Chương 10: Quên hết tất cả về nó đi


Câu hỏi thứ nhất:
Thưa Thầy kính yêu,
Thầy liên tục nói về vứt bỏ bản ngã, nhưng làm sao tôi có thể làm thế được khi tôi không thể phân biệt được giữa cái gì là bản ngã và cái gì là bản tính thực của tôi?
Anand Vedant, bản ngã không thể bị vứt bỏ. Nó giống như bóng tối - bạn không thể vứt bỏ bóng tối được, bạn chỉ có thể đem ánh sáng vào. Khoảnh khắc ánh sáng hiện hữu, bóng tối không còn nữa. Bạn có thể nói đây là cách vứt bỏ bóng tối, nhưng đừng coi nó đúng theo từng từ. Bóng tối không tồn tại chút nào - nó là thiếu vắng ánh sáng. Do đó bạn không thể làm cái gì trực tiếp với nó được. Bạn chỉ có thể làm cái gì đó với ánh sáng - hoặc đem đèn vào hoặc đem đèn ra.
Nếu bạn muốn bóng tối, tắt đèn đi; nếu bạn không muốn bóng tối, bật đèn lên. Bản ngã không thể bị vứt bỏ.
Thiền có thể được học. Thiền vận hành như sánh sáng, thiền là ánh sáng.
Trở thành ánh sáng đi, và bạn sẽ không tìm thấy bản ngã ở đâu cả.
Nếu bạn muốn vứt bỏ nó bạn sẽ bị rắc rối, bởi vì ai là người này, người muốn vứt bỏ nó? Đó lại là bản thân bản ngã - bây giờ đang chơi trò chơi mới, trò chơi có tên tâm linh, tôn giáo, nhận ra cái ta. Ai đang hỏi câu hỏi này? Nó chính là bản thân bản ngã, đang lừa bạn. Và khi bản ngã hỏi làm sao bản ngã có thể bị vứt bỏ, một cách tự nhiên bạn nghĩ, "Điều này không thể là bản ngã được. Làm sao bản ngã có thể hỏi về tự tử của riêng nó?" Đó là cách bản ngã cứ lừa dối bạn.
Tự tính của bạn không có câu hỏi, nó không cần câu trả lời. Tự tính của bạn tuyệt đối là ánh sáng, đầy ánh sáng. Nó không biết tới bóng tối, nó chưa bao giờ gặp bất kì bóng tối nào.
Bồ đề đạt ma tới Trung Quốc. Ông ấy là một trong những chư phật vĩ đại nhất của mọi thời đại. Sau Phật Gautam, Bồ đề đạt ma dường như là người quí giá nhất trong dòng truyền thừa Phật giáo. Khi ông ấy tới Trung Quốc, danh tiếng của ông ấy đã lan xa trước ông ấy rồi. Ngay cả Vũ đế người cai quản toàn Trung Quốc cũng tới đón ông ấy ở biên giới. Và cuộc đối thoại diễn ra giữa hai người này có tầm quan trọng mênh mông. Nó phải được thiền đi thiền lại. Nó có thông điệp vô cùng cho tất cả các bạn.
Vũ đế không chỉ là một hoàng đế lớn, ông ấy còn rất tôn giáo nữa, và ông ấy đã làm nhiều điều cho thông điệp của Phật Gautam. Thực tế không người nào khác ngoài hoàng đế Ashoka đã làm nhiều thế cho Phật giáo như Vũ đế đã làm. Ông ấy đã biến đổi toàn thể Trung Quốc thành thế giới Phật giáo. Ông ấy đã làm hàng nghìn đền chùa cho Phật, ông ấy đã làm hàng trăm tu viện - hàng triệu sư Phật giáo được ngân khố hoàng gia trợ giúp. Ông ấy đã dịch kinh sách Phật giáo sang tiếng Trung Quốc. Hàng nghìn học giả đã làm việc nhiều năm, gần như cả đời họ. Ông ấy đã làm việc vĩ đại. Một cách tự nhiên, ông ấy muốn biết từ Bồ đề đạt ma, "Công lao của ta là gì?"
Điều đầu tiên ông ấy hỏi Bồ đề đạt ma là, "Ta đã làm nhiều thế, công lao của ta là gì? Ta sẽ được gì? Đức hạnh nào?" 
Bồ đề đạt ma nhìn ông ấy một cách rất nghiêm khắc. Nếu bạn đã từng thấy tranh về Bồ đề đạt ma bạn sẽ phân vân. Ông ấy trông như sư tử hơn như con người - rất dữ tợn; mắt ông ấy xuyên thấu, như lưỡi kiếm. Ông ấy phải đã gọt Vũ xuống cho vừa đúng kích cỡ của ông này chỉ bằng cái nhìn của ông ấy.
Vũ bắt đầu run, ông ta chưa bao giờ tới đối diện một người như vậy. Ông ta đã chinh phục nhiều kẻ thù, ông ta đã chinh phục nhiều quân vương nguy hiểm, nhưng Bồ đề đạt ma là con người nguy hiểm nhất mà ông ta đã bắt gặp. Đó là một sáng mát mẻ, nhưng ông ta bắt đầu vã mồ hôi.
Và Bồ đề đạt ma nói, "Công trạng sao? Đức hạnh sao? Ông ngu thì có! Bây giờ đây là bản ngã và không cái gì khác đang kiếm chất nuôi dưỡng và chất béo nhân danh tôn giáo và tâm linh. Ông nhất định xuống địa ngục thứ bẩy, tâm niệm vào!"
Vũ không thể nào tin được vào tai mình, không thể nào tin được vào mắt mình. Ông ấy nói, "Nhưng cả nghìn sư khác tới từ Ấn Độ và họ tất cả đều nói, 'Tâu Vũ hoàng đế, bệ hạ đã làm việc phục vụ lớn lao cho tôn giáo của Phật. Bệ hạ là người yêu của Phật, bệ hạ được Phật ban phúc.' Nhưng ông đang nói chính điều đối lập!"
Bồ đề đạt ma nói, "Quên tất cả những sư đó đi! Họ đang chống đỡ cho ông, họ đang ca ngợi ông bởi vì họ biết rằng đó là điều ông mong đợi từ họ. Họ là những người tinh ranh và xảo trá. Họ không biết gì về Phật và thông điệp của ông ấy. Bản thân ta là phật, ta không phải là sư Phật giáo. Ta nói theo thẩm quyền riêng của ta, và ta nói với ông: Ông báng bổ vừa vừa chứ!"
Vũ đế hỏi, "Ông muốn nói không có gì linh thiêng, không có gì tâm linh trong tất cả những hành động đẹp này sao?"
Bồ đề đạt ma nói, "Không hành động nào là linh thiêng cả, bởi vì mọi hành động đều nảy sinh từ bản ngã. Khi ông quên tất cả mọi hành động, khi ông biến mất và mọi sự bắt đầu xảy ra theo cách riêng của nó và ông không thể nhận rằng chúng là hành động của ông, chỉ thế thì cái gì đó có giá trị mênh mông, có cái đẹp mênh mông mới thấm vào cuộc sống của ông.
