Chương 2. Chúng ta trong cái đó!


Trong khoang tim, nằm bên trong thân thể, những kiếp sống vĩnh hằng không sinh.
Đất là thân thể của nó, nó cư ngụ trong đất nhưng đất không biết về nó.
Nước là thân thể của nó, nó cư ngụ trong nước nhưng nước không biết về nó.
Ánh sáng là thân thể của nó, nó cư ngụ trong ánh sáng nhưng ánh sáng không biết về nó.
Không khí là thân thể của nó, nó cư ngụ trong không khí nhưng không khí không biết về nó.
Bầu trời là thân thể của nó, nó cư ngụ trong bầu trời nhưng bầu trời không biết về nó.
Tâm trí là thân thể của nó, nó cư ngụ trong tâm trí nhưng tâm trí không biết về nó.
Trí năng là thân thể của nó, nó cư ngụ trong trí năng nhưng trí năng không biết về nó.
Bản ngã là thân thể của nó, nó cư ngụ trong bản ngã nhưng bản ngã không biết về nó.
Tâm trí lí trí là thân thể của nó, nó cư ngụ trong tâm trí lí trí nhưng tâm trí lí trí không biết về nó.
Cái không biểu hiện là thân thể của nó, nó cư ngụ trong cái không biểu hiện nhưng cái không biểu hiện không biết về nó.
Cái không huỷ diệt được là thân thể của nó, nó cư ngụ trong cái không huỷ diệt được nhưng cái không huỷ diệt được không biết về nó.
Cái chết là thân thể của nó, nó cư ngụ trong cái chết nhưng cái chết không biết về nó.
Nó là cái ta bên trong nhất của tất cả những yếu tố này, mọi tội lỗi của nó đều bị tiêu huỷ, và nó là một thượng đế thiêng liêng Narayana - người nâng đỡ cho mọi con người.
Thân thể, giác quan, vân vân, là vật chất vô linh hồn, và cảm giác về ‘cái tôi’ về chúng là adhyas - ảo tưởng.
Do đó, người thông minh nên vứt bỏ ảo tưởng này qua trung thành với Brahman - thực tại tuyệt đối.
Cá trong biển vẫn còn là kẻ xa lạ với biển cả, không phải bởi vì biển xa với cá mà bởi vì biển quá gần. Bất kì cái gì ở khoảng cách xa đều được thấy nhưng cái ở rất gần trở thành vô hình với mắt. Không khó biết khoảng cách, khó biết cái ở gần. Và không thể nào biết được rằng cái nào là cái gần nhất của cái gần. Để cho điểu này được hiểu đúng đi, bởi vì nó là cái gì đó phải được biết cho cuộc hành trình bên trong.
Mọi người hỏi tìm Thượng đế ở đâu. Họ hỏi, “Làm sao chúng ta quên rằng cái nào đang bị che giấu bên trong? Làm sao cái đã bị tách ra ở gần chúng ta hơn là nhịp tim chúng ta, ở gần ta hơn nhịp thở của chúng ta? Làm sao cái đã bị quên lãng là bản thân tôi?” Và câu hỏi của họ dường như là logic.
Dường như là điều họ đang hỏi có tính hợp lệ và rằng điều đó không nên xảy ra giống thế này.
Nếu tôi không thể nào biết ngay cả cái đang bị giấu kín trong tôi, nếu ngay cả điều đó tôi vẫn còn chưa biết, thế thì chúng ta sẽ biết ai khác, chúng ta sẽ nhận ra ai khác? Khi ngay cả điều gần gũi cũng còn trượt khỏi tay thì làm sao chúng ta có thể đạt tới cái ở xa được? Và không phải nó chỉ tới gần với chúng ta hôm nay; nó bao giờ cũng ở gần chúng ta, từ thời vô tận. Thậm chí chúng ta chưa từng tách biệt hay xa rời khỏi nó dù chỉ một khoảnh khắc. Dù chúng ta đi đâu nó cũng đi cùng chúng ta; bất kì chỗ nào chúng ta đi, nó đều đi cùng chúng ta. Nó du hành cùng chúng ta tới địa ngục cũng như tới cõi trời; nó bên chúng ta trong tội lỗi cũng như trong đức hạnh. Nói rằng nó bên ta cũng chưa đúng, vì ngay cả ‘bên ta’ cũng vẫn còn có khoảng cách. Thực tại bản thể chúng ta và bản thể của nó là một và cùng một thứ.
Nếu điều này đúng, thế thì chính phép màu lớn lao trên thế gian là chúng ta đã đánh mất cái ta riêng của mình - điều dường như là không thể có được. Làm sao người ta có thể đánh mất cái ta riêng của mình được? Không thể đánh mất được ngay cả cái bóng của mình, và chúng ta đã đánh mất linh hồn mình. Làm sao điều này có thể được? Nhưng điều này đã xảy ra. Cách thức việc mất này về cái ta xảy ra, đó là tinh hoa của kinh này. Trước khi chúng ta đi vào trong kinh, chúng ta cần hiểu những nền tảng cơ sở của nó.
Mắt có giới hạn về tầm nhìn, một miền. Nếu một vật bên ngoài miền đó mắt không thể thấy được. Nếu một vật nằm bên trong miền đó nhưng quá xa về cả hai phía, thế nữa mắt cũng không thể thấy được nó. Mắt có miền nhìn. Một vật được đưa tới quá gần mắt không thể được thấy và nếu nó bị đem ra quá xa nó cũng không được nhìn thấy. Bên ngoài cả hai phía của miền nhìn nào đó, mắt không thể thấy được, thế thì chúng là mù. Bây giờ, bạn đang gần với bản thân bạn đến mức bạn không chỉ gần với mắt mà bạn còn ở đằng sau chúng - và đó là vấn đề.
Chúng ta hiểu điều đó theo cách này. Nếu bạn đang đứng trước một tấm gương, ở một khoảng cách nào đó hình ảnh bạn rất rõ. Nếu bạn đi quá xa khỏi gương, sẽ không có hình ảnh nữa. Nếu bạn lại quá gần gương, gần đến mức bạn chạm mắt vào nó, thế thì bạn không thể thấy được hình ảnh mình chút nào. Nhưng ở đây tình huống là ở chỗ bạn đang đứng đằng sau gương; do vậy không có khả năng có bất kì hình ảnh nào của bạn trong gương - mắt ngay phía trước và bạn ở sau chúng.
Mắt thấy cái ở trước chúng. Làm sao mắt thấy được cái ở sau chúng được? Tai nghe thấy cái ở bên ngoài tai. Làm sao tai nghe được cái ở bên trong tai? Mắt mở hướng ra ngoài, tai cũng mở hướng ra ngoài. Tôi có thể chạm vào bạn, nhưng làm sao tôi có thể chạm vào tôi được? Và cho dù tôi có khả năng chạm vào thân thể tôi thì đấy cũng chỉ vì tôi không là thân thể - thân thể nữa cũng là cái khác, do đó tôi mới có thể chạm vào nó. Nhưng làm sao tôi có thể chạm tới một người mà là tôi, một người đang chạm? Tôi có thể chạm vào bằng cái gì?
