Shramana vô gia cư cắt đứt các đam mê, tự giải phóng mình khỏi gắn bó, hiểu cội nguồn của tâm trí mình, thấm vào học thuyết sâu sắc nhất của Phật, và hiểu thấu pháp, cái phi vật chất.
Người đó không có định kiến trong lòng. Người đó không có gì để khao khát. Người đó không bị ngăn trở bởi ý nghĩ về đạo và người đó không vướng vào nghiệp. Không định kiến, không cưỡng bách, không kỉ luật, không chứng ngộ và không đi lên qua các cấp bậc vậy mà lại có tất cả vinh quang trong nó. Điều này được gọi là đạo.
Phật nói:
Những người cạo đầu và mặt trở thành shramana và người nhận chỉ dẫn trong đạo phải buông bỏ tất cả những sở hữu trần gian và hài lòng với bất kì cái gì họ có được bằng việc ăn xin. Một bữa một ngày và một chỗ trú ngụ dưới gốc cây và không cái gì được lặp lại, vì điều làm cho người ta ngu xuẩn và phi lí là gắn bó và đam mê.
Phật nói:
Có mười điều được mọi người coi là thiện, và mười điều là ác. Ba trong số đó thuộc vào thân, bốn điều thuộc vào khẩu, và ba điều thuộc vào ý.
Ba điều hại thuộc vào thân là: giết người, trộm cướp và tà dâm.
Bốn điều thuộc vào khẩu là: phỉ báng, nguyền rủa, dối trá và nịnh bợ. Ba điều thuộc vào ý là: ghen tị, giận dữ và si mê. Tất cả những điều này đều chống lại đạo thiêng liêng, và do đó chúng là ác. Khi những điều hại này không được thực hiện, có mười điều thiện.
Điều đầu tiên: Phật nhấn mạnh rất nhiều tới ý tưởng về người lang thang vô gia cư - ý tưởng về không gia đình. Điều đó không nhất thiết cứ phải hiểu theo đúng từng từ một, nhưng ý tưởng này là cực kì có ý nghĩa. Nếu bạn làm nhà, nếu bạn xây nhà quanh mình, bạn đang làm điều gì đó không thể được trong bản chất của mọi vật. Bởi vì cuộc sống này là luồng chảy, cuộc sống này không nhiều hơn việc thoảng qua. Cuộc sống này không ổn định, vô thường - chúng ta chỉ ở đây có vài khoảnh khắc thôi. Cái chết đang tới liên tục; chúng ta đang chết đi mọi khoảnh khắc khi chúng ta đang sống.
Làm chỗ này, không gian này thành nhà là ngớ ngẩn. Nhà không thể có ở đây được. Nhà là có thể chỉ trong vĩnh hằng. Thời gian không thể được làm thành nhà, và nếu bạn cố làm nhà ở đây, bạn sẽ thường xuyên trong khổ, bởi vì bạn sẽ tranh đấu chống lại tự nhiên; bạn sẽ đi ngược lại điều Phật gọi là pháp.
Pháp đơn giản nghĩa là Đạo, cách thức mọi sự hiện hữu. Nếu bạn muốn làm cho mơ thành thường hằng, bạn sẽ khổ thôi, bởi vì mơ không thể thường hằng được. Chính bản chất của nó là vô thường. Thực tế, ngay cả lặp lại cùng một giấc mơ cũng đã khó rồi. Mơ là ảo tưởng, bạn không thể sống trong nó mãi mãi được.
Nghĩ về cuộc sống thường hằng ở đây trên bờ bên này, bờ của thời gian, là ngu xuẩn. Nếu bạn có chút ít thông minh, nếu bạn có chút ít nhận biết và nếu bạn có thể thấy tất cả xung quanh mình điều đang xảy ra... Bạn đã không ở đây một ngày nào đó, và bạn sẽ lại không ở đây một ngày nào đó. Làm sao bạn có thể làm nhà ở đây được? Bạn có thể ở tạm tại đây cũng như người ta ở trọ qua đêm trong một nhà trọ - khi sáng tới bạn phải đi.
Vâng, bạn có thể dựng lều ở đây, nhưng bạn không thể làm nhà được. Bạn có thể có chỗ trú ngụ, nhưng bạn không nên bị gắn bó với nó. Bạn không nên gọi nó là 'của tôi'. Khoảnh khắc bạn gọi bất kì cái gì là 'của tôi', bạn rơi vào trong ngu xuẩn. Chẳng cái gì thuộc về bạn cả, chẳng cái gì có thể thuộc về bạn được.
Người ta là kẻ lang thang vô gia cư trong chính bản chất của mọi sự. Thời gian là vô thường. Thời gian nghĩa là cái tạm thời. Thời gian không thể có nhà vĩnh hằng nào trong nó. Làm nhà trong thời gian là làm nhà trên cát, hay kí vào trong nước - bạn vẫn cứ làm điều đó đấy; nó cứ biến mất.
Phật nói hiểu sự vô gia cư này là trở thành sannyasin. Không cần bạn phải rời khỏi nhà đâu. Bạn có thể bỏ nhà nếu bạn cảm thấy thích cách đó. Nếu điều đó khớp với bản tính của mình thì bạn có thể rời bỏ nhà, bạn có thể cố ý trở thành kẻ lang thang, nhưng đó không phải là điều bắt buộc phải làm. Bạn có thể vẫn ở nhà, nhưng không còn nhà cho bạn nữa. Bạn biết bạn không sở hữu nó. Bạn có thể dùng nó một chốc, nhưng ngày mai bạn phải đi.
Cho nên đừng làm nhà ở đâu cả, thậm chí không ở trong thân thể - bởi vì thân thể đó cũng đang liên tục biến mất. Nếu bạn không làm nhà ở đâu cả thế thì bạn là một sannyasin về tinh thần - và sannyasin không bao giờ khổ cả. Bởi vì khổ tới từ gắn bó. Khi gắn bó của bạn không được hoàn thành như bạn muốn chúng phải vậy, khi mong đợi của bạn không được đáp ứng thất vọng nảy sinh. Thất vọng là sản phẩm phụ.
Nếu bạn không mong đợi, không ai có thể làm bạn thất vọng được. Nếu bạn không muốn làm nhà ở đây, ngay cả cái chết cũng không thể làm bạn hoảng sợ được. Chẳng cái gì có thể làm bạn hoảng sợ cả. Nếu bạn không níu bám lấy cái gì, làm sao bạn có thể bị làm thành khổ được? Việc níu bám của bạn mới tạo ra khổ, bởi vì bạn muốn níu bám và trong chính bản chất của mọi sự, mọi sự đều thay đổi; bạn không thể níu bám được. Chúng thường xuyên tuột ra khỏi bàn tay bạn. Không có cách nào để bám vào chúng.
Bạn bám vào vợ, bạn bám vào chồng, vào con cái, vào cha mẹ, vào bạn bè. Bạm bám vào mọi người, mọi vật, và mọi thứ lại là luồng thường xuyên. Bạn đang cố gắng nắm giữ dòng sông trong tay mình còn dòng sông lại đang chảy xiết; nó đang xô tới mục đích không biết nào đó - bạn thất vọng.
Vợ yêu ai đó khác - bạn thất vọng. Chồng trốn đi - bạn thất vọng. Con chết - bạn thất vọng. Ngân hàng phá sản, vỡ nợ - bạn thất vọng. Thân thể trở nên ốm yếu, cái chết bắt đầu gõ cửa - bạn thất vọng. Nhưng những thất vọng này có bởi vì mong đợi của bạn. Bạn chịu trách nhiệm về chúng.
Nếu bạn hiểu rằng chỗ này không phải là nhà và bạn là người lang thang vô gia cư ở đây, người xa lạ trên mảnh đất không quen biết; bạn phải ra đi, bạn phải đi... nếu bạn đã thấm nhuần điều đó, nếu bạn đã hiểu nó, thế thì bạn không làm nhà ở đâu cả. Bạn trở thành người lang thang vô gia cư, một parivrajaka. Bạn thậm chí trở thành như vậy theo nghĩa đen; điều đó tuỳ thuộc vào bạn. Bạn thực sự có thể trở thành người lang thang, hay về mặt tinh thần bạn có thể trở thành người lang thang.
Nhấn mạnh riêng của tôi là đừng trở thành người lang thang theo nghĩa đen, bởi vì phỏng có ích gì? Nhấn mạnh của Phật không phải như vậy; để điều đó được rõ ràng cho bạn. Phật đã không nói phải làm gì, liệu có phải theo ông ấy đúng từng lời hay không. Hàng triệu người đã theo ông ấy theo đúng từng lời - họ đã vứt bỏ nhà mình, gia đình mình; họ thực sự trở thành khất sĩ đi lang thang trên khắp nước, đi ăn xin. Tôi không nhấn mạnh vào điều đó.
Nếu bạn thực sự hiểu thì không có nhu cầu làm điều đó theo cách trần trụi như vậy. Bởi vì với tôi dường như là khi người ta không hiểu ý tưởng này một cách đầy đủ, chỉ thế thì người đó mới hiểu đúng nguyên văn từng từ trở thành người lang thang; bằng không thì không có nhu cầu. Bạn có thể ở trong nhà, bạn có thể ở cùng vợ con mình, vậy mà vẫn còn tỉnh táo rằng chẳng cái gì thuộc vào bạn cả; vẫn còn tỉnh táo rằng bạn không rơi vào gắn bó; vẫn còn tỉnh táo rằng nếu mọi sự thay đổi bạn sẵn sàng chấp nhận thay đổi đó, rằng bạn sẽ không khóc vì cái bình sữa bị vỡ, rằng bạn không kêu than, rằng bạn sẽ không phát rồ phát dại.
