Chương 13: Dục vọng

Đối với phần đông chúng ta dục vọng là cả một vấn đề: tham vọng về tài sản, về địa vị, về quyền thế, về tiện nghi vật chất, về sự bất tử linh hồn, về sự liên tục tâm tư, tham vọng được yêu thương chiều chuộng, được với tới một cái gì trường tồn vĩnh cửu bất di bất dịch, một cái gì luôn luôn làm mình thỏa mãn lâu dài, một cái gì vĩnh cửu và vượt ra ngoài thời gian.

Vậy thì dục vọng là gì? Tham dục là cái gì mà nó bức bách xao động chúng ta như thế?

Tôi không đề nghị rằng chúng ta phải thỏa mãn với những gì chúng ta đang có hay với những gì chúng ta đang thể hiện trong bản thể, nếu đề nghị như thế thì chỉ là nói lên sự đối nghịch về những gì chúng ta muốn có được. Chúng ta đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của tham dục và nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu nó một cách dọ dẫm, một cách lưỡng lự thì tôi nghĩ rằng chúng ta dễ mang đến một sự hóa thân toàn triệt, sự chuyển hóa này không phải là chỉ thay đổi đối tượng tham dục này qua đối tượng tham dục khác.

Sự thay đổi đối tượng như thế, người ta thường gọi là sự ‘chuyển hóa’, phải thế không? Khi bất mãn với một đối tượng tham dục nào đó, chúng ta lại ‘chuyển hóa’ đối tượng ấy bằng cách thay thế nó, đổi tìm một đối tượng khác. Chúng ta cứ mãi mãi chạy từ đối tượng tham dục này đến đối tượng tham dục khác mà chúng ta nghĩ rằng nó cao hơn, sang hơn và tế nhị hơn đối tượng cũ; nhưng thực ra dù có tế nhị gì đi nữa, tham dục lại cũng chỉ là tham dục, và trong sự vận hành của tham dục thì bao nhiêu là cơn quằn quại nội tâm liên miên xuất hiện, bao nhiêu là những khuynh hướng đối nghịch xung đột với nhau.

Nếu thế thì phải chăng chúng ta cần phải tìm hiểu tham dục là gì và tìm hiểu xem rằng chúng ta có thể nào chuyển hóa tham dục được không? Tham dục là gì? Phải chăng tham dục là biểu tượng và cảm giác hướng tới đối tượng của chính nó? Có lòng tham dục nào mà lại chẳng phải là biểu tượng của cảm giác của biểu tượng? Có thể nào tham dục xuất hiện được nếu không có một biểu tượng và cảm giác mà biểu tượng ấy gây ra trong lòng ta? Hiển nhiên là không thể có được lòng tham dục nào như thế cả.

Biểu tượng thường có thể là một bức tranh, một hình ảnh, một người, một tiếng, một lời, một danh từ, một hình tượng, một ý tưởng hay bất cứ cái gì mang đến cho tôi một khoái cảm, một cảm giác nào đó, nó xui tôi cảm thấy thích nó hay ghét nó; nếu cảm giác có thể dễ chịu nhẹ nhàng thì tôi muốn được nó, có nó và ghì lấy biểu tượng ấy, rồi tiếp tục triền miên trong khoái cảm. Thỉnh thoảng, tùy theo những xung động khuynh hướng trong tâm tư, tôi thay đổi hình ảnh, hình tượng, đối tượng.

Khi nào tôi cảm thấy ứ đầy, chán chường, mệt mỏi với một hình thức khoái cảm này thì tôi tìm kiếm một cảm giác mới, một ý tưởng mới, một biểu tượng mới. Tôi vứt bỏ cảm giác cũ và theo cảm giác mới bằng những lời lẽ mới, những ý nghĩa mới, những kinh nghiệm mới. Tôi chống đối những cái cũ và lệ thuộc vào những cái mới mà tôi cho rằng những cái mới ấy thì cao hơn, sang hơn, thỏa mãn mình hơn. Như thế trong lòng tham dục chứa đựng sự chống đối và sự tuân theo lệ thuộc, sự lệ thuộc ấy khơi dậy sự cám dỗ gợi cảm; hiển nhiên khi tùy theo lệ thuộc vào bất cứ cái gì, vào một biểu tượng đặc biệt nào đó của lòng tham vọng thì nỗi lo sợ thất vọng bất như ý luôn luôn quấy động tâm thức mình.