Do đó tay chạm vào mọi thứ nhưng không thể chạm vào bản thân chúng. Mắt nhìn mọi thứ nhưng không thể nhìn được bản thân chúng. Đối với cái ta riêng của chúng ta, chúng ta mù; không một giác quan nào mà chúng ta đã biết có thể dùng được vào đây. Chừng nào một số giác quan khác còn chưa khai mở - con mắt nào đó có thể nhìn vào bên trong, nhìn ra đằng sau, theo chiều ngược lại, hay tai nào đó có thể nghe được âm thanh bên trong - chừng ấy vẫn không có cách nào để cho chúng ta có thể thấy và nghe và biết bản thân mình. Cho đến khi điều đó xảy ra thì không có cách nào chạm vào bản thân chúng ta. Cái ở gần bị bỏ lỡ; cái ở gần nhất trong tất cả là không thể nào được biết. Đây là lí do tại sao cá không có khả năng biết biển.
Điều thứ hai: cá được sinh ra trong biển, nó sống trong biển; biển là thức ăn của nó, biển là nước uống của nó, biển là cuộc sống của nó, biển là mọi thứ của nó. Thế rồi nó chết và tan biến trong biển, nhưng nó không bao giờ có được cơ hội để biết biển vì nó không có bất kì khoảng cách nào với biển. Tuy nhiên, cá đi tới biết biển là gì nếu ai đó tới và vớt nó ra khỏi biển. Đây là điều rất mâu thuẫn: cá đi tới biết biển khi nó xa khỏi biển - khi nó đang giẫy dụa để sống còn trên cát dưới cái nóng mặt trời, thế thì nó biết biển là gì. Để biết, khoảng cách như thế là cần thiết.
Làm sao chúng ta có thể biết được cái một, cái đã tồn tại ngay trước khi chúng ta được sinh ra và cái sẽ còn lại ngay cả sau khi chúng ta chết? Làm sao chúng ta có thể biết cái một trong đó chúng ta được sinh ra và trong đó chúng ta sẽ tan biến đi? Để biết, phân cách nào đó là điều phải có. Đó là lí do tại sao cá không biết tới biển; chỉ khi ai đó ném nó lên bờ thì nó mới nhận ra được.
Con người đang trong khó khăn lớn hơn. Điều thiêng liêng là đại dương bao quanh chúng ta. Nó không có bờ nơi bạn có thể bị vứt lên, nơi bạn có thể bắt đầu quằn quại với nỗi đau như con cá. Vấn đề sẽ rất dễ dàng nếu có một bờ như thế, nhưng không có bờ như thế. Thượng đế là đại dương. Đây là lí do tại sao những người đi tìm Thượng đế như bờ không bao giờ có khả năng tìm được ngài. Bờ có sẵn chỉ đối với những người đã sẵn sàng đắm chìm trong đại dương của điều thiêng liêng.
Đơn thuần không có bờ nào cho nên không có cách nào để tìm thấy nó. Làm sao có thể có được bờ? Mọi thứ khác đều có thể có bờ; cái toàn thể không thể có bờ - vì cái gì đó khác được cần tới để tạo nên bờ. Bờ sông được tạo nên từ cái gì đó khác hơn sông. Bờ của biển được tạo nên từ cái gì đó khác hơn biển. Nhưng không có gì khác hơn Thượng đế để có thể tạo nên bờ.
Chính ý nghĩa của Thượng đế là ở chỗ không tồn tại cái gì khác hơn nó. Thượng đế không có nghĩa là ai đó ngồi ở đâu đó trên trời và cai quản thế giới từ đó. Không, đấy chỉ là chuyện cho trẻ con. Điều được ngụ ý qua Thượng đế là ở chỗ phần tử khác hơn Thượng đế là không tồn tại. Đây là định nghĩa khoa học về Thượng đế.
Thượng đế có nghĩa là cái toàn thể, cái toàn bộ, mọi thứ - bất kì cái gì đang có. Cái mà không thể có bờ, vì không còn gì khác hơn để tạo nên bờ. Do đó Thượng đế là mọi nơi; không có bờ. Người sẵn sàng chìm là được cứu. Người cố gắng để được cứu, bị chìm.
Chúng ta ở trong nó. Chúng ta đang trong cái chúng ta đang cố tìm ra.
Không cần phải cầu tới người chúng ta vẫn cầu, bởi vì thậm chí không có lỗ hổng nào để người ta phải cầu. Đó là lí do tại sao Kabir hỏi, “Thượng đế của ông có bị điếc không mà ông phải kêu ajan to thế?” Thượng đế ở gần đến mức thậm chí không cần phải cầu gọi ngài. Cho dù có im lặng bên trong, điều đó nữa cũng sẽ được ngài nghe thấy - ngài ở gần thế. Nếu bạn phải cầu người khác, bạn phải nói. Nhưng để cầu bản thân mình, cần gì phải nói? Người ta có thể nghe người khác chỉ khi lời nói được phát ra, nhưng ngay cả im lặng của riêng người ta cũng được nghe thấy.
Ở gần thế là khó khăn. Để điều này được hiểu cho đúng: chúng ta đã bỏ lỡ chân lí bởi vì chúng ta được sinh ra trong nó. Thịt chúng ta, tuỷ chúng ta, xương chúng ta, toàn bộ thân thể đều được làm từ nó. Nó là hơi thở của chúng ta, cuộc sống chúng ta, mọi thứ. Theo nhiều cách thức, qua nhiều cánh cửa, chúng ta là tổ hợp từ nó - chúng ta là trò chơi của nó. Không có lỗ lổng chút nào, do đó không có kí ức; do đó việc hồi tưởng về nó trở thành không thể được. Do đó chúng ta thấy thế giới, nhưng chân lí không được thấy chút nào. Thế giới là ở khoảng cách, có lỗ hổng giữa hai điều này; đó là lí do tại sao đam mê về thế giới nảy sinh.
Nghĩa của đam mê là gì? Đam mê nghĩa là ý định khép lại khoảng cách giữa bạn và đối thể mà từ đó bạn có cảm giác về khoảng cách. Không có đam mê về Thượng đế bởi vì không có khoảng cách giữa bạn và Thượng đế. Hay ngay cả ai đó dường như đi tìm Thượng đế, đấy có vẻ là một đam mê giả. Người đó dường như đi tìm cái gì đó khác nhân danh Thượng đế. Người đó làm Thượng đế trở thành cái cớ nhưng người đó muốn cái gì đó khác. Có thể người đó muốn quyền lực, có thể người đó muốn danh vọng, của cải, địa vị hay cái gì đó khác.