Với tôi điều này dường như còn có ý nghĩa nhiều hơn là thực sự trở thành người lang thang, bởi vì điều đó dễ dàng hơn. Và nếu không có nhà và nếu bạn không có gì cả, thế thì làm sao bạn có thể từ bỏ được? Chính ý tưởng về từ bỏ làm rõ ràng rằng ở đâu đó sâu bên trong vô thức bạn vẫn coi rằng mình sở hữu nó, bởi vì bạn chỉ có thể từ bỏ cái gì đó bạn có.
Làm sao bạn có thể từ bỏ được? Vợ bạn đâu có phải là của bạn - làm sao bạn có thể từ bỏ được? Con bạn đâu có phải là của bạn - làm sao bạn có thể từ bỏ được? Họ không thuộc vào bạn, cho nên phỏng có ích gì mà từ bỏ họ? Bạn có thể đơn giản hiểu rằng họ không thuộc vào bạn; rằng chúng ta là những người lạ - chúng ta đã gặp nhau trên đường, hay chúng ta đã ở dưới cùng một gốc cây trong vài ngày, nhưng chúng ta là người lạ.
Hiểu điều đó sâu trong nhận thức của bạn là đủ. Nhấn mạnh của tôi là trở thành người lang thang tinh thần. Không có nhu cầu kéo lê thân thể như kẻ ăn xin; để cho linh hồn của bạn là linh hồn của người lang thang, và thế là đủ. Đừng tạo ra tù túng cho tâm linh của bạn.
Phật nói:
Shramana (sa môn) vô gia cư cắt đứt các đam mê...
Đam mê là mơ của chúng ta. Đam mê là mơ của chúng ta về tương lai, ham muốn về cách mọi sự phải thế. Sâu bên dưới chúng ta bao giờ cũng không bằng lòng; bất kì cái gì đang có đấy, đều không thoả mãn. Chúng ta liên tục thêu dệt ra mơ để thay đổi mọi thứ - làm ngôi nhà tốt hơn, có vợ tốt hơn, có giáo dục hơn, có nhiều tiền hơn, có cái này, có cái nọ. Chúng ta liên tục nghĩ dưới dạng làm sao làm cho cuộc sống tốt hơn. Chúng ta cứ sống trong tương lai mà không có.
Sống trong tương lai là mơ bởi vì nó không tồn tại. Sống trong tương lai là dựa trên sự không bằng lòng sâu sắc với hiện tại.
Cho nên hai điều phải được hiểu về đam mê. Một, bất kì cái gì chúng ta có, chúng ta đều bám vào nó. Nhìn vào ngược đời này: bất kì cái gì chúng ta có chúng ta đều bám vào nó mặc dầu chúng ta không được thoả mãn với nó. Chúng ta khổ với nó, cho nên chúng ta ham muốn thay đổi nó, tô điểm nó, làm cho nó tốt hơn. Chúng ta liên tục níu bám lấy cái chúng ta có và chúng ta liên tục ham muốn cái chúng ta không có. Và giữa hai điều này chúng ta bị nghiền nát. Và điều này bao giờ cũng sẽ là như vậy. Nó đã thế ngày hôm qua, nó đang thế ngày hôm nay, nó sẽ thế ngày mai... cả đời bạn.
Bất kì cái gì bạn có, bạn níu bám lấy nó để cho không ai có thể lấy được nó đi, và dầu vậy bạn vẫn khổ với nó và bạn hi vọng rằng một ngày nào đó mọi sự sẽ tốt hơn. Người sống trong đam mê, trong ham muốn, là sống cuộc sống vô tích sự - bao giờ cũng khổ, bao giờ cũng mơ. Khổ với thực tại và mơ với cái không thực.
Tôi đã nghe:
'Ông câu được bao nhiêu cá rồi?' một người qua đường hỏi ông già Mulla Nasruddin đang câu cá ở cuối bến tầu.
'Thế này,' ông già Mulla nói một cách trầm ngâm, 'nếu mà tôi bắt được con cá đang nhay mồi này và hai con nữa, thì tôi sẽ được ba con.'
Ông ấy chẳng có gì cả...
Đây là cách tâm trí con người cứ mơ mãi. Cuộc sống của chúng ta thì ngắn ngủi, rất ngắn, mà mơ của chúng ta lại bao la.
Seamus và Bridget gặp nhau trên bãi biển Đá xa. Khi họ nằm sóng xoài cùng nhau trên chiếc chăn dưới lối đi dọc bãi biển, Seamus khàn khàn thì thào, 'Bridget, anh yêu em.'
'Nhưng,' Bridget phản đối, 'chúng ta chỉ vừa mới gặp nhau!'
'Anh biết,' Seamus đáp, 'nhưng anh chỉ ở đây cuối tuần thôi.'
Nhưng mọi người đều ở đây chỉ lúc cuối tuần. Cuộc sống thực sự rất ngắn ngủi. Làm sao có thể có tình yêu được? Làm sao bạn có thể làm nhà ở đây được? Làm sao bạn có thể sở hữu cái gì được? Mọi thứ đều liên tục biến mất. Bạn đang săn cái bóng.
Phật nói:
Shramana vô gia cư cắt đứt các đam mê, tự giải phóng mình khỏi gắn bó...
Với gắn bó ông ấy ngụ ý mối quan hệ thực sự không tồn tại, chỉ bạn tin rằng chúng tồn tại thôi. Bạn là chồng - bạn tin rằng mối quan hệ nào đó tồn tại giữa bạn và vợ bạn, nhưng đấy chỉ là tin. Bạn đã không quan sát sự kiện rằng ngay cả sống cùng người đàn bà trong bốn mươi năm, năm mươi năm, cô ấy vẫn còn là người lạ, và bạn vẫn còn là người lạ với cô ấy đó sao?
Trong nhiều thế kỉ, đàn ông đã từng cố gắng hiểu đàn bà, hiểu tâm trí, tâm trí nữ tính - nhưng đàn ông đã không thể nào hiểu được nó. Đàn bà đã từng cố gắng hiểu tâm trí đàn ông, vậy mà nó vẫn còn là bí ẩn. Và đàn ông và đàn bà đã sống với nhau hàng thế kỉ.
Quan sát điều đó đi. Làm sao bạn có thể có quan hệ với bất kì ai được? Người khác vẫn còn ở ngoài sự hiểu thấu của bạn. Người khác vẫn còn là người khác... không thể nào đạt tới được. Bạn có thể chạm tới ngoại vi và người khác thậm chí có thể giả vờ rằng có, các bạn có quan hệ, nhưng chúng ta vẫn còn một mình. Mối quan hệ chỉ là việc làm cho tin. Nó giúp đỡ, nó giúp đỡ theo cách nào đó. Nó cho phép chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không một mình. Nó làm cho cuộc sống thoải mái hơn chút ít, nhưng thoải mái đó là ảo tưởng. Người khác vẫn còn là người khác, và không có cách nào thấm vào bí ẩn của người khác. Chúng ta vẫn một mình.
Khi Phật nói, shramana vô gia cư cắt đứt các đam mê, tự giải phóng mình khỏi gắn bó, ông ấy ngụ ý người đó đi tới thấy rằng gắn bó là không thể được ở đây.
Gắn bó là không thể được, mối quan hệ là không thể được. Tất cả các mối quan hệ đều chỉ là nỗ lực ngớ ngẩn, bởi vì bạn không thể đạt tới người khác được, bạn không thể chạm tới trung tâm của bản thể người khác được. Và chừng nào bạn còn chưa chạm được tới trung tâm, làm sao bạn có thể quan hệ được? Bạn không biết linh hồn của người khác, bạn chỉ biết thân thể, hành động, thái độ - chúng ở ngay trên ngoại vi. Chúng ta gặp gỡ ở ngoại vi.
Đó là nỗi khổ của mối quan hệ. Chúng ta vẫn còn ở ngoại vi và chúng ta liên tục tin vào hi vọng của mình, vào ham muốn của mình, rằng ngày nào đó mối quan hệ sẽ thực sự xảy ra và trung tâm sẽ gặp với trung tâm, trái tim sẽ gặp trái tim... rằng chúng ta sẽ tan biến - nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Nó không thể xảy ra được.
Trở nên nhận biết về thực tại rất xáo động này là khó bởi vì nó lấy đi chính nền tảng dưới chân bạn. Bạn bị bỏ lại đơn độc tới mức bạn lại bắt đầu tin vào mơ, mối quan hệ cũ, thế này thế nọ. Bạn lại bắt đầu tạo ra những chiếc cầu, nhưng bạn chẳng bao giờ thành công, chưa bao giờ thành công cả. Không phải là nỗ lực của bạn là không đủ, không phải là kĩ năng của bạn là không đủ, mà bởi vì trong chính bản chất của mọi sự, gắn bó là điều không thể được. Bạn đang cố gắng làm điều gì đó mà thực tại thực sự không cho phép.