Nếu tôi quan sát trọn vẹn tiến trình tham dục trong tâm thức mình tôi sẽ thấy rằng tâm thức tôi vẫn luôn luôn đi tìm một đối tượng để qui hướng về cho được gia tăng cảm giác thêm lên; trong tiến trình luân chuyển như vậy, chúng ta không thể nào tránh được sự chống đối, cám dỗ và chế phục tâm thức.

Tiến trình gồm có trực quan, cảm giác, sự tiếp xúc và dục tính; tâm trí trở thành dụng cụ máy móc của chính tiến trình ấy và trong sự luân chuyển của tiến trình ấy, những biểu tượng, những lời lẽ ngôn từ, những đối tượng trở thành trung tâm điểm, chung quanh trung tâm điểm ấy xoay tròn tất cả những tham vọng, tất cả những đeo đuổi chạy vạy săn tìm, tất cả cơn tham vọng cao xa; trung tâm điểm ấy chính là cái ‘tôi’.

Làm thế nào tôi có thể phá tan trung tâm điểm của lòng tham dục ấy, không phải chỉ là sự tham dục đặc biệt nào đó, sự đói khát thèm muốn đặc biệt nào đó, mà toàn thể cơ cấu của lòng tham dục của lòng ngưỡng vọng, hoài vọng. Tất cả những thứ ấy đã gây ra sự sợ hãi về sự mất mát bất đắc chí, làm thế nào có thể phá tan những thứ ham muốn ấy? Tôi càng bị thất vọng, bất đắc chí chừng nào tôi lại càng gia tăng cường độ cho bản ngã.

Khi nào còn hy vọng, hoài vọng, ngưỡng vọng thì vẫn còn sự sợ hãi nằm đàng sau tâm thức và chính sự sợ hãi ấy chỉ gia tăng cường lực cho trung tâm điểm của tiến trình tâm thức. Cuộc cách mạng tâm thức thật sự chỉ có thể là xảy ra ngay trung tâm điểm của ý thức, chứ không thể xảy ra trên mặt ngoài tâm thức, vì như vậy thì chỉ là sự thay đổi hời hợt dẫn đến hành động bất thiện, nghĩa là chỉ là một tiến trình giải trí tiêu khiển cho sự căng thẳng tâm thức mà thôi.

Khi tôi ý thức được toàn thể cơ cấu của lòng tham dục, tôi thấy được tâm thức tôi đã trở thành một trung tâm điểm bất động khô chết, một tiến trình máy móc của ký ức. Bởi vì chán chường mệt mỏi với sự tham dục nào đó, tôi đã tự động muốn lấp đầy bản thân bằng một tham dục khác. Tâm thức tôi luôn luôn thể nghiệm mọi sự bằng lăng kính của cảm giác, tâm thức tôi chính là dụng cụ của cảm giác. Vì chán ngấy một cảm giác đặc biệt nào đó, tôi tìm kiếm một cảm giác mới, cảm giác ấy có thể là một cảm giác gọi là cao siêu nào đó, chẳng hạn như sự thể hiện Thượng đế trong tâm thức, nhưng đó cũng chỉ là cảm giác thôi.

Khi tôi chán mứa thế gian trần lụy, chán ngấy những cơ cực thúc phược trần thế, lúc ấy tôi thèm khát thanh bình, một thứ thanh bình vĩnh cửu, thế rồi tôi tham thiền suy tưởng, kiểm soát, chế ngự, uốn nắn tâm thức để mà cam thực hiện sự thanh bình siêu thoát ấy. Sự thể hiện niềm thanh thản tâm hồn ấy rút lại cũng chỉ là cảm giác mà thôi.

Do đó, tâm trí tôi là dụng cụ máy móc của cảm giác, của ký ức, một tâm điểm tĩnh chết từ đó tôi hành động, suy tưởng. Những đối tượng tôi đeo đuổi chỉ là sự phóng đại bên ngoài của tâm trí, trở thành những biểu tượng phát xuất ra những cảm giác. Tiếng ‘Thượng đế’, tiếng ‘tình yêu’, tiếng ‘Cộng sản’, tiếng ‘dân chủ’, tiếng ‘chủ nghĩa quốc gia’ – những tiếng này đều là những biểu tượng mang đến những cảm giác cho tâm trí; các bạn và tôi đều biết rõ, tất cả mọi cảm giác đều chóng qua, vì thế chúng ta đi từ cảm giác này đến cảm giác khác; tất cả cảm giác đều tăng trưởng thói quen tìm kiếm cảm giác mới lạ.

