(Dưới đây là một thời Pháp do Ngài AJAHN CHAH thuyết giảng cho một nhóm đệ tử người Tây Phương tại chùa Bung Wai, Thái Lan, trong mùa an cư kiết hạ năm 1977).
Một cội cây ăn trái trổ hoa đầy cành. Thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ nhàng thoáng qua, thổi bay rải rác xuống đất những tai hoa đang tung nở. Vài nụ còn trên cây, nở ra thành trái non. Ngọn gió khác thổi qua, cùng thế ấy làm một vài trái xanh rơi rụng. Trên cành vẫn còn những trái khác gần già hoặc đã già và những trái đã chín mùi, chờ ngày lìa cành.
Con người cũng cùng một thế ấy. Cũng như hoa và trái trước những cơn gió của đời sống con người cũng rơi rụng vào nhiều lứa tuổi khác nhau. Có trẻ con chết từ khi còn trong bụng mẹ. Những em bé khác lìa đời chỉ vài ngày sau khi được sanh ra. Những em khác nữa sống vài năm rồi ra đi. Cũng có những thanh thiếu niên, nam hay nữ, chết trong tuổi xuân xanh, và những vị khác, niên cao tuổi lớn, tuy đã già yếu mà vẫn còn thọ, nhưng rồi cũng sẽ cất bước lên đường.
Trong khi suy gẫm về kiếp nhân sinh, ta hãy nghĩ nhớ đến bản chất phù du của hoa và trái trước gió -- cả hai đều rất bấp bênh, bất ổn định, không có gì chắc chắn.
Bản chất bấp bênh không bền vững nầy cũng có thể được thấy trong đời sống ở các tự viện. Vài người đến chùa với ý định xuất gia, lắm khi họ đã xuống tóc. Rồi đổi ý ra về. Vài người khác đã xuất gia sa di, nhưng quyết định hoàn tục. Có người chỉ xuất gia trong ba tháng Hạ, rồi trở về với cuộc sống tại gia cư sĩ. Chỉ giống như hoa và trái trước gió -- rất bấp bênh, không có gì chắc chắn.
Tâm của ta cũng dường thế ấy. Một thọ cảm phát sanh, kéo tới đẩy lui cái tâm, rồi tâm rơi rụng -- giống như hoa và trái.
Ðức Phật thấu hiểu đặc tính bấp bênh của vạn hữu. Ngài quan sát hiện tượng hoa quả trước gió và suy gẫm về các vị tỳ khưu và sa di, đệ tử Ngài, và nhận thức rằng các vị nầy cốt yếu cũng cùng một bản chất bấp bênh, không chắc chắn. Làm thế nào khác hơn được? Ðó chỉ là con đường của tất cả mọi sự vật.
Như vậy, đối với vị hành giả luôn luôn cảnh giác, không cần phải có người khuyên nhủ và dạy dỗ dài dòng để có thể nhìn thấy và lãnh hội. Trường hợp Vua Chanokomun, tiền thân của Ðức Phật trong một kiếp sống quá khứ xa xưa, là một thí dụ. Ngài không cần học hỏi nhiều. Chỉ quan sát một cây xoài là tất cả những gì Ngài đã làm để có thể thấu hiểu sự vật.
Ngày kia, trong khi ngồi trên thớt tượng để cùng với một nhóm quần thần dạo chơi trong công viên, Vua thoáng nhìn thấy vài cây xoài có trái chín nặng trĩu trên cành.
Vào lúc ấy Vua không thể dừng lại kịp thời nên nghĩ thầm, để chuyến đi trở về sẽ dừng lại hái vài trái thưởng thức. Tuy nhiên, Vua không ngờ rằng các vị đại thần từ phía sau đi đến, nhìn thấy xoài ngon, xúm lại dùng cây, vừa thọc vừa quơ đập lung tung cho trái rụng. Ðập tới đập lui, không mấy lúc cây xoài gãy nhánh và rụng lá tơi bời, trở nên xơ xác, cằn cỗi trơ trọi.
Vào buổi chiều đi trở lại ngang qua vườn xoài, Vua còn đang tưởng tượng mùi vị ngon ngọt của những trái xoài chín cây thì hết sức ngạc nhiên chỉ còn thấy những cây xoài cành lá xơ rơ xác rác, không còn trái đâu nữa.
