Chương 3. Là vị Phật!

Người đó bỏ đường tối
Để đi đường của ánh sáng.
Người đó bỏ nhà,
đi tìm hạnh phúc trên đường gian khó.
Tự do khỏi ham muốn,
Tự do khỏi sở hữu,
Tự do khỏi chỗ tối của trái tim,
Tự do khỏi gắn bó và thèm muốn,
Đi theo bẩy ánh sáng của thức tỉnh,
Và hân hoan lớn lao trong tự do của mình,
Trong thế giới này người trí huệ
Bản thân mình trở thành ánh sáng,
Thuần khiết, chói sáng, tự do.
Không xúc động, không gắn bó.
Không hỏi về gia đình hay quyền lực hay của cải,
Dù cho bản thân ông hay cho người khác.
Người trí huệ có thể ước ao vươn lên một cách bất công không?
Vài người đi qua sông.
Phần lớn bị kẹt ở bờ bên này.
Trên bờ sông họ chạy xuôi ngược.
Nhưng người trí huệ, đi theo con đường,
Đi qua sông vượt ra ngoài tầm với của cái chết.
Con người sống trong khổ - không phải bởi vì người đó mang định mệnh phải sống trong khổ mà bởi vì người đó không hiểu bản tính, tiềm năng, những khả năng trưởng thành riêng của mình. Việc không hiểu biết này về bản thân mình tạo ra địa ngục. Hiểu bản thân mình là phúc lạc một cách tự nhiên, bởi vì phúc lạc không phải là cái gì đó tới từ bên ngoài, nó là tâm thức của bạn nghỉ ngơi trong bản tính riêng của nó.
Nhớ phát biểu này: tâm thức bạn nghỉ ngơi trong bản thân nó là điều phúc lạc tất cả là gì.
Và được thảnh thơi trong bản thể riêng của người ta là trí huệ. Từ tiếng Anh cho trí huệ (wise) không hàm nghĩa cùng chiều sâu, sự sâu sắc và ý nghĩa như từ 'phật'. Bất kì chỗ nào bạn bắt gặp từ 'người trí huệ', nhớ nó là việc dịch cho 'phật'.
'Phật' có nghĩa khác toàn bộ ở phương Đông. Nó không chỉ là trí huệ, nó còn hơn thế nhiều lắm. Trí huệ còn lớn hơn tri thức, phật tính là điều tối thượng. Phật tính nghĩa là thức tỉnh. Tri thức nghĩa là tri thức khách quan - việc biết cái ở ngoài bạn. Nó không bao giờ có thể nhiều hơn thông tin, bởi vì bạn không thế thấy được mọi thứ từ bên trong của chúng, bạn chỉ có thể quan sát chúng từ bên ngoài; bạn sẽ vẫn còn là người ngoài. Khoa học là loại tri thức đó. Chính từ khoa học 'science' nghĩa là tri thức - tri thức từ bên ngoài. Cái mà bạn biết là một đối thể, bạn tách rời khỏi nó. Việc biết người khác là tri thức. 
Bạn có thể đi vòng vo, bạn có thể quan sát nó theo mọi cách có thể. Bạn có thể cân đo và tính toán, và mổ xẻ và phân tích, và bạn có thể đi tới những kết luận logic, điều sẽ là có ích, tiện dụng. Chúng sẽ làm cho bạn hiệu quả hơn, nhưng chúng sẽ không làm cho bạn trí huệ. Trí huệ là tri thức chủ thể; không biết về đối thể nhưng biết về người biết - đó là trí huệ.
Phật tính là siêu việt lên trên cả hai, Trong Phật tính không có đối thể, không có chủ thể; mọi nhị nguyên đều đã biến mất. Không có người biết, không có cái được biết; không có người quan sát và không có gì để được quan sát - chỉ có cái một. Bất kì cái gì bạn muốn gọi nó bạn đều có thể gọi nó: bạn có thể gọi nó là Thượng đế, bạn có thể gọi nó là niết bàn, bạn có thể gọi nó là samadhi, tỏ ngộ-satori... hay bất kì cái gì, nhưng chỉ cái một còn lại. Cái hai đã tan chảy vào trong cái một.
Trong tiếng Anh không có từ nào diễn đạt siêu việt tối thượng này. Thực ra có nhiều điều không thể được diễn đạt trong các ngôn ngữ phương Tây, bởi vì cách tiếp cận phương Tây tới thực tại về cơ bản, về nền tảng là khác biệt ngầm ẩn. Đôi khi điều xảy ra là cùng một việc có thể được nhìn theo cách phương Đông và phương Tây, và trên bề mặt các kết luận có thể trông tương tự, nhưng chúng lại không thể thể tương tự được. Nếu bạn đi sâu thêm chút ít, nếu bạn đào sâu thêm chút ít, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn lao - không phải là khác biệt bình thường mà là khác biệt phi thường.
Mới đêm hôm nọ tôi mới đọc bài cú (haiku) nổi tiếng của Basho, nhà huyền môn và Thiền sư. Nó không có vẻ giống gì với thơ ca vĩ đại của tâm trí phương Tây hay với tâm trí đã được giáo dục theo cách thức phương Tây. Và bây giờ toàn thế giới đang được giáo dục theo cách thức phương Tây; Đông và Tây đã biến mất khi có liên quan tới giáo dục. Nghe nó thật chăm chú vào, bởi vì nó không phải là điều bạn gọi là thơ ca vĩ đại mà nó là sáng suốt vĩ đại - điều còn quan trọng hơn nhiều. Nó có tính thơ ca mênh mông, nhưng để cảm được tính thơ ca đó bạn phải rất tinh tế. Bằng trí tuệ, nó không thể được hiểu; nó có thể được hiểu chỉ bằng trực giác. Đây là bài cú (haiku):
Khi ta nhìn cẩn thận,
Ta thấy hoa cỏ nở
Bên hàng rào!
Bây giờ, dường như chẳng có tính thơ ca lớn lao nào trong nó cả. Nhưng chúng ta đi vào trong nó với nhiều thông cảm hơn, bởi vì Basho đã được dịch sang tiếng Anh; trong tiếng của ông ấy nó có kết cấu và hương vị hoàn toàn khác. Hoa cỏ là hoa rất bình thường - tự nó mọc lên bên cạnh đường, hoa cỏ đấy. Nó bình thường tới mức chẳng ai đã bao giờ nhìn vào nó. Nó không phải là hoa hồng quí giá, nó không phải là hoa sen hiếm hoi. Dễ dàng thấy cái đẹp của hoa sen hiếm hoi nổi trên hồ, hoa sen xanh - làm sao bạn tránh nổi việc nhìn nó? Trong một khoảnh khắc bạn nhất định bị cái đẹp của nó bắt giữ. Hay hoa hồng đẹp đang rung rinh trong gió, trong ánh mặt trời... trong một thoáng chốc nó choán ngợp bạn. Nó làm bạn sững sờ. Nhưng hoa cỏ là hoa rất bình thường, thông thường; nó không cần việc làm vườn nào, không cần người làm vườn, tự nó mọc lên ở bất kì chỗ nào. Để nhìn hoa cỏ một cách cẩn thận thiền nhân được cần tới, một tâm thức rất tinh tế được cần tới; bằng không bạn sẽ bỏ qua nó. Nó không có vẻ đẹp bên ngoài, cái đẹp của nó là sâu sắc. Cái đẹp của nó là cái đẹp của cái rất bình thường, nhưng cái rất bình thường đó hàm chứa cái phi thường trong nó, bởi vì tất cả đều tràn đầy Thượng đế - ngay cả hoa cỏ. Chừng nào bạn chưa thấm nó bằng trái tim thông cảm bạn sẽ bỏ lỡ nói.
Khi lần đầu tiên bạn đọc Basho bạn bắt đầu nghĩ, "Có quái gì quan trọng cực kì tới mức phải nói về hoa cỏ nở bên hàng rào?"
Trong bài thơ của Basho vần cuối cùng - kana trong tiếng Nhật Bản - được dịch thành dấu chấm than bởi vì chúng ta không có cách nào khác để dịch nó. Nhưng kana nghĩa là, "Ta ngạc nhiên!" Bây giờ, cái đẹp này tới từ đâu vậy? Nó tới từ hoa cỏ chăng? - bởi vì hàng nghìn người có thể đã đi qua bên cạnh hàng rào này mà chẳng ai có thể thậm chí ngó tới đoá hoa bé nhỏ này. Và Basho bị choán ngợp bởi vẻ đẹp của nó, được mang sang thế giới khác. Điều gì đã xảy ra? Nó không thực là hoa cỏ, bằng không thì nó đã bắt lấy ánh mắt của mọi người rồi. Đó là sáng suốt của Basho, trái tim cởi mở của ông ấy, cái nhìn thông cảm của ông ấy, tính thiền của ông ấy. Thiền là giả kim thuật: nó có thể biến đổi kim loại cơ sở thành vàng, nó có thể biến đổi hoa cỏ thành hoa sen. 