Thế là tâm trí chỉ trở nên dụng cụ của cảm giác và ký ức; và chúng ta bị vướng kẹt trong tiến trình ấy. Khi nào mà tâm trí vẫn đi tìm kinh nghiệm mới lạ thì tâm trí vẫn chỉ có thể suy tư qua phạm trù của cảm giác; và đối với bất cứ kinh nghiệm nào, kinh nghiệm đột phát, sáng tạo, đầy sinh khí, hoàn toàn mới lạ hẳn, tâm trí liền biến giảm kinh nghiệm mới lạ này thành ra cảm giác và đeo đuổi cảm giác này, rồi cảm giác trở thành trí nhớ. Do đó, kinh nghiệm trở nên chết và tâm trí trở thành ao tù ứ đọng của quá khứ.

Nếu chúng ta đừng đi sâu vào vấn đề, chắc hẳn chúng ta đã quen thuộc với tiến trình này; và dường như chúng ta không thể nào vượt qua được. Chúng ta muốn vượt qua, bởi vì chúng ta đã chán chường mệt mỏi công việc đều đều mỗi ngày, ngày nào cũng giống như ngày nào, bao nhiêu sự việc lặp đi lặp lại muôn thuở; chúng ta chán ngấy việc chạy đuổi máy móc đi tìm cảm giác; vì thế, tâm trí mới phóng đại ra bên ngoài nào là ý tưởng về chân lý, về Thượng đế; tâm trí mơ mộng một sự thay đổi chủ yếu và tham dự một vai trò chủ động trong sự thay đổi ấy, vân vân và vân vân.

Thế là không bao giờ có được trạng thái sáng tạo. Tôi thấy tiến trình tham dục này tiếp diễn vận hành trong bản thân tôi, một tiến trình máy móc, lặp đi lặp lại, khuôn giữ tâm trí trong sinh hoạt thói quen hàng ngày và làm tâm trí trở thành một trung điểm tĩnh chết của quá khứ, không còn tính cách tự phát sáng tạo nữa. Rồi cũng có những khoảnh khắc sáng tạo đột phát, những khoảnh khắc không thuộc về tâm trí, không thuộc về ký ức, không thuộc về cảm giác hay tham dục.

Vậy, vấn đề chúng ta là hiểu sự tham dục – không phải chỉ hiểu giới hạn hoặc cứu cánh thôi mà phải hiểu trọn vẹn tiến trình của tham dục, những khao khát mãnh liệt, những ao ước, những thèm muốn đốt cháy. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng khi mình chỉ có ít vật sở hữu thôi là chứng tỏ mình đã thoát ly khỏi tham dục – thế là chúng ta sùng bái những kẻ chỉ có ít vật sở hữu! Một manh vải làm khố, một chiếc áo tu tượng trưng cho lòng ham muốn của chúng ta, ham muốn thoát khỏi lòng tham dục; nhưng đó lại cũng chỉ là một phản ứng quá thiển cận hời hợt.

Khi tâm trí các bạn còn bị què quặt, tràn đầy vô số ham muốn, vô số tham dục, tín ngưỡng chiến đấu, thì tại sao lại chỉ bắt đầu từ bỏ những vật sở hữu bề ngoài ở mức độ hời hợt thiển cận thôi? Cố nhiên cách mạng sẽ bắt đầu ngay nơi tâm trí què quặt kia, chứ không phải ở những hình thức bề ngoài, như những vật sở hữu hoặc cách ăn mặc hoặc mấy buổi ăn mỗi ngày. Nhưng chúng ta lại chỉ để ý chú trọng vào những hình thức bề ngoài, vì tâm trí chúng ta quá hời hợt thiển cận.

Vấn đề các bạn và vấn đề của tôi là tìm xem tâm trí có thể nào giải thoát khỏi lòng tham dục, giải thoát khỏi cảm giác. Hiển nhiên tinh thần sáng tạo không có liên quan gì với cảm giác, thực tại, Thượng đế, hay bất cứ danh hiệu nào khác, không phải là một trạng thái mà chúng ta có thể đạt tới, thể nghiệm như cảm giác. Khi các bạn trải qua một kinh nghiệm nào đó, thì cái gì xảy ra? Kinh nghiệm ấy ban cho các bạn một cảm giác nào đó, cảm xúc bồng bột phấn khởi hoặc cảm xúc chán nản, ngã lòng, phiền muộn.