Vua lấy làm thất vọng và bất mãn. Rồi Vua nhìn sang phía bên kia thấy một cây khác bên cạnh, cành lá vẫn còn nguyên vẹn. Vua tìm hiểu tại sao, và sớm nhận thức rằng vì cây nầy không có trái. Nếu cây không có trái thì không ai khuấy nhiễu và do đó, không ai làm gãy cành rơi lá. Bài học nầy thấm sâu vào tâm tư của nhà vua trên đường ngự giá hồi cung: "Kiếp sống làm vua thật là khó khăn, phiền muộn và đầy bực dọc. Luôn luôn cần phải lo lắng cho tất cả thần dân. Lại còn biết bao phiền lụy hơn nữa nếu có mưu toan tấn công, cướp giựt, hay xâm chiếm phần nào của vương quốc?" Mãi suy tư Vua không thể an giấc. Dầu có ngủ đi nữa cũng chiêm bao mộng mị.
Hình ảnh cây xoài không trái với cành lá sum sê tươi tốt nguyên vẹn luôn luôn lảng vảng trong tâm. Rồi Vua suy tư: "Nếu chúng ta trở thành giống như cây xoài không trái nầy, cành và lá của chúng ta ắt cũng sẽ như vậy, không bị tổn hại".
Vua ngồi trong cung thất, trầm tư mặc tưởng. Cuối cùng lãnh hội và thấm nhuần bài học của cây xoài, Vua quyết định xuất gia, sống đời tu sĩ. Vua tự ví mình như cây xoài và nghĩ rằng nếu không dấn thân vương víu trong đường lối của thế gian ắt ta sẽ trở nên độc lập, tự do, không còn phải bận bịu lo âu, không còn phải đương đầu với những khó khăn phiền phức, và tâm trí sẽ không bị khuấy động. Suy tư như thế rồi Vua ra đi.
Kể từ lúc ấy, bất luận đến đâu, khi có ai hỏi thầy của Ngài là ai thì Ngài liền đáp, "là cây xoài". Ngài không cần phải thọ nhận giáo huấn dông dài. Chỉ một cây xoài đủ làm bừng tỉnh và đưa Ngài thẳng vào Opanayiko Dhamma, Giáo Pháp hướng trở vào nội tâm. Nhờ sự giác tỉnh nầy Vua trở thành một nhà sư, người có ít bận bịu lo âu, người sống tri túc, biết đủ với chút ít gì mà mình có, người biết thỏa thích trong cuộc sống ẩn dật, an tĩnh, đơn độc một mình. Ngài từ bỏ cuộc sống trên nhung lụa của đời vương giả và cuối cùng được thanh bình an lạc.
Trong câu chuyện, lúc bấy giờ Ðức Phật là một vị Bồ Tát đang nỗ lực liên tục tiến bước trên con đường hướng về Ðạo Quả Phật. Cũng như Ðức Phật vào thời làm Vua Chanokomum, chúng ta phải nhìn quanh và quan sát, bởi vì tất cả mọi sự vật trên thế gian đều sẵn sàng giáo huấn, cung ứng cho ta bài học.
Dầu chỉ với chút ít trí tuệ trực giác chúng ta sẽ có thể lãnh hội rõ ràng, xuyên qua đường lối của thế gian. Chúng ta sẽ thấu hiểu rằng mọi sự vật trên thế gian là một vị thầy. Cây cối và dây leo chẳng hạn, có thể hé mở cho ta thấy bản chất của thực tại. Với trí tuệ, không cần phải hỏi ai cả, không cần phải học với ai. Ta có thể học nơi thiên nhiên, đủ để giác ngộ, như trường hợp Vua Chanokomum, bởi vì tất cả mọi sự vật đều theo con đường của Chân Lý, không tách rời ra khỏi Chân Lý.
Tác phong tự tại và tự chế kết hợp với trí tuệ, và hai đức tính nầy -- tự tại và tự chế -- có thể khai triển tuệ minh sát, đưa ta tiến sâu vào vị trí thông suốt đường lối của Thiên Nhiên. Bằng cách ấy chúng ta sẽ thấu triệt chân lý cùng tột của vạn pháp là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã (Aniccà, Dukkha và Anattà). Thí dụ như cây. Tất cả những cây cối trên quả địa cầu đều như nhau, là "Một", khi ta nhìn xuyên qua thực tại "Vô Thường, Khổ, Vô Ngã". Trước tiên cây mọc lên, lớn, và già, trong lúc ấy không ngừng biến đổi, cho đến khi cằn cỗi và chết, như mỗi cây đều phải chết.
