Chương 18: Tự lừa gạt

Tôi muốn thảo luận hoặc khảo sát vấn đề tự lường gạt, ảo giác, ảo vọng mà tâm trí đã chìm đắm và tự đánh lừa, rồi lại đánh lừa những người khác. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhất là trong cơn khủng hoảng hiện nay mà thế giới đang đối mặt. Nhưng muốn hiểu được trọn vẹn vấn đề tự lường gạt, chúng ta phải theo dõi vấn đề ấy chẳng những ở bình diện chữ nghĩa mà phải cả bình diện bản thể tự tính, bình diện nền tảng, căn nguyên sâu thẳm.

Chúng ta quá dễ dãi tự mãn với những chữ nghĩa và những chữ đối nghịch tương phản; chúng ta quá thạo đời, sỏi đời; và vì quá sỏi đời, cho nên tất cả những gì chúng ta có thể làm là mong muốn rằng một cái gì đó sẽ xảy ra. Chúng ta thấy rằng việc biện minh giải thích chiến tranh không thể nào chấm dứt chiến tranh; biết bao nhiêu sử gia, bao nhiêu nhà thần học, bao nhiêu kẻ đạo hạnh đã giải thích chiến tranh, đã cắt nghĩa chiến tranh đã thành hình như thế nào nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra, càng lúc có lẽ còn tàn khốc hơn bao giờ.

Những kẻ nào trong chúng ta thực sự có thái độ chín chắn đứng đắn thì phải cần vượt qua chữ nghĩa, phải cần tìm kiếm cuộc cách mạng căn bản trong chính nội tâm mình. Đó là phương pháp cứu chữa duy nhất khả dĩ mang đến sự cứu thoát căn bản vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.

Cũng thế, khi chúng ta thảo luận về hình thức tự lường gạt, tôi nghĩ rằng chúng ta phải tránh tất cả những lối giải thích đối đáp nông cạn hời hợt; tôi xin đề nghị chẳng những chúng ta lắng nghe người nói thôi mà phải theo sát vấn đề như chúng ta biết được trong đời sống thường nhật của chúng ta; nói rõ hơn, chúng ta phải ngắm nhìn bản thân trong tư tưởng và trong hành động, ngắm nhìn cách ta tác động người khác, và cách ta tiếp thế xử vật; tác động vận hành xuất phát từ bản thân.

Duyên do, nền tảng cho sự lường gạt là gì? Có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự ý thức được rằng chúng ta đang tự lường gạt? Trước khi có thể trả lời được câu hỏi ‘tự lường gạt là gì và sự tự lường gạt ấy đã xuất phát như thế nào?’, phải chăng chúng ta cũng nên ý thức rằng chúng ta đang tự lường gạt chúng ta? Chúng ta có biết rằng chúng ta đang tự lường gạt? Khi nói về sự lường gạt này, chúng ta muốn nói gì?

Tôi nghĩ rằng vấn đề này rất quan trọng, bởi vì chúng ta càng tự lường gạt mình càng nhiều thì sức mạnh của sự lường gạt càng được tăng trưởng thêm lên, vì sự tăng trưởng ấy mang đến cho chúng ta sinh lực, tinh lực, năng lực nào đó khả dĩ bắt buộc mình chẳng những tự đánh lừa mà lại đánh lừa cả người khác. Thế là lần lần chẳng những mình chỉ đánh lừa mình mà lừa phỉnh cả kẻ khác.

Đó là cả một tiến trình hỗ tương tác dụng của sự đánh lừa bản thân. Chúng ta có ý thức về tiến trình này không? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có khả năng suy tư minh bạch chín chắn rõ ràng, có đường hướng tiêu đích đàng hoàng, một cách ngay thẳng trực tiếp: và chúng ta có ý thức rằng chính tiến trình suy tư này đã chứa đựng sự tự lường gạt, tự đánh lừa bản thân?

Chẳng phải chính tư tưởng là một tiến trình tìm kiếm, tìm cách biện giải, biện minh, tìm kiếm an ninh, an bình, bảo đảm, tìm cách tự bảo vệ phòng thân, thèm muốn được người ta nghĩ tốt về mình, ham muốn được địa vị, quyền hành, uy tín và thế lực? Phải chăng lòng khao khát muốn được hiện hữu trong phương diện chính trị hoặc tôn giáo xã hội, chính là nguồn gốc của sự tự đánh lừa bản thân?

Vừa lúc tôi muốn chiếm hữu một cái gì đó bên ngoài những nhu yếu vật chất thuần túy, phải chăng tôi đã tạo ra, đã gây ra một trạng thái dễ tự lường gạt? Chẳng hạn như trường hợp này: phần đông chúng ta tọc mạch muốn biết những gì xảy ra sau khi chết; càng lớn tuổi, càng già nua chúng ta càng thắc mắc về việc ấy. Chúng ta muốn biết sự thực của vấn đề ấy. Chúng ta sẽ tìm thấy việc ấy bằng cách nào? Tất nhiên không phải bằng cách đọc sách cũng như không phải bằng cách giải thích lung tung.