"Tâm linh không có liên quan gì với việc làm, tâm linh là hương thơm của hiện hữu, và ông còn chưa là sự hiện hữu. Ông vẫn quan tâm rằng ông phải làm cái này, ông phải làm cái nọ.
"Bản ngã là người làm, bản tính của ông là người không làm. Tự tính của ông đơn giản cho phép sự tồn tại tuôn chảy qua nó, nó đơn giản cho phép luật tối thượng vận hành qua nó. Tự tính của ông chỉ là cây trúc hổng. Trong bàn tay của tự nhiên tối thượng nó trở thành cây sáo và bài ca hay được sinh ra từ nó. Nhưng sáo không thể nói, 'Đây là bài ca của ta. Công trạng của ta là gì? Ta sẽ thu được gì từ nó? Ta sẽ đạt tới cõi trời nào, niềm vui nào?' Cây sáo trúc chỉ là cái không. Toàn thể bản thể của nó bao gồm cái không. Đó là lí do tại sao bài ca có thể tuôn chảy qua nó, nó hoàn toàn trống rỗng."
Bị choáng - nhưng ông ta có thể thấy ra vấn đề - Vũ nói, "Ông là người đầu tiên không bị ấn tượng bởi quyền năng vĩ đại, tiền bạc và vương quốc của a. Ông là người đầu tiên ta cảm thấy rằng cái gì đó là có thể được. Làm sao ta có thể vứt bỏ được bản ngã này? Đúng, ta có thể hiểu được vấn đề của ông nêu. Thứ nhất, ta đã đòi vương quốc lớn, bây giờ ta đòi cái gì đó của cõi bên kia. Nhưng việc đòi hỏi này là một và người đòi hỏi là một. Ta có thể thấy vấn đề của ông nêu. Ta cúi đầu trước ông. Ta biết ơn rằng ông đã không lễ phép với ta, rằng ông đã đánh mạnh vào ta. Ông đã làm ta tổn thương nhưng ta cám ơn. Làm sao ta có thể vứt bỏ bản ngã này?" 
Và Bồ đề đạt ma hỏi, "Ông muốn vứt bỏ bản ngã nào? Ông lại muốn làm cái gì đó. Nếu ông vứt bỏ nó, thế thì bản ngã sẽ vẫn còn dai dẳng. Đây là trò chơi tinh vi của bản ngã: nếu ông vứt bỏ nó, bản ngã bắt đầu tới từ cửa sau. Nó bắt đầu nói, 'Trông đây! Tôi đã vứt bỏ bản ngã rồi. Trông xem tôi khiêm tốn làm sao. Không có ai khiêm tốn hơn tôi. Tôi là người khiêm tốn nhất trên thế giới - chỉ là bụi dưới chân ông thôi.'
Nhưng nhìn vào trong mắt, nhìn vào trong tim người đang đòi rằng mình là người khiêm tốn nhất đó đi - đó là cùng bản ngã đấy. Đó không phải là vô ngã. Vô ngã không thể nhận khiêm tốn được. Vô ngã không thể nhận vô ngã được. Vô ngã không thể nhận mọi thứ, nó đơn giản rơi vào im lặng. Nó thậm chí không thể nói, 'Tôi không có, tôi là không ai cả' - bởi vì 'tôi' có thể tồn tại trong bất kì lời nhận nào."
Hoàng đế hỏi, "Thế thì giúp ta đi bởi vì ta không thể thoát ra khỏi bản ngã này được."
Bồ đề đạt ma nói, "Sáng sớm mai lại đây, vào ba giờ sáng. Tới một mình thôi, không mang ai theo ông cả. Và đừng lo nghĩ - ta sẽ chấm dứt nó một lần và cho xong mãi mãi."
Cả đêm hoàng đế không thể ngủ được. "Ông ta ngụ ý gì? - cái ông sư điên này. Ông ta sẽ chấm dứt nó một lần cho xong mãi mãi sao? Và người này trông nguy hiểm thế... và ba giờ sáng không phải là thời gian để gặp người như vậy. Ông ta có thể làm bất kì cái gì, ông ta không thể nào dự đoán được. Và ông ta đã yêu cầu rằng ta phải tới một mình."
Nhiều lần nhà vua quyết định không đi, nhưng sức lôi kéo lại lớn, con người này có cái gì đó như lực từ hút tới. Ông ta phải đi. Vào ba giờ sang ông ta thấy mình đã sẵn sàng. Ông ta đi. Bồ đề đạt ma đang đợi bên ngoài kinh thành trong một ngôi chùa nhỏ. Trời vẫn còn tối, và Bồ đề đạt ma chờ đợi... với cây thiền trượng trong tay.
Và ông ấy nói, "Vậy là ông đã tới! mặc dầu ông đã ngần ngại nhiều. Ông đã quyết định nhiều lần không tới. Ông không thể ngủ được cả đêm, ông cũng không cho phép ta ngủ - bởi vì ta phải cứ lôi kéo ông. Nhưng bây giờ ông đã tới mọi sự có thể được giải quyết vĩnh viễn. Ngồi trước ta đây, nhắm mắt lại, đi vào trong, và tìm xem bản ngã ở đâu! Và đừng rơi vào giấc ngủ bởi vì ta đang ngồi trước ông với cây thiền trượng. Ta sẽ đánh vào đầu ông ngay lập tức nếu ông đi vào giấc ngủ! Tỉnh táo đi bởi vì khi ta đánh ta đánh thực mạnh đấy. Và tìm ra xem... Nếu ông có thể tìm thấy bản ngã, chỉ nó cho ta rằng đây là bản ngã và ta sẽ chấm dứt nó. Đầu tiên ông phải tìm ra nó, nơi nó đang đó."
Hoàng đế tuân theo logic này. Ông ấy nhắm mắt lại. Không thể nào rơi vào giấc ngủ được. Bồ đề đạt ma đang ngồi đó. Ngay cả với mắt nhắm ông ta vẫn có thể thấy Bồ đề đạt ma đang ngồi đó, và thỉnh thoảng Bồ đề đạt ma đánh cây thiền trượng lên đất chỉ để ông ta biết rằng "Ta đang đây. Ông cứ tìm đi."
Hai giờ trôi qua, ba giờ trôi qua. Vũ nhìn và nhìn mãi. Lần đầu tiên ông ta nhìn vào bên trong. Thực tế nếu bạn nhìn vào bên trong và bạn có thể vẫn còn tỉnh táo, chỉ trong bốn mươi tám phút thôi... Đó là giới hạn. Bản ngã có thể cứ lảng tránh bạn chỉ trong bốn mươi tám phút, không nhiều hơn thế. Điều này đã từng là kinh nghiệm của mọi chư phật trong nhiều thời đại. Bây giờ, đừng hỏi tại sao bốn mươi tám phút, bởi vì điều đó là không thể trả lời được. Nó cũng giống như nước ở một trăm độ thì bay hơi, không ai hỏi tại sao. Tại sao không chín mươi chín độ? Sao không một trăm linh một độ? Không có câu hỏi về nó, nó đơn giản vậy, luật của tự nhiên. Tại một trăm độ nước bay hơi. Đích xác như thế, nếu bạn có thể vẫn còn tỉnh táo và quan sát liên tục không vẩn vơ, trong bốn mươi tám phút, toàn thể bản thể bên trong của bạn trở nên yên tĩnh tế, im lặng thế, an bình thế, tỉnh táo thế. Lần đầu tiên có sáng tỏ, sáng tỏ trong suốt. Bạn có thể thấy mọi thứ đang đó. 