Cùng thế ấy, người và thú được sanh ra, trưởng thành và không ngừng biến chuyển trong suốt thời gian ấy cho đến khi qua đời. Những biến đổi khác nhau xảy diễn vô số lần trong khoảng thời gian chuyển tiếp từ sanh đến tử đã chỉ rõ Con Ðường của Giáo Pháp, tức nói lên đặc tính thiên nhiên của vạn pháp là vô thường, hư hoại và tan rã.
Nếu giác tỉnh và thông suốt, nếu nghiên cứu học hỏi với trí tuệ và chánh niệm, chúng ta sẽ thấy Giáo Pháp (Dhamma) là thực tại. Vậy chúng ta sẽ thấy con người luôn luôn được sanh ra, trưởng thành và cuối cùng chết. Mỗi người, và tất cả mọi người, đều phải trải qua vòng quanh sanh và tử. Vì lẽ ấy mỗi người trong vũ trụ là "Một" chúng sanh, tất cả đều in nhau. Như vậy, khi nhận thấy rõ ràng và tường tận một người thì cũng giống như ta thấy tất cả mọi người trên thế gian.
Cùng thế ấy, tất cả mọi sự vật là Giáo Pháp. Không phải chỉ những sự vật được thấy bằng mắt thịt mà chí đến những sự vật thấy trong tâm cũng vậy. Một ý nghĩ khởi sanh, rồi biến đổi vàtan biến. Ðó là Danh Pháp (Nàma-Dhamma), chỉ giản dị là một cảm thọ tâm linh khởi phát và trôi qua. Ðó là bản chất thật sự của tâm. Chung hợp lại, đó là Diệu Ðế của Giáo Pháp, hay Chân Lý thâm diệu cao siêu của Giáo Pháp. Nếu không nhìn và không quan sát bằng đường lối nầy ắt ta sẽ không thật sự thấy! Nếu thấy, ắt ta sẽ có trí tuệ để lắng nghe Giáo Pháp màÐức Thế Tôn đã ban truyền.
--Ðức Phật ở trong Giáo Pháp.
--Giáo Pháp ở đâu?
--Giáo Pháp ở trong Ðức Phật. Ngay tại đây, trong hiện tại.
--Tăng Già ở đâu?
--Tăng Già ở trong Giáo Pháp.
Phật, Pháp và Tăng hiện hữu trong tâm chúng ta, nhưng ta phải thấy rõ ràng. Vài người chỉ chụp lấy câu nói và mỗi khi có cơ hội, họ mạnh dạn lặp lại, "ồ, Phật, Pháp và Tăng hiện hữu trong tâm tôi." Nhưng pháp hành của họ không thích ứng, hoặc không thích nghi và do đó, không xứng đáng để có thể cung thỉnh Phật, Pháp, Tăng ngự vào trong tâm của họ. "Cái tâm" trước tiên phải là tâm thông hiểu Giáo Pháp.
Ðem mọi sự vật trở về điểm nầy của Giáo Pháp ta sẽ biết rằng Chân Lý thật sự có hiện hữu trên thế gian và như vậy, chúng ta có thể nương theo pháp hành để chứng ngộ.
Thí dụ "Danh Pháp" (Nàma-Dhamma) như những thọ cảm, những suy tư, tưởng tượng v.v... tất cả đều bất ổn định, không chắc chắn vững bền. Khi sân hận phát sanh, nó tăng trưởng và biến đổi, rồi cuối cùng tan biến. Hạnh phúc cũng vậy, phát khởi, tăng trưởng và biến chuyển, rồi cuối cùng tan biến. Tất cả đều trống rỗng. Nó không phải thật sự là "cái gì". Mãi mãi, đường lối của tất cả mọi sự vật -- cả tinh thần lẫn vật chất -- đều là như vậy. Bên trong chúng ta có thân và tâm. Bên ngoài có cây cối, các loại dây leo và các vật khác. Tất cả đều phơi bày rõ ràng định luật phổ thông về bản chất bấp bênh, không chắc chắn của toàn thể vạn pháp.
Dầu là một cội cây, một hòn núi hay một con vật, tất cả đều là Giáo Pháp, mọi sự vật là Giáo Pháp. Giáo Pháp ở đâu? Ở cùng khắp. Một cách giản dị, không có gì không phải là Giáo Pháp. Cái "không phải là Giáo Pháp" không hiện hữu. Giáo Pháp là Thiên Nhiên. Ðó là "Sacca Dhamma", Giáo Pháp của chân lý, Giáo Pháp đúng với chân lý. Nếu ta thấy Thiên Nhiên tức là ta thấy Giáo Pháp. Nếu thấy Giáo Pháp, tức thấy Thiên Nhiên. Khi thấy Thiên Nhiên ta thấu hiểu Giáo Pháp.