Một người bạn tới và bảo tôi, “Từ lúc tôi bắt đầu cuốn hút bản thân mình vào kinh nghiệm thiền trong trại của thầy, tôi đã được lợi nhiều lắm.”
Tôi hỏi, “Bạn được lợi gì?”
Anh ta trả lời, “Lợi ích tâm linh không có đâu nhưng lợi ích tài chính bắt đầu!”
Rất tốt! Đâu cần hấp tấp về tâm linh? - nó có thể để hoãn lại dịp khác. Lợi ích tiền bạc là nhu cầu tức khắc!
Chúng ta tìm kiếm cái gì đó trong khi chúng ta gọi nó là cái gì đó khác. Bất kì ở đâu chúng ta đã đặt nhãn Thượng đế lên, nếu chúng ta xé bỏ cái nhãn đó đi chúng ta sẽ thấy cái gì đó khác ẩn bên dưới. Chúng ta muốn cái gì đó khác. Người muốn cái gì đó khác nhân danh Thượng đế là người kém trung thực hơn người công khai tìm kiếm hoan lạc trần thế. Chí ít còn có trung thực, đích thực. Người này nói, “Tôi muốn tiền bạc,” người kia nói, “Tôi muốn hoan lạc dục,” rồi người khác lại nói, “Tôi muốn địa vị, tôi muốn đáp ứng bản ngã,” và còn có người nói, “Tôi muốn Thượng đế,” nhưng trong ham muốn này về Thượng đế còn có cả cảm giác của người đó rằng một ngày nào đó người đó sẽ chứng tỏ cho thế giới rằng Thượng đế nữa cũng là trong nắm tay người đó.
Do đó, quan sát người tìm kiếm Thượng đế một cách cẩn thận vào. Nếu bản ngã của người đó tăng lên, hiểu rằng việc tìm kiếm của người đó vì cái gì đó khác; nếu bản ngã của người đó giảm đi, tan tành, biến mất thì việc tìm kiếm của người đó mới thực sự là vì Thượng đế.
Tính tự phụ của sannyasin và cái gọi là các thánh nhân của bạn được biết rõ; thậm chí tính tự phụ của chính khách lớn cũng không có chỗ đứng nào so với nó. Ít nhất chính việc tìm kiếm của chính khách là để dành cho cái tự phụ đó, cho nên nó là thoả đáng; nó là một vấn đề dứt khoát, không có gì giả trong đó cả. Trò vui về việc là cái gì đó đặc biệt là toàn bộ trò chơi với họ. Nhưng với thánh nhân vấn đề lại khác. Ông ta nói rằng ông ta đang tìm kiếm việc là cái không... và thế rồi ông ta cứ trở thành cái gì đó. Nếu hai thánh nhân gặp nhau, họ không thể được để ngồi cùng một bục bởi vì sẽ có vấn đề ai ngồi đâu, cao hơn hay thấp hơn. Cho nên thông thường các thánh nhân đơn thuần không gặp lẫn nhau, vì nhiều vấn đề nảy sinh.
Có một người bạn hơi chút lập dị - lập dị theo nghĩa là người đó cố gắng thu xếp cho các thánh nhân gặp lẫn nhau.
Một lần người đó bảo tôi rằng có những vấn đề lớn nổi lên bề mặt. Ngay cả vấn đề như ai nên đưa tay ra trước để chào đón cũng phát sinh. Một tình huống khó khăn. Ngay cả phàm nhân cũng không có vẻ trần tục đến thế. Họ có thể không muốn đón chào ai đó bằng việc chắp tay, vậy mà họ cứ làm điều đó. Trong tâm trí, họ có thể nghĩ rằng giá mà người kia chắp tay trước thì tốt hơn, nhưng họ che giấu cảm giác đó; nó có vẻ không hào hiệp. Với một số thánh nhân điều ấy dường như là không hào hiệp - những thánh nhân đó thậm chí còn không đáp ứng với việc chào đón, họ đã dừng ngay việc thu xếp gặp gỡ. Họ chỉ ban ân huệ.
Người bạn đó rất bận thu xếp cuộc gặp gỡ cho thánh nhân nọ với thánh nhân kia. Thánh nhân kia nói, “Mọi thứ khác đều tốt cả, nhưng nếu tôi không đón chào ông ta và ông ta lập tức lại ban cho tôi ân huệ thì điều đó sẽ làm hỏng mọi thứ.”
Tìm kiếm của chúng ta là về cái gì đó khác, nó chẳng liên quan gì tới tôn giáo hay với điều thiêng liêng. Chúng ta ham muốn cái gì đó khác, chúng ta yêu cầu điều gì đó khác, nhưng chúng ta không trung thực và chúng ta che phủ bản thân mình bằng những yêu sách khác. Làm sao việc tìm kiếm Thượng đế bắt đầu được? - bởi vì không có khoảng cách. Nếu có khoảng cách, đam mê nảy sinh. Nếu có khoảng cách, người ta cảm thấy thích chạy. Nếu có khoảng cách, ham muốn nảy sinh để thắng. Nếu có khó khăn, bản ngã trở nên quan tâm tới thất bại, tới thắng lợi. Nhưng chừng nào có liên quan tới Thượng đế, không có khoảng cách. Tình huống là ở chỗ Thượng đế đã ở cùng chúng ta.
Khi Tensing và Hillary trèo lên đỉnh Everest, niềm vui của họ là gì? Họ là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đứng trên đỉnh núi cao nhất. Không có gì khác trên Everest.
Nhưng người đầu tiên trên đỉnh Everest! - lịch sử đã được tạo ra; bản ngã tìm thấy sự quan trọng trong hành động này. Bây giờ chừng nào còn Everest trên thế giới thì chừng ấy tên của Hillary và Tensing không thể bị xoá đi.
Có biết bao cạnh tranh để lên tới mặt trăng cho mãi tới gần đây. Điều rất thú vị là biết chúng ta đã để lại gì trên mặt trăng. Những người đã lên đến mặt trăng đều là người Ki tô giáo, nhưng họ không để lại bức tượng của Jesus ở đó, họ đã để lại lá cờ Mĩ. Nghĩ mà xem: cờ là thực, Jesus không thực! Ngay cả ý tưởng này cũng không thoáng qua tâm trí người Mĩ để mang ít nhất một bức tượng nhỏ của Jesus. Họ đã mang lá cờ! Lá cờ là bản ngã thực của con người. Và nếu tên của Jesus đôi khi còn được nhớ tới, điều đó cũng có nghĩa là một loại lá cờ, nó không có ý nghĩa gì khác. Khi đấy là vấn đề chiến đấu, vấn đề giương cao lá cờ, vào thời đó Jesus, Rama, Krishna, Phật đều được ghi nhớ; nhưng việc dùng họ thì không nhiều hơn việc dùng lá cờ. Họ cũng là một lá cờ trên bản ngã con người.