Và Vũ nhìn và nhìn và nhìn mãi và không thể tìm thấy được bản ngã nào - bởi vì bản ngã không thể được tìm thấy. Nó là hư cấu, nó chỉ là ý tưởng của bạn, nó không có thực chất trong nó. Nó thậm chí không phải là cái bóng, nói gì tới bản chất? Nó tồn tại chỉ bởi vì bạn chưa nhìn vào trong. Nhìn vào trong, ánh sáng của bạn được khám phá ra - điều bao giờ cũng có đó, bạn chỉ phải có cái nhìn vào trong và thấy nó. Ông ta đã tìm bản ngã nhưng ông ta thấy ánh sáng, bởi vì bản ngã không có đó và ánh sáng có đó. Ông ta đã đi tìm bản ngã nhưng ông ta đã thấy ánh sáng. Và một khi ánh sáng được tìm thấy thì không có bóng tối.
Ba giờ trôi qua và thế rồi mặt trời lên, và khuôn mặt của Vũ được biến đổi. Ông ta có cái đẹp mới, sự duyên dáng mới. Bồ đề đạt ma cười và ông ấy nói, "Bây giờ, mở mắt ra đi. Ông đã không thể nào tìm được nó... cho nên ta đã chấm dứt nó mãi mãi rồi."
Vũ mở mắt ra, chạm chân Bồ đề đạt ma và nói, "Thưa thầy, thầy đã không làm điều gì vậy mà thầy đã chấm dứt nó." Đó là phép màu của thầy; thầy chưa bao giờ làm một điều gì, và vậy mà phép màu tối thượng xảy ra trong sự hiện diện của thầy. Sự hiện diện của thầy là phép màu, sự hiện diện của thầy có phẩm chất phép thần.
Anand Vedant, bạn không cần vứt bỏ bản ngã. Nhìn vào trong, tìm xem nó ở đâu - đầu tiên tìm nó đã. Đừng lo nghĩ về tự tính ngay bây giờ. Đi vào trong, tìm bản ngã, và bạn sẽ không tìm thấy nó; thay vì thế bạn sẽ thấy tự tính của mình, chói sáng, toả hương thơm như hoa sen. Người ta chưa bao giờ bắt gặp cái đẹp như vậy ở bất kì đâu khác. Nó là kinh nghiệm đẹp nhất của cuộc sống. Và một khi bạn đã thấy bông sen ánh sáng riêng của mình, việc nở hoa sen riêng của mình, bản ngã bị chấm dứt mãi mãi. Thế thì bạn sẽ không hỏi những câu hỏi vô nghĩa thế.
"Làm sao phân biệt," bạn nói, "giữa cái gì là bản ngã và cái gì là bản tính đúng của tôi?"
Hoặc bản ngã có đó, thế thì bản tính đúng không được biết tới; hoặc bản tính đúng được biết, thế thì không bản ngã nào còn lại. Bạn không thể có cả hai, do đó bạn không thể làm bất kì phân biệt nào; bạn không thể phân biệt được chúng, chúng không thể cả hai cùng hiện diện. Chỉ một thứ có thể hiện diện.
Ngay bây giờ, bất kì cái gì bạn là cũng đều là bản ngã, cho nên đừng lo nghĩ về phân biệt. Nếu như không có bản ngã vấn đề sẽ không nảy sinh chút nào. Tự tính biết không có câu hỏi, tự tính là cực lạc, không là vấn đề.

Câu hỏi thứ hai:
Thưa Thầy kính yêu,
Xin thầy nói cho tôi sự khác biệt là gì giữa buông xuôi theo thầy và đi theo thầy?
Edward Kiefer, có khác biệt lớn đấy. Chúng là các cực rời nhau. Buông xuôi theo thầy là cái gì đó của trái tim, nó là chuyện tình, nó không phải là thuyết phục của trí tuệ. Không phải là bạn được thuyết phục về mặt trí tuệ rằng điều thầy nói là đúng. Nó không phải là triết lí. Điều thầy nói có thể là ngớ ngẩn - thực tế, nó nhất định phải ngớ ngẩn, bởi vì thầy nói từ một loại tầm nhìn hoàn toàn khác, từ đỉnh nơi các cái đối lập gặp nhau, nơi sự tổng hợp tối thượng đã xảy ra, nơi sống và chết là một, nơi đàn ông và đàn bà là một, nơi tiêu cực và tích cực là một. Do đó bất kì điều gì thầy nói cũng nhất định là ngược đời. 
Buông xuôi theo thầy nghĩa là bạn đã cảm thấy ân huệ của thầy. Đó không phải là vấn đề về thông thái của thầy. Thầy có thể không thông thái chút nào. Jesus không phải là người thông thái. Mohammed thậm chí không có khả năng đọc hay viết, ông ấy thậm chí không có khả năng kí tên riêng của mình. Nhưng hàng nghìn người rơi vào tình yêu sâu sắc với người này. Ông ấy không có nhạy bén logic nào. Nếu bạn đi vào trong Koran bạn sẽ không tìm thấy triết lí lớn nào - những phát biểu đơn giản mà có thể bị bắt bẻ rất dễ dàng. Nhưng người này phải có cái gì đó khác toàn bộ. Nhiều người thế bị hấp dẫn tới ông ấy. Bây giờ bạn không thể thấy được lực hấp dẫn này; nó là năng lượng, nó là lực, vô hình. Nó là giao cảm, từ tim sang tim. Sự hiện diện của thầy tràn ngập bạn, thế thì buông xuôi xảy ra.
Đó không phải là cái gì đó bạn làm. Bạn không thể làm việc buông xuôi được, nhớ lấy. Buông xuôi được làm không phải là buông xuôi chút nào, bởi vì bạn có thể rút lại. Bất kì ngày nào bạn cũng có thể nói, "Tôi rút lại việc buông xuôi của mình." Buông xuôi là cái gì đó xảy ra. Đôi khi nó xảy ra thậm chí mặc bạn, bạn không hề muốn nó xảy ra, bạn cưỡng lại nó. Mọi người chống lại tới cùng; khi sự việc trở thành không thể nào chống lại được, chỉ thế thì họ mới buông xuôi, bởi vì buông xuôi đi ngược lại bản ngã, nó làm tan tành bản ngã của bạn. Chính ý tưởng về buông xuôi theo ai đó là chống lại toàn thể dạy dỗ của bạn, toàn thể giáo dục của bạn, toàn thể tâm lí của bạn. Bạn được nuôi dưỡng với ý tưởng về có bản ngã mạnh.
Buông xuôi nghĩa là bạn đang vứt bỏ toàn thể dạy dỗ của mình, bạn đang gạt sang bên tất cả tri thức của mình, bạn đang bỏ qua tâm trí mình, bạn đang cho phép trái tim nói "Có!" - cái có toàn bộ. Nó là điều xảy ra, không phải là việc làm. Nó hệt như rơi vào tình yêu.