Làm thế nào các bạn tìm ra vấn đề ấy? Trước tiên, các bạn phải lọc sạch tâm trí hoàn toàn, không còn để rớt lại trong trí bất cứ yếu tố nào khả dĩ làm ngăn trở chướng ngại, không để rớt lại bất cứ lòng hy vọng nào, sự tham lam muốn được kéo dài, lòng khao khát muốn tìm thấy những gì bên kia thế giới. Bởi vì tâm trí luôn luôn vẫn tìm kiếm sự an ninh, muốn được kéo dài liên tục và mang đầy hy vọng muốn có được phương tiện để thành đạt, hy vọng về một cuộc hiện hữu ở kiếp khác trong tương lai.

Dù tâm trí đang tìm kiếm chân lý của đời sống sau cái chết, tìm kiếm sự đầu thai hóa kiếp hay bất cứ cái gì khác; một tâm trí như thế vẫn không thể nào tìm thấy sự thực kia, phải thế không? Điều quan trọng không phải sự đầu thai hóa kiếp có thực hay không thực, điều quan trọng là thái độ của tâm trí khi tìm kiếm cớ để biện minh cho một sự kiện, mà sự kiện ấy có thể có hay có thể không có thì vẫn không quan trọng, chỉ quan trọng là thái độ của tâm trí đi tìm sự biện minh qua sự tự đánh lừa, dối gạt bản thân. Chỉ quan trọng là thái độ đi đến với vấn đề, nguyên động lực gì, sự thúc giục gì, các bạn đã mang khát vọng nào khi đến với vấn đề, đây mới là điều quan trọng.

Người tìm kiếm luôn luôn vẫn tự đánh lừa bản thân, không ai đánh lừa hắn cả; chính hắn đã tự dối gạt hắn, chúng ta tạo ra sự lường gạt, lừa dối; rồi chúng ta lại trở thành nô lệ cho sự lừa phỉnh ấy. Yếu tố, động lực chính yếu của việc tự lường gạt là lòng khao khát thường xuyên muốn được làm cái gì đó trong thế giới này và trong thế giới đời sau.

Chúng ta đã biết hậu quả của lòng khao khát ao ước ham muốn ấy đã tạo ra sự hỗn loạn toàn diện, kẻ này giành giật tương tranh với kẻ khác, kẻ này tiêu diệt kẻ khác trong khi nhân danh hòa bình; các bạn biết rõ tất cả trò đùa kỳ khôi ấy mà chúng ta đang tác hại nhau đó rõ là hình thức vô cùng tế nhị của sự tự đánh lừa bản thân. Cũng y như thế, chúng ta đều muốn được an ninh bảo đảm trong thế giới khác ở đời sau, chúng ta muốn được một địa vị ở đó.

Thế là chúng ta bắt đầu tự lường gạt ngay lúc lòng thúc giục ý muốn được hiện hữu muốn được trở nên thành đạt hay thành tựu, tâm trí khó mà thoát ra khỏi những thứ sở cầu ấy. Đó là một trong những vấn đề căn bản của đời sống chúng ta. Có thể nào sống giữa cuộc đời này mà không là gì cả? Chỉ có thế thì mới giải thoát ra khỏi tất cả mọi sự lường gạt, bởi vì chỉ có lúc ấy tâm trí mới không còn kết quả, tâm trí không còn tìm kiếm một câu trả lời thỏa mãn, tâm trí không còn tìm kiếm bất cứ hình thức biện hộ, biện minh nào, tâm trí không còn tìm kiếm an ninh bảo đảm ở bất cứ biến thể nào, trong bất cứ sự tiếp xúc giao thiệp nào.

Điều này chỉ xảy ra khi tâm trí ý thức được những khả tính và những xảo diệu của sự lường gạt, rồi một cách giao cảm, tước bỏ tất cả những hình thức biện minh, tất cả những hình thức cầu an – nói rõ hơn là lúc ấy tâm trí có thể đạt tới trạng thái không là gì cả một cách trọn vẹn. Điều ấy có thể thực hiện không?

Khi mà chúng ta còn tự lường gạt mình trong bất cứ hình thức nào thì vẫn không thể nào có tình yêu được. Khi mà tâm trí vẫn còn có khả năng tạo tác và tự đánh lừa thì cố nhiên tâm trí ấy vẫn còn tự ly gián với sự giao cảm toàn diện hay tập thể. Đó là một trong những những nỗi khó khăn của chúng ta hiện nay; chúng ta không biết cách hợp tác cộng lực nhau. Chúng ta chỉ biết cố gắng cộng tác nhau để đạt tới cứu cánh mà cả hai bên muốn thể hiện. Sự hợp tác cộng lực chỉ có thể thực hiện khi các bạn và tôi không còn có chung một mục đích do tư tưởng tạo ra.