Trên mặt trăng chúng ta đã để lại sau các lá cờ. Con người bận bịu ham muốn tìm ra cái gì đó mà chỉ người đó mới có thể làm để cho bản ngã người đó thu được tầm quan trọng. Nhưng nếu như bạn được sinh ra trên đỉnh Everest bạn sẽ gặp khó khăn lớn vì còn đâu để kéo cờ nữa.
Con người được sinh ra trong Thượng đế; chỉ ngài hiện hữu. Bạn đã ở đấy, bạn chưa bao giờ đi xa. Đó là mảnh đất của bạn mà trên đó bạn đã đứng. Do đó, trong việc đạt tới Thượng đế không có cơ hội cho bất kì bản ngã nào. Bản ngã không được quan tâm tới trong điều đó. Thế thì làm sao khao khát và ước ao nảy sinh được khi không có ham muốn về Thượng đế?
Khao khát về điều thiêng liêng nảy sinh theo cách rất kì lạ. Hiểu điều này cho đúng, bởi vì không có cách nào khác hơn cách này. Khát khao về thế giới nảy sinh bởi vì khoảng cách. Nếu khoảng cách là không thể vượt qua được, hấp dẫn trở nên cực kì lớn. Và đây là lí do tại sao, trong thế giới, bất kì khi nào mọi thứ được đạt tới mối quan tâm của người ta đều mất đi, bởi vì khoảng cách đã bị vượt qua rồi. Bạn đã ham muốn người đàn bà, bạn đã tìm thấy cô ta; bạn đã ham muốn xây nhà, bạn đã xây nó; bạn đã ham muốn chóp vàng trên nhà mình và bạn đặt nó ở đó - cái gì tiếp?
Cho nên bất kì cái gì được đạt tới, thế thì nó trở thành vô giá trị vì nó đã tới gần bạn, nó không còn khoảng cách nữa. Nếu nó ở xa và có khó khăn theo cách không ai đạt tới được nó, chỉ thế thì bạn mới cảm thấy xúc động, thấy vui về nó.
Vui về giầu có không có trong bản thân sự giầu có, nó là trong cái nghèo của nhiều người khác. Nếu mọi người đều trở thành giầu, toàn bộ mọi sự bị hỏng. Đấy là vấn đề ở Mĩ: vui của việc thành giầu đang trở nên ngày càng ít đi. Người nghèo đang mặc cùng kiểu quần áo như người giầu, lái cùng kiểu xe ô tô, sống trong những ngôi nhà tương tự. Không có khác biệt cơ bản nhiều mấy giữa người giầu và người nghèo. Cái vui của người giầu đang bị mất đi. Người giầu đang cảm thấy bị bối rối do điều đó; họ đang tìm những trò mới mà chỉ có họ mới có khả năng hưởng thú.
Chúng ta là trong Thượng đế, do đó không có việc cầu gọi, không lời mời trong đó cho bản ngã; không có thách thức, không có động cơ cho bản ngã. Vậy thì làm sao khát khao về điều thiêng liêng có thể nảy sinh được? Khát khao về những thứ trần thế nảy sinh là do khoảng cách của chúng và do sự thách thức và mời gọi của chúng. Khát khao về Thượng đế nảy sinh từ thất bại của những điều trần tục.
Để điều này được hiểu. Khi bạn chạy theo mọi hướng và ở đâu cũng thất bại; khi bạn đã đạt được mọi thứ và tất cả đều chứng tỏ vô giá trị; khi tìm kiếm của bạn về mọi thứ đã hoàn thành, và với hoàn thành này nảy sinh tiêu cực, mọi thứ trở thành con số không; chỉ thế thì mới nảy sinh khao khát về Thượng đế. Mọi thứ dường như vàng từ nơi xa nhưng tất cả chúng lại chứng tỏ là đống bùn khi chúng lọt vào tay bạn. Khoảng cách càng xa, vàng càng nguyên chất. Khi nó bắt đầu lại gần hơn, nó cũng bắt đầu trở nên kém nguyên chất đi. Gần hơn nữa nó bắt đầu biến thành đất sét.
Có câu chuyện về vua Midas ở Hi lạp - có trào phúng lớn trong đó. Midas được ân huệ có một quyền năng siêu nhiên; món quà của thần là ở chỗ bất kì cái gì ông ta sờ vào đều trở thành vàng. Tất cả chúng ta là điều ngược của Midas: bất kì cái gì chúng ta mó tay vào đều trở thành đống bùn!
Nhưng điều đó rất thú vị... Ngay cả Midas cũng trong rắc rối lớn - làm sao có thể có bất kì kết thúc nào cho rắc rối của chúng ta? Bất kì cái gì Midas sờ vào đều trở thành vàng. Ông ta chạm vào vợ, bà ấy trở thành vàng. Ông ta chạm vào thức ăn, nó thành vàng. Ông ta cầm cốc nước, trước khi nó tới môi ông ta, nó đã thành vàng. Midas đáng thương! Ông ta trong khó khăn lớn. Bạn không thể nào làm dịu cơn khát của mình bằng vàng được. Chúng ta có nói nhiều đến đâu về “một thân thể tựa như vàng lấp lánh,” cũng không thành vấn đề, không có sự thoả mãn nào nảy sinh từ thân thể như thế. Người yêu có thể ca tụng thân thể của người mình yêu như “một tấm thân vàng” đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thành vấn đề, người đó sẽ hiểu điều gì xảy ra nếu tấm thân đó thực sự trở thành vàng. Người đó sẽ phải đập đầu mình nếu như điều như thế xảy ra. Người đó sẽ cảm thấy rằng tấm thân trước còn tốt hơn.
Cho nên Midas đã gặp khó khăn lớn. Ông ta đã bị vàng hấp dẫn bởi việc nói chuyện với các nhà thơ. Bây giờ sao? Mọi thứ đều thành vàng - vợ, nước, thức ăn! Mọi người bắt đầu chạy trốn khỏi ông ta. Con riêng của ông ta cũng bắt đầu giữ khoảng cách với ông ta - ai biết được khi nào ông ấy có thể chạm phải bạn! Không bạn bè nào dám lại gần ông ta. Midas trở nên rất đơn độc. Ông ta là vua, và ông ta trở nên đơn độc. Các quan thượng thư sẽ không tới quá gần ông ta; họ giữ một khoảng cách an toàn từ xa để cho họ có thể chạy trốn nếu cần. Midas bắt đầu chết đói. Ông ta không thể ăn thức ăn nào, ông ta không thể uống nước. Ông ta bắt đầu la hét và kêu to, “Ôi, lạy trời, xin ngài rút lại món quà này đi! Tốt hơn cả là con vẫn như trước! Ân huệ này đã thành tai hoạ.”
Midas đã trong trạng thái đó - mọi thứ mà ông ta sờ tới đều biến thành vàng. Hình dung xem hoàn cảnh của chúng ta sẽ như thế nào nếu bất kì cái gì chúng ta động tới cũng đều biến thành đống đất sét. Vợ dường như đẹp đẽ và như vàng khi cô ấy ở xa xa; cái ngày hôn nhân xảy ra, cô ấy bắt đầu biến thành đất đen. Trong bốn hay năm năm cô ấy trở thành như bùn. Mọi thứ đều biến thành bùn.