Và như vậy, học hỏi thật nhiều có lợi ích gì, khi mà chân lý cùng tột của đời sống, trong mỗi khoảnh khắc, trong mỗi hành động, chỉ là một vòng sanh và tử, lẩn quẩn loanh quanh vô cùng tận? Nếu ta giữ chánh niệm, ghi nhận và giác tỉnh trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, thì sự tự hay biết mình đã sẵn sàng để phát khởi. Ðó là thấu hiểu chân lý của Giáo Pháp, đã có hiện hữu nơi đây và trong hiện tại.
Trong hiện tại, Ðức Phật -- vị Phật thật sự -- vẫn còn sống, bởi vì Ngài chính là Giáo Pháp, "Sacca Dhamma". Và "Giáo Pháp của Chân Lý" mà giúp làm cho ta có thể thành Phật vẫn hiện hữu tồn tại. Giáo Pháp ấy không lẩn trốn nơi nào cả!
Giáo Pháp ấy làm khởi phát hai vị Phật: một trong thân, và vị Phật khác trong tâm.
"Giáo Pháp thật sự", Ðức Phật dạy Ngài Ànanda, "chỉ có thể chứng ngộ bằng pháp hành". Người thấy Giáo Pháp là thấy Phật. Người thấy Phật là thấy Giáo Pháp. Tại sao? -- Trước kia không có Phật. Chỉ sau khi Ðạo Sĩ Siddhattha Gotama chứng ngộ Giáo Pháp Ngài mới trở thành Phật. Nếu chúng ta giải thích như vậy thì Ngài cũng như ta. Nếu chứng ngộ Giáo Pháp ắt chúng ta cũng sẽ thành Phật, y như Ngài. Ðó là vị Phật trong tâm hay Danh Pháp (Nàma-Dhamma).
Phải giữ chánh niệm trong mỗi việc mà ta làm, bởi vì chính ta sẽ trở thành người thừa kế, lãnh trọn di sản của những nghiệp, thiện cũng như bất thiện, của mình. Hành thiện, gặt quả lành. Làm điều ác, gặt quả dữ. Không cần tìm ở đâu xa vời. Chỉ nhìn vào cuộc sống hằng ngày của ta cũng đủ thấu hiểu điều nầy. Ðạo Sĩ Siddartha Gotama đã giác tỉnh và chứng ngộ Chân Lý ấy. Và do nhờ vậy mà có một vị Phật xuất hiện trên thế gian. Cùng thế ấy, nếu mỗi người và tất cả mọi người thực hành và chứng đắc Chân Lý, chừng ấy họ cũng vậy, tất cả đều sẽ tự mình biến đổi và trở thành Phật.
Ðức Phật vẫn còn đây. Nghe vậy vài người sẽ lấy làm hoan hỷ nói rằng: "Nếu Ðức Phật vẫn hiện hữu thì tôi còn có thể thực hành Giáo Pháp!" Ðó là đường lối mà ta phải nhìn vào vấn đề.
Giáo Pháp mà Ðức Phật chứng ngộ là Giáo Pháp hiện hữu trên thế gian một cách thường xuyên, và ta có thể ví như nước mạch trong lòng đất, luôn luôn hiện hữu dưới đất. Người muốn đào giếng lấy nước phải đào sâu vào lòng đất, đủ sâu để gặp mạch nước. Nước mạch vẫn hiện hữu. Người kia không tạo nên, mà chỉ khám phá ra mạch. Cùng thế ấy, Ðức Phật không sáng tạo Giáo Pháp. Ngài cũng không đặt để hay ban hành Giáo Pháp. Ngài chỉ khám phá ra cái gì đã sẵn có. Do nhờ công phu quán niệm Ðức Phật đã thấy Giáo Pháp. Vì lẽ ấy ta nói rằng Ðức Phật giác ngộ, bởi vì giác ngộ là thông suốt, thấu triệt Giáo Pháp. Giáo Pháp là Chân Lý của thế gian. Vì Ngài thấy Giáo Pháp nên người ta tôn gọi Ngài là Phật. Và Giáo Pháp là cái gì làm cho những người khác cũng trở thành Phật, "Người Hiểu Biết", người thấu triệt Giáo Pháp.