Điều quan trọng có thể thấy được là sự hợp tác cộng lực chỉ có thể thực hiện khi các bạn và tôi không muốn là cái gì cả. Khi các bạn và tôi muốn là một cái gì thì lúc ấy tín ngưỡng và tất cả những thứ đại loại như vậy sẽ trở nên cần thiết, một thế giới không tưởng tự bày đặt bỗng thành cần thiết. Nhưng nếu các bạn và tôi cứ sáng tạo một cách vô danh, không để bất cứ sự tự đánh lừa nào lung lạc, không còn bất cứ hàng rào tín ngưỡng và kiến thức nào ngăn trở, không có lòng ao ước muốn được an ninh, bảo đảm; thì lúc ấy mới có được sự hợp tác cộng lực thực sự.

Chúng ta có thể nào cộng lực hợp tác, có thể nào sống chung với nhau mà không cần một cứu cánh trước mặt? Các bạn và tôi có thể nào làm việc chung nhau mà không cần tìm kiếm kết quả? Cố nhiên đây mới là sự cộng lực hợp tác chân chính, phải thế không? Nếu các bạn và tôi suy nghĩ chín chắn, thi hành kỹ lưỡng, đặt kế hoạch đàng hoàng về một kết quả nào đó và chúng ta làm việc chung nhau để đạt tới kết quả ấy, vậy tiến trình ấy có liên quan với cái gì?

Hiển nhiên, tư tưởng chúng ta, trí óc thuần túy của chúng ta gặp gỡ nhau; nhưng đứng về phương diện tình cảm, toàn thể hiện thể có thể chống chế lại, do đó chỉ gây ra sự lường gạt, đem lại xung đột giữa các bạn và tôi. Đó là một sự kiện hiển nhiên và có thể quan sát được trong đời sống thường nhật của chúng ta. Các bạn và tôi cùng đồng ý về một công việc làm nào đó trên mặt thuần lý nhưng trong vô thức sâu thẳm các bạn và tôi có thể đối chọi tương tranh với nhau. Tôi muốn một kết quả cho được thỏa mãn lòng tôi; tôi muốn thống trị làm chủ; tôi muốn tên tôi đặt trước tên anh, mặc dù tôi được coi như là người làm việc chung với các bạn. Thế là cả hai bên, những người đã tạo tác kế hoạch, thực ra đang chống đối nhau, dù bề ngoài các bạn và tôi có vẻ như đồng ý nhau về kế hoạch chung kia.

Phải chăng điều quan trọng là tìm xem các bạn và tôi có thể nào cùng nhau cộng lực hợp tác, giao cảm nhau; sống chung nhau trong một thế giới mà các bạn và tôi đều không là gì cả; tìm xem chúng ta thực sự có thể cộng lực hợp tác nhau chẳng những ở mức độ nông cạn hời hợt mà tận nơi căn rễ nền tảng?

Đó là một trong những vấn đề lớn của chúng ta, có lẽ vấn đề lớn nhất. Tôi tự đồng hóa với một đối tượng và các bạn tự đồng hóa các bạn cũng một đối tượng ấy; cả hai bên đều chú tâm vào đối tượng; cả hai đều có ý thể hiện đối tượng ấy. Cố nhiên tiến trình tư duy rất là nông cạn hời hợt, bởi vì do tinh thần đồng hóa, chúng ta đã gây ra sự phân ly, chia rẽ; điều này quá hiển nhiên trong đời sống thường nhật của chúng ta.

Các bạn là một người theo Ấn Độ giáo và tôi theo Cơ Đốc giáo; cả hai bên đều thuyết giảng tình huynh đệ, thế mà đôi bên lại chực chờ sẵn sàng cấu xé nhau. Tại sao? Đó là một trong những vấn đề của chúng ta, phải thế không? Trong vô thức sâu thẳm, các bạn có tín ngưỡng các bạn và tôi có tín ngưỡng của tôi. Khi nói về tình huynh đệ, chúng ta chẳng giải quyết được trọn vẹn vấn đề tín ngưỡng mà chỉ đồng ý trên lý thuyết, trên bình diện trí thức rằng sự việc phải như thế; trong thâm tâm sâu thẳm, chúng ta chống đối nhau, thù nghịch nhau. 

Chỉ khi nào chúng ta giải tán những hàng rào ngăn trở của sự tự lường gạt bản thân, động lực của sinh hoạt, chỉ khi đó mới có thể thực hiện được sự hợp lực cộng tác giữa các bạn và tôi. Còn tinh thần đồng hóa với một đoàn thể, với một ý tưởng đặc thù nào đó, với một quốc gia nào đó, không thể nào đưa chúng ta đến sự cộng tác chân thành được.