Cái ngày bạn nhận ra rằng mọi chạy đua đều trở thành vô tích sự, bạn đi đến một cái dừng chết dí ngay nơi Thượng đế hiện hữu. Cái ngày bạn đi tới biết rằng bạn đã không thu được gì bởi việc chạy đua, bạn sẽ không chạy đua thêm nữa. Và bởi vì bạn không chạy đua, bây giờ bạn thấy điều mà trước đây không thấy được bởi vì chạy đua.
Khi tâm trí mê mải trong chạy đua, mọi thứ đã từng ở xa đều được thấy. Khi chạy đua trở thành vô dụng, mắt trở lại khung cảnh gần hơn. Và nếu chạy đua dừng lại toàn bộ, mắt bắt đầu nhìn theo chiều ngược. Mãi cho đến nay chúng đã chỉ nhìn bên ngoài, bây giờ chúng bắt đầu nhìn bên trong.
Gương thực hiện việc quay ngược lại. Thế thì bạn không tìm thứ gì đáng nhìn trong thế giới nữa, hay đáng kiếm và đáng tìm trong thế giới nữa. Bây giờ thế giới không còn là ham muốn chút nào nữa. Đó là lí do tại sao Phật, Mahavira và Upanishad đã đặt nhiều nhấn mạnh thế vào sự kiện là vô ham muốn là cánh cửa.
Ham muốn là cánh cửa đi ra xa; vô ham muốn là cánh cửa về lại gần.
Bây giờ chúng ta hiểu câu kinh này: “Bên trong thân thể ẩn giấu cái không sinh và vĩnh hằng.”
Nó chưa bao giờ sinh ra, nó có đó mãi mãi. Cái vĩnh hằng và không sinh đang ẩn bên trong thân thể nhưng thân thể không biết về nó. Thân thể là một phần của đất; nó bị che giấu bên trong đất nhưng đất không biết về nó. Trong kinh này cùng điều đó được lặp lại từ những góc độ khác nhau.
Cái không sinh và vĩnh hằng bị ẩn giấu trong lửa, nhưng lửa không biết nó. Nó được ẩn giấu ở mọi nơi, nhưng người đứng sau cái bị che giấu không biết đến nó bởi vì người đứng sau cái bị che giấu đang chạy đua bên ngoài. Bạn đã bao giờ nhận ra điều này chưa? Nếu bạn có thể kinh nghiệm được việc chạy đua bên trong của thân thể bạn, bạn sẽ đạt tới samadhi. Bạn đã kinh nghiệm mỗi việc chạy đua bên ngoài của thân thể - một thân thể đẹp được thấy và xúc động chạy qua thân thể bạn; mọi tế bào thân thể bạn bắt đầu chạy đua theo nó. Một đoá hoa đẹp được thấy và mắt bắt đầu chạy đua. Một giai điệu du dương được nghe thấy và tai bắt đầu chạy đua.
Thân thể bao giờ cũng chạy đua bên ngoài. Bạn đã bao giờ kinh nghiệm thân thể chạy đua bên trong chưa? Không, bạn chưa kinh nghiệm đâu. Thế thì làm sao thân thể đáng thương này biết được ai đang ẩn náu bên trong? Nơi thân thể chưa bao giờ đi, nơi thân thể chưa bao giờ ngó tới, chưa bao giờ nghe thấy, chưa bao giờ thám hiểm... làm sao thân thể có thể biết được cái gì có đó bên trong? Do đó thân thể vẫn còn là kẻ xa lạ với người sở hữu thân thể đó. Tất cả chạy đua đều hướng theo bên ngoài, do đó dốt nát tràn ngập bên trong. Kinh này là việc lặp lại cho cùng một thứ nhưng từ những cánh cửa khác nhau.
Cái ẩn kín bên trong không khí, không khí không biết. Tâm trí không biết về người sở hữu thân thể đó. Bản ngã không hay về người sở hữu thân thể đó. Tâm trí lí trí, cái bất diệt, cái không biểu hiện - tất cả chúng đều không biết đến người có thân thể chính là chúng và người ẩn kín bên trong chúng. Ngay cả cái chết cũng vẫn còn không quen biết với người có cái chết xảy ra. Phát biểu này có đôi chút kì lạ: cái chết vẫn còn không quen biết với người chết. Không có gì chết khi người ta chết cả.
Khi cái chết xảy ra, ai thực sự chết? Không ai cả. Thân thể không chết, bởi vì nó bao giờ cũng chết rồi; không có vấn đề về việc chết của nó. Người ẩn kín bên trong thân thể là bất tử vĩnh viễn; không có vấn đề về việc chết của người đó. Chỉ mối quan hệ tan vỡ. Trong cái chết mối quan hệ giữa người chết và người bất tử tan vỡ. Nhưng bản thân cái chết, cho dù sau khi tới gần đến thế, cũng vẫn còn không biết gì về người bất tử.
Bao nhiêu lần chúng ta đã chết, vậy mà chúng ta vẫn chưa đi tới biết người bất tử ở bên trong chúng ta. Chính tình huống này có nghĩa là ngay cả trong khi tới gần chúng ta vẫn không có khả năng nhìn vào trong; cái nhìn của chúng ta tiếp tục hội tụ bản thân nó ra ngoài. Nhìn một người đang nằm trên giường chết: người đó vẫn cứ nhìn ra ngoài. Thậm chí bây giờ người đó không cảm thấy thích nhìn vào bên trong.
Cái chết đang kéo và lôi người đó khỏi thân thể, nhưng người đó vẫn níu bám lấy thân thể - níu bám còn mạnh hơn, mạnh hơn hẳn trước đó.
Đây là lí do tại sao người già trở nên xấu còn người trẻ trông đẹp. Nếu chúng ta nhìn điều đó sâu sắc, lí do cho điều này không phải là một mình thân thể. Người trẻ không níu bám lấy thân thể, người đó vẫn còn tin tưởng vào nó. Người già bắt đầu níu bám lấy thân thể; và bởi vì níu bám đó mà mọi thứ xấu sinh ra. Người già bắt đầu sợ hãi: cái chết đến đây... bây giờ cái chết tới... cái chết ở cạnh kề. Người già càng sợ chết càng níu bám mạnh hơn vào cuộc sống. Và người càng níu bám mạnh hơn vào cuộc sống, người đó càng trở nên xấu hơn.