Khi ta nhìn cẩn thận... Và từ 'cẩn thận' nghĩa là thật chăm chú, với nhận biết, để tâm, mang tính thiền, với tình yêu, với chu đáo. Người ta có thể chỉ nhìn mà không chăm nom chút nào, thế thì người ta sẽ bỏ lỡ toàn thể vấn đề. Từ 'cẩn thận' phải được ghi nhớ trong mọi nghĩa của nó, nhưng nghĩa gốc là mang tính thiền. Và điều đó nghĩa là gì khi bạn nhìn cái gì đó với tính thiền? Nó nghĩa là không có tâm trí, nhìn mà không có tâm trí, không đám mây ý nghĩ nào trong bầu trời của tâm thức bạn, không kí ức nào trôi qua, không ham muốn... không cái gì hết cả, hoàn toàn trống rỗng.
Khi trong trạng thái vô trí như vậy mà bạn nhìn, ngay cả hoa cỏ cũng được mang vào trong thế giới khác. Nó trở thành hoa sen của thiên đường, nó không còn là một phần của thế gian; điều phi thường đã được tìm thấy trong cái bình thường. Và đây là cách thức của Phật: tìm ra cái phi thường trong cái bình thường, tìm ra tất cả trong cái bây giờ, tìm ra cái toàn thể trong cái này - Phật gọi nó là tathata - như thế.
Bài cú của Basho là bài cú về tathata: hoa cỏ này, được nhìn một cách đáng yêu, chu đáo qua trái tim, tâm thức quang đãng, trong trạng thái vô trí... và người ta sững sờ, người ta kính nể. Ngạc nhiên lớn lao nảy sinh. Làm sao nó là có thể được? Hoa cỏ này - và nếu hoa cỏ là có thể thế thì mọi thứ đều có thể. Nếu hoa cỏ có thể đẹp thế, Basho có thể là vị phật. Nếu hoa cỏ có thể chứa thơ ca thế, thế thì đá có thể trở thành bài thuyết giáo chứ.
Khi ta nhìn cẩn thận, ta thấy hoa cỏ nở bên hàng rào! Kana... Ta sững sờ. Ta câm lặng. Ta không thể nói được gì về cái đẹp của nó - ta chỉ có thể nói bóng gió về nó.
Bài cú đơn giản chỉ là lời bóng gió. Thơ ca mô tả, bài cú chỉ dẫn - và theo cách rất gián tiếp.
Một tình huống tương tự cũng được tìm thấy trong thơ ca nổi tiếng của Tennyson; so sánh hai loại thơ ca này sẽ có ích lớn cho bạn. Basho đại diện cho trực giác, Tennyson đại diện cho trí tuệ. Basho đại diện cho phương Đông, Tennyson cho phương Tây. Basho đại diện cho thiền, Tennyson cho tâm trí. Họ có vẻ tương tự, và đôi khi thơ ca của Tennyson có thể có vẻ thơ ca hơn là của Basho vì nó trực tiếp, nó hiển nhiên.
Hoa trong tường nứt nẻ
Ta nhổ mi ra khỏi kẽ nứt
Cầm mi đây, rễ và tất cả, trong tay ta,
Hoa nhỏ - nếu ta có thể chỉ cần hiểu được
Mi là cái gì, rễ và tất cả, và tất cả trong tất cả,
Ta sẽ biết Thượng đế và con người là gì.
Một đoạn thơ hay, nhưng không là gì nếu so với Basho. Chúng ta xem chỗ Tennyson trở nên hoàn toàn khác. Thứ nhất: Hoa trong tường nứt nẻ ta nhổ mi ra khỏi kẽ nứt...
Basho đơn giản nhìn vào hoa, ông ấy không nhổ nó ra. Basho là nhận biết thụ động: Tennyson mang tính hoạt động, bạo hành. Thực ra, nếu bạn thực sự bị ấn tượng bởi đoá hoa, bạn không thể nhổ nó được. Nếu hoa đã đạt tới trái tim bạn, làm sao bạn có thể nhổ nó ra được? Nhổ nó có nghĩa là phá huỷ nó, giết chết nó - đó là sát hại! Không ai đã nghĩ về thơ ca của Tennyson như kẻ sát hại - nhưng nó là kẻ sát hại đấy. Làm sao bạn có thể phá huỷ cái gì đó đẹp thế được? Nhưng đó là cách tâm trí chúng ta vận hành; nó mang tính huỷ diệt. Nó muốn sở hữu, và sở hữu là có thể chỉ thông qua huỷ diệt.
Nhớ lấy, bất kì khi nào bạn sở hữu cái gì đó hay ai đó, bạn phá huỷ cái gì đó hay ai đó. Bạn sở hữu người đàn bà sao? - bạn phá huỷ cô ấy, cái đẹp của cô ấy, linh hồn của cô ấy. Bạn sở hữu người đàn ông sao? - anh ấy không còn là con người nữa; bạn đã thu anh ấy thành đồ vật, thành hàng hoá.
Basho nhìn một cách cẩn thận, chỉ nhìn, thậm chí không nhìn chằm chằm tập trung; chỉ một cái nhìn, dịu dàng, nữ tính, cứ dường như sợ làm đau hoa cỏ. 
Tennyson nhổ nó ra khỏi kẽ nứt, và nói: ...Ta cầm mi đây, rễ và tất cả, trong tay ta, đoá hoa nhỏ... Ông ấy vẫn còn tách rời. Người quan sát và vật được quan sát không tan chảy, hội nhập, gặp gỡ ở đâu cả. Đấy không phải là chuyện tình. Tennyson tấn công đoá hoa, nhổ nó ra cả rễ và tất cả, cầm nó trong tay. Tâm trí bao giờ cũng cảm thấy thoả mãn khi nó có thể sở hữu, kiểm soát, nắm giữ. Trạng thái thiền của tâm thức không quan tâm tới sở hữu, tới nắm giữ, bởi vì mọi điều đó đều là cách thức của tâm trí bạo hành.
Và ông ấy nói: Hoa nhỏ... Hoa vẫn còn nhỏ bé, ông ấy vẫn còn trên bệ cao. Ông ấy là người, một nhà trí thức lớn, một nhà thơ lớn. Ông ấy vẫn còn trong bản ngã của ông ấy: Hoa nhỏ...
Với Basho, không có vấn đề về so sánh. Ông ấy chẳng nói gì về bản thân mình, cứ dường như ông ấy không có. Không có người quan sát. Cái đẹp tới mức nó đem tới siêu việt. Hoa cỏ có đó, nở cạnh hàng rào - kana - và Basho đơn giản sững sờ, bị mắc lại tại chính gốc rễ của bản thể mình. Cái đẹp làm mê mẩn. Thay vì sở hữu hoa này, ông ấy bị hoa sở hữu, ông ấy đang trong buông xuôi toàn bộ với cái đẹp của đoá hoa này, với cái đẹp của khoảnh khắc, với phúc lành của ở đây bây giờ.
Hoa nhỏ, Tennyson nói, nếu ta có thể chỉ cần hiểu... Ám ảnh đó để hiểu! Ca ngợi là không đủ, yêu là không đủ; hiểu phải có đó, tri thức phải được tạo ra. Chừng nào tri thức chưa được đạt tới Tennyson không thể thoải mái được. Hoa đã trở thành dấu hỏi. Với Tennyson nó là dấu hỏi, với Basho nó là dấu chấm than. Và có khác biệt lớn lao: dấu hỏi và dấu chấm than.
Yêu là đủ cho Basho - yêu là hiểu biết. Còn có thể có hiểu biết nào hơn nữa được? Nhưng Tennyson dường như chẳng biết gì về yêu cả. Tâm trí ông ấy có đấy, khảo khát để biết... Nhưng nếu ta có thể chỉ cần hiểu mi là cái gì, rễ và tất cả, và tất cả trong tất cả... Và tâm trí là kẻ cầu toàn cưỡng bách. Không cái gì được để lại không được biết tới, không cái gì có thể được phép vẫn còn là không được biết và bí ẩn. Rễ và tất cả, và tất cả trong tất cả... đều phải được hiểu. Chừng nào tâm trí chưa biết hết mọi thứ nó vẫn còn sợ - bởi vì tri thức cho quyền lực. Nếu có cái gì đó bí ẩn, bạn nhất định vẫn còn sợ vì điều bí ẩn không thể bị kiểm soát. Và ai biết được cái gì ẩn giấu bên trong điều bí ẩn này? Có thể là kẻ thù, có thể là nguy hiểm, bất an ninh nào đó? Và ai mà biết cái gì sẽ làm cho bạn?