Tín ngưỡng không thể nào đem đến sự hợp lực cộng tác; trái lại, tín ngưỡng chỉ gây chia rẽ. Chúng ta đã thấy đảng phái chính trị này chống đối lại đảng chính trị kia, mỗi bên đặt tín ngưỡng vào một đường lối đối xử những vấn đề kinh tế riêng biệt, do đó, không có bên nào thuận theo bên nào, họ tương tranh giao chiến với nhau. Chẳng hạn, họ không chú tâm giải quyết nạn đói kém. Họ lại bận tâm với những lý thuyết sắp được đem ra để giải quyết vấn đề đói kém.

Họ không thực sự bận tâm với chính vấn đề mà chỉ bận rộn với phương pháp để giải quyết vấn đề. Do đó, nhất định xảy ra sự tranh luận giữa hai bên, bởi vì họ bận tâm với ý tưởng, chứ không phải với chính vấn đề. Cũng y như thế, những kẻ có tín ngưỡng đã chống đối lẫn nhau, dù ngôn ngữ lời ăn tiếng nói có giọng như đoàn kết, có giọng đồng điệu về cuộc nhân sinh nhất thể, về một Thượng đế; các bạn chắc đã quen thuộc với tất cả giọng điệu này. Trong thâm tâm, chính những tín ngưỡng, những định kiến, tín điều, những kinh nghiệm của họ đã tàn phá họ và chia rẽ họ.

Kinh nghiệm trở thành một yếu tố phân hóa chia rẽ trong tôn giáo con người; kinh nghiệm chỉ là một đường lối lường gạt. Nếu tôi đã thí nghiệm một điều gì đó, tôi đeo bám vào điều ấy, tôi không chịu đi sâu vào trọn vẹn tiến trình thí nghiệm; trái lại, vì cho là mình đã có kinh nghiệm, như thế quá đủ rồi, cho nên tôi đeo bám bấu víu vào kinh nghiệm ấy; do đó, vì kinh nghiệm, tôi đã tạo ra sự lường gạt bản thân.

Nỗi khó khăn không thể giải quyết là mỗi người chúng ta đều tự đồng hóa với một tín ngưỡng đặc thù nào đó, một hình thức đặc biệt, hoặc một phương pháp nào khả dĩ mang đến hạnh phúc, sự điều chỉnh kinh tế, thành ra tâm trí chúng ta đã bị vướng kẹt mắc míu vào đó và chúng ta không thể nào đi sâu hơn nữa vào bên trong vấn đề; đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta chỉ muốn đứng một mình, cách biệt, kiêu hãnh, trong những lối sống riêng lẻ, những tín ngưỡng và kinh nghiệm đặc thù của mình.

Chỉ khi nào chúng ta giải tan được những thứ này, nhờ sự cảm thông, tìm hiểu, giao cảm trong tận đáy sâu thẳm của tâm thức, chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài; chỉ khi nào có sự thâm cảm như thế thì hòa bình mới được vãn hồi ở thế giới này. Do đó, hiểu được trọn vẹn vấn đề này là một điều rất quan trọng cho những kẻ nào thực sự đứng đắn nghiêm nghị, hiểu được lòng khát khao thành tựu, sở đắc, thâu đạt cứu cánh; hiểu được tất cả tâm thái này trong tận cùng sâu thẳm, tận cùng căn rễ của vấn đề, không phải chỉ phơn phớt ở bên ngoài thôi; chỉ hiểu như vậy thì hòa bình mới có thể thực hiện giữa lòng đời này.

Chân lý không phải là điều sở đắc được, là điều có thể thâu đạt, chiếm hữu được. Tình yêu không thể xuất hiện trong lòng những kẻ nào muốn ghì lấy, đeo níu, bám víu vào nó, hay những kẻ nào muốn đồng hóa với nó. Hiển nhiên chân lý và tình yêu chỉ xuất hiện khi nào tâm trí không đi tìm kiếm nữa, khi nào trí óc im lặng hoàn toàn, không còn tạo ra những động tác, những tín ngưỡng mà trí óc có thể nương tựa được, hay nhờ đó mà trí óc lấy được sức mạnh, đó chỉ là dấu hiệu của sự tự đánh lừa.

Chỉ khi nào tâm trí hiểu được trọn vẹn tiến trình tham dục thì tâm trí mới có thể im lặng được. Chỉ khi ấy tâm trí không còn vướng trong sự vận hành của hiện thể hoặc phi hiện thể; chỉ lúc ấy mới có thể xuất hiện một trạng thái mà không còn bất cứ hình thức lường gạt nào tác động được nữa.