Trẻ con trông đáng yêu làm sao! Chúng đơn giản không níu bám chút nào. Chúng không có ý tưởng rằng cái chết tồn tại. Nhìn chim chóc và muông thú mà xem: chúng già đến đâu chúng trông cũng vẫn thế. Tôi đang nói về những con vật và những con chim còn chưa bị hư hỏng qua việc đồng hành cùng con người. Con người chỉ làm hỏng mọi thứ. Cho nên điều dường như rất lạ là trong rừng hoang chim chóc và muông thú có vẻ không bị già đi. Kiểu tuổi già bắt giữ con người dường như không bắt giữ chim chóc và muông thú. Chúng vẫn còn giống như trẻ con. Theo một nghĩa sâu sắc nào đó chúng không nhận biết chút nào rằng cái chết sẽ tới, do đó không có níu bám vào thân thể.
Tính tươi tắn ở trẻ con bởi vì cuộc sống là tự nhiên, không có sợ chết. Điều đó trở thành khó khăn cho tuổi già; cái chết trở nên rõ ràng hơn. Cuộc sống là nỗ lực bây giờ, người già sống bằng nỗ lực. Mọi li của cuộc hành trình người đó đều ý thức tới cái chết bây giờ. Điều đó tạo ra bất định; căng thẳng tăng lên bên trong người đó và lo âu cùng buồn khổ bắt giữ người đó thường xuyên, và điều đó làm cho tâm trí thành xấu.
Bản thân cái chết không đi tới biết người bất tử ẩn bên trong thân thể. Lí do duy nhất cho điều này là ở chỗ hiện tượng nhìn vào trong chỉ xảy ra khi việc nhìn ra ngoài đã trở thành vô tích sự và vô nghĩa. Để điều này được hiểu đúng. Nó dường như đã trở thành vô nghĩa nhiều lần rồi, nhưng vẫn chưa trở thành thực sự như vậy. Không phải là cái vô nghĩa đó không bừng dậy trong bạn - nó có bừng dậy trong bạn đấy. Bạn đã nghĩ về việc mua một chiếc xe rồi bạn mua nó. Khi bạn chưa mua nó, bạn mơ về nó trong đêm. Vào cái đêm trước hôm nó được giao cho bạn, thậm chí bạn còn không ngủ được ngon - cả đêm ròng!
Ai đó đã viết về người bạn mình, người mua một chiếc xe rất đẹp, chiếc Ferarri. Nó là chiếc xe rất đắt. Trong chính ngày đầu tiên người đó đã lái nó, chiếc xe bị xước một chút xíu.
Người bạn đó không còn là đứa trẻ nữa, ông ta đã năm mươi tuổi; và ông ta cũng không phải là người thiếu học vấn, ông ta là một giáo sư đại học - giáo sư triết học hẳn hoi. Nhưng người ta đã thấy ông ấy khóc hôm đó, gục đầu vào vai mẹ mình. Chỉ bởi vì chiếc Ferarri bị xước! Chiếc xe đắt thế. Ông ta đã mơ ước biết bao về nó. Vết xước đó của chiếc xe hẳn đã phải ăn sâu vào ông ta, vào chính linh hồn ông ta; đấy là lí do tại sao ông ta khóc.
Khóc thì tất cả các bạn đều làm. Người đàn ông đó phải là một người chân thật hơn. Trên con đường thoáng đãng, gục đầu vào vai mẹ, ông ta bắt đầu khóc. Nhưng trạng thái này kéo dài được bao lâu? Trong vài ngày chiếc Ferarri sẽ trở nên cũ. Sau một hay hai tháng người này sẽ ngồi trong cũng chiếc xe đó nhưng ông ta thậm chí sẽ không cảm thấy mình đang ngồi trong chiếc xe nào nữa. Ông ta sẽ chán với chiếc xe này - nhưng chưa chán với xe. Mơ ước về một chiếc xe khác nào đó sẽ bắt giữ ông ta. Bây giờ ông ta có thể nghĩ tới việc làm chủ chiếc Rolls Royce, hay chiếc xe khác nào đó. Tâm trí sẽ chán với một người đàn bà hay một người đàn ông, nhưng nó sẽ không chán với đàn bà như vậy hay đàn ông như vậy.
Tất cả chúng ta đều thấy chán, nhưng cái chán của chúng ta vẫn còn gắn với những thứ đặc biệt. Còn chính thực tại của việc chán này không trở thành một phần của kinh nghiệm của chúng ta. Khi chúng ta mệt mỏi về thứ này, chúng ta chọn thứ khác cùng kiểu, và quá trình này cứ tiếp tục mãi. Đây là khác biệt duy nhất giữa bạn và vị phật.
Bạn chán với một người đàn bà nhưng mối quan tâm của bạn vẫn tiếp tục trong người đàn bà khác. Nếu bạn chán với vợ mình, mối quan tâm của bạn tiếp tục ở vợ của ai đó khác. Bất kì cái gì gần gũi và có sẵn đều trở thành vô dụng, nhưng cái ở xa duy trì mối quan tâm của bạn. Cái ở xa đó rồi cũng sẽ trở thành vô dụng vào ngày mai khi nó lại gần bạn. Nhưng không thể nào mọi thứ đều có thể lại gần người ta được. Một số thứ vẫn tiếp tục còn ở xa; do vậy mối quan tâm vẫn tiếp diễn, ham muốn vẫn cứ chạy đua.
Chán một đàn bà, vị phật chán luôn với mọi đàn bà. Sống trong một lâu đài, vị phật đã sống trong mọi lâu đài. Với vị phật, chỉ một việc xảy ra là đủ. Đây là cách tiếp cận khoa học. Nếu một giọt nước đã được biết, thế thì toàn bộ biển cả đã được biết. Ông ấy sẽ là nhà khoa học điên khùng nếu cứ tiếp tục kiểm thử mọi đại dương và nói, “Khi tôi hoàn thành việc kiểm thử mọi giọt nước của mọi đại dương, tôi sẽ tuyên bố rằng nước được tạo nên từ hidro và oxi.” Chúng ta đang trong một loại điên khùng tương tự. Nhà khoa học kiểm thử một giọt nước, phát hiện ra rằng nước được tạo nên từ các nguyên tử hidro và oxi, và rằng H2O là phương trình cho các thành tố của nước, và thế là vấn đề xong với ông ta. Mọi nước trong mọi biển bây giờ đều được biết. Bất kì nơi đâu có nước, ngay cả trên bất kì hành tinh khác nào - và các nhà khoa học nói có ít nhất năm mươi ngàn trái đất tương tự như trái đất của chúng ta - hay ở bất kì đâu trong vũ trụ, nó đều được tạo nên từ việc bố trí của các nguyên tử: H2O.
Mọi nước được biết bằng việc biết một giọt nước.