Sự một mình của bạn là vĩnh hằng. Phật nói hiểu sự một mình này và vẫn còn thực với điều đó là ý nghĩa của việc vứt bỏ gắn bó. Không phải là bạn trốn khỏi thế giới, đơn giản tất cả những gắn bó rơi rụng đi, cây cầu rơi rụng đi. Và đây là cái đẹp - rằng khi tất cả mọi gắn bó đều rơi rụng đi, bạn trở nên hiểu biết hơn, và cuộc sống của bạn với người khác trở nên an bình hơn... bởi vì bạn không hi vọng, bạn không hi vọng vào điều không thể được, bạn không mong đợi. Bất kì cái gì xảy ra bạn cũng đều cảm thấy biết ơn và bất kì cái gì không xảy ra bạn đều biết nó không thể xảy ra được. Theo một cách rất sâu sắc bạn trở thành rất chấp nhận. Bạn không buộc thực tại phải tuân theo ham muốn của mình. Bạn bắt đầu học cách buông bỏ, cách là một và hài hoà với bản thân thực tại.
…hiểu cội nguồn của tâm trí mình, thấm vào học thuyết sâu sắc nhất của Phật, và hiểu thấu pháp...
Học thuyết sâu sắc nhất của phật là gì? Thông điệp vĩ đại nhất của Phật là thông điệp về vô ngã, anatta - đó là học thuyết sâu sắc nhất của ông ấy. Điều đó bạn phải hiểu. Thứ nhất ông ấy nói đừng làm nhà ở đây, thế rồi ông ấy nói đừng bị gắn bó, thế rồi ông ấy nói nhìn vào bản thân mình; bạn không có đâu.
Trước hết ông ấy nói thế giới này là ảo tưởng, đừng làm nhà ở đây. Thế rồi ông ấy nói gắn bó cũng chỉ là mơ thôi, vứt mọi gắn bó khỏi tâm trí bạn. Và rồi ông ấy đi tới học thuyết sâu sắc nhất của mình. Học thuyết này là: bây giờ nhìn vào bên trong, bạn không có đâu.
Bạn có thể tồn tại chỉ với nhà, với vật sở hữu, với các mối quan hệ. Cái 'tôi' chẳng là gì ngoài tổ hợp của tất cả những mơ này, một kết quả tích luỹ. Mơ về sở hữu đồ vật, mơ về sở hữu con người - các mối quan hệ, gắn bó, tình yêu, đam mê, mơ về tương lai - tất cả những điều này tích luỹ và trở thành bản ngã. Khi bạn vứt bỏ tất cả những điều này, bỗng nhiên bạn biến mất, và trong sự biến mất của bạn thì luật bắt đầu vận hành theo cách đúng đắn nhất của nó. Đó là điều Phật gọi là pháp, là Đạo, luật tối thượng.
Cho nên có ba tầng của bản ngã. Tầng thứ nhất, thế giới - nhà của bạn, xe của bạn, số dư ngân hàng của bạn. Tầng thứ hai, gắn bó - mối quan hệ của bạn, công việc của bạn, con bạn, vợ, chồng, bạn bè, kẻ thù. Và tầng sâu sắc nhất, bạn. Và tất cả những điều này đều nối với nhau. Nếu bạn thực sự muốn gạt bỏ bản ngã của mình, bạn sẽ phải đi vào theo cách rất khoa học. Đó là điều Phật đang làm.
Thứ nhất, không nhà; thứ hai, không quan hệ; thứ ba, không cái ta. Nếu bạn làm hai điều đầu tiên, những điều mở đầu, thì điều thứ ba tự động xảy ra - bạn nhìn vào bên trong và bạn không có đó. Và khi bạn thấy rằng mình không có đó - không có thực thể nào bên trong, không thực thể bản chất nào, thì bạn không thể gọi bản thân mình là 'tôi' - bạn được tự do. Đây chính là giải thoát theo đường Phật giáo. Đây là niết bàn nghĩa là gì.
Từ niết bàn nghĩa là chấm dứt của cái ta, nảy sinh của vô ngã, cái trống rỗng... kinh nghiệm số không. Không có gì, chỉ cái không hiện hữu.
Thế thì làm sao bạn có thể bị xáo động được? bởi vì bây giờ không có ai bị xáo động cả. Thế thì làm sao bạn có thể chết được? bởi vì bây giờ không có ai để chết cả. Làm sao bạn có thể được sinh ra? bởi vì không có ai để được sinh cả. Sự không có người này cực kì đẹp. Nó cứ mở ra mãi, không gian tiếp không gian, không biên giới.
Đây là khái niệm của Phật về thực tại. Nó rất khó hiểu. Chúng ta có thể hiểu rằng bản ngã có thể bị vứt bỏ - nhưng linh hồn thì sao? Thế rồi chúng ta cứ tiếp tục theo cách tinh vi vẫn còn là người bản ngã. Thế rồi chúng ta gọi nó là linh hồn, là atman. Phật rất nhất quán. Ông ấy nói bất kì ý tưởng nào về bản thân bạn, rằng bạn có thể hiện hữu theo cách nào đó, đều là mang tính bản ngã.
Để tôi cố giải thích điều đó cho bạn qua vật lí hiện đại, bởi vì vật lí hiện đại cũng đã đi tới cùng một điểm. Hỏi nhà khoa học hiện đại xem. Ông ta nói rằng vật chất chỉ có vẻ vậy thôi, nó không có thật. Nếu bạn đi sâu hơn vào trong vật chất, chỉ có cái trống rỗng. Nó không là gì cả ngoài cái trống rỗng. Nếu bạn phân tích vật chất, nếu bạn phân chia nguyên tử, nó biến mất. Tại cốt lõi tối thượng chỉ trống rỗng còn lại... chỉ toàn không gian, không gian thuần khiết.
Cùng phân tích đó Phật đã làm với cái ta. Điều nhà khoa học đã làm với vật chất, Phật đã làm với tâm trí. Và cả hai đều đồng ý rằng nếu phân tích đi đủ sâu, thế thì không chất liệu nào còn lại, mọi chất liệu đều biến mất. Cái không tồn tại còn lại.
Phật không thể tồn tại được ở Ấn Độ. Ấn Độ là nước cổ nhất trên thế giới đã tin vào cái ta, vào atman. Upanishads, Vedas, từ Patanjali cho tới Mahavira, mọi người đều đã tin vào cái ta. Họ tất cả đều chống bản ngã, nhưng họ chưa bao giờ dám nói rằng cái ta cũng chẳng là gì ngoài thủ đoạn của bản ngã. Phật đã dám khẳng định chân lí tối thượng.
Khi ông ấy còn sống, mọi người có thể dung thứ. Sự hiện diện của ông ấy là hiện diện mạnh mẽ thế, sự hiện diện của ông ấy mang tính thuyết phục tới mức họ không thể phủ nhận được, họ không thể nói rằng điều ông ấy đang nói là ngược với tâm trí con người, tuyệt đối ngược với tâm trí con người. Họ có thể đã thảo luận đây đó; đôi khi vài người tới thảo luận với ông ấy - 'Thầy đang nói gì vậy? Thế thì được giải thoát phỏng có ích gì nếu không ai còn lại? Chúng tôi hi vọng vào giải thoát để cho chúng tôi sẽ được giải thoát chứ.'
Nhấn mạnh của Phật là ở chỗ bạn sẽ không bao giờ được giải thoát cả, bởi vì cho tới khi và chừng nào bạn còn chưa chết thì không có giải thoát. Giải thoát là thoát khỏi cái ta, cái ta không được giải thoát. Giải thoát là thoát khỏi bản thân cái ta.
Nhưng sự hiện diện của ông ấy lại rất thuyết phục; bất kì điều gì ông ấy nói cũng đều phải đúng. Sự tồn tại của ông ấy là bằng chứng. Duyên dáng đã xảy ra cho ông ấy, hài hoà đã bao quanh ông ấy, chói sáng đã theo ông ấy mọi nơi ông ấy đi, di chuyển... rực rỡ. Mọi người đều phân vân - bởi vì con người này đang nói rằng không có cái ta, chỉ có cái trống rỗng mênh mông bên trong. Họ không thể phủ nhận được.
Nhưng vào lúc Phật đã qua đời, họ bắt đầu phê bình, tranh cãi; họ bắt đầu phủ nhận. Chỉ năm trăm năm sau khi Phật rời khỏi thân thể, Phật giáo bị nhổ bật rễ khỏi Ấn Độ. Mọi người không thể tin được vào thái độ quyết liệt như vậy. Cái không có đấy, thế giới là ảo tưởng, gắn bó là ngu xuẩn, và trong phân tích cuối cùng bạn cũng lại không có nốt. Thế thì phỏng có ích gì?
Nếu mọi thứ chỉ là mơ và ngay cả cái ta cũng là mơ, thế thì sao chúng ta phải đi vào trong nó? Thì cứ để nó là mơ đi - ít nhất thì cái gì đó cũng còn có đấy. Sao chúng ta lại phải làm nhiều nỗ lực thế, nhiều nỗ lực vất vả thế để đạt tới chỉ cái không thôi à?
Nhưng bạn phải hiểu. Điều Phật gọi là cái không thì là cái không từ phía bạn. Ông ấy nói cái không còn lại - cái không về thế giới của bạn, cái không về quan hệ của bạn, cái không về bạn, nhưng ông ấy không nói rằng cái không còn lại. Ông ấy đang nói rằng cái không còn lại từ phía của bạn, và cái còn lại đó không thể được diễn đạt. Cái còn lại đó không có cách nào để diễn đạt nó cho bạn, không có cách nào để truyền trao nó. Bởi vì theo bất kì cách nào mà nó được trao đổi, nó sẽ bị hiểu lầm.