Trước khi nó có thể làm cái gì, nó phải được hiểu đã, nó phải được biết đã. Không cái gì có thể được để lại như bí ẩn. Đó là một trong các vấn đề mà thế giới đang phải đối diện ngày nay.
Nhấn mạnh khoa học là ở chỗ chúng ta sẽ không để cái gì không được biết, và chúng ta không thể chấp nhận được rằng cái gì có khả năng là không thể được biết tới. Khoa học phân chia sự tồn tại thành cái biết và cái không biết. Cái biết là cái đã không biết ngày trước, nay nó đã được biết; và cái không biết là cái không được biết tới hôm nay nhưng ngày mai hay ngày kia nó sẽ được biết. Khác nhau không nhiều mấy giữa cái biết và cái không biết; chỉ  thêm chút  ít nỗ lực, chút  ít nghiên cứu nữa, và mọi cái không biết sẽ bị thu lại thành cái biết.
Khoa học có thể cảm thấy thoải mái chỉ khi mọi thứ bị thu lại thành cái đã biết. Nhưng thế thì mọi thơ ca biến mất, mọi tình yêu biến mất, mọi bí ẩn biến mất, mọi ngạc nhiên biến mất. Linh hồn biến mất, Thượng đế biến mất, bài ca biến mất, lễ hội biến mất. Mọi thứ đều được biết... thế thì không cái gì có giá trị. Mọi thứ đều được biết... thế thì không cái gì đáng giá cả. Mọi thứ đều được biết... thế thì không có nghĩa trong cuộc sống, không có ý nghĩa trong cuộc sống. Xem ngược đời này: trước hết tâm trí nói "Biết mọi thứ!" - và khi bạn đã biết nó tâm trí nói, "Chẳng có nghĩa gì trong cuộc sống."
Bạn đã phá huỷ nghĩa này rồi và bây giờ bạn khao khát nghĩa. Khoa học mang tính rất huỷ diệt nghĩa. Và bởi vì nó cứ nhấn mạnh mọi thức đều có thể được biết, nó không thể cho phép loại thứ ba, cái không thể biết được - cái sẽ vẫn còn không biết được từ vĩnh hằng. Và trong cái không thể biết được là ý nghĩa của cuộc sống.
Mọi giá trị lớn lao của cái đẹp, của tình yêu, của Thượng đế, của lời nguyện, mọi điều thực sự có ý nghĩa, mọi điều làm cho cuộc sống thành đáng sống, đều là một phần của loại thứ ba: cái không thể biết được. Cái không thể biết được là cái tên khác cho Thượng đế, là cái tên khác cho điều bí ẩn và huyền bí. Không có nó không thể có ngạc nhiên trong tim bạn được - và không có ngạc nhiên, trái tim không còn là trái tim chút nào, và không có kính nể bạn mất đi cái gì đó, cực kì quí giá. Thế thì mắt bạn đầy những bụi bặm, chúng mất sáng tỏ. Thế thì chin chóc cứ hót, nhưng bạn không xúc động, không bị khuấy động, trái tim bạn không cảm động - bởi vì bạn biết lời giải thích rồi. 
Cây xanh, nhưng mầu lục đó không biến đổi bạn thành vũ công, thành ca sĩ. Nó không làm bật ra thơ ca trong bản thể bạn, bởi vì bạn biết lời giải thích: nó là chất diệp lục làm cho cây xanh... như thế thì chẳng cái gì của thơ ca còn lại cả. Khi lời giải thích có đó, thơ ca biến mất. Và mọi lời giải thích đều chỉ là tiện dụng, chúng không phải là điều tối thượng.
Nếu bạn không tin cậy vào cái không thể biết, thế thì làm sao bạn có thể nói rằng hoa hồng là đẹp? Cái đẹp là ở đâu? Nó không phải là cấu phần hoá học của hoa hồng. Hoa hồng có thể được phân tích và bạn sẽ không thấy cái đẹp trong nó. Nếu bạn không tin vào cái không thể biết, bạn có thể làm việc mổ xẻ phân tích con người, khám nghiệm tử thi - bạn sẽ không tìm thấy linh hồn nào cả. Và bạn có thể cứ đi kiếm Thượng đế và bạn sẽ không thấy ngài ở bất kì đâu, bởi vì ngài ở mọi nơi. Tâm trí cứ bỏ lỡ ngài, bởi vì tâm trí muốn ngài là đối thể và Thượng đế không phải là đối thể.
Thượng đế là rung động. Nếu bạn được hoà điệu với âm thanh vô âm của sự tồn tại, nếu bạn được hoà điệu với tiếng vỗ tay của một bàn tay, nếu bạn được hoà điệu với điều các nhà huyền môn Ấn Độ đã gọi là anahat - âm nhạc tối thượng của sự tồn tại - nếu bạn được hài hoà với điều bí ẩn, bạn sẽ biết rằng duy nhất Thượng đế hiện hữu, và không cái gì khác. Thế thì Thượng đế trở thành đồng nghĩa với sự tồn tại.
Nhưng những điều này không thể được hiểu, những điều này không thể bị thu lại thành tri thức - và đó là chỗ mà Tennyson bỏ lỡ, bỏ lỡ toàn bộ vấn đề. Ông ấy nói: Hoa nhỏ - nếu ta có thể chỉ cần hiểu được mi là cái gì, rễ và tất cả, và tất cả trong tất cả, ta phải biết Thượng đế và con người là gì. Nhưng vấn đề tất cả lại là ở chỗ 'chỉ cần' và 'nếu'.
Basho biết Thượng đế là gì và con người là gì trong dấu chấm than đó, kana: "Tôi kinh ngạc, tôi ngạc nhiên... Hoa cỏ nở cạnh hàng rào!" Có thể lúc đó là đêm trăng tròn, hay có thể lúc đó là sáng sớm - tôi thực tại có thể thấy Basho đang đứng cạnh đường, không cử động, cứ dường như hơi thở của ông ấy đã dừng lại. Hoa cỏ... và đẹp thế. Mọi quá khứ trôi qua rồi, mọi tương lai đã biến mất. Không còn câu hỏi nào trong tâm trí ông ấy mà chỉ có ngỡ ngàng cực điểm.
Basho đã trở thành đứa trẻ: lại đôi mắt hồn nhiên đó của đứa trẻ nhìn vào hoa cỏ, chăm chú, yêu thương. Và trong tình yêu đó, trong chăm chú đó, là một loại hiểu biết hoàn toàn khác - không trí tuệ, không phân tích.
Tennyson trí tuệ hoá toàn thể hiện tượng này, và phá huỷ cái đẹp của nó. Tennyson đại diện cho phương Tây, Basho đại diện cho phương Đông. Tennyson đại diện cho tâm trí nam tính, Basho đại diện cho tâm trí nữ tính. Tennyson đại diện cho tâm trí, Basho đại diện cho vô trí.
Để điều này trở thành hiểu biết cơ sở của bạn, thế thì chúng ta có thể đi vào lời kinh của Phật Gautama.
Muốn cái không. Nơi có ham muốn, Nói cái không.
Một phát biểu đơn giản, nhưng tầm quan trọng là lớn lao: Muốn cái không... bởi vì đây là cách mọi người đã thức tỉnh đều đi tới biết - rằng khổ được tạo ra bởi ham muốn. Khổ không phải là thực tại, nó là sản phẩm phụ của ham muốn. Không ai muốn khổ cả; mọi người đều muốn tiêu diệt khổ, nhưng mọi người cứ ham muốn, và bởi ham muốn mà người ta cứ tạo ra ngày một nhiều khổ.
Bạn không thể phá huỷ được khổ một cách trực tiếp, bạn phải chặt chính gốc rễ của nó. Bạn phải thấy nó nảy sinh từ đâu, làn khói này tới từ đâu. Bạn phải đi sâu vào trong đất, tới tận rễ. Phật đã gọi nó là tanha - ham muốn.
Tâm trí thường xuyên ham muốn. Tâm trí chưa bao giờ dừng lại cho dù một khoảnh khắc; cả ngày nó ham muốn, cả đêm nó ham muốn, trong ý nghĩ nó ham muốn, trong giấc mơ nó ham muốn. Tâm trí là quá trình thường xuyên ham muốn... nữa và nữa. 