Với việc hiểu mẫu hình và hành vi của một ham muốn, người đó đi tới biết toàn thể bản chất của mọi ham muốn và trở thành vị phật. Biết một ham muốn, người đó, người thấy được cái vô tích sự của nó - cái phù phiếm phổ cập - và cái thất bại không tránh khỏi của nó, ham muốn của người đó đơn giản rụng đi. Ham muốn rụng đi tựa như cái nạng của người què bất thần rơi xuống. Người đó đã bước đi với trợ giúp của cái nạng; người đó đã không có chân để bước, người đó đã có chân gỗ. Bỗng nhiên chiếc nạng rơi ra và người què đổ sập xuống. Điều tương tự cũng xảy ra khi cái nạng ham muốn rơi rụng đi. Không có chân thực để bước trong cuộc sống trần gian; chúng là nhân tạo, cứng đơ, được làm bằng những ham muốn. Ham muốn rơi đi chính là chiếc nạng rơi đi, và người ta bỗng nhiên thấy bản thân mình ở đó - từ nơi mà người đó chưa bao giờ đi, nơi người đó bao giờ cũng ở đấy, trong bản tính thực của mình. Đó là Thượng đế, đó là linh hồn.
Đoạn cuối của kinh giải thích điều này:
Cái chết là thân thể của nó, nó cư ngụ trong cái chết nhưng cái chết không biết về nó.
Nó là cái ta bên trong nhất của tất cả những yếu tố này, mọi tội lỗi của nó đều bị tiêu huỷ, và nó là thiên thần thiêng liêng Narayana
Thân thể, giác quan, vân vân, là vật chất vô linh hồn, và cảm giác về ‘cái tôi’ về chúng là adhyas - ảo tưởng.
Do đó, người thông minh nên vứt bỏ ảo tưởng này qua sự trung thành với Brahman - thực tại tuyệt đối.
Điều cuối cùng là kinh này. Cuộc chạy đua theo các ham muốn là do sự kiện rằng mơ nào đó bao giờ cũng có vẻ gần đạt tới hoàn thành ở đâu đó nơi xa xa. Người trong sa mạc nhìn thấy một hồ nước gần chân trời, chạy lại lấy nước, và khi tới đó phát hiện ra rằng không có nước, rằng không có gì ngoài cát và cát. Nhưng rồi cái hồ lại xuất hiện đâu đó khác. Điều này được gọi là ảo cảnh.
Khi tia sáng mặt trời trở nên nóng và được phản xạ trên cát thì các tia sáng rung rinh tạo ra ảo cảnh về gợn sóng và sóng. Gợn sóng và sóng lăn tăn cứ liên tục lan rộng, việc phản xạ trải trên bề mặt xuất hiện. Nếu có cây cối gần đó, cả cây đó cũng được phản xạ lên bề mặt đó, bề mặt có tác dụng tựa như chiếc gương. Khi từ một khoảng cách xa bạn thấy không chỉ có nước mà còn cả phản xạ của đám mây bay qua in trên nước, làm sao bạn không tin được? Nếu có cả phản xạ của đàn chim bay trên trời trong cái gọi là nước đó, và nếu cây cối gần đó cũng được phản xạ vào trong nước, niềm tin của bạn vào sự tồn tại của nước lại càng được xác nhận. Không chỉ sóng nước được trông thấy, ngay cả những phản xạ trong nước cũng được thấy. Nhưng khi bạn lại gần hơn, phản xạ dừng xuất hiện, và khi tiến lại chỗ ấy bạn không tìm thấy gì ngoài cát.
Adhyas, hay ảo tưởng, nghĩa là thấy cái không có đó.
Shankara yêu từ này lắm, và với Upanishad nó là chính nền tảng. Adhyas nghĩa là phóng chiếu, thấy cái không có đó: cái được thấy không thực có đó, bạn đang phóng chiếu nó từ bên trong. Bạn là nguyên nhân của việc phóng chiếu.
Một khuôn mặt dường như đẹp với bạn: liệu cái đẹp đó đang có đó hay bạn đang phóng chiếu về nó? ... vì ngày mai cũng cùng khuôn mặt đó lại có thể tỏ ra xấu với bạn. Có thể nó đã không có vẻ đẹp với bạn ngày hôm qua. Hôm nay bỗng nhiên con mắt thiêng liêng của bạn đã mở ra và khuôn mặt này đã bắt đầu trông đẹp với bạn. Với bạn bè của bạn nó vẫn trông không đẹp.
Người ta nói rằng Laila không đẹp, chỉ có Majnu mới trông cô ấy là đẹp. Cả làng đều khó xử, và mọi người cố gắng thuyết phục Majnu: “Cậu ngây thơ lắm. Có bao nhiêu gái đẹp trong làng; cậu cứ bị ám ảnh không cần thiết với Laila làm gì.” Majnu trả lời, “Nếu bác muốn thấy Laila, bác phải có con mắt của Majnu.” Đây là adhyas, ảo tưởng. Vấn đề không phải là Laila mà vấn đề là con mắt của Majnu. Vấn đề không phải là cái được thấy mà vấn đề là người đang thấy cô ấy. Cho nên Majnu nói, “Thấy bằng mắt tôi đây này, thế thì bác sẽ có thể thấy được Laila.” Không hoài nghi gì rằng dưới con mắt của Majnu thì cô ấy sẽ trông đẹp. Nếu như có thể mượn được cặp mắt của Majnu thì Laila sẽ thành đẹp đối với bạn như cô ấy đã đẹp đối với Majnu.
Mắt cũng có một kiểu kính. Mầu của kính phóng chiếu lên vật được thấy. Tất cả các giác quan bạn đều đang phóng chiếu. Bạn đang tạo ra một thế giới khắp quanh bạn. Tâm trí bạn không chỉ là người nhận, nó là đấng sáng tạo nữa. Bạn đang sáng tạo ra một thế giới quanh bạn - về cái đẹp, về hương thơm, thế này, thế nọ.
Thế giới này không phải như bạn thấy nó. Nó tuỳ thuộc vào bạn. Nếu bạn thay đổi, thế giới cũng thay đổi theo. Thanh niên nhìn thấy thế giới này, người già thấy thế giới khác, và trẻ con lại thấy thế giới khác nữa. Cái gì tạo ra khác biệt này? Thế giới vẫn như vậy thôi. Nhưng trẻ con không có cùng con mắt như thanh niên. Trẻ con vẫn còn quan tâm tới việc nhặt đá và sỏi - chỉ mầu sắc của mọi thứ là đủ. Thanh niên nói, “Vứt quách những thứ ấy đi! Có gì trong đó nào? Chúng có giá trị gì nào?” Với thanh niên tiền bạc đã trở nên giá trị. Người đó bắt đầu hiểu giá trị của tiền. Bây giờ nhặt đá sỏi không có tác dụng. Bây giờ chẳng ích gì mà đuổi theo bướm cả.
Trẻ con bắt bướm; bướm trông như cõi trời với chúng. Thanh niên coi trẻ con là dốt nát, nhưng khi người này già đi, các giác quan người đó cũng mệt mỏi; kinh nghiệm của người đó chuyển thành chua chát và cay đắng và người đó cảm thấy dường như mồm đầy một kiểu vô vị. Bây giờ ngay cả thanh niên cũng dường như là giống trẻ con đối với người này. Với người đó, thanh niên đang đuổi theo các loại bướm bướm khác. Chỉ có loại bướm là thay đổi, nhưng không phải là con bướm.