Cái gì là khác biệt giữa rơi vào tình yêu và hôn nhân, hôn nhân được thu xếp? Đích xác đó là khác biệt giữa buông xuôi theo thầy và đi theo thầy. Buông xuôi theo thầy giống như rơi vào tình yêu. Lực này là không thể chống lại được. Bạn hành xử như người điên. Thầy điên, bây giờ bạn trở nên điên. Thầy giống như ngọn lửa, và bạn đang đi tới ngọn lửa như bướm đêm, tới cái chết riêng của mình.
Đi theo thầy là hiện tượng an toàn, giống như hôn nhân được thu xếp. Bạn đang đi vào mảnh đất an toàn. Bạn nghĩ về mọi thứ - về gia đình của người đàn bà hay người đàn ông, về tình trạng kinh tế của họ, về danh giá xã hội của họ, về mọi thứ ngoại trừ tình yêu. Đó là hiện tượng có tính toán. Không có rủi ro trong nó. Và không nhận bất kì may rủi nào bạn cứ tới nhà chiêm tinh để cho ông ta có thể tiên đoán về tương lai, về những điều sẽ xảy ra trong tương lai: "Tôi sẽ được an toàn chứ?"
Bạn làm mọi thứ thành an toàn trước khi bạn lấy cú nhảy. Nó không phải là nhảy, nó là một bước có tính toán. Và đó là điều đi theo thầy là gì. Nó là trí tuệ, nó là của tâm trí, nó là của cái đầu. Bạn đang cố hiểu một cách trí tuệ, logic điều thầy nói. Điều đó có hấp dẫn bạn không?
Và bạn là ai và bạn biết gì? Và làm sao bạn cứ phán xét liệu thầy là đúng hay sai? - tương ứng với định kiến của bạn, tương ứng với ước định của bạn? Người Ki tô giáo bắt gặp Jesus có thể bị ấn tượng, nhưng người Do Thái thì không, bởi vì ước định của họ khác. 
Tôi đã nghe nói về hai người hippies:
Họ đói và không có tiền, và vào sáng chủ nhật họ đi qua một nhà thờ thì một ý tưởng nảy ra trong họ. Cả hai đều râu tóc dài, quần áo rách mướp tả tơi - họ trông đích xác như Jesus và tín đồ của ông ấy trông vậy.
Người này nói với người kia, "Chúng ta nên tìm một cây thập tự; chúng ta nên tới nghĩa địa và lấy một cây thập tự từ nấm mồ nào đó. Anh mang cây thập tự, anh trông giống Jesus hơn, còn tôi đi trước anh tuyên bố rằng Chúa đã tới. Để xem, có thể cái gì đó là có thể."
Thế là họ đi vào trong nhà thờ. Đó là nhà thờ Tin lành. Người thứ nhất đi vào và kêu to lên, "Tỉnh dậy đi! Chú ý! Chúa đã trở lại! Ngài đã hoàn thành lời hứa của mình."
Mọi người nhìn và rồi kẻ hippie thứ hai đi vào với cây thập tự. Vài người đàn bà khiếp hãi, vài người già quì xuống dưới chân anh ta. Và mọi người bắt đầu cho tiền. Khi họ đi ra họ thu được năm mươi đô la. Họ rất sướng.
Tuần đó trôi qua thật là tuyệt - cần sa và đủ mọi thứ. Họ tận hưởng nó một cách tâm linh nhất có thể được.
Tuần tiếp họ đi vào nhà thờ Cơ đốc giáo. Thậm chí nhiều điều nữa trở thành có thể. Người Cơ đốc giáo phát rồ! Họ không thể tin được vào mắt mình. Mọi người kêu gào khóc lóc và run rẩy và cầu "Lạy Chúa!" Họ thu được một trăm năm mươi đô la. Tuần đó họ thực sự ở đỉnh cao...
Tuần thứ ba, chỉ để đùa, họ nghĩ sao không thử vào giáo đường Do Thái? Thế là họ đi vào giáo đường. Họ tuyên bố, "Chú ý! Chúa đã quay lại như ngài đã hứa!"
Viên giáo sĩ già chỉnh lại kính, nhìn ra, và rồi bảo người phụ tá, "Ông đi và đem búa và đinh lại đây - dường như là thằng cha đó đã quay lại."
Bạn cư xử theo ước định của mình.
Nếu Mahavira đột nhiên xuất hiện trên đường M.G., chỉ người Jaina thôi - và điều đó nữa cũng chỉ người Digambara Jaina - mới nhận ra ông ấy. Người Svetambara Jainas, giáo phái khác của người Jaina, sẽ không nhận ra ông ấy bởi vì họ không tin rằng ông ấy đã sống trần. Ông ấy đã sống trong quần áo trắng - tất nhiên những quần áo đó đều vô hình. Cho nên họ sẽ hỏi, "Quần áo vô hình đâu rồi?" Và người Hindu và người Mô ha mét giáo và người Ki tô giáo sẽ đơn giản chạy tới báo đồn cảnh sát, bởi vì người trần truồng đang đứng trên Đường M.G. - ông ta dường như là một người mến mộ Osho!
Bạn sẽ phán xét thế nào? Theo định kiến của bạn thôi. Khi bạn trở nên bị thuyết phục rằng con người này đang nói điều đúng, điều đó đơn giản nghĩa là người đó đang nói điều bạn nghĩ là đúng. Nhưng nếu bạn đã biết cái gì là đúng, không cần bận tâm về người này.
Đi theo là vô dụng, nó là không cần thiết. Bạn đơn giản thu thập sự ủng hộ cho niềm tin riêng của bạn. Điều đó sẽ không ích gì, nó sẽ không làm thay đổi bạn. Chỉ buông xuôi mới biến đổi. Bất kì cái gì xảy ra qua trái tim đều có thể mang tới cuộc cách mạng triệt để trong bản thể bạn. Cái đầu là bất lực - tránh cái đầu ra.
Thưa ngài, xin tránh cái đầu ra! Nghe theo trái tim và đi theo trái tim, thế thì buông xuôi xảy ra theo cách riêng của nó.

Câu hỏi thứ ba:
Thưa Thầy kính yêu, Hiểu lầm là gì?
Sahajananda, hiểu lầm xảy ra chỉ cho người thông thái, nó không bao giờ xảy ra cho người hồn nhiên. Nó không bao giờ xảy ra cho những người biết rằng họ không biết gì; chỉ với những người đó hiểu biết mới xảy ra. Nhưng với những người nghĩ họ đã biết rồi, chính tri thức của họ là rối loạn, sao lãng. Chính tri thức tạo ra hiểu lầm.