Tâm trí vẫn còn mãi mãi không hài lòng. Chẳng cái gì thoả mãn được nó, chẳng cái gì cả. Bạn có thể đạt tới bất kì cái gì bạn đã muốn đạt tới, nhưng khoảnh khắc bạn đạt được nó, nó bị kết thúc. Chính khoảnh khắc của việc đạt tới đó... và tâm trí bạn không còn quan tâm tới nó nữa. Quan sát và thấy tâm trí thủ đoạn này. Trong nhiều năm có thể đã có việc nghĩ mua ngôi nhà nào đó, một ngôi nhà đẹp; trong nhiều năm người ta đã có thể phải làm việc vất vả vì nó. Bây giờ ngôi nhà là của bạn - và bỗng nhiên chẳng cái gì còn lại trong tay bạn. Mọi mơ ước kia, mọi tưởng tượng kia mà bạn đã có về ngôi nhà này đã bay đi mất rồi, và trong hàng giờ, hay nhiều nhất trong vòng vài ngày, bạn sẽ lại ham muốn ngôi nhà khác. Vẫn cùng cái bẫy đó, cùng rãnh đó, và bạn cứ đi lòng vòng trong đường tròn.
Bạn đã muốn có người đàn bà này, bây giờ bạn có cô ấy, bạn đã muốn có người đàn ông này, bây giờ anh ấy là của bạn - và bạn đã thu được cái gì? Mọi tưởng tượng đó đã bay đi đâu mất cả rồi. Thay vì vậy bạn thất vọng! Tâm trí chỉ ham muốn. Nó chỉ biết cách ham muốn; do đó nó không bao giờ có thể cho phép bất kì mãn nguyện nào. Mãn nguyện là cái chết của tâm trí, ham muốn là cuộc sống của nó.
Phật nói: Muốn cái không. Điều đó nghĩa là: được hài lòng đi. Điều đó nghĩa là: bất kì cái gì đang có đấy, là nhiều hơn bạn cần; bất kì cái gì đang có đấy, đều đã sâu sắc thế, đẹp thế... hoa cỏ bên cạnh hàng rào! Bạn đang sống trong thế giới tươi đẹp vô cùng, với mọi vì sao và hành tinh và mặt trời và mặt trăng... với hoa và núi non và dòng sông và tảng đá và con vật, chim choc và mọi người. Đây là thế giới hoàn hảo nhất có thể có, nó không thể được cải thiện thêm nữa. Tận hưởng cái đẹp của nó đi. Thưởng thức lễ hội này đang diễn ra xung quanh bạn. Nó là lễ hội liên tục.
Các vì sao cứ nhảy múa, cây cối cứ rung rinh - một cách cực lạc. Chim chóc cứ cất tiếng hót. Công sẽ múa và chim cúc cu sẽ hót... và mọi điều này cứ diễn ra và bạn vẫn còn khổ - cứ dường như bạn bị ấn định phải khổ. Bạn đã quyết định, bạn đã đặt cược mọi thứ bạn có, để vẫn còn khổ; bằng không chẳng có lí do gì để khổ cả. Tính đây này của sự tồn tại đẹp thế, tính bây giờ của sự tồn tại đẹp không thể tả được, mọi điều bạn cần chỉ là thảnh thơi, nghỉ ngơi, hiện hữu... để cho phân tách giữa bạn và cái toàn thể biến mất.
Phân tách này do ham muốn gây ra. Ham muốn nghĩa là phàn nàn. Ham muốn nghĩa là mọi cái đang đó không phải là như nó đáng phải thế. Ham muốn nghĩa là bạn đang cho rằng mình khôn ngoan hơn Thượng đế. Ham muốn nghĩa là bạn có thể làm ra một thế giới tốt hơn. Ham muốn là ngu xuẩn. Vô ham muốn là trí huệ. Vô ham muốn nghĩa là trạng thái của mãn nguyện, từng khoảnh khắc sống một cách toàn bộ và hài lòng.
Muốn cái không. Nơi có ham muốn, nói cái không. Phật không nói rằng chỉ bởi không muốn cái gì mà ham muốn sẽ chấm dứt ngay lập tức. Bạn đã trở nên quen thuộc với nó, nó là thói quen cổ đại - hết kiếp nọ tới kiếp kia bạn đã từng ham muốn. Nó đã trở thành tự trị. Dù không có bạn thì nó vẫn cứ tự diễn ra, nó có đà riêng của nó. Cho nên chỉ bằng việc hiểu rằng ham muốn tạo ra khổ, rằng không có nhu cầu về ham muốn, rằng người ta có thể đơn giản hiện hữu và tận hưởng mặt trời và gió và mưa, ham muốn sẽ không dừng lại dễ dàng thế.
Do đó Phật nói: Nơi có ham muốn, nói cái không. Nếu ham muốn nảy sinh trong bạn, quan sát nó, đừng nói điều gì. Đừng diễn đạt nó, đừng kìm nén nó. Đừng lên án nó, đừng tranh đấu với nó. Đừng đánh giá nó, đừng phán xét nó. Chỉ quan sát thôi - một cách chăm chú. Hoa cỏ cạnh hàng rào... nhìn nó, không định kiến ủng hộ hay chống đối.
Nếu lắng nghe chư phật bạn trở nên chống ham muốn, thế thì bạn đã không hiểu họ, bởi vì chống ham muốn lại là ham muốn. Nếu bạn bắt đầu ham muốn trạng thái vô ham muốn, điều đó là đi vào cùng vết đường mòn từ cửa sau. Vô ham muốn không thể được ham muốn; điều đó sẽ là mâu thuẫn trong ngôn từ. Mọi điều có thể được làm là quan sát ham muốn, một cách chăm chú. Và trong chính việc quan sát đó, dần dần ham muốn chết đi theo cách riêng của nó.
Đây là kinh nghiệm mang tính tồn tại của mọi người đã trở nên thức tỉnh. Tôi là nhân chứng cho điều đó - tôi nói với bạn không phải vì Phật nói vậy: tôi nói với bạn bởi vì đây là kinh nghiệm riêng của tôi nữa. Quan sát ham muốn, dần dần, dần dần ham muốn chết đi theo cách riêng của nó. Bạn không giết nó, bạn không tranh đấu với nó, bạn không kết án nó, bởi vì nếu bạn kết án, nó trượt đi, chìm sâu vào trong vô thức của bạn; thế thì nó bắt đầu thường trú ở đó, và nó kiểm soát bạn từ đó. 
Nếu bạn kìm nén ham muốn, bạn sẽ phải thường xuyên kìm nén và bạn sẽ phải thường xuyên canh gác. Ban ngày có thể bạn thành công trong việc kìm nén nó, nhưng trong mơ nó sẽ trồi lên bề mặt lần nữa. Đó là lí do tại sao phân tâm phải nghiên cứu giấc mơ của bạn. Nó không thể tin được bạn khi bạn thức, nó không thể tin cậy bạn khi bạn còn thức - nó phải nhìn vào giấc mơ của bạn. Tại sao? - bởi vì giấc mơ của bạn sẽ nói điều bạn đã kìm nén. Và bất kì cái gì bị kìm nén cũng đều trở thành rất mạnh, bởi vì nó đi vào trong nguồn vô ý thức của bạn và từ đó nó cứ kéo sợi dây của bạn. Và khi kẻ thù không thể bị trông thấy, nó còn mạnh hơn - tự nhiên, hiển nhiên.
Phật không nói tranh đấu với ham muốn, Phật không nói chống lại ham muốn. Ông ấy đơn giản phát biểu một sự kiện: rằng ham muốn là ngu xuẩn, rằng ham muốn tạo ra khổ, rằng ham muốn sẽ không bao giờ cho phép bạn phúc lạc. Cho nên quan sát ham muốn. Không nói gì về nó! Đơn giản, rất đơn giản quan sát. Đừng ngồi như quan toà.
Sướng hay khổ -
Dù ông rơi vào cái gì, bước tiếp
Không xúc động, không gắn bó.
Và sướng sẽ tới và khổ sẽ tới, bởi vì đây là những hạt mầm bạn đã gieo qua nhiều thời đại, và bất kì điều gì bạn đã gieo, bạn sẽ phải thu hoạch. Cho nên đừng bị rối loạn. Nếu sướng tới, đừng trở nên quá kích động nhiều; nếu khổ tới, đừng trở nên quá chán nản. Cứ nhận mọi điều một cách dễ dàng.