Nếu Phật nói, 'Vâng, atman, cái ta tồn tại, nhưng cái ta là trạng thái vô ngã,' bạn có thể gật đầu rằng có, chúng tôi hiểu. Nhưng bạn không hiểu, bởi vì chính ý tưởng về cái ta lại mang cái gì đó của bản ngã trong nó: 'Tôi đây'. Dù thuần khiết tới đâu, nhưng cái 'tôi' vẫn còn lại. Ý tưởng của bạn về atman, cái ta, cái siêu ngã, cái Ta với chữ T hoa, không là gì ngoài bản ngã đã được tôn lên.
Chuyện xảy ra:
Mulla Nasruddin và linh mục địa phương bao giờ cũng gây gổ và tranh cãi và cuối cùng họ kết thúc bằng việc lôi nhau ra toà. Sau khi nghe bằng chứng từ cả hai phía, quan toà nói, 'Tôi cảm thấy chắc chắn rằng điều này có thể được giải quyết một cách thân tình. Bắt tay nhau và nói điều gì đó vì thiện chí đi.'
Linh mục bắt tay Nasruddin và nói, 'Tôi ước cho ông điều ông ước cho tôi.'
'Thấy chưa, thưa quan toà,' Mulla nói, 'ông ta lại bắt đầu điều đó rồi.'
Ông ấy có nói gì đâu, ông ấy đơn giản nói, 'Tôi ước cho ông điều ông ước cho tôi.' Nhưng Mulla biết tỏng điều ông ấy ước cho anh ta. Anh ta nói, 'Thấy chưa, thưa quan toà, ông ta lại bắt đầu điều đó rồi.' Bất kì điều gì được nói cho bạn đều sẽ được bạn cho thêm mầu sắc vào.
Phật vẫn còn rất thuần khiết; ông ấy sẽ không cho phép bạn sai lạc đâu. Ông ấy sẽ không cho bạn ngay cả một hướng dẫn. Ông ấy đơn giản phủ nhận toàn bộ, tuyệt đối. Ông ấy nói bất kì cái gì bạn biết cũng đều biến mất - thế giới của bạn, tình yêu của bạn, gắn bó của bạn, mọi thứ của bạn, các mối quan hệ của bạn, bạn. Bạn là trung tâm, thế giới của bạn là ngoại vi của bạn. Chúng tất cả biến mất cùng nhau. Không thể có chuyện bạn có thể được cứu khi thế giới của bạn bị mất. Khi ngoại vi, chu vi bị mất, thì trung tâm cũng mất. Chúng đi cùng nhau. Khi con voi đi, đuôi cũng phải đi cùng nó. Khi toàn thể thế giới của bạn rơi rụng đi, bạn cũng rơi rụng cùng nó chứ; bạn là một phần của nó, một phần hữu cơ của giấc mơ đó.
Nhưng để tôi nhắc bạn - chớ hiểu lầm Phật. Ông ấy rất logic không nói gì về cái còn lại cả. Ông ấy nói, 'Tới và kinh nghiệm nó.' Ông ấy nói, 'Đừng buộc ta phải nói về nó cho ông về mặt ngôn ngữ. Để nó là kinh nghiệm tồn tại.'
Bạn biến mất nhưng theo một cách nào đó lần đầu tiên bạn xuất hiện. Nhưng xuất hiện này là cái gì đó hoàn toàn khác với tất cả mọi kinh nghiệm của bạn tới mức không có cách nào kể lại nó được. Bất kì cái gì được nói ra đều sẽ sai, bởi vì bạn sẽ diễn giải nó theo cách riêng của mình.
Shramana vô gia cư cắt đứt các đam mê, tự giải phóng mình khỏi gắn bó, hiểu cội nguồn của tâm trí mình, thấm vào học thuyết sâu nhất của Phật, và hiểu thấu pháp, cái phi vật chất.
Đến thế này thì Phật cho phép - rằng có pháp, luật tự nhiên, cái phi vật chất. Ông ấy sẽ không nói tâm linh đâu; ông ấy đơn giản nói cái phi vật chất. Pháp này là gì? Luật này là gì?
Sẽ dễ dàng nếu bạn hiểu khái niệm của Lão Tử về Đạo, hay nếu bạn hiểu khái niệm Veda về vaidya. Phải có cái gì đó giống như luật ôm giữ mọi thứ lại với nhau. Mùa vụ thay đổi, sao chuyển dời... toàn thể vũ trụ cứ êm ả như thế; phải có luật nào đó.
Sự khác biệt cần được hiểu. Người Do Thái giáo, người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo, người Hindu giáo, gọi luật đó là 'thượng đế'; họ nhân cách hoá nó. Phật không sẵn sàng làm điều đó. Ông ấy nói nhân cách hoá thành thượng đế là phá huỷ đi toàn thể cái đẹp của nó, bởi vì đó là thái độ coi người là trung tâm, nhân vị. Con người tưởng thượng đế cũng giống người - được khuếch đại lên, hàng triệu lần to hơn về mặt lượng, nhưng dầu vậy, vẫn cứ giống người.
Phật nói thượng đế không phải là người. Đó là lí do tại sao ông ấy không bao giờ dùng từ 'thượng đế'. Ông ấy nói pháp, luật. Thượng đế không phải là người mà chỉ là lực, lực phi vật chất. Bản chất của nó giống nhiều với luật hơn là giống người. Đó là lí do tại sao trong Phật giáo, lời cầu nguyện không tồn tại.
Bạn không thể cầu nguyện với luật được; điều đó sẽ là vu vơ. Bạn không thể cầu nguyện với luật hấp dẫn, được không? Điều đó sẽ là vô nghĩa. Luật không thể nghe lời cầu nguyện của bạn được. Bạn có thể tuân theo luật, và bạn có thể trong hài hoà với luật. Hay, bạn có thể không tuân theo luật và bạn có thể khổ sở. Nhưng không ích gì mà đi cầu nguyện với luật.
Nếu bạn đi ngược lại luật hấp dẫn bạn có thể làm gẫy vài cái xương của mình, bạn có thể bị gẫy xương. Nếu bạn theo luật hấp dẫn, bạn có thể tránh được gẫy xương - nhưng phỏng có ích gì mà cầu nguyện? Ngồi trước một hình tượng và cầu nguyện với Trời - 'Con sắp đi xa, xin hãy giúp con' - điều đó là ngớ ngẩn.
Phật nói vũ trụ vận hành theo luật, không theo người. Thái độ của ông ấy là khoa học. Bởi vì, ông ấy nói, người có thể bất thường. Bạn có thể cầu nguyện thượng đế và bạn có thể thuyết phục ông ấy, nhưng điều đó là nguy hiểm. Ai đó, người không cầu nguyện thượng đế, có thể không thuyết phục được ông ấy và thượng đế có thể trở nên mang định kiến - con người bao giờ cũng có khả năng mang định kiến.
Và đó là điều tất cả các tôn giáo đều nói - rằng nếu bạn cầu nguyện, ông ấy sẽ cứu bạn, nếu bạn cầu nguyện bạn sẽ không bị khổ, nếu bạn không cầu nguyện bạn sẽ bị tống vào địa ngục.
Nghĩ theo những từ ngữ này về thượng đế là rất con người, nhưng rất không khoa học. Điều đó nghĩa là thượng đế thích lời nịnh hót của bạn, lời cầu nguyện của bạn. Cho nên nếu bạn là người cầu nguyện và bạn cứ đều đặn tới nhà thờ, tới đền chùa, và bạn đọc Gita và Kinh Thánh, bạn thuộc lòng Koran, thế thì ngài sẽ giúp bạn; bằng không thì ngài sẽ rất bực tức bởi bạn. Nếu bạn nói, 'Tôi không tin vào thượng đế,' ngài sẽ rất giận bạn.
Phật nói điều này là ngu xuẩn. Thượng đế không phải là người. Bạn không thể gây khó chịu cho ngài và bạn không thể dựa vào ngài, bạn không thể nịnh hót ngài. Bạn không thể thuyết phục ngài theo cách riêng của bạn. Dù bạn tin vào ngài hay không, điều đó chẳng thành vấn đề. Luật tồn tại bên ngoài niềm tin của bạn. Nếu bạn tuân theo nó, bạn hạnh phúc. Nếu bạn không tuân theo nó, bạn trở nên bất hạnh.
Nhìn cái đẹp mộc mạc của khái niệm luật đi. Thế thì toàn thể vấn đề là về kỉ luật, không phải là lời cầu nguyện. Hiểu luật và hài hoài với nó, đừng trong xung đột với nó, có vậy thôi. Không cần đền chùa, không cần nhà thờ, không cần cầu nguyện. Chỉ theo hiểu biết của bạn.
Phật nói rằng bất kì khi nào bạn khổ thì đấy cũng là chỉ báo rằng bạn đã đi ngược lại với luật, bạn đã không vâng theo luật. Bất kì khi nào bạn trong khổ, hiểu một điều thôi; theo dõi, quan sát, phân tích tình huống của mình, chẩn đoán nó - bạn phải đi đâu đó ngược lại luật rồi, bạn phải đang trong xung đột với luật. Phật nói đấy không phải là luật đang trừng phạt bạn đâu; không, điều đó là ngu xuẩn - làm sao luật có thể trừng phạt bạn được? Bạn đang tự trừng phạt mình bởi việc đi ngược lại luật. Nếu bạn đi cùng luật, không phải là luật thưởng cho bạn đâu - làm sao luật có thể thưởng cho bạn được? Nếu bạn đi cùng nó, bạn đang tự thưởng cho mình. Toàn thể trách nhiệm là của bạn - tuân theo hay không tuân theo.
