời tạm biệt. Bạn đã yêu, bạn đã sống; không có gì để ăn năn. Cuộc sống của bạn đã không là sự phí hoài. Bạn đã nở hoa! Bạn đã nhảy múa trong mặt trời, trong gió, trong mưa - bạn còn trông đợi cái gì thêm nữa? Món quà cuộc sống thật mênh mông: tình yêu là món quà của nó. Bạn biết ơn! Sao bạn phải đi tới tu sĩ? Bạn có thể đi tới thi sĩ, bạn có thể đi tới hoạ sĩ, bạn có thể đi tới nhạc sĩ, nhưng bạn sẽ không đi tới tu sĩ.
Đó là lí do tại sao bạn sẽ ngạc nhiên: trong công xã của tôi bạn sẽ thấy các nhạc sĩ và bạn sẽ thấy các thi sĩ và bạn sẽ thấy các vũ công và bạn sẽ thấy các ca sĩ, nhưng bạn sẽ không tìm ra tu sĩ chút nào. Tu sĩ dường như là trung tâm của mọi hoạt động tôn giáo, và ông ta vắng bóng ở đây, tuyệt đối vắng bóng - bởi vì cách tiếp cận của tôi là ở chỗ trước hết bạn phải biết yêu là gì, bạn phải đi sâu vào yêu. Chìm thật sâu nhất có thể được vào trong tình yêu!
Nếu bạn có thể chìm thực sự sâu vào tình yêu bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn đã đi tới cái chết. Đó là kinh nghiệm riêng của tôi - tôi không đề xuất lí thuyết, tôi đơn giản phát biểu trạng thái tồn tại riêng của tôi, kinh nghiệm riêng của tôi. Tôi chỉ phát biểu một sự kiện: nếu bạn yêu sâu sắc bạn nhất định đi tới hiện tượng về cái chết. Và khi bạn đi qua tình yêu tới cái chết, ngay cả cái chết cũng đẹp, bởi vì tình yêu làm cho mọi thứ thành đẹp. Khi bạn đi qua tình yêu tới cái chết, tình yêu tô điểm cho cái chết, tình yêu làm đẹp cho cái chết; ngay cả cái chết cũng trở thành phúc lành. Những người đã biết tới tình yêu sẽ biết cái chết như điều tối thượng trong cực thích.
Bây giờ có những nền văn hoá hướng theo dục, chẳng hạn, Mĩ. Tại đó, cái chết là điều cấm kị; bạn không nên nói về cái chết. Nếu bạn bắt đầu nói về cái chết, mọi người sẽ lảng tránh bạn. Bạn sẽ không được mời tới các bữa tiệc nữa. Bạn nghiễm nhiên không được nói về cái chết; cái chết phải không được nhắc tới. Cái chết vẫn là một trong nhưng điều không thể được nhắc tới. Đó là lí do tại sao cho dù ai đó chết chúng ta có cách nói lái, dùng các từ khác để che đậy sự kiện của cái chết. Chúng ta nói, "Ông ấy đã qua đời." Chúng ta không nói, "Ông ấy đã chết." Chúng ta nói, "Ông ấy đã trở thành người yêu của Thượng đế." Chúng ta không biết về Thượng đế, chúng ta không biết trở thành người yêu của Thượng đế là ngụ ý cái gì, bởi vì chúng ta chưa bao giờ là người yêu của bất kì ai. Ngay cả Thượng đế mà muốn ôm ghì bạn thì cảnh sát sẽ bắt ngài. Nếu ngài hôn bạn, ngay cả bạn cũng sẽ cảm thấy chút ít bối rối - Thượng đế à? mà hôn mình sao? Có thực là Thượng đế không hay chỉ giả dối? Làm sao Thượng đế có thể hôn được? Việc hôn chưa bao giờ được coi là hoạt động tâm linh. Ngay cả ở chỗ công cộng điều đó cũng bị cấm, và ngài lại làm điều đó trên bình diện vũ trụ - không chỉ ở chỗ công cộng mà ở vũ trụ, tại chính trung tâm của vũ trụ! Nhưng chúng ta có cách thức để né tránh cái chết; bằng cách nào đó nó phải bị né tránh. Bản thân từ này là cấm kị.
Chính bởi vì Sigmund Freud mà điều cấm kị chống lại từ 'dục' đã bị vứt bỏ - toàn thể công lao thuộc vào con người này. Ông ấy là một trong những người đem lại ích lợi vĩ đại nhất cho nhân loại. Mặc dầu bản thân ông ấy không chứng ngộ, ông ấy đã làm việc phục vụ lớn lao, công việc tiên phong: ông ấy đã loại bỏ một điều kiêng kị lớn. Bây giờ bạn có thể nói về dục mà không cảm thấy xấu hổ, không thấy mặc cảm.