Sướng và khổ là tách rời khỏi bạn; vẫn còn không bị đồng nhất. Đó là điều ông ấy ngụ ý: bước tiếp, không xúc động, không gắn bó... cứ dường như chúng không xảy ra cho bạn mà xảy ra cho ai đó khác. Thử một phương cách bé nhỏ này, nó là đơn thuốc có giá trị: cứ dường như chúng không xảy ra cho bạn mà cho ai đó khác, có thể cho một nhân vật trong tiểu thuyết hay bộ phim, và bạn chỉ là người xem. Vâng, bất hạnh có đó, hạnh phúc có đó, nhưng nó có ở kia! - còn bạn lại ở đây.
Đừng trở nên bị đồng nhất, đừng nói, "Mình bất hạnh," đơn giản nói, "Mình là người quan sát. Bất hạnh có đó, hạnh phúc có đó - mình chỉ là người quan sát."
Sẽ là một điều trọng đại nếu một ngày nào đó trong tương lai chúng ta bắt đầu thay đổi hình mẫu của ngôn ngữ của chúng ta, bởi vì ngôn ngữ của chúng ta được bắt rễ rất sâu trong dốt nát. Khi bạn cảm thấy đói, bạn lập tức nói, "Tôi đói." Điều đó tạo ra đồng nhất và cho bạn cảm giác dường như bạn là việc đói. Bạn không là vậy. Ngôn ngữ nên ở dạng nó không cho bạn khái niệm sai rằng "tôi đói." Điều thực sự ở đây là: bạn đang quan sát thân thể đói; bạn là người quan sát rằng dạ dầy trống rỗng, rằng nó muốn thức ăn - nhưng đây không phải là bạn. Bạn là người quan sát. Bạn bao giờ cũng là người quan sát! Bạn chưa bao giờ là người làm. Bạn bao giờ cũng cứ đứng như người quan sát ở xa xôi.
Ngày một được bắt rễ nhiều hơn vào việc quan sát đi - đó là điều Phật gọi là vipassana, nhìn thấu. nhìn bằng con mắt bên trong bất kì điều gì xảy ra, và vẫn còn không bị xúc động, không bị gắn bó.
Một chiến sĩ người da đỏ kì cựu, mạnh mẽ lạc đội ngũ đi vào trong trại với bẩy mũi tên Shoshone cắm vào ngực và chân.
Bác sĩ khám cho anh ta và lưu ý, "Sức chịu đựng thật đáng kinh ngạc. Chúng không làm đau sao?"
Người lính kì cựu lẩm bẩm, "Chỉ khi tôi cười thôi."
Thực ra, chúng đáng phải không gây đau chứ - và chúng quả không gây đau cho vị phật. Không phải là nếu bạn bắn xuyên mũi tên vào vị phật thì không có đau; cái đau có đó. Ông ấy có thể cảm thấy nó thậm chí còn nhiều hơn bạn, bởi vì nhạy cảm của vị phật là ở mức tối đa - bạn không nhạy cảm, đờ đẫn, nửa chết. Các nhà khoa học nói rằng bạn chỉ cho phép hai phần trăm thông tin đạt tới bạn; chín mươi tám phần trăm bị ngăn lại ở bên ngoài. Các giác quan của bạn không cho phép nó vào. Chỉ hai phần trăm của thế giới đạt tới bạn; chín mươi tám phần trăm bị loại ra.
Với vị phật, một trăm phần trăm thế giới là sẵn có, cho nên khi một mũi tên xuyên vào vị phật, nó gây đau một trăm phần trăm; với bạn nó gây đau chỉ hai phần trăm. Nhưng có khác biệt lớn lao: vị phật là người quan sát. Nó đau đấy, nhưng nó không gây đau cho ông ấy. Ông ấy quan sát cứ dường như nó đang xảy ra cho ai đó khác. Ông ấy cảm thấy từ bi cho thân thể - ông ấy cảm thấy từ bi, từ bi của ông ấy cho thân thể ông ấy - nhưng ông ấy biết rằng ông ấy không là thân thể. 
Cho nên theo một cách nào đó, nó làm ông ấy đau nhiều hơn nó làm đau bạn, theo cách khác nó không gây đau chút nào. Ông ấy vẫn còn xa cách, không bận tâm. Đó là một trạng thái rất ngược đời. Ông ấy chăm sóc thân thể, vậy mà vẫn không bận tâm - không bận tâm về hậu quả. Ông ấy lấy mọi sự chăm sóc có thể bởi vì ông ấy kính trọng thân thể. Nó là người phục vụ hay thế, nó là ngôi nhà tốt thế để sống trong đó - ông ấy nhận việc chăm sóc nhưng ông ấy vẫn còn xa cách.
Ngay cả khi thân thể đang chết thì vị phật cứ quan sát rằng thân thể đang chết. Tính quan sát của ông ấy vẫn còn tới lúc cuối cùng. Thân thể chết và vị phật cứ quan sát rằng thân thể đã chết. Nếu người ta có thể quan sát tới mức độ đó, người ta vượt ra ngoài cái chết.
Không hỏi về gia đình hay quyền lực hay của cải,
Dù cho bản thân ông hay cho người khác.
Người trí huệ có thể ước ao vươn lên một cách bất công không?
Mọi thứ của thế giới này đều không thành vấn đề - của cải, quyền lực, danh tiếng, chúng không thành vấn đề. Vị phật không thể yêu cầu chúng cho bản thân mình hay cho người khác. Phân biệt đó phải được nhớ. Thông thường người ta hay nghĩ rằng vị phật sẽ không đòi hỏi cho mình, nhưng ông ấy có thể đòi hỏi cho người khác. Không, ông ấy sẽ không đòi hỏi cho người khác đâu. Đó là chỗ mà Ki tô giáo và Phật giáo có cái nhìn đối lập nhau.
Có một câu chuyện:
Một phụ nữ tới Phật, vừa kêu khóc vừa mang xác chết của đứa con duy nhất của cô ấy. Mọi người đã bảo cô ấy rằng nếu cô ấy tới Phật, ông ấy là người từ bi thế, ông ấy có thể làm phép màu nào đó. Phật bảo người đàn bà này, "Cô làm một điều này: cô đi vào thị trấn - đem về vài hạt mù tạc. Nhưng một điều kiện phải được đáp ứng: chúng phải được lấy từ ngôi nhà chưa bao giờ có người chết."
Người đàn bà này rất sung sướng; điều này không phải là vấn đề vì cả làng họ đều trồng hạt mù tạc. Cho nên mọi nhà đều đầy hạt mù tạc. Cô ấy chạy hết nhà nọ tới nhà kia, nhưng trong nỗi kích động rằng con trai mình sẽ được sống lại cô ấy quên mất hoàn toàn rằng điều kiện này là không thể được, nó không thể được đáp ứng.
Đến tối cô ấy đã đi gõ cửa mọi nhà, và mọi người đều nói, "Chúng tôi có thể cho cô bao nhiêu hạt mù tạc tùy cô muốn, nhưng chúng sẽ chẳng ích gì vì chúng tôi không thể hoàn thành được điều kiện này: ai đó đã chết trong gia đình chúng tôi - không chỉ một mà nhiều người đã thực sự chết rồi. Bố tôi chết, bố của bố tôi chết... và cả nghìn người khác trước đó." Vợ của ai đó đã chết, mẹ của ai đó, anh trai chị gái của ai đó, con của ai đó... Cô ấy không thể nào tìm được một gia đình mà không có người chết.
Đến tối khi cô ấy quay về cô ấy đã là một người đàn bà hoàn toàn khác - cô ấy vừa về vừa cười. Buổi sáng cô ấy còn khóc lóc kêu la; cô ấy đã gần như phát điên vì đứa con duy nhất đã chết. Phật hỏi cô ấy, "Sao cô cười?"
Cô ấy nói, "Bây giờ tôi biết rồi - thầy lừa tôi, thầy phỉnh tôi, nhưng tôi không thể thấy ra vấn đề vào lúc đó. Mọi người đều phải chết, cho nên con của tôi chết không phải là vấn đề bây giờ. Nó phải chết một ngày nào đó này khác. Theo một cách nào đó thì cũng tốt là nó đã chết trước tôi: nếu như tôi chết trước nó, nó sẽ đau khổ. Để tôi chịu đau khổ còn tốt hơn là để nó chịu đau khổ. Cho nên điều đó là tốt, hoàn toàn tốt.
"Bây giờ tôi đã tới để xin điểm đạo. Xin thầy điểm đạo cho con vào sannyas, bởi vì tôi muốn biết: liệu có cái gì bên ngoài cái chết hay không? Cái chết có phải là tất cả hay làm cho cái gì đó sống sót? Tôi không còn quan tâm tới đứa con nữa."
Phật nói, "Đó là mục đích để phái cô đi, để cho cô có thể được thức tỉnh."