Nếu bạn tuân theo, bạn sống trên cõi trời. Nếu bạn không tuân theo, bạn sống trong địa ngục. Địa ngục là trạng thái của tâm trí riêng của bạn khi bạn đối kháng với luật, và cõi trời cũng là trạng thái của tâm trí riêng của bạn khi bạn trong hài hoà.
Người đó không có định kiến trong lòng.
Phật nói về người hiểu luật,
Người đó không có định kiến trong lòng. Người đó không có gì để khao khát. Người đó không bị ngăn trở bởi ý nghĩ về con đường và người đó không vướng vào nghiệp. Không định kiến, không cưỡng bách, không kỉ luật, không chứng ngộ và không đi lên qua các cấp bậc vậy mà lại có tất cả vinh quang trong nó. Điều này được gọi là đạo.
Đây là phát biểu rất cách mạng. Bạn không thể bắt gặp một phát biểu như vậy ở khẳng định của Krishna, hay khẳng định của Jesus, hay của Mohammed. Điều này mang tính cách mạng vô cùng.
Phật nói con người thực của hiểu biết thậm chí không khao khát về chứng ngộ. Bởi vì ngay cả ham muốn chứng ngộ cũng là ham muốn, và ham muốn là khổ. Dù bạn ham muốn tiền hay bạn ham muốn tỏ ngộ, dù bạn ham muốn người nào đó hay bạn ham muốn chứng ngộ, dù bạn ham muốn danh tiếng, quyền lực, kính trọng, hay bạn ham muốn dhyana, samadhi, thiền, chứng ngộ, thì ham muốn vẫn là một mà thôi; bản chất của ham muốn là một. Ham muốn nghĩa là ham muốn, và ham muốn đem tới khổ. Bạn ham muốn cái gì không liên quan - bạn ham muốn, thế là đủ để làm cho bạn khổ.
Ham muốn nghĩa là bạn đã đi xa khỏi thực tại, bạn đã đi xa khỏi cái đang hiện hữu.
Ham muốn nghĩa là bạn đã rơi vào trong cái bẫy của mơ.
Ham muốn nghĩa là bạn không ở đây bây giờ, bạn đã đi đâu đó trong tương lai.
Vô ham muốn là chứng ngộ, cho nên làm sao bạn có thể ham muốn chứng ngộ được? Nếu bạn ham muốn chứng ngộ thì chính ham muốn của bạn ngăn cản việc xảy ra của nó. Bạn không thể ham muốn chứng ngộ được. Bạn chỉ có thể hiểu bản chất của ham muốn, và trong ánh sáng của hiểu biết, ham muốn biến mất - như bạn đem chiếc đèn vào trong phòng tối, bóng tối biến mất.
Ham muốn là bóng tối. Khi bạn thắp sáng ngọn nến của hiểu biết, ham muốn biến mất. Và khi không có ham muốn, thì có chứng ngộ. Đó chính là chứng ngộ là gì.
Cố hiểu điều này; đây là một trong những điều bạn sẽ cần tới rất nhiều. Rất dễ dàng thay đổi đối tượng ham muốn của bạn từ các thứ trần tục sang các thứ của thế giới khác.
Tôi đã ở trong một thị trấn. Một tối tôi đi dạo. Ngay khi tôi tới gần khu vườn thì một người đàn bà tới tôi và đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ. Trên cuốn sách nhỏ đó có một khu vườn đẹp in trên trang bìa và một toà nhà đẹp bên cạnh một dòng suối. Cây vươn cao và xa trong các đỉnh núi phủ tuyết làm nền. Tôi nhìn vào bên trong. Bên trong, tôi ngạc nhiên thấy nó là tờ rơi của cộng đồng Ki tô giáo nào đó. Trong tờ rơi đó nói, 'Nếu bạn muốn có ngôi nhà đẹp trong khu vườn của thượng đế, hãy theo Jesus. Nếu trong thế giới bên kia bạn muốn ngôi nhà đẹp như vậy, hãy theo Jesus.'
Bây giờ kiểu thái độ này dường như rất trần tục, nhưng điều này đã là như vậy rồi. Ngoại trừ thái độ của Phật, tất cả các tôn giáo khác đều theo cách này cách khác đều không đòi hỏi bạn vứt bỏ ham muốn, mà đòi hỏi bạn thay đổi đối tượng của ham muốn. Đó là khác biệt. Họ nói, 'Đừng ham muốn những thứ trần tục, ham muốn những thứ thiên đường. Đừng ham muốn tiền bạc, ham muốn thượng đế.'
Bây giờ bạn có thể thấy khác biệt, thay đổi cách mạng. Phật nói đơn giản đừng ham muốn nữa. Bạn ham muốn cái gì không thành vấn đề. Nếu bạn ham muốn, bạn sẽ vẫn còn trong khổ. Đừng ham muốn, có vậy thôi. Vô ham muốn, có vậy thôi. Và khi bạn vô ham muốn thì bạn bình thản và tĩnh lặng và thanh thảnh. Khi bạn vô ham muốn, bản ngã biến mất, khi bạn vô ham muốn, khổ biến mất, và khi bạn vô ham muốn, bạn rơi vào hài hoà với luật.
Ham muốn của bạn bao giờ cũng xung đột với luật. Ham muốn của bạn đơn giản nói rằng bạn không được thoả mãn với cái được trao cho bạn. Bạn đòi hỏi nhiều hơn hay bạn đang đòi hỏi cái gì đó khác. Người vô ham muốn đơn giản nói, 'Bất kì cái gì có đó, thì đang có đó rồi. Bất kì cái gì đang xảy ra thì đang xảy ra rồi. Tôi chấp nhận nó và tôi đi cùng với nó. Tôi không có tâm trí nào khác. Nếu đây là điều đang xảy ra, tôi đơn giản sẽ vui sướng trong nó. Tôi sẽ tận hưởng nó. Tôi sẽ sống cùng nó.'
Đây là điều tôi gọi là buông xuôi đấy. Buông xuôi nghĩa là vô ham muốn.
Người đó không bị ngăn trở bởi ý nghĩ về con đường.
Nếu bạn ham muốn thượng đế, thiên đường... thực tế chính từ 'thiên đường' nghĩa là một khu vườn có tường bao... nếu bạn ham muốn cung điện đẹp nào đó trong thế giới khác, thế thì thậm chí đạo, con đường, tôn giáo, Kinh Thánh, Koran, Gita, chúng sẽ ngăn trở bạn, chúng sẽ đè nặng bạn - bởi vì tâm trí ham muốn bao giờ cũng bị xáo động, bao giờ cũng vẩn vơ, bao giờ cũng nghĩ liệu điều đó sẽ xảy ra hay không, bao giờ cũng hoài nghi liệu điều đó đã từng xảy ra cho bất kì ai chưa.
'Mình ngu mà đi ham muốn nó sao? Nó có thực tồn tại không? Nó có tồn tại không, thế giới bên kia ấy? thượng đế ấy? hạnh phúc? thiên đường? hay nó chỉ là huyền thoại, là câu chuyện cho trẻ con, cho những người cần đồ chơi?' Và thế rồi ngay cả con đường cũng trở thành căng thẳng, bởi vì người đó dùng mọi thứ làm phương tiện để đạt tới mục đích nào đó.
Phật nói con người của hiểu biết thậm chí không bị ngăn trở bởi ý nghĩ về con đường, bởi vì người đó không đi đâu cả, cho nên chẳng có vấn đề gì về con đường nào. Người đó đơn giản ở đây. Khi bạn đi đâu đó bạn cần con đường. Khi bạn hiểu, bạn đơn giản tận hưởng việc ở đây. Khoảnh khắc này là đủ. Không có chỗ nào mà đi, cho nên con đường, đường đi ngụ ý gì? Không có mục đích, không có đích, không đâu mà đi cả.
Đó cũng là nhấn mạnh của tôi. Không có đâu mà đi cả. Chỉ ở đây thôi. Chỉ ở đây toàn bộ nhất có thể được. Đừng cho phép tâm trí bạn đi đâu cả. Và trong khoảnh khắc đó khi bạn không đi đâu cả, mọi thứ rơi vào trong im lặng. Kinh nghiệm nó đi. Bạn có thể kinh nghiệm nó ngay bây giờ, khi đang nghe tôi - nếu bạn không đi đâu cả.
Bạn có thể lắng nghe tôi theo hai cách. Một cách là của tâm trí, của ham muốn. Bạn có thể nghe tôi để tìm ra manh mối nào đó để cho bạn có thể trở nên chứng ngộ; để tìm ra manh mối nào đó để cho bạn có thể đi vào lâu đài của thượng đế; để tìm ra chìa khoá nào đó. Thế thì bạn sẽ không thoải mái, bất ổn.
Và bạn có thể nghe tôi mà không có ý tưởng nào về đi đâu cả. Bạn có thể đơn giản nghe tôi, bạn có thể chỉ ở đây cùng tôi. Trong cái im lặng đó khi bạn chỉ ở đây thôi, vui sướng cùng tôi, nghe tôi như người ta nghe thác đổ, như người ta nghe chim chóc líu lo trên cây, như người ta nghe gió thổi qua rặng thông - chỉ nghe mà chẳng có nguyên nhân nào - thế thì trong khoảnh khắc đó bạn đang trong hài hoà với Đạo, bạn đang trong hài hoà với pháp, bạn đang trong hài hoà với vũ trụ.