Một Freud nữa là cần có - một Freud sẽ loại bỏ điều kiêng kị với chết. Phương Tây là hướng dục, phương Đông là hướng chết; do đó ở phương Đông mọi người kìm nén dục và ở phương Tây mọi người kìm nén chết. Cả hai đều sai bởi vì dục và chết là hai mặt của cùng một đồng tiền. Nếu bạn kìm nén cái này, bạn không thể kinh nghiệm cái kia trong tính toàn bộ của nó được, bởi vì kinh nghiệm cái này trong tính toàn bộ của nó là kinh nghiệm cái kia nữa, và cả hai đều phải được kinh nghiệm. Cuộc sống là cơ hội để kinh nghiệm dục và chết. Nếu bạn kinh nghiệm hai điều này và nếu bạn có thể đi tới kinh nghiệm đích thực của riêng mình rằng chúng cả hai là một, thì bạn đã siêu việt lên rồi. Việc biết rằng cả hai là một là việc siêu việt.
Saguna, bạn hỏi tôi, "Thầy có thể nói gì về hai cực này để giúp tôi vượt ra ngoài?"
Kinh nghiệm cả hai đi. Nhưng ngay bây giờ cái chết còn chưa có đấy; ngay bây giờ bạn phải kinh nghiệm yêu, dục - mọi điều tinh tế của yêu, tính rắc rối của yêu, sự phức tạp của yêu, mọi sắc thái của yêu. Ngay bây giờ, đi sâu vào trong yêu đi, Saguna này. Và thế rồi khi cái chết tới bạn sẽ có khả năng đi sâu vào trong cái chết nữa.
Thực ra, trong khi làm tình, tại đỉnh cao nhất của cực thích một cái chết nhỏ xảy ra, bởi vì tâm trí biến mất, bản ngã biến mất, thời gian biến mất, cứ dường như đồng hồ bỗng nhiên dừng lại. Bạn được đưa vào một thế giới khác. Bạn không còn là thân thể nữa, không là tâm trí nữa, không là bản ngã nữa... bạn là sự tồn tại thuần khiết. Đó là cái đẹp của cực thích. Biết tới cực thích là kinh nghiệm một chút ít về cái chết, cái chết nhỏ.
Trước hết đi sâu vào trong tình yêu để cho bạn có thể có vài nếm trải về cái chết. Thế rồi cái chết sẽ tới một ngày nào đó - thế thì đi vừa nhảy múa vào trong nó, bởi vì bạn biết nó sẽ là cực thích lớn lao nhất mà bạn đã từng biết tới, điều đó sẽ là chiều sâu nhất của tình yêu. Và đó là cách người ta siêu việt lên - biết rằng cả hai là một. Chính việc biết đó là siêu việt.
Câu hỏi cuối cùng:
Thưa thầy kính yêu,
Tôi muốn trở thành một sannyasin, nhưng dần dần thôi. Thế có được với thầy không? Hay cú nhảy bất thần là cần thiết?
Girish Chandra này, bạn nhắc tôi nhớ tới một câu chuyện:
Trong thế chiến I, Đại uý không quân hoàng gia Bainsby bắn rơi phi công xuất sắc Đức Nam tước von Ribstein trên lãnh thổ nước Anh. Ngày hôm sau Bainsby tới thăm nam tước trong bệnh viện.
"Chào ông tướng," người Anh nói, "Tôi có thể làm gì cho ông được không?"
"Có chứ," Von Ribstein đáp. "Họ cắt cụt cánh tay phải của tôi. Ông sẽ thả nó qua nước Đức được chứ?"
Đại uý Bainsby làm như được yêu cầu và một tuần sau đó trở lại viếng thăm.
"Anh bạn của tôi ơi," nam tước nói, "họ tháo chân phải của tôi ra rồi. Xin ông thả nó về đất cha được chứ?"
Bainsby hoàn thành yêu cầu này và quay lại thăm kẻ thù trên không của mình lần nữa.
"Thưa đại uý," Von Ribstein nói, "họ sắp bỏ chân trái của tôi. Một lần nữa, tôi có thể xin ông thả nó ra đằng sau phòng tuyến Đức được không?"
"Tất nhiên được chứ, anh bạn tri kỉ," Bainsby đáp. "Nhưng tôi xin nói, anh không định trốn đấy chứ, hả anh bạn?"
Đủ cho hôm nay.
* Tên người Trung Quốc này là "Sam Ting" nhưng phát âm trong tiếng Anh có thể hiểu thành "same thing" nghĩa là "Cùng cái tên ấy" cho nên họ gán cho anh ta cái tên Hans Schmidt.
* "Korea" và "Cholera" (bệnh thổ tả) phát âm gần giống nhau và có thể bị nghe lầm, hiểu lầm
Xem Chương 7