Bây giờ cùng câu chuyện đó bạn có thể quán tưởng về Jesus Christ. Điều người Ki tô giáo nói... bởi vì chẳng ai biết Jesus thực sự là loại người nào ngoại trừ điều người Ki tô giáo nói về ông ấy, và họ đang nói những điều sai về ông ấy. Nếu ông ấy thực sự là vị phật - và ông ấy quả là vị phật - thế thì ông ấy đã không quan tâm tới tới việc làm mọi người sống lại từ cái chết. Ông ấy sẽ không làm Lazarus sống lại từ cái chết - để làm gì? Lazarus không còn sống nữa. Ông ấy phải đã chết vài năm sau đó; cho dù ông ấy có được sống lại thì ông ấy cũng sẽ chết vài năm sau. Cái chết nhất định xảy ra; nhiều nhất bạn có thể trì hoãn được nó thôi. 
Vị phật không quan tâm tới việc trì hoãn! Toàn thể nỗ lực của vị phật là để làm cho bạn tỉnh táo, nhận biết, rằng cái chết đang tới. Ông ấy không định bảo vệ bạn khỏi cái chết, ông ấy phải đem bạn vượt ra ngoài cái chết. Và Jesus là vị phật. Hiểu biết của tôi về Jesus là hoàn toàn khác với cách diễn giải Ki tô giáo. Với tôi, đây là chuyện ngụ ngôn: Lazarus quay trở lại cuộc sống đơn giản nghĩa là Lazarus được tái sinh về mặt tâm linh.
Phật đã nói nhiều lần - Jesus cũng đã nói - Chừng nào ông chưa được sinh ra lần nữa, ông sẽ không vào được Vương quốc của Thượng đế của ta. Nhưng "được sinh ra lần nữa " không ngụ ý rằng bạn phải được phục sinh. "Được sinh ra lần nữa " nghĩa là quá trình tâm linh của việc thức tỉnh. Jesus phải đã làm thức tỉnh Lazarus khỏi giấc ngủ của ông ấy, khỏi cái chết siêu hình của ông ấy.
Khi bạn tới tôi, bạn đã chết về mặt siêu hình - bạn là Lazarus. Câu chuyện này nói Jesus đã gọi Lazarus từ ngoài nấm mồ của ông ấy: "Lazarus ơi, ra đi!" Đó là điều mọi vị phật đều đã từng làm trong suốt các thời đại: gọi các Lazarus ra khỏi nấm mồ của họ. Khi tôi điểm đạo cho bạn thành sannyas, tôi đang làm gì? - gọi đấy, "Lazarus ơi, ra khỏi nấm mồ của ông đi! Được tái sinh đi!"
Sannyas là quá trình tái sinh. Lazarus phải đã được điểm đạo vào những bí ẩn sâu sắc hơn của cuộc sống, điều vượt ra ngoài cái chết. Nhưng làm cho biểu dụ hay này thành sự kiện lịch sử là phá huỷ đi toàn thể tính thơ ca của nó, toàn thể ý nghĩa của nó.
Vị phật sẽ không yêu cầu - cho bản thân ông ấy hay cho gia đình ông ấy hay cho bất kì ai khác - về quyền lực, danh tiếng, của cải, bởi vì chúng hoàn toàn vô dụng.
Người trí huệ có thể ước ao vươn lên một cách bất công không? Điều đó là không thể được. Nhớ lấy, 'người trí huệ' là từ dịch cho 'phật'. Người đã thức tỉnh không thể làm điều gì bất công được - điều đó là không thể được, điều đó không thể xảy ra được do bản chất của mọi sự. Người đã thức tỉnh chỉ có thể làm điều đúng, điều công bằng. Và yêu cầu về quyền lực, danh vọng, tiền bạc, của cải là ngu xuẩn. Người trí huệ không thể yêu cầu những điều đó, cho bản thân hay cho người khác.
Và vị phật biết bất kì cái gì công bằng là đang xảy ra rồi; không có nhu cầu yêu cầu về điều đó, không có nhu cầu để ham muốn về điều đó. Sự tồn tại là rất công bằng và rất sòng phẳng. Aes dhammo sanantano - đây là luật vĩnh hằng, không cạn kiệt, rằng sự tồn tại là rất công bằng và sòng phẳng. Bạn đơn giản vẫn còn tự nhiên và sự tồn tại sẽ cứ ban tặng cho bạn cả nghìn lẻ một phúc lành mà không cần đòi hỏi gì của bạn về chúng.
Phát biểu nổi tiếng của Jesus là: Hỏi và điều đó sẽ được cho. Nếu bạn hỏi Phật ông ấy sẽ nói: Đừng hỏi và điều đó sẽ được cho. Jesus nói: Gõ cửa và cửa sẽ mở ra cho ông. Nếu bạn hỏi Phật ông ấy sẽ nói: Đừng gõ cửa, bởi vì cửa đã mở rồi. Nhìn thôi... hoa cỏ kìa, và Basho nhìn chăm chú vào nó.
Vài người đi qua sông.
Phần lớn bị kẹt ở bờ bên này.
Trên bờ sông họ chạy xuôi ngược.
Phật nói đi nói lại rằng mọi người đều trong vội vã thế, chẳng biết họ đang đi đâu, nhưng trong vội vã tất bật họ vẫn đang đi đâu đó. Và họ đơn giản đi xuôi ngược, trên bờ này, với hi vọng rằng bằng việc chạy và vẫn còn bị bận bịu họ sẽ đạt tới bờ bên kia.
Tôi đã nghe nói rằng giáo hoàng ở Vatican nhận được một cú điện thoại, cú điện thoại đường dài, từ New York. Giám mục từ New York gọi điện trong trạng thái rất thần kinh, kích động, phát sốt: "Thưa giáo hoàng, tôi cần chỉ dẫn ngay lập tức: một người giống như Jesus đã vào nhà thờ, và ông ta nói, 'Ta là Jesus Christ.' Bây giờ tôi phải làm gì đây?" 
Giáo hoàng đắn đo về điều đó một chốc rồi nói, "Cứ ra vẻ bận bịu vào."
Bạn có thể làm gì khác được? Nếu Jesus đã tới, ít nhất ra vẻ bận bịu đi, làm điều gì đó đi! Cứ để cho ông ấy thấy rằng người của ông ấy đang rất bận rộn - bận lắm. Cho dù chẳng có việc gì, đừng lo nghĩ.
Đó là điều mọi người đang làm - bận mà chẳng có việc, có vẻ rất bận bịu. Và mọi điều họ làm chỉ là chạy xuôi ngược trên cùng bờ. Theo cách này bạn không thể đạt tới bờ bên kia được.
Vài người đi qua sông. Phần lớn bị kẹt ở bờ bên này. Ông ấy ngụ ý gì bởi "bờ bên này "? Bờ bên này có nghĩa là cái chết, thời gian, sự tồn tại nhất thời này. Bờ bên kia nghĩa là bất tử, vô thời gian, vĩnh hằng, Thượng đế, niết bàn. Người ta cần dũng cảm để vượt qua dòng chảy, bởi vì bờ bên kia là không thấy được. Thực ra, chỉ bờ bên này là thấy được, bờ bên kia là vô hình. Bờ bên này là thô, bờ bên kia là tinh. Bờ bên này là vật chất, bờ bên kia là tâm linh - bạn không thể thấy được nó, nó không thể được chỉ cho người khác.
Ngay cả những người đã đạt tới bờ bên kia cũng chỉ có thể gọi bạn, mời bạn, nhưng họ không thể đưa ra được bằng chứng nào. Tôi không thể cho bạn bằng chứng nào về Thượng đế; Phật đã không cho, Jesus đã không cho - không người biết nào có thể cho bất kì chứng minh nào về Thượng đế. Thượng đế không thể được chứng minh. Bạn chỉ có thể được thuyết phục đi sang bờ bên kia và thấy theo cách riêng của mình.
Phật cứ nói đi nói lại mãi: Ihi passiko! Tới và nhìn!
Nhưng người trí huệ, đi theo con đường,
Đi qua sông vượt ra ngoài tầm với của cái chết.
Nỗ lực duy nhất của bất kì người thông minh nào trong thế giới này phải là, trước hết và đầu tiên nhất, làm sao biết cái gì đó mà không thể bị cái chết phá huỷ - bởi vì cái chết có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc nào, khoảnh khắc tiếp, ngày mai. Bởi vì cái chết có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc nào, nỗ lực đầu tiên của người thông minh sẽ là để biết cái gì đó mà không thể bị cái chết phá huỷ, và được định tâm vào cái gì đó bất tử, được bắt rễ vào cái đó để cho bạn không bị phá huỷ.
Nhưng người trí huệ, đi theo con đường,
Đi qua sông vượt ra ngoài tầm với của cái chết.