Vũ trụ đang đi đâu đó; bạn rơi vào hài hoà với nó, bạn đi cùng dòng sông. Thế thì bạn không xô đẩy dòng sông. Thế thì bạn không có mục đích nào khác hơn mục đích của cái toàn thể.
...người đó không vướng vào nghiệp.
Người đã hiểu thì chẳng có gì để làm cả, người đó chỉ phải hiện hữu. Bản thể của người đó là tất cả hành động của người đó. Hành động của người đó là niềm vui sướng của người đó, người đó tận hưởng nó. Hỏi hoạ sĩ xem. Nếu hoạ sĩ là hoạ sĩ thực thụ, thế thì người đó tận hưởng việc vẽ, không phải là có kết quả nào cho điều đó đâu. Có thể không có, có thể có; điều đó không liên quan.
Ai đó hỏi Van Gogh, 'Bức tranh đẹp nhất của ông là gì?' Ông ấy đang vẽ cái gì đó. Ông ấy nói, 'Cái này đây - cái mà tôi đang vẽ ngay bây giờ.' Mọi người đều lo âu sao Van Gogh lại cứ vẽ mãi bởi vì tranh của ông ấy không bán được. Không một bức tranh nào được bán khi ông ấy còn sống. Và ông ấy chết, bỏ đói bản thân mình, bởi vì ông ấy chỉ có đủ tiền để sống. Mỗi tuần anh ông ấy lại cho ông ấy một số tiền nào đó, đủ để tồn tại. Cho nên mọi tuần trong ba ngày ông ấy ăn, và trong bốn ngày ông ấy sẽ nhịn để tiết kiệm tiền mua mầu, bút vẽ, vải vẽ - và tranh thì chẳng bán được cái nào. Mọi người cho rằng ông ấy điên, nhưng ông ấy cực kì hạnh phúc... đói và hạnh phúc. Hạnh phúc của ông ấy là gì? Chính hành động vẽ đấy.
Nhớ lấy, hành động trở thành nghiệp, tù túng, nếu bạn có mục đích nào đó, nếu bạn đang đi đâu đó qua nó. Nếu hành động của bạn chỉ là niềm vui sướng của mình - giống như trẻ con chơi, làm lâu đài cát, tận hưởng, không mục đích cho hoạt động của chúng, chỉ chơi đùa, chơi bản chất trong chính hoạt động này - thế thì không có nghiệp, thế thì không có tù túng. Thế thì từng hành động đều đem tới ngày một nhiều tự do hơn.
...Không định kiến, không cưỡng bách, không kỉ luật.
Con người của hiểu biết không cần áp kỉ luật lên mình. Hiểu biết của người đó là kỉ luật của người đó. Bạn cần kỉ luật bởi vì hiểu biết của bạn là không đủ.
Mọi người tới tôi... mới đêm hôm nọ ai đó đã ở đó. Anh ta đã viết một bức thư cho tôi rằng anh ta biết cái đúng nhưng anh ta cứ làm cái sai. Anh ta biết cái sai, dầu vậy anh ta vẫn cứ làm nó. 'Vậy làm sao thay đổi điều đó, thưa Osho?' anh ta viết. Bây giờ nếu bạn thực sự biết cái gì là đúng, làm sao bạn có thể làm sai được? Ở đâu đó tri thức của bạn phải được vay mượn, nó không thể là của bạn. Nếu bạn thực sự biết cái gì là sai, làm sao bạn có thể làm nó được? Điều đó là không thể được. Nếu bạn làm, điều đó đơn giản chỉ ra bạn không biết.
Socrates hay nói, 'Tri thức là đức hạnh.' Nếu bạn biết cái gì đó, điều đó bắt đầu xảy ra. Nhưng tri thức phải là thực, và với thực tôi ngụ ý nó phải là của bạn, nó phải tới qua cuộc sống riêng của bạn, nó phải là hương thơm của kinh nghiệm riêng của bạn. Nó phải không được vay mượn, nó phải không hàn lâm, nó phải không mang tính kinh sách, nó phải không chỉ là thông tin. Nó phải là kinh nghiệm riêng của bạn, được sống đích thực. Thế thì bạn không thể đi ngược lại nó được, không có cách nào.
Làm sao bạn có thể đi qua bức tường mà vẫn biết rằng nó là bức tường? Bạn đi qua cửa. Bạn chưa bao giờ tới tôi và nói, 'Tôi biết, thưa Osho, chỗ có cửa, nhưng dầu vậy trước hết tôi vẫn cố đi qua tường. Nó bao giờ cũng cộc đầu tôi. Phải làm gì bây giờ?' Nếu bạn biết chỗ cửa thì bạn đi qua nó. Nếu bạn nói bạn biết và dầu vậy bạn vẫn cố đi qua tường, điều đó đơn giản chỉ ra bạn không biết. Bạn có thể đã nghe, ai đó khác có thể đã bảo bạn, nhưng bạn không tin cậy. Hành động của bạn chỉ ra điều bạn biết. Hành động của bạn là bằng chứng duy nhất về tri thức của bạn, không gì khác.
Phật nói không cần kỉ luật nào cả nếu hiểu biết có đó. Hiểu biết đem tới kỉ luật riêng của nó - thực chất, bên trong.
Có hai loại kỉ luật, cũng như có hai loại tri thức. Nếu tri thức tới từ bên ngoài, thế thì bạn phải áp đặt kỉ luật lên bản thân mình. Nếu tri thức trào ra, phun ra từ bên trong, thế thì không cần áp đặt kỉ luật nào. Kỉ luật tới như cái bóng của nó; kỉ luật đi theo.
...Không định kiến, không cưỡng bách, không kỉ luật, không chứng ngộ và không đi lên qua các cấp bậc.
Và Phật nói không có cấp bậc. Mọi người có đó những người tới và nói với tôi, 'Tôi đã tiến bộ những vẫn chưa đạt tới.' Họ muốn có sự xác nhận nào đó từ tôi nữa, để tôi có thể cho họ chỉ dẫn họ đã tiến bộ được bao xa, họ đang ở cấp bậc nào.
Phật nói thực tế không có phân cấp bậc. Chỉ có hai kiểu người - người đã chứng ngộ và chưa chứng ngộ. Không có gì ở giữa. Không phải là vài người có đó những người ở lưng chừng. Hoặc bạn sống hoặc bạn chết, không có gì ở giữa. Hoặc bạn biết hoặc bạn không biết; không có gì ở giữa. Cấp bậc không tồn tại.
Tất cả các cấp bậc đều là thủ đoạn của bản ngã. Bản ngã nói, 'Vâng, tôi còn chưa chứng ngộ, nhưng tôi đã tiến bộ xa rồi. Đến chín mươi chín độ rồi. Thêm một độ nữa và tôi sẽ được chứng ngộ. Tôi đâu có ở xa đằng sau - ở xa đằng trước chứ.' Vứt mọi thứ vô nghĩa đó đi. Nếu bạn không chứng ngộ, bạn đơn giản không chứng ngộ.
Tất cả những người chưa chứng ngộ đều như nhau và tất cả những người chứng ngộ cũng như nhau. Sự khác biệt cũng giống như bạn đang ngủ và ai đó ngồi bên cạnh bạn hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết. Đây là khác biệt duy nhất. Nếu bạn thức tỉnh, thì bạn thức tỉnh. Bạn không thể nói, 'Tôi đang ở giữa.' Không có trạng thái như thế. Nếu bạn ngủ, thì bạn ngủ; nếu bạn thức, thì bạn thức.
Và khác biệt là nhỏ vậy mà lại vô cùng. Một người tỉnh táo đầy đủ ngồi đó thức tỉnh còn một người ngáy ngay bên cạnh - cả hai đều cùng là con người, cùng tâm thức, nhưng một người đang trong bóng tối sâu sắc, bị mất hút, quên mất bản thân mình; người kia chói sáng, sống động, đạt tới ngọn lửa bên trong riêng của mình.
Nếu cái gì đó xảy ra thế thì cả hai sẽ phản ứng theo những cách khác nhau. Người tỉnh táo nhất định phản ứng theo cách khác. Phản ứng của người đó sẽ là đáp ứng; người đó sẽ đáp ứng, vẫn biết rõ điều mình làm. Nếu người ngủ phản ứng, phản ứng của người đó sẽ là phản ứng máy móc, không biết mình đang làm gì.
Phật nói:
... không kỉ luật, không chứng ngộ và không đi lên qua các cấp bậc vậy mà lại có tất cả vinh quang trong nó. Điều này được gọi là đạo.
Phật nói nếu bạn buông xuôi bản ngã, nếu bạn buông xuôi bản thân mình, bạn đi vào hài hoà với luật và mọi thứ bắt đầu xảy ra theo cách riêng của nó. Bạn chỉ phải buông xuôi. Nếu bạn sẵn sàng để biến mất, bạn sẽ tràn đầy luật và luật sẽ chăm nom.
Bạn đã quan sát điều đó chưa? Nếu bạn tin cậy vào dòng sông, bạn có thể nổi. Khoảnh khắc bạn mất tin cậy bạn bắt đầu chìm. Nếu bạn tin cậy, dòng sông nâng bạn trong tay nó. Nếu bạn trở nên sợ hãi bạn bắt đầu chìm. Đó là lí do xác người chết bắt đầu nổi lên mặt sông, bởi vì xác chết không thể hoài nghi được. Xác chết không thể sợ hãi được.