Nếu bạn đã mang cái gì đó trong tâm trí mình, và thế rồi bạn nghe tôi, chỉ có hai khả năng: hoặc là bạn thấy tôi tán thành bạn hoặc bạn thấy tôi không tán thành bạn. Nếu bạn thấy tôi tán thành bạn, bạn phải đã hiểu lầm, bởi vì tôi không thể tán thành bạn được. Điều đó là không thể được, tôi có thể tán thành bạn chỉ nếu bạn cũng có thể được thức tỉnh, nếu bạn cũng ở trong cùng không gian, chỉ thế thôi. Cho nên bạn phải đã bóp méo lời, bỏ đi vài lời, thêm vào vài lời, cho chúng nghĩa mới - nghĩa của bạn, tô mầu chúng, giết chết chúng theo triết lí của bạn, cách sống của bạn, hay bất kì cái gì bạn gọi nó. Đó là một loại điều chỉnh. Và thế rồi bạn có thể rất sung sướng rằng tôi tán thành bạn.
Tôi không thể tán thành bạn được. Điều đó là không thể được. Tán thành là có thể chỉ nếu chúng ta cả hai đều ở cùng không gian, bằng không thì không được. Trong lẫn lộn của bạn, trong sáng tỏ của tôi, không có khả năng nào cho tán thành cả. Cho nên đó là loại hiểu lầm đầu tiên, còn nguy hiểm hơn nhiều loại hiểu lầm thứ hai.
Loại hiểu lầm thứ hai là: tôi nói điều này và bạn lập tức nhảy lên chống lại nó bởi vì bạn đã tới với cách tiếp cận phủ định. Hiểu lầm thứ nhất tới từ người đã tới với cách tiếp cận khẳng định. Thông thường, mọi người nghĩ rằng nếu bạn tới với cách tiếp cận khẳng định bạn không thể hiểu lầm được. Cách tiếp cận khẳng định được đánh giá cao rất nhiều trên toàn thế giới. Tất nhiên, các tu sĩ, những người lãnh đạo của bạn đều ca ngợi cách tiếp cận khẳng định của bạn bởi vì bạn tán thành với họ. Tôi không thể ca ngợi nó được bởi tán thành của bạn chẳng có nghĩa gì với tôi.
Cách tiếp cận phủ định của bạn nghĩa là bất đồng, nhưng cả hai đều là hiểu lầm. Nếu bạn đã đi tới với một tâm trí tiêu cực - rằng bạn chống lại tôi, rằng người này là sai - bạn phải đã thu thập nó từ ý kiến công chúng, từ báo chí, từ tạp chí. Và nếu bạn đã đi tới với thái độ phủ định, thế thì bất kì cái gì tôi nói bạn sẽ tìm ra cái gì đó sai với nó. Bạn bị uốn theo việc tìm cái gì đó sai với nó. Đó là một loại hiểu lầm khác.
Với tôi, cả hai đều là hiểu lầm. Và loại thứ nhất là nguy hiểm hơn, bởi vì loại hiểu lầm thứ hai sẽ không làm hại gì. Bạn sẽ đi với bàn tay trống rỗng, có vậy thôi; bạn đã không mất cái gì cả. Nhưng hiểu lầm thứ nhất có thể là nguy hiểm. Bạn sẽ đi với ý tưởng rằng tôi tán thành với bạn. Bạn sẽ trở nên bản ngã hơn, tưởng rằng ý tưởng của bạn là đúng, và điều đó là nguy hiểm hơn. Nếu bạn nghĩ ý tưởng của tôi là sai, không có vấn đề gì, bạn vẫn còn như cũ. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng ý tưởng của bạn là đúng bởi vì chúng tán thành với tôi và tôi đang tán thành bạn, thế thì bạn sẽ đi với bản ngã được làm mạnh hơn.
Cách tiếp cận khẳng định nguy hiểm hơn nhiều so với cách tiếp cận phủ định. 
Người tìm kiếm thực tới mà không có tâm trí khẳng định không tâm trí phủ định. Người đó tới chỉ với tâm trí cởi mở. Người đó tới một cách im lặng. Người đó không có ý tưởng trước thế này hay thế nọ.
Người đó đơn giản lắng nghe, người đó không can thiệp. Người đó không cứ liên tục phán xét. Người đó vẫn còn trong một loại buông bỏ - im lặng, cởi mở, mong manh. Vấn đề không phải là đồng ý hay bất đồng. Bạn đơn giản lắng nghe! Điều người này phải nói, bạn đơn giản lắng nghe nó. Và bạn không liên tục bình luận bên trong bản thân mình rằng "Vâng, cái này đúng, cái kia sai. Cái này cùng ý với Gita còn cái này không cùng ý với Gita. Nếu nó không cùng ý với Gita làm sao người này có thể đúng được? Gita nhất định phải đúng."
Và bạn biết gì về Gita? Mọi điều bạn biết về Gita là ý tưởng của bạn về Gita. Bạn không thể hiểu được Krishna. Để hiểu Krishna bạn phải là một krishna, để hiểu Phật bạn phải là vị phật - không có cách khác. Và khi bạn là vị phật, sao bạn phải bận tâm hiểu Phật? Khi bạn là một krishna, cần gì hiểu Krishna? Bạn biết bản thân mình.
Người tìm kiếm thực lắng nghe với tâm trí trống rỗng, trống rỗng hoàn toàn. Người đó lắng nghe một cách toàn bộ, không có đánh giá, không có phán xét. Thế thì không có khả năng nào cho hiểu lầm. Và phép màu của hiểu đúng là ở chỗ, nếu bạn lắng nghe một cách im lặng, bất kì điều gì là đúng đều lập tức đánh đúng sâu vào tình cảm của bạn ở đâu đó, một nhịp điệu. Sâu bên dưới ở đâu đó trong trái tim bạn sự đồng bộ xảy ra. Đó là phép màu của chân lí. Nếu tâm trí im lặng và nếu chân lí được nói ra, trái tim bạn lập tức bắt đầu đập cùng nó, bắt đầu nhảy múa cùng nó. Và đó là tán thành đúng, không phải tán thành của cái đầu, không phải tán thành của bản ngã, mà cái gì đó mang tính tồn tại, cái gì đó mang tính toàn bộ. Thế thì bạn đã hiểu. Và nếu cái gì đó không đúng, trái tim bạn vẫn còn lạnh lùng.
Cho nên không cần bận tâm liệu nó là đúng hay sai. Nếu nó đúng nó chạm tới cái gì đó ở sâu trong bạn tới mức bạn thậm chí không nhận biết chiều sâu như vậy tồn tại. Và nếu nó không đúng, chẳng cái gì chuyển động trong bạn. Cho nên toàn thể bản thể trở nên mang tính quyết định, không chỉ cái đầu bạn - cái chỉ là một mảnh mẩu. Đừng bao giờ cho phép mảnh mẩu quyết định cho cái toàn thể; để cái toàn thể quyết định.
Một người đánh cá cuồng tín kể cho anh bạn thân về giấc mơ lớn của mình: "Tớ mơ tớ ở trên hồ một mình trong chiếc thuyền với Elizabeth Taylor."
Bạn thân của anh ta nói, "Úi giời - làm sao cậu làm ra được điều đó?"
Anh ta nói, "Tốt - tớ bắt được con cá bơn mười pounds!"
Bạn biết người đánh cá, bạn biết người điên về bắt cá - ai bận tâm về Elizabeth Taylor? Điều đó là bên ngoài vấn đề. Người đó bắt được con cá bơn mười pound.