Tử là hiện tượng quan trọng nhất - quan trọng hơn nhiều so với sinh, bởi vì sinh đã xảy ra rồi; bây giờ bạn không thể làm gì về nó được. Nhưng tử phải xảy ra - cái gì đó có thể được làm về nó, chuẩn bị nào đó. Bạn có thể sẵn sàng đón nhận nó, bạn có thể hiện hữu một cách có ý thức trong trạng thái đón chào nó.
Bạn đã bỏ lỡ cơ hội của sinh, đừng bỏ lỡ cơ hội của tử. Và nếu bạn có thể đón nhận chết trong trạng thái thiền, bạn có thể có khả năng đón nhận việc sinh tiếp của mình - điều sẽ được đi sau cái chết - một cách có ý thức. Nếu bạn có thể chết một cách có ý thức, bạn sẽ được sinh ra một cách có ý thức. Kiếp sống tiếp của bạn sẽ có hương vị hoàn toàn khác. Và một người có thể được sinh ra chỉ một lần sau khi người đó đã chết một cách có ý thức - chỉ một kiếp sống thêm nữa.
Người Ki tô giáo, người Do Thái, người Mô ha mét giáo, tin vào chỉ một kiếp sống. Diễn giải của tôi là ở chỗ khi bạn đã chết đi một lần mà có ý thức - và được tái sinh có ý thức - kiếp sống đó là kiếp sống thật; chỉ kiếp sống đó mới đáng tính. Mọi kiếp khác trước nó đều không đáng tính tới. Đó là lí do tại sao ba tín ngưỡng này đã không tính tới chúng. Không phải là họ không biết về chúng - Jesus hoàn toàn nhận biết về các kiếp sống quá khứ chứ - nhưng chúng không đáng tính tới. Bạn đang ngủ, bạn đang mơ, bạn vô ý thức. Đấy không phải là sống; bằng cách nào đó bạn kéo lê bản thân mình trong giấc ngủ.
Phật hay nói với đệ tử của mình: đếm kiếp sống của ông chỉ sau khi ông đã nhận tính chất sannyas.
Có lần chuyện xảy ra: 
Một vị vua vĩ đại, Bimbisara, đã tới gặp Phật. Ông ấy ngồi bên Phật nói chuyện với Phật và một ông già tới, cúi mình, chạm chân Phật, một sannyasin già. Và vì đó là thói quen của Phật hay hỏi, ông ấy hỏi ông già này, "Ông bao nhiêu tuổi rồi?" Và ông già nói, "Mới bốn tuổi thôi, thưa thầy."
Bimbisara không thể tin được vào mắt mình, không thể tin được vào tai mình: "Ông già này trông gần tám mươi, nếu không nhiều hơn, mà lại nói mình mới bốn tuổi thôi sao?" Ông ta nói, "Tôi xin lỗi, thưa ông, ông có thể nhắc lại điều đó được không, ông bao nhiêu tuổi rồi?"
Ông già lại nói, "Bốn tuổi."
Phật cười và nói, "Ông không biết cách chúng ta tính cuộc sống: bốn năm trước ông ấy đã trở thành sannyasin, lúc đó ông ấy được điểm đạo vào vĩnh hằng, lúc đó ông ấy được đưa vào vô thời gian. Mới chỉ bốn năm trước ông ấy đã vượt qua bờ bên này và đạt tới bờ bên kia. Ông ấy đã sống tám mươi năm rồi, nhưng những năm đó không đáng tính tới; đó là lãng phí cực kì."
Không ai đã diễn giải Ki tô giáo, Do Thái giáo, Mô ha mét giáo theo cách như tôi diễn giải. Họ tất cả đều tin vào một kiếp sống, và người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo và người Do Thái đều nghĩ chỉ có một kiếp sống. Đó không phải là trường hợp này; bạn đã sống nhiều lần, nhưng chúng không đáng tính tới. Chỉ một kiếp sống sẽ đáng tính: khi bạn sẽ được sinh ra một cách có ý thức - nhưng bạn có thể được sinh ra một cách có ý thức chỉ nếu bạn chết đi một cách có ý thức.
Cho nên điều đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc sống là chuẩn bị cho cái chết. Và cách chuẩn bị cho cái chết là gì? - điều Phật gọi là "theo con đường." Suy tư về giai thoại nhỏ này.
Nan Yin, một Thiền sư vĩ đại, được Tenno tới thăm, ông này vừa hoàn thành xong việc học tập, mới trở thành thầy giáo. Ngày hôm đó trời mưa, cho nên Tenno đi đôi guốc gỗ và mang ô.
Sau khi chào hỏi ông ta, Nan Yin nhận xét, "Tôi cho là ông đã để đôi guốc gỗ ở tiền sảnh. Tôi muốn biết ô của ông để ở bên trái hay bên phải đôi guốc."
Tenno, bị lẫn lộn, không trả lời ngay được. Ông ta nhận ra rằng mình đã không thể mang tính Thiền mọi lúc. Ông ta trở thành đệ tử của Nan Yin và ông ta đã học thêm sáu năm để hoàn thành tính Thiền mọi lúc của mình.
Đây là con đường. Người ta phải tỉnh táo và nhận biết về mọi thứ và từng thứ người ta đang làm. Bây giờ, Tenno đã không làm điều gì rất nghiêm chỉnh - ông ấy đơn giản quên mất chỗ để ô, ở bên phải đôi guốc hay bên trái đôi guốc. Bạn sẽ cho rằng Nan Yin quá khắt khe; không phải vậy đâu. Chính là vì từ bi mà ông ấy mới hỏi câu hỏi này.
Thầy riêng của Nan Yin, khi lần đầu tiên ông ấy tới với thầy mình, đã hỏi câu hỏi tương tự.
Nan Yin đã du hành qua gần hai trăm dặm trong vùng núi non để tới thầy, và bạn có biết thầy đã hỏi gì không, câu hỏi đầu tiên? Không rất triết lí, không rất siêu hình gì ... Khoảnh khắc Nan Yin cúi lạy, thầy hỏi, "Giá gạo trong thị trấn ông là bao nhiêu?" Giá gạo...!
Nhưng Nan Yin lập tức nói, "Tôi không còn ở đó nữa, tôi đang ở đây. Tôi chưa bao giờ nhìn lại, và tôi đã phá mọi cây cầu mà tôi đã đi qua. Cho nên xin thầy quên chuyện gạo và giá gạo đi!"
Thầy cực kì sung sướng. Thầy ôm ghì lấy Nan Yin, thầy ban phúc cho ông ấy, và thầy nói, "Nếu ông nói cho ta giá gạo trong thị trấn, ta đã tống ông ra khỏi tu viện rồi. Ta sẽ không cho phép ông ở đây, bởi vì chúng ta không quan tâm tới nhà buôn bán gạo."
Từng thầy đều có cách thức riêng của mình để nhìn vào bản thể bên trong của đệ tử. Bây giờ đây là câu hỏi đơn giản: Nan Yin nói, "Ô của ông ở đâu rồi - bên trái hay bên phải đôi guốc?" Bây giờ, chẳng ai có thể nghĩ xem Immanuel Kant có hỏi những câu hỏi như vậy với bất kì đệ tử nào của ông ấy không; chẳng ai có thể hình dung được Hegel hay Heidegger hay Sartre hỏi câu hỏi như vậy với học trò của mình - không thể được!
Chỉ người như Nan Yin, người là vị phật, mới có thể hỏi câu hỏi như vậy - bình thường thế, vậy mà với sáng suốt phi thường thế. Ông ấy đang nói, "Khi ông để ô, ông có nhận biết không? - hay ông đã làm điều đó một cách máy móc?" 
Có lần một người, một người khác, một hàn lâm học sĩ, tới gặp Nan Yin. Ông ta ném giầy của mình - chắc phải giận dữ hay cái gì đó - đóng sầm cửa, bước vào. Ít nhất có ba mươi đệ tử khác đang ngồi đó. Nan Yin nhìn vị học sĩ này; ông ta là một học sĩ lừng danh... ông ta phải đã trông đợi rằng Nan Yin sẽ đứng dậy và đón chào ông ta. Thay vì vậy, Nan Yin quát vị học sĩ này và bảo ông ta quay lại xin tha thứ. "Ông đã đối xử không tốt với cánh cửa, ông đã đối xử không tốt với đôi giầy! Chừng nào chúng chưa tha thứ cho ông, chừng nào ta chưa thấy rằng ông đã được tha thứ, ta sẽ không cho phép ông vào - ông ra đi!"