Hiển nhiên, các bạn cố gắng trốn tránh xua đuổi cảm xúc chán nản phiền muộn, nhưng nếu cảm xúc ấy là một niềm vui bồng bột, các bạn lại đeo đuổi nó. Kinh nghiệm của các bạn đã tạo ra một cảm giác ấy; sự thèm muốn ‘nhiều hơn nữa’ này đã củng cố tăng trưởng tử điểm khoái lạc. Thế là tâm trí, tử điểm này luôn luôn thèm khát nhiều kinh nghiệm sự lạ, tâm trí hoàn toàn bất lực trong việc tri nghiệm điều mới lạ, vì tâm trí luôn luôn thể nghiệm mọi sự qua trí nhớ qua tri thức quen thuộc; và những gì được trí nhớ nhận ra thì không phải là chân lý, không phải là sáng tạo, không phải là thực tại. Tâm trí đại loại như thế không thể nào ứng nghiệm được thực tại; tâm trí ấy chỉ thể nghiệm cảm giác thôi, và sự sáng tạo không là cảm giác; sáng tạo một cái gì vĩnh viễn mới lạ trong từng giây phút một.

Vậy là tôi đã ý thức được thực trạng của chính tâm trí tôi; tôi thấy rằng nó là dụng cụ của cảm giác và tham dục, hay đúng hơn, tâm trí chính là cảm giác và tham dục, tâm trí vẫn luôn luôn bị vướng kẹt một cách máy móc, vướng kẹt trong sinh hoạt máy móc, buồn chán hàng ngày. Tâm trí đại loại như thế không thể nào đón nhận hoặc dò dẫm được sự mới lạ trong đời, vì sự mới lạ hiển nhiên là một cái gì vượt lên trên cảm giác, vì cảm giác vẫn luôn luôn là điều cũ, điều quen thuộc.

Thế thì tiến trình máy móc của tâm trí và những cảm giác của nó tất cả phải chấm dứt, phải vậy không? Lòng thèm muốn khao khát muốn có nhiều hơn nữa, sự đeo đuổi những biểu tượng, những tiếng, những lời, những hình ảnh, với những cảm giác do những thứ ấy tạo ra – tất cả điều này phải dứt tuyệt đi – chỉ có thế tâm trí mới mong thể nhập trạng thái sáng tạo, nơi trạng thái sáng tạo này sự mới lạ luôn luôn xuất hiện.

Nếu các bạn không còn bị thôi miên bởi những lời, những tiếng, những thói quen, những ý tưởng, và lại hiểu được, thấy được tính cách quan trọng của sự giao tiếp, gặp gỡ thường xuyên giữa tâm trí và điều mới lạ, lúc ấy có lẽ các bạn mới hiểu được tiến trình tham dục, sinh hoạt buồn tẻ hàng ngày, sự ngã lòng chán nản, lòng khao khát kinh nghiệm thường xuyên. Chỉ lúc ấy, tôi nghĩ rằng các bạn mới bắt đầu thấy rằng lòng tham dục chẳng có ý nghĩa gì đối với một người thực sự thao thức đi tìm lẽ sống.

Cố nhiên không thể nào bỏ qua một số nhu cầu vật chất như thức ăn, quần áo, nơi ở, và tất cả những sự việc quan yếu như vậy. Tuy nhiên không nên để những nhu cầu ấy trở thành những sự thèm khát tâm lý để cho tâm lý có dịp nhờ đó mà tự củng cố tư thế trở thành trung tâm điểm của lòng tham dục. Bên ngoài những nhu cầu vật chất bất cứ hình thức tham dục nào, như tham muốn sự vĩ đại kiêu kỳ, ham muốn chân lý, ham muốn đức hạnh, bất cứ hình thức ham muốn nào cũng trở thành một tiến trình tâm lý giúp cho tâm trí dễ tập trung ý tưởng về cái ‘tôi’ và dễ tự tăng trưởng trung tâm điểm vị ngã.

Khi các bạn thấy được tiến trình này, khi các bạn thực sự ý thức về nó mà không chống chế, không có cảm giác bị sức cám dỗ lôi cuốn, không cầm cự lại, không tìm cách biện minh hoặc tìm cách phê phán, xét nét nào, chính lúc ấy các bạn sẽ khám phá rằng tâm trí dễ đón nhận điều mới lạ và điều mới lạ không bao giờ là một cảm giác; do đó, mình không thể nào tri nhận thể nghiệm lại điều mới lạ như có thể thể nghiệm nhiều lần bất cứ kinh nghiệm tầm thường nào trên đời. Điều mới lạ là một trạng thái hiện thể mà sự sáng tạo hiện đến, không cần gọi mời, không cần trí nhớ; đó mới chính là thực tại.