Anh ta thực sự là người say mê golf. Anh ta vừa mới đặt phát bóng vào lỗ thứ nhất thì một cô gái đẹp chạy tới anh ta trong bộ quần áo đám cưới lộng lẫy.
Người chơi golf vẫy tay ra hiệu cho cô ấy đi ra và nói, "Sylvia, anh bảo em - chỉ nếu trời mưa thôi!"
Hai người say đang lái xe qua cây cầu và một người nói, "Khi anh tới cuối cầu, rẽ trái nhé."
Người kia chảy nước dãi, "Anh bảo tôi về cái gì? 
Anh đang lái chứ'!"
Trong trạng thái ngủ của bạn, trong trạng thái say của bạn, có tán thành nào? bất đồng nào? hiểu biết nào? hiểu lầm nào? Nó tất cả như nhau.
Ở đây, lắng nghe tôi, trở nên ngày một im lặng và tỉnh táo hơn đi. Quên hết về tán thành và bất đồng đi. Tôi không quan tâm tới việc cải tâm bạn, tôi không phải là nhà truyền giáo. Tôi không quan tâm tới việc tạo ra việc đi theo - không chút nào. Tôi chắc chắn quan tâm tới việc chia sẻ vui vẻ của tôi với bạn, chắc chắn quan tâm tới việc chia sẻ chân lí của tôi với bạn. Nhưng đó là chuyện hoàn toàn khác.
Dave và Mabel mới cưới nhau và trên đường từ nhà tới trang trại. Con ngựa già của họ đi ngày một chậm hơn, và mặc dầu nỗ lực của Dave, ngay trước khi trời chạng vạng tối con ngựa lăn đùng ra chết! Không có gì làm ngoài việc dựng trại nghỉ đêm dưới cái cây gần đó.
Đôi mới cưới ôm ấp nhau dưới cái chăn, và Dave quay sang Mabel, nói, "Này, ấy đi, yêu ấy?"
"Ấy cái gì, anh?" Mabel đáp.
"Ồ, đừng bận tâm," Dave nói.
Một lúc sau, Dave nói, "này... à, ừ, ấy đi?" Mabel đáp, "Ấy cái gì, anh?"
Dave hỏi, "Ồ, mẹ em không nói với em về hôn nhân là gì sao?"
Mabel đáp, "Em không biết anh ngụ ý gì, anh!"
Dave nói, "Này - à - ừ - à - em là đàn bà, và anh là đàn ông, và em thấy đấy - này - đàn ông có cái này - và nó cho cuộc sống."
"Này, lạy Trời, Dave," Mabel nói, "ra mà cắm vào con ngựa và để chúng ta lại đi được!"

Câu hỏi thứ tư:
Thưa Thầy kính yêu,
Trong linh ảnh tiên tri của thầy, thầy nghĩ tương lai của khoa học sẽ là gì?
Raju Bharathi, tôi không có linh ảnh tiên tri. Tôi không phải là nhà tiên tri - tôi không phải là kiểu cổ đó chút nào. Bạn nghĩ tôi tới từ kinh Cựu ước sao?
Tôi là con người thế kỉ hai mươi và vẫn sống động đầy đủ, và tôi không bận tâm chút nào về tương lai; tôi cũng không chăm lo tới quá khứ. Toàn thể mối quan tâm của tôi là hiện tại, bởi vì chỉ hiện tại tồn tại. Quá khứ không còn nữa, tương lai còn chưa có. Cả hai đều không tồn tại. Những nhà tiên tri kia phải đã điên, những người quan tâm tới tương lai. Họ bao giờ cũng nói về tương lai.
Có hai kiểu người điên duy nhất trên thế giới: vài người bao giờ cũng nói về quá khứ, và vài người bao giờ cũng nói về tương lai. Những người nói về quá khứ là các nhà lịch sử, nhà khảo cổ, vân vân. Còn những người nói về tương lai là các nhà tiên tri, những người có tầm nhìn xa, các nhà thơ. Tôi không phải là loại người đó.
Toàn thể mối quan tâm của tôi là khoảng khắc này... bây giờ... ở đây. 
Cho nên vứt bỏ ý tưởng đó đi, Raju. Raju là nhà khoa học, và một cách tự nhiên anh ấy quan tâm tới tương lai của khoa học. Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng một điều tôi có thể nói, và nó chẳng liên quan gì tới tương lai thực sự. Nó đang xảy ra ngay bây giờ. Bởi vì mọi người mù họ không thể thấy được nó. Tôi có thể thấy được nó. Nó đã trở thành thực tại.
Điều vĩ đại nhất đang xảy ra - điều sẽ được hiểu chỉ về sau - là gặp gỡ của khoa học và tôn giáo, là gặp gỡ của Đông và Tây, là gặp gỡ của duy vật và tâm linh, là gặp gỡ của cái bên ngoài và cái bên trong, là gặp gỡ của hướng ngoại và hướng nội. Nhưng điều đó đang xảy ra ngay bây giờ. Nó sẽ tăng lên trong tương lai, nhưng mối quan tâm của tôi là hiện tại. Và tôi cực kì hạnh phúc là cái gì đó có tầm quan trọng lớn lao đang trên đường rồi.
Hạt mầm đã đâm chồi. Bạn quan tâm nhiều với quá khứ hay với tương lai tới mức bạn không thể thấy được cái chồi nhỏ đang mọc lên ngay bây giờ. Ở đây, dưới mắt bạn... sự gặp gỡ của các cái đối lập - các cái đối lập đang biến thành những phần bù.
Một mình khoa học chỉ là một nửa và không thể là sự hoàn thành cho con người. Nó có thể cho bạn thân thể tốt hơn, nó có thể cho bạn sức khoẻ tốt hơn, cuộc sống dài hơn. Nó có thể cho bạn nhiều tiện nghi, nhiều xa hoa hơn. Tôi không chống lại tất cả những cái này. Tôi không phải là người khổ hạnh, tôi không là cái thứ ngu xuẩn đó chút nào. Nhưng nó chỉ có thể cho bạn những thứ của thế giới bên ngoài - cái là đẹp trong bản thân chúng.
Tôi muốn mọi người sống trong tiện nghi hơn, trong xa hoa hơn, trong sức khoẻ tốt hơn, được nuôi dưỡng tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, được giáo dục tốt hơn. Nhưng điều đó không phải là tất cả - đó chỉ là chu vi của cuộc sống, không phải trung tâm.
Tôn giáo cung cấp trung tâm. Nó cho bạn linh hồn. Không có linh hồn, khoa học là cái xác - có thể là cái xác đẹp. Bạn có thể tô vẽ cái xác, bạn có thể tắm rửa cái xác và mặc áo quần đẹp cho nó, nhưng cái xác là cái xác! Và, nhớ lấy, cùng điều đó là trường hợp cho tôn giáo. Một mình tôn giáo không đủ chút nào. Một mình tôn giáo làm cho bạn thành ma, có thể là ma linh thiêng, nhưng nó làm bạn thành ma.