Còn sống, cùng người đó đã đi vào trong dòng sông và chìm. Khi chết rồi, họ trồi lên, họ bắt đầu nổi lên mặt nước. Bây giờ rất khó để dòng sông làm chìm họ - không dòng sông nào có khả năng làm được cho tới giờ. Không dòng sông nào có thể nhấn chìm được xác chết. Còn sống, điều gì xảy ra? Điều gì xảy ra? Người chết phải biết bí mật nào đó. Bí mật đó là, người đó không thể hoài nghi được.
Bạn phải đã nghe câu chuyện ngụ ngôn hay trong cuộc đời của Jesus - rằng đệ tử của ông ấy đang đi qua chiếc hồ vùng Galilee và ông ấy bị tụt lại sau và ông ấy nói, 'Ta sẽ tới ngay đây. Ta còn phải nói lời cầu nguyện đã.' Và thế rồi các đệ tử rất phân vân - ông ấy đang tới bằng việc đi trên hồ. Họ sợ hãi, hoảng hồn, kinh khiếp. Họ nghĩ điều này phải là do lực quỉ nào đó. Làm sao ông ấy có thể bước đi được?
Và thế rồi một đệ tử nói, 'Thưa thầy, có thực là thầy đấy không?' Jesus nói, 'Đúng.' Thế rồi đệ tử nói, 'Thế nếu thầy có thể bước đi được, sao tôi lại không thể đi được, một đệ tử của thầy?' Jesus nói, 'Ông cũng có thể bước đi được - lại đây!' Và đệ tử này tới và anh ta bước đi vài bước, và anh ta ngạc nhiên rằng mình đang bước đi - nhưng thế rồi hoài nghi nảy sinh. Anh ta nói, 'Cái gì xảy ra thế nhỉ? Điều này không thể nào tin được.'
Khoảnh khắc anh ta nghĩ, 'Điều này không thể nào tin được. Mình đang trong mơ, hay thủ đoạn nào của quỉ, hay cái gì đang xảy ra vậy?' anh ta bắt đầu chìm. Và Jesus nói, 'Ông, ông ít tin thế! Sao ông lại hoài nghi? Và ông đã bước đi vài bước rồi và ông biết rằng điều đó đã xảy ra; thế nữa mà ông vẫn hoài nghi điều đó sao?'
Việc câu chuyện này có xảy ra theo cách này hay không, không phải là vấn đề. Nhưng tôi cũng biết; bạn có thể thử. Nếu bạn tin cậy vào dòng sông; chỉ thảnh thơi trong dòng sông và bạn sẽ nổi. Thế rồi hoài nghi sẽ nổi lên, cùng hoài nghi đã xảy ra cho đệ tử của Jesus: 'Cái gì xảy ra thế nhỉ? làm sao mà nó có thể được? Mình không bị chìm' - và lập tức bạn sẽ bắt đầu chìm.
Khác biệt giữa người biết bơi và người không biết bơi là không nhiều. Người biết bơi đã học được cách tin cậy; người không biết bơi còn chưa học được cách tin cậy. Cả hai là một. Khi người không biết bơi ngã xuống sông, hoài nghi nảy sinh. Người đó bắt đầu cảm thấy sợ - dòng sông đang nhấn chìm người đó. Và tất nhiên thế thì dòng sông làm chìm người đó. Nhưng người đó đang tự nhấn chìm mình vào trong hoài nghi riêng của mình. Dòng sông không làm gì cả. Người biết bơi biết dòng sông, cách thức của dòng sông, và người đó đã sống cùng dòng sông nhiều lần và người đó tin cậy; người đó đơn giản nổi, người đó không sợ.
Cuộc sống đích xác là như vậy.
Phật nói:
và vậy mà lại có tất cả vinh quang trong nó. Điều này được gọi là đạo.
Con người của hiểu biết ở trong buông bỏ toàn bộ. Người đó cho phép luật vận hành. Nếu bạn muốn dùng ngôn ngữ tôn giáo cổ, ngôn ngữ phi Phật giáo, bạn có thể gọi nó là buông xuôi cho thượng đế. Thế thì người thành tâm nói, 'Bây giờ con không còn nữa, chỉ có ngài thôi. Con chỉ là chiếc sáo trên môi ngài, cây trúc hổng. Ngài hát; bài hát sẽ là của ngài, con sẽ chỉ là bước chuyển.' Đây là ngôn ngữ tôn giáo cổ.
Phật không vui lắm với ngôn ngữ cổ. Phật không vui lắm với ngôn ngữ thơ ca. Phật thích ngôn ngữ khoa học hơn. Ông ấy nói theo cùng cách như Albert Einstein, hay Newton, hay Edison. Ông ấy nói về luật. Bây giờ điều đó là tuỳ bạn quyết định. Khác biệt chỉ ở ngôn ngữ, nhưng điều cơ bản là buông bỏ, buông xuôi toàn bộ.
Phật nói:
Những người cạo đầu và mặt trở thành shramana và người nhận chỉ dẫn trong đạo phải buông bỏ tất cả những sở hữu trần gian và hài lòng với bất kì cái gì họ có được bằng việc ăn xin.
Một bữa một ngày và một chỗ trú ngụ dưới gốc cây và không cái gì được lặp lại, vì điều làm cho người ta ngu xuẩn và phi lí là gắn bó và đam mê.
Những người cạo đầu và mặt trở thành shramana...
Như tôi nhấn mạnh vào áo choàng da cam, vòng đeo quanh cổ bạn, Phật nhấn mạnh cho các sannyasins của ông ấy phải cạo đầu, cạo mặt. Đây chỉ là những điệu bộ, đừng hiểu từng chữ một. Chúng chỉ là điệu bộ thôi, là chỉ dẫn rằng bạn đã sẵn sàng buông xuôi. Chúng không có nghĩa gì hết cả. Nghĩa duy nhất là ở chỗ bạn sẵn sàng đi cùng Phật.
Khi bạn nhận tính chất sannyas, khi bạn được điểm đạo vào tính chất sannyas, bạn đơn giản nói có với tôi. Bạn đang nói, 'Vâng, Osho, tôi đang tới với thầy. Cho dù thầy nói làm điều gì đó điên khùng, tôi cũng sẵn sàng làm điều đó.'
Bây giờ đây là cái gì đó điên khùng - mặc áo choàng da cam. Vấn đề của nó là gì? Nhưng đây chính là điệu bộ rằng bạn thậm chí đã sẵn sàng trở thành trò hề; cho dù mọi người nghĩ điều đó là kì quái, bạn vẫn sẵn sàng làm. Bạn sẵn sàng kì quái, nhưng bạn được chuẩn bị để đi cùng tôi, với bất kì giá nào. Nó chỉ là một cử chỉ tỏ ra buông xuôi.
Phật hay nói rằng một shramana nên sống trong bất an. Đó là lí do tại sao ông ấy lại nói trở thành kẻ ăn xin. Lần nữa, đừng hiểu nguyên si từng từ. Cố hiểu tinh thần của nó. Ông ấy nói bạn không thể sở hữu cái gì cả, không thể sở hữu một cái gì cả. Cuộc sống là bất an và không có cách nào để trở nên an ninh. Cái chết đang tới và sẽ phá huỷ tất cả mọi an ninh của bạn. Cho nên đừng bị bận tâm. Cho dù bạn là kẻ ăn xin, cứ hạnh phúc, cứ là kẻ ăn xin hạnh phúc đi. Không có gì để mà lo lắng quá nhiều về an ninh của bạn. Hiểu cái bất an của cuộc sống, chấp nhận nó - trong chính chấp nhận đó bạn trở nên an ninh.
Và Phật hay nói:...
Một bữa một ngày và một chỗ trú ngụ dưới gốc cây và không cái gì được lặp lại.
Bởi vì Phật nói rằng nếu bạn lặp lại điều gì đó, nó trở thành thói quen, thành thói quen máy móc. Và khi bạn trở thành máy móc thì bạn mất nhận biết. Cho nên đừng lặp lại. Cứ thay đổi tình huống, để cho trong mọi tình huống bạn đều phải tỉnh táo. Cứ thay đổi thị trấn. Đừng xin từ một cửa nhà nào lặp đi lặp lại và đừng ngủ dưới cùng gốc cây lặp đi lặp lại. Đây chỉ là phương tiện để cho bạn phải vẫn còn tỉnh táo.
Bạn đã quan sát điều đó chưa? Nếu bạn dọn vào nhà mới, trong vài ngày bạn cảm thấy rất không thoải mái. Dần dần bạn trở nên quen với ngôi nhà mới và thế rồi bạn trở nên như ở nhà. Phải mất chút thời gian: chừng từ ba ngày tới ba tuần thì người ta mới trở nên như ở nhà trong ngôi nhà mới. Thế rồi ngôi nhà đã trở thành thói quen. Phật nói trước khi điều đó xảy ra, chuyển đi. Thậm chí đừng ngủ dưới một gốc cây hai lần, bằng không có khuynh hướng trong tâm trí để đòi hỏi.
Người ăn xin cũng đòi hỏi. Người ăn xin ngồi dưới gốc cây và xin. Thế rồi người đó sẽ không cho phép người ăn xin nào khác được ngồi đó. Người đó sẽ nói, 'Đi chỗ khác đi. Đây là cây của tôi!' Người ăn xin có lãnh thổ của họ đấy. Một người ăn xin tới ăn xin ở vùng lân cận; người đó sẽ không cho phép người ăn xin khác được tới đấy đâu, người đó sẽ đánh đấy - lãnh thổ này là của người đó. Bạn có thể không biết, nhưng bạn thuộc vào lãnh thổ của người đó. Người đó sẽ không cho phép người ăn xin khác được vào đây.