Choáng váng, tiêu tan - nhưng vị học sĩ này vẫn chưa thể nhìn ra vấn đề. Dầu vậy ông ấy vẫn thử; ông ấy nói, "Nhưng phỏng có ích gì mà hỏi xin tha thứ từ giầy và cửa? Chúng dẫu sao cũng là vật chết, làm sao chúng có thể tha thứ được?"
Nan Yin nói, "Nếu ông có thể giận chúng và chúng chết, nếu giận mà là được, thế thì ông phải sẵn sàng hỏi xin tha thứ nữa chứ - xin lỗi đi!"
Vị học sĩ đi ra; lần đầu tiên trong đời ông ta cúi lạy chiếc giầy của mình. Và ông ta nhớ trong hồi kí của mình rằng "Khoảnh khắc đó là một trong những khoảnh khắc quí giá nhất trong đời tôi, khi tôi cúi lạy chiếc giầy của tôi. Im lặng thế giáng xuống tôi! Lần đầu tiên tôi cảm thấy thoát khỏi bản ngã, hoàn toàn cởi mở. Thầy đã làm thủ đoạn. Khi tôi quay lại, thầy đã đón nhận tôi với vui vẻ thế. Thầy nói, 'Bây giờ ông đã sẵn sàng ngồi bên cạnh ta, bây giờ ông đã sẵn sàng nghe ta. Bây giờ ông được kết thúc; bằng không thì sự việc còn dang dở. Và đừng bao giờ để bất kì cái gì dang dở, bằng không nó cứ treo mãi quanh ông. Ông sẽ bị cắn rứt. Nếu ông xử sự sai với cánh cửa và ông không hoàn thành toàn bộ quá trình này, ông sẽ vẫn còn giận dữ ở đâu đó.'"
Nhận biết từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc là con đường của vị phật. Nếu bạn có thể vẫn còn nhận biết từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, bạn sẽ trở nên hoàn toàn rõ ràng rằng có cái gì đó trong bạn ở bên ngoài cái chết, cái không thể bị đốt cháy, không thể bị phá huỷ, không thể bị huỷ diệt. Và biết tảng đá của tính không thể bị phá huỷ bên trong bạn là bắt đầu của cuộc sống mới.
Người đó bỏ đường tối
Để đi đường của ánh sáng.
Con đường của sống vô ý thức được Phật gọi là con đường tối. Và con đường sống có ý thức, cẩn thận, khoảng khắc sang khoảnh khắc, đem tâm thức của bạn vào từng hành động, từng hành động nhỏ, từng chi tiết là con đường của ánh sáng.
Người đó bỏ nhà,
đi tìm hạnh phúc trên đường gian khó.
'Nhà' được ngụ ý là níu bám lấy an ninh, an toàn, cái quen thuộc, cái đã biết. Với 'bỏ nhà' ông ấy không ngụ ý bỏ gia đình bạn, con bạn, vợ bạn, chồng bạn đâu - điều đó đã từng là cách thức các Phật tử đã diễn giải dòng này, qua nhiều thời đại. Đó không phải là diễn giải của tôi. Đó không phải là nhà thực đâu. Nhà thực là cái gì đó bên trong tâm trí bạn: óc tính toán, trí tuệ, logic, chiếc áo giáp bạn tạo ra quanh bản thân mình chống lại cả thế giới - cái đó là 'nhà'. 'Bỏ nhà' - điều đó nghĩa là bỏ mọi an ninh, đi vào bất an ninh, vứt bỏ cái đã biết, đi vào cái không biết, quên đi các tiện nghi của bờ bên này và đi vào trong nước đục, vào biển chưa thăm dò. Đó là con đường gian khó - nhưng bờ bên kia chỉ có thể được đạt tới qua con đường gian khó.
Những người lười biếng, người bao giờ cũng đi tìm lối tắt nào đó, người muốn được Thượng đế với giá rẻ, người không sẵn sàng trả cái gì để có được chân lí tối thượng, họ đang tự lừa phỉnh họ và làm phí thời gian của họ. Chúng ta phải trả bằng cuộc sống của mình, chúng ta phải trả bằng mọi thứ chúng ta có, chúng ta phải buông xuôi toàn bộ, chúng ta phải trở nên được cam kết mãnh liệt và toàn tâm. Đó là con đường gian khó, và chỉ qua con đường gian khó mà người ta mới có thể vượt qua dòng chảy của sự tồn tại và có thể đạt tới bờ bên kia, cái bất tử, cái vĩnh hằng.
Tự do khỏi ham muốn,
Tự do khỏi sở hữu,
Tự do khỏi chỗ tối của trái tim...
Nếu bạn sẵn sàng vứt bỏ mọi áo giáp của an ninh và tiện nghi, nếu bạn sẵn sàng vứt bỏ mọi tâm trí tính toán, tâm trí láu lỉnh, tâm trí tinh ranh, nếu bạn sẵn sàng vứt bỏ bản thân tâm trí, mọi phần tối của trái tim bạn sẽ biến mất. Trái tim bạn sẽ trở nên đầy ánh sáng, ham muốn sẽ biến mất - ham muốn nghĩa là tương lai. Và sở hữu sẽ không còn là sự níu bám của bạn nữa - sở hữu nghĩa là quá khứ.
Khi không còn ham muốn, không còn níu bám vào sở hữu, bạn được tự do với quá khứ và tương lai. Tự do với quá khứ và tương lai là tự do trong hiện tại. Điều đó mang tới chân lí, Thượng đế, tự do. Điều đó, chỉ điều đó thôi mới đem tới trí huệ, phật tính, thức tỉnh.
Tự do khỏi gắn bó và thèm muốn,
Đi theo bẩy ánh sáng của thức tỉnh,
Và hân hoan lớn lao trong tự do của mình,
Trong thế giới này người trí huệ
Bản thân mình trở thành ánh sáng,
Thuần khiết, chói sáng, tự do.
Và khi bạn di chuyển ngày một nhiều trong hiện tại, bên trong bạn sẽ bắt gặp bẩy ánh sáng - điều yoga Hindu gọi là bẩy luân xa, yoga Phật giáo gọi là bẩy ánh sáng, bẩy ngọn đèn. Khi bạn trở nên ngày một tách rời hơn khỏi thân thể, tách rời khỏi sở hữu, dửng dưng trong ham muốn, năng lượng của bạn bắt đầu đi lên trên. Cùng năng lượng đã được chứa ở trung tâm thấp nhất; tại trung tâm dục... Bây giờ, chỉ tại trung tâm dục đôi khi bạn có kinh nghiệm về ánh sáng, điều bạn gọi là cực thích, nhưng ngay cả vậy cũng rất hiếm ở đó. Chỉ rất hãn hữu, rất ít người đã biết rằng làm tình, một khoảnh khắc tới khi những người yêu trở nên tràn đầy ánh sáng. Thế thì kinh nghiệm cực thích không chỉ là vật lí, nó có cái gì đó tâm linh trong nó.
Mật tông đã cố gắng tạo ra không gian và hoàn cảnh đó mà các trung tâm dục bắt đầu toả ánh sáng. Và khi hai người yêu không chỉ là khai thác thân thể nhau mà thực sự tôn thờ thân thể nhau, khi người kia là thượng đế và việc làm tình giống như cầu nguyện và thiền - với tôn kính người ta đi vào làm tình - điều xảy ra là cả hai trung tâm gặp gỡ, những năng lượng nam tính và nữ tính, và ánh sáng lớn lao bắt đầu tuôn chảy bên trong bản thể bạn.
Cùng điều này có thể xảy ra ở sáu điểm khác, cao hơn; các điểm càng cao, ánh sáng càng rực rỡ và chói lọi hơn. Điểm thứ bẩy là sahasrar, hoa sen một nghìn cánh. Tại đó ánh sáng nhiều tới mức Kabir nói nó "cứ dường như một nghìn mặt trời đột nhiên mọc lên" - không phải một, mà một nghìn mặt trời.
Tự do khỏi gắn bó và thèm muốn,
Đi theo bẩy ánh sáng của thức tỉnh,
Và hân hoan lớn lao trong tự do của mình,
Trong thế giới này người trí huệ
Bản thân mình trở thành ánh sáng,
Thuần khiết, chói sáng, tự do.
Bản thân người đó trở thành ánh sáng lên chính mình và người đó trở thành ánh sáng lên người khác nữa. Là vị phật đi! Cuộc sống là vô nghĩa nếu không có điều đó. Là vị phật đi! Chỉ thế thì bạn mới được hoàn thành. Là vị phật đi! Thế thì bạn đã nở hoa. Là vị phật và bạn sẽ biết Thượng đế ngụ bên trong bạn.
Đủ cho hôm nay.

Xem Chương 4