Bạn có thể thấy điều này xảy ra ở Ấn Độ. Toàn thể đất nước đã trở thành ma linh thiêng - thân thể đã biến mất, sức khoẻ thể chất đã biến mất, giàu có vật chất đã biến mất. Và khi không có thân thể để hỗ trợ linh hồn, bạn đơn giản nói điều vô nghĩa. Bạn có thể cứ nói về Brahman - thực tại tối thượng - nhưng với cái dạ dầy đói nó không có tác dụng. Nó có thể chỉ là lối thoát khỏi thực tại.
Nếu bản thân tôn giáo không phải là thực tại, nó trở thành lối thoát khỏi thực tại. Nếu tôn giáo mà không đủ duy vật nó trở thành lối thoát, nó trở thành thế giới mơ, vùng đất Disneyland. Đó là điều đã xảy ra ở phương Đông: chúng ta nói quá nhiều về tâm linh và quên mất về thực tại bao quanh chúng ta. Chúng ta trở nên hướng nội, quan tâm quá nhiều về bản thân mình. Chúng ta quên mất tất cả về những cái đẹp của cây cối và núi non và mặt trời và mặt trăng và các vì sao. Nhân loại ở phương Đông trở thành xấu. Nó có trung tâm nhưng không có chu vi. Mọi thứ đã co lại vào trung tâm.
Phương Tây có chu vi nhưng không có trung tâm. Mọi người có mọi thứ, nhưng cái gì đó bản chất bị thiếu. 
Khoa học và tôn giáo đang trở thành một. Chúng đang trở thành một. Tôi không nói chúng sẽ trở thành một, chúng đã trở thành một. Tất cả các nhà khoa học vĩ đại nhất - Eddington, Planck, Einstein - những người có tầm cỡ cao nhất trong thế giới khoa học, đã trở nên nhận biết rằng một mình khoa học là không đủ. Có cái gì đó còn huyền bí hơn nhiều mà không thể được hiểu thấu chỉ qua phương pháp luận và phương tiện khoa học, cái gì đó cần cách tiếp cận khác, cần nhận biết mang tính thiền hơn.
Eddington nói trong cuốn tự tiểu sử của mình, "Khi tôi bắt đầu nghề nghiệp của mình như một nhà khoa học tôi thường nghĩ rằng thế giới bao gồm các vật, nhưng khi tôi già đi tôi trở nên ngày một nhận biết hơn rằng thế giới không chỉ bao gồm các vật mà còn cả ý nghĩ."
Thực tại gần với ý nghĩ nhiều hơn với vật. Thực tại còn bí ẩn hơn nhiều so với điều bạn có thể cân, đong, đo đếm, hơn bạn có thể thực nghiệm được. Thực tại không chỉ có tính khách quan mà cũng còn tính chủ quan. Thực tại không chỉ là nội dung mà cũng còn là tâm thức. Và những người tôn giáo vĩ đại nhất, như J. Krishnamurti, nhận biết rằng tôn giáo không thể tồn tại thêm nữa được như nó đã từng tồn tại cho tới giờ. Cái gì đó của thay đổi triệt để được cần tới.
Cách tiếp cận riêng của tôi là ở chỗ chúng ta phải tạo ra Phật Zorba.
Hôm nay, chỉ bởi trùng hợp ngẫu nhiên, là ngày sinh của Phật, cũng là ngày chứng ngộ của ông ấy, và cũng là ngày chết của ông ấy. Ông ấy được sinh ra vào ngày này, ông ấy trở nên chứng ngộ vào ngày này, ông ấy chết vào ngày này. Trăng tròn hôm nay thuộc về ông ấy. Chính điều trùng hợp kì lạ là chuỗi dài các bài nói của Phật - một trăm hai mươi sáu bài tất cả... khi tôi bắt đầu tôi không có ý tưởng nào rằng nó sẽ chấm dứt hôm nay.
Mới đêm hôm nọ Laxmi bảo tôi, "Mai là ngày Phật Purnima" - ngày trăng tròn của Phật.
Để ngày hôm nay cũng là ngày sinh của vị phật mới. Vị phật mới này sẽ là tổng hợp của Zorba người Hi Lạp và Phật Gautama. Ông ấy không thể chỉ là Zorba, và ông ấy không thể chỉ là Phật.
Và đó là toàn thể nỗ lực của tôi ở đây, Raju này, để tạo ra cây cầu giữa Zorba và Phật - để tạo ra cây cầu, cầu vàng, hay cầu cầu vồng, giữa đất này, bờ này, và bờ xa thẳm kia, cõi bên kia. Nó đang xảy ra ở đây! Bạn có thể không thấy nó đang xảy ra theo bất kì cách nào khác...
Chúng ta có đủ loại nhà khoa học ở đây. Bây giờ, bản thân Raju đã trở thành một sannyasin. Anh ấy có thông minh khoa học lớn lao. Anh ấy còn trẻ, nhưng có thông minh vô cùng. Anh ấy là một trong những nhà khoa học đưa con người đầu tiên lên mặt trăng - anh ấy thuộc vào dự án đó. Có nhiều nhà khoa học khác thế ở đây. Có nhà thơ và nhạc sĩ, hoạ sĩ - đủ mọi loại người, và họ tất cả gắn với nhau trong một nỗ lực lớn lao: thiền. Chỉ có một điểm gặp gỡ ở đây và đó là thiền. Chỉ một điểm họ cần gặp gỡ; bằng không họ tất cả đều có tính cá nhân riêng của mình. Từ gặp gỡ này việc bùng nổ vô cùng là có thể. Nó đã xảy ra rồi. Những người có mắt có thể thấy nó đang xảy ra.
Đây có thể là chỗ duy nhất trên trái đất nơi tất cả các nước đều được đại diện. Chúng ta thiếu người Nga nhưng bây giờ tôi sung sướng nói rằng họ cũng có ở đây. Tất cả mọi giống nòi đều gặp gỡ ở đây, tất cả các tôn giáo đều gặp gỡ ở đây. Đây là vũ trụ thu nhỏ, thế giới nhỏ, và chúng ta tất cả đều gặp gỡ ở đây như những con người. Không ai là người Ki tô giáo, người Hindu hay người Mô ha mét giáo. Không ai biết ai là nhà khoa học, ai là nhạc sĩ, ai là hoạ sĩ, ai là diễn viên lừng danh. Không ai đã bao giờ nói... 
Mới hôm nọ tôi tình cờ bắt gặp một tin: một trong các sannyasin của chúng ta đã được giải thưởng lớn, nổi tiếng thế giới. Cô ấy đã ở đây, cô ấy đã ở đây trong nhiều tháng, nhưng cô ấy không bao giờ kể với ai rằng cô ấy là nữ diễn viên lớn. Và bây giờ cô ấy nổi tiếng thế giới; cô ấy bây giờ được coi là một trong những đối thủ nghiêm chỉnh nhất cho giải thưởng cao nhất. Nhưng cô ấy chưa bao giờ nói với bất kì ai về bất kì cái gì.
Có những nhạc sĩ tầm cỡ lớn, các nhà thơ, tác giả, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhà ảo thuật... đủ mọi loại người có ở đây. Và họ tất cả đều đã gặp gỡ trong hội nhập sâu sắc. Điểm gặp gỡ duy nhất của họ là thiền - và tình yêu của họ với thầy họ.