Phật nói đừng cho phép tâm trí trở nên lười biếng, đừng cho phép tâm trí trở thành máy móc. Vẫn còn tỉnh táo, chuyển động. Đừng trở nên tù đọng, cứ chuyển động. Bởi vì người ta trở nên ngu xuẩn và bất hợp lí nếu gắn bó và đam mê là được phép. Nếu bạn trở nên bị gắn bó, bạn trở nên ngu xuẩn, bạn mất thông minh.
Bạn càng an toàn, bạn càng trở nên ngu xuẩn. Đó là lí do tại sao hiếm khi xảy ra chuyện người thông minh lại xuất thân từ gia đình giầu có... rất hãn hữu. Bởi vì họ an toàn thế, họ không có thách thức nào trong cuộc sống, họ có tất cả những thứ họ cần - sao phải bận tâm? Bạn không thể tìm thấy người giầu rất sắc sảo. Họ gần như bao giờ cũng có chút ít đờ đẫn - một loại ngẩn ngơ, lê lết. Lê lết một cách thoải mái, lê lết một cách thuận tiện, kéo lê trong những chiếc Rolls Royces - nhưng mà kéo lê, đờ đẫn. Cuộc sống dường như không có thách thức nào bởi vì không có bất an.
Phật dùng điều đó như một phương cách: trở nên bất an để cho bạn trở nên sắc bén đi. Người ăn xin phải rất sắc bén và thông minh - người đó không có gì cả. Người đó phải sống khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Đó là lí do tại sao Phật cứ nhấn mạnh cho các sannyasin của mình phải trở thành người ăn xin. Ông ấy gọi họ là khất sĩ. Khất sĩ nghĩa là người ăn xin. Đấy chỉ là hoán vị. Ở Ấn Độ sannyasin bao giờ cũng được biết tới là swami - swami nghĩa là thầy. Đích xác, từ 'swami' nghĩa là 'chúa tể'. Phật đã đổi toàn bộ vấn đề. Ông ấy đã gọi các sannyasin của mình là khất sĩ, người ăn xin. Nhưng ông ấy đã mang một chiều hướng mới, một ý nghĩa mới, một thách thức mới vào.
Ông ấy nói sống từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Không có gì, bạn sẽ không bao giờ được an ninh cả - và bạn sẽ không bao giờ ngu xuẩn. Bạn có quan sát không? Khi bạn có tiền, bạn trở thành lờ phờ. Khi bạn không có tiền bạn trở nên tỉnh táo. Nếu bỗng nhiên tất cả đều mất, bạn sẽ trở nên rất tỉnh táo. Nếu bạn phải giữ cho bản thân mình sống bằng việc xin ăn, bạn không thể chắc chắn được về ngày mai. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra, liệu bạn có khả năng được cái gì đó hay không, liệu bạn có khả năng tìm được ai đó cho bạn cái gì đó hay không; bạn không biết. Ngày mai là không chắc chắn... đầy bất trắc. Trong không chắc chắn, trong bất an, thông minh của bạn trở thành ngày một sắc bén hơn. Bạn trở thành lỗi lạc hơn.
Phật nói:
Có mười điều được mọi người coi là thiện, và mười điều là ác.
Chúng là gì?
Ba trong số đó thuộc vào thân, bốn điều thuộc vào khẩu, và ba điều thuộc vào ý.
Ba điều hại thuộc vào thân là: giết người, trộm cướp và tà dâm.
Bốn điều thuộc vào khẩu là: phỉ báng, nguyền rủa, dối trá và nịnh bợ. Ba điều thuộc vào ý là: ghen tị, giận dữ và si mê. Tất cả những điều này đều chống lại đạo thiêng liêng, và do đó chúng là ác.
Nhìn vào khác biệt đi. Phật nói chúng chống lại đạo thiêng liêng. Nếu bạn làm mười điều này bạn sẽ khổ, bạn sẽ liên tục trong đau đớn, lo âu, phiền não. Khó có người bạo hành mà lại không khổ. Nếu bạn giết ai đó bạn sẽ còn trong khổ. Trước khi bạn giết bạn sẽ trong khổ, khi bạn giết bạn sẽ trong khổ, và sau khi bạn đã giết bạn sẽ trong khổ. Huỷ diệt không thể đem lại hạnh phúc được; huỷ diệt là ngược lại với luật sáng tạo.
Luật sáng tạo là mang tính sáng tạo. Cho nên Phật nói nếu bạn mang tính huỷ diệt thì bạn sẽ khổ. Nếu bạn ghen tị, si mê, cạnh tranh, tham vọng, ghen tuông, sở hữu thì bạn sẽ trong khổ. Tiêu chí duy nhất để biết cái gì sai là: bất kì cái gì làm cho bạn khổ.
Bây giờ điều này là thái độ rất khác. Không phải thượng đế nói, 'Đừng làm điều này'; không phải là có mười lời răn.... Phật cũng nói có mười điều cần tránh, nhưng không phải là có bạo chúa, ai đó độc tài, ai đó như Adolf Hitler hay Joseph Stalin ngồi đó trên ngai vàng và ra lệnh, 'Làm cái này và không làm cái kia.' Không có ai cả. Chính bạn quyết định.
Phật cho bạn một tiêu chí: bất kì cái gì đem tới khổ đều sai. Ông ấy không nói nó là tội lỗi. Tìm ra sự nhấn mạnh đi. Ông ấy nói nó đơn giản sai - cũng như hai cộng với hai không phải là năm. Nếu bạn cộng hai với hai thành năm, không ai sẽ nói rằng bạn đã phạm phải tội lỗi. Nó đơn giản là sai, sai lầm.
Theo thuật ngữ Phật giáo không có gì giống như tội lỗi cả; chỉ có sai lầm, lầm lỗi. Không có kết án. Bạn có thể sửa lỗi, bạn có thể sửa sai lầm. Nó là đơn giản. Bạn có thể để hai cộng với hai thành bốn, khoảnh khắc bạn hiểu ra.
Tất cả những điều này đều chống lại đạo thiêng liêng, và do đó chúng là ác.
Không có lí do khác cho chúng là ác: đơn giản bởi vì chúng tạo ra khổ cho bạn. Thực tế, bạn tạo ra nó bằng việc theo nó. Nếu bạn không muốn bị khổ, thế thì tránh những điều này.
Khi những điều hại này không được thực hiện, có mười hành vi thiện.
Và điều này là rất có ý nghĩa. Lắng nghe câu này lần nữa:
Khi những điều hại này không được thực hiện, có mười hành vi thiện.
Phật không nói về hành vi thiện. Ông ấy nói nếu bạn không làm mười điều này, bạn sẽ trong hài hoà với cái toàn thể, với luật, và bất kì cái gì sẽ xảy ra thì cũng đều thiện.
Thiện không phải là điều người ta cần làm. Thiện là khi bạn không là người làm; khi bạn đang trong buông bỏ với cái toàn thể, đi cùng luật, cùng dòng sông, thế thì thiện xảy ra. Thiện không phải là hành động. Bây giờ không có tội, chỉ có lỗi. Và không có đức hạnh, không yếu đuối, chỉ hành vi tốt xảy ra khi bạn đã buông xuôi bản thân mình.
Cho nên Phật nói tránh hành vi xấu, những điều hại. Ông ấy không nói thực hành điều thiện, ông ấy đơn giản nói tránh cái sai và bạn sẽ đi tới hài hoà với cái toàn thể, bạn sẽ trở thành hài hoà với luật, và thế rồi bất kì cái gì xảy ra cũng đều tốt.
Thiện giống như mạnh khoẻ. Không ốm, thế thì bạn mạnh khoẻ. Tránh ốm yếu, có vậy thôi, và bạn sẽ mạnh khoẻ. Nếu bạn đi tới bác sĩ và bạn hỏi ông ấy định nghĩa về mạnh khoẻ là gì, ông ấy sẽ không thể nào định nghĩa nổi nó. Ông ấy sẽ nói, 'Tôi không biết. Tôi chỉ có thể chẩn đoán bệnh tật của ông. Tôi có thể cho thuốc chữa bệnh. Khi bệnh đã biến mất thì ông sẽ mạnh khoẻ và thế thì ông có thể biết mạnh khoẻ là gì.'
Cùng điều đó cũng là thái độ của Phật. Phật hay tự gọi mình là thầy chữa, một vaidya, lương y. Ông ấy hay nói về bản thân mình, 'Ta chỉ là thầy chữa, lương y. Các ông tới ta, ta chẩn đoán bệnh cho các ông, ta kê thuốc. Khi bệnh biến mất, bất kì cái gì còn lại, cái đó là hiện diện của mạnh khoẻ.'
Khi những điều hại này không được thực hiện, có mười hành vi thiện.
Cho nên ông ấy không cho bạn kỉ luật tích cực để mà theo, chỉ là một hiểu biết phủ định. Cố hiểu đi, để cho lỗi này không bị phạm phải, để cho bạn trở nên hài hoà với cái toàn thể.
Hài hoà là hạnh phúc, và hài hoà là cõi trời. Và hài hoà xảy ra chỉ khi bạn trong hoà hợp với cái toàn thể. Hiện hữu cùng cái toàn thể là hiện hữu linh thiêng.
Xem Chương 4 – Quay về Mục lục Tập 1