Người già cứ hay nói năng, giải thích, rằng đấy là bướm, nhưng không thanh niên nào chịu nghe họ. Bản thân họ đã không nghe bố họ và ông họ. Có lí do để không nghe, và đó là việc họ có con mắt khác. Nếu thanh niên có đôi mắt của người già, người đó sẽ thấy cùng một sự việc. Và nhớ lấy, điều thú vị là ở chỗ nếu người già có thể có được đôi mắt của thanh niên lần nữa, người đó sẽ quên mọi kinh nghiệm này. Người đó sẽ quên mọi khôn ngoan mà người đó đang thể hiện; thế giới một lần nữa lại sẽ trở thành đầy mầu sắc với người đó.
Tôi đã từng nghe: một chánh án của Toà Thượng thẩm Mĩ đã tới Paris khi ông ta còn trẻ và đã xây dựng gia đình. Sau ba mươi năm, khi ông ấy đã già, và sau khi con ông ấy cũng đã xây dựng gia đình và ghé thăm Paris, vị chánh án lại trở lại Paris cùng với vợ. Tên ông ta là Peare. Ông ấy nhìn Paris, và nói với vợ, “Đấy không còn là cùng Paris đó nữa. Mầu sắc của nó đã phôi phai rồi. Cái đẹp là ở những ngày đó khi chúng ta tới Paris lần đầu tiên. Mọi thứ đều không thể so sánh được; Paris đã khác rồi!”
Vợ ông trả lời, “Xin lỗi ông, ông quên mất rồi. Lần đầu tiên chúng ta tới thì Peare là con người khác; Paris vẫn thế. Nếu ông có thể thấy được Paris bằng con mắt của thanh niên thì nó vẫn thế. Làm sao Paris thay đổi được?” Mọi người thay đổi và cái nhìn của họ thay đổi.
Nếu thế giới dường như bị thay đổi với thay đổi trong cái nhìn của bạn, hiểu cho rõ rằng cái bạn đã thấy và đã nghĩ nó chỉ là adhyas, ảo tưởng thôi. Nó đã được tạo ra bởi phóng chiếu của bạn, nó không phải là thế giới như nó đang đấy. Liệu có cách nào để thế giới được thấy không có phóng chiếu của bạn không? Nếu có, chỉ có thế người ta mới thấy được thế giới như nó đang đấy.
Phóng chiếu là ảo tưởng. Do đó, nhớ lấy, thấy không có nghĩa là chỉ nhìn bằng mắt. Thấy nghĩa là trạng thái mà tất cả những phóng chiếu của bạn đều dừng lại, khi bạn không có quan điểm nào. Khi bạn không có con mắt cá nhân riêng để áp đặt các điều kiện, khi bạn không có xúc động và ham muốn phóng chiếu, thế thì việc thấy xảy ra.
Nhìn sa mạc khi bạn không khát: thế thì sa mạc không thể lừa bạn. Lừa dối xảy ra bởi vì cơn khát. Bạn cần nước, và khi bạn không có nước, ham muốn trở thành ngày một mạnh hơn. Và khi ham muốn trở nên quá mạnh, tâm trí bạn phát rồ và nó muốn tin ngay cả những cái mà thực tế không có đó.
Nhưng có một trạng thái mọi cái nhìn đều dừng và việc thấy nảy sinh. Khi nào thì cái nhìn dừng lại? Cái nhìn dừng lại chỉ khi mọi ham muốn dừng lại, bởi vì mọi cái nhìn đều là trò chơi của ham muốn của bạn, sự mở rộng của các ham muốn của bạn.
Kinh nói:
Thân thể, giác quan, vân vân, là vật chất vô linh hồn, và cảm giác về ‘cái tôi’ về chúng là adhyas - ảo tưởng.
Do đó, người thông minh nên vứt bỏ ảo tưởng này qua sự trung thành với Brahman - thực tại tuyệt đối.
Qua sự trung thành với Brahman - trung thành với cái ta.
Trung thành của chúng ta bao giờ cũng là với người khác, với ai đó khác, không phải với cái ta riêng của chúng ta. Chúng ta chạy theo những thứ khác, không hướng về trung tâm riêng của mình. Chúng ta bao giờ cũng đi đâu đó khác, né tránh người ở bên trong.
Trung thành với Brahman nghĩa là cuộc đua của các ham muốn đã qua rồi, người ta đã đạt tới cái ta của mình. Người ta phải đi tới chỗ không có tâm trí nữa, không giác quan, không thân thể, nhưng chỉ còn tâm thức thuần khiết. Trong việc được bắt rễ vào đó, mọi ảo tưởng đều lập tức tan tành; thế thì không còn thế giới mà chỉ có Brahman, thực tại tuyệt đối.
Khi tôi đang nói tiếng Hindu - nhiều người không hiểu tiếng Hindu nhưng họ cũng có thể dùng được cơ hội này. Những người không hiểu tiếng Hindu nên nhắm mắt lại và lắng nghe chỉ âm thanh. Họ nên ngồi im lặng dường như trong thiền. Và nhiều lần chân lí mà người ta không hiểu qua lời người ta đi tới hiểu đơn thuần bởi việc lắng nghe âm thanh.
Khi tôi nói tiếng Anh, những bạn không hiểu tiếng Anh không nên nghĩ rằng điều này vô dụng cho họ. Họ nên nhắm mắt lại và thiền theo âm thanh của lời tôi mà không dự định hiểu ngôn ngữ. Không cần cố hiểu ngôn ngữ mà bạn không biết. Ngồi im lặng, trở thành giống như người dốt nát, và thiền về tác động của âm thanh. Chỉ lắng nghe. Lắng nghe đó sẽ trở thành thiền và nó sẽ có ích lợi.
Vấn đề thực sự không phải là việc hiểu, mà là trở nên im lặng. Nghe không phải là vấn đề, trở nên im lặng mới là vấn đề. Biết bao nhiêu lần điều xảy ra là cái bạn đã hiểu trở thành rào chắn, và điều tốt là lắng nghe cái gì đó bạn không hiểu chút nào; thế thì suy nghĩ không thể can nhiễu được. Khi cái gì đó không được hiểu, không có cách nào cho suy nghĩ chuyển động; chúng đơn giản dừng lại.
Do đó, đôi khi lắng nghe tiếng gió xào xạc trong lùm cây, nghe tiếng chim hót, tiếng nước chảy, còn tốt hơn là lắng nghe người thấy và hiền nhân. Upanishad thực đang tuôn chảy ở đó, nhưng bạn sẽ không hiểu chúng. Và nếu bạn hiểu và bạn có thể lắng nghe, trí năng của bạn sẽ không mấy chốc mà lắng xuống bởi vì nó không được cần nữa. Và khi trí năng của bạn đã lặng yên, bạn được đưa lên chỗ bạn đang tìm kiếm.