Một khoa học hoàn toàn mới nhất định sẽ tới. Nó sẽ là cả khoa học và tôn giáo, chỉ thế thì nó mới có thể là toàn bộ. Nó sẽ là khoa học cả của cái bên trong và cái bên ngoài. Thực tế, thời của tôn giáo qua rồi, chỉ khoa học sẽ có tác dụng, một từ sẽ có tác dụng. 'Khoa học' là từ hay; nó nghĩa là việc biết, trí huệ.
Khoa học nên được phân chia thành hai loại: khoa học khách quan - hoá học, vật lí, toán học, vân vân - và khoa học chủ quan. Thế thì không cần phân chia tôn giáo và khoa học. Và gặp gỡ của tôn giáo và khoa học trong một toàn thể sẽ tạo ra con người toàn thể trên trái đất lần đầu tiên. Bằng không, mãi cho tới giờ nhân loại đã từng bị tâm thần phân liệt, chia chẻ, không lành mạnh, bị phân chia.
Tôi ủng hộ tất cả cho con người toàn thể, bởi vì với tôi con người toàn thể là con người linh thiêng.

Câu hỏi thứ năm:
Thưa Thầy kính yêu,
Khác biệt giữa điên và chứng ngộ là gì?
Deva Sadyo, không nhiều đâu. Khác biệt duy nhất là ở chỗ người chứng ngộ biết rằng mình điên còn người điên không biết rằng người đó điên.

Câu hỏi thứ sáu:
Thưa Thầy kính yêu,
Nếu người Italy là "đàn bà," người Anh là "quí bà" và người Đức là "phụ nữ," thì mụ phù thuỷ Mĩ là gì? Thầy có thể nêu bình luận về họ được không?
Deva Samya, họ là người amazon.

Câu hỏi thứ bẩy:
Thưa Thầy kính yêu,
Ngày mai tôi về Pháp. Xin thầy kể cho tôi chuyện cười để làm cho người Pháp cười.

Toshen, một người Pháp kích động đi vào trong quán rượu nhỏ ở Paris và bảo người phục vụ đem lên cho mình ba ngụm rượu cô nhắc. Anh ta uống một ngụm lớn và hỏi thêm ngụm nữa.
Người phục vụ đem nó lên và hỏi, "Có chuyện gì thế, thưa ông? Vợ ông đã bắt được ông làm tình với cô hầu sao?"
"Không," anh ta thở dài. "Cô hầu bắt được tôi đang trên giường với vợ tôi!"

Câu hỏi thứ tám:
Thưa Thầy kính yêu,
Sao Phật bao giờ cũng nói: Là ánh sáng lên bản thân mình?
Paritosho, đơn giản thôi. Phật nói: Là ánh sáng lên bản thân mình, bởi vì bạn không thể tin cậy được vào điện Ấn Độ.
Thực tế, bạn chẳng thể tin cậy được cái gì làm ở Ấn Độ.
Khác biệt giữa máy tính Mĩ và máy tính Ấn Độ là gì?
Máy tính Mĩ có bộ nhớ; máy tính Ấn Độ có việc ghi nhớ mơ hồ.
Cần bao nhiêu người Polack để đổi bóng đèn?
Bốn - một người giữ bóng và ba người quay anh ta.
Cần bao nhiêu người Do Thái để đổi bóng đèn?
Ba - một người làm nó sáng và hai người giám sát.
Cần bao nhiêu người California để đổi bóng đèn?
Bốn - một người làm sáng nó và ba người chia sẻ kinh nghiệm.
Cần bao nhiêu người Italy để đổi bóng đèn?
Quãng mười sáu người - một người ra lệnh, một người giải quyết chuyện tiền nong, một người lấy bóng đèn, một người chỉ bảo người kéo xe nơi đi tới, một người dọn kính vỡ, một người phiên dịch, ba người mang thang, một người kiểm tra công tắc, một người xua ăn mày, bốn người tiếp đãi bạn khi bạn chờ hai hay ba phút, hai hay ba phút, hai hay ba phút... vân vân.
Và bao nhiêu người Ấn Độ cần để đổi bóng đèn?
Hai trăm người - một người giữ bóng đèn... và một trăm chín mươi chín người quay ngôi nhà!

Và câu hỏi cuối cùng:
Thưa Thầy kính yêu,
Trong kiếp trước thầy phải đã là người Italy rồi. Thầy có thể nói điều gì đó về kinh nghiệm đó không?

Satyen, tôi không phải là người California, cho nên tôi không thể chia sẻ kinh nghiệm này với bạn được. Nhưng tôi sẽ kể cho bạn vài chuyện cười....
"Tôi thấy khó mà tin được rằng cô giết ông già què đó vì năm mươi xu," chánh án giận dữ nói với kẻ õng ẹo người Italy.
Người Italy nhún vai. "Năm mươi xu đây, năm mươi xu kia - nó thêm cả vào chứ."
Martinelli bao giờ cũng đem cô vợ cực xấu của mình đi cùng khi anh ta đi kinh doanh.
Anh ta giải thích, "Đem cô ấy đi cùng dễ hơn là hôn tạm biệt cô ấy."
Maria phàn nàn với hàng xóm của mình, Donna Arminda, "Những cái đau này làm tôi phát điên. Mọi đêm nó đều cùng là một điều. Nếu tôi quay sang phải, cái đau tấn công vào gan; nếu tôi quay sang trái, nó tấn công vào tim. Đấy thực sự là địa ngục!"
"Nhưng sau chị không ngủ nằm sấp trên bụng?" cô hàng xóm hỏi.
"Trên bụng tôi á? Nếu tôi nằm sấp trên bụng tôi, Roberto tấn công tôi!"
Một người Italy bước đi trên phố cắp con lợn dưới nách.
"Con đó giá bao nhiêu đấy?" một người đi qua hỏi.
"Năm mươi xu," con lợn đáp.
"Tôi thấy ông không phải là quí ông," người đàn bà trên góc phố rít lên với người đàn ông đang cười khi gió thổi tung váy của cô ta trùm đầu.
"Không," anh ta đáp, "và tôi thấy-a cô không-a phải là quí ông-a."
Một người chồng Italy đau khổ lâu dài đem vợ mình đi chôn. Tình cờ khi đi qua cổng, chiếc quan tài bị va mạnh vào một trong các cột trụ. Gần như lập tức, trước sự sững sờ của những người đưa ma, một tiếng la nghèn nghẹt được mọi người nghe thấy. Nắp quan tài được vội vàng tháo ra, và trông kìa! người phụ nữ đó không chết chút nào. Bà ấy được đưa về nhà, và sống thêm ba năm nữa. Thế rồi bà ấy lại chết.
Tại đám tang, khi chiếc quan tài đang được hạ thấp xuống từ xe tang, người chồng nói với những người khênh quan tài một cách rất trang nghiêm: "Các anh, lưu ý cái cột trụ đó!"
Đủ cho hôm nay.
Kết thúc Quyển Con đường của Phật – Quay về Mục lục Toàn tập