Những ai có phẩm hạnh thanh cao và có niềm tin vững chắc nơi Phật-Pháp (Buddha-Dhamma) sẽ không bao giờ kém giới đức và từ bi. Với sự hiểu biết, ta sẽ thấy rằng thật sự ta không cách xa Ðức Phật. Chúng ta ngồi đây, trước mặt Ngài, đối diện với Ngài. Khi thấu triệt Giáo Pháp ta sẽ thấy Ðức Phật.
Nếu thực hành thật sự đầy đủ ta sẽ nghe được Phật- Pháp (Buddha-Dhamma), dầu ngồi dưới gốc cây, hoặc nằm, hay ở trong bất cứ oai nghi nào. Ðây không phải là điều gì mà ta chỉ nghĩ đến suông. Nó phát sanh trong một cái tâm trong sạch. Chỉ hồi nhớ suông những dòng chữ nầy ắt không đủ, bởi vì đây là vấn đề thấy Giáo Pháp, chỉ tùy thuộc nơi khả năng thấy Giáo Pháp chớ không phải bất luận gì khác. Vậy, ta phải quyết định gia công thực hành để có thể thấy, và đến chừng ấy pháp hành của ta mới viên mãn. Bất luận nơi nào mà ta ngồi, đứng, đi, hay nằm, chúng ta cũng sẽ nghe Giáo Pháp.
Ðể có thể thực hành những "Lời Dạy" của Ngài (Phật Pháp), Ðức Phật khuyên nên sống nơi thanh vắng và gia công luyện tập thu thúc lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Sáu căn là nền tảng của pháp hành, bởi vì đó là những nơi mà tất cả sự vật phát sanh, và sự vật chỉ khởi phát ở các nơi ấy. Ta thu thúc lục căn để có thể thấu rõ những nhân duyên phát sanh tại nơi nầy. Tất cả những gì thiện và bất thiện đều phát khởi xuyên qua sáu căn. Lục căn là những khả năng quan trọng nhất trong cơ thể. Mắt là yếu tố chánh trong sự thấy; tai là yếu tố chánh trong sự nghe; mũi, trong sự hửi; lưỡi, trong sự nếm; thân, trong sự xúc chạm, nóng, lạnh, cứng, mềm v.v.. , và ý là yếu tố chánh trong sự thọ cảm. Chúng ta phải củng cố xây dựng pháp hành của mình quanh quẩn sáu căn ấy.
Pháp hành nầy được dễ dàng vì Ðức Phật đã đặt để và ban truyền rành mạch tất cả những gì cần phải làm. Giống như Ðức Phật đã trồng cây xuống và mời chúng ta đến ăn trái. Phần chúng ta khỏi phải trồng cây. Dầu là những gì thuộc về Giới, Ðịnh hay Tuệ, không cần phải sáng tạo, đặt để, hay tranh luận dông dài. Tất cả những gì cần phải làm đều đã sẵn có trong Giáo Huấn của Ðức Bổn Sư.
Chúng ta vô cùng may mắn và có rất nhiều phước lành mới được nghe Lời Dạy của Ðức Phật. Cây ăn trái đã được trồng sẵn. Trái đã sẵn sàng chín mùi. Mọi sự vật đều được chuẩn bị, trọn vẹn và toàn hảo. Tất cả chỉ còn thiếu người đến hái trái và thưởng thức -- người có đủ niềm tin để thực hành! Ta phải nhận thức rằng phước báu và may mắn của ta quả thật là hy hữu và vô giá. Chỉ cần nhìn quanh để thấy bao nhiêu chúng sanh khác rất là bất hạnh; hãy nhìn xem những con chó, con heo, con rắn và những chúng sanh khác. Chúng quả thật bất hạnh, không được duyên lành để học hỏi Giáo Pháp, không được cơ may để thực hành Giáo Pháp. Ðó là những chúng sanh bất hạnh đang gặt hái sự báo ứng của nghiệp bất thiện mà chúng đã gieo trồng trong quá khứ. Khi không có được cơ hội may mắn để nghiên cứu học hỏi, để hiểu biết và để thực hành Giáo Pháp, ắt không có cơ may thoát ra khỏi đau khổ.
Ðã là người, là một chúng sanh trong cảnh người, ta không nên để mình trở thành nạn nhân của bất hạnh, thiếu kém phẩm hạnh thích nghi và nếp sống kỷ cương trong giới luật. Chớ nên để mình trở thành nạn nhân của số phần bất hạnh! Có nghĩa là người không hy vọng tiến đến Con Ðường Giải Thoát, Con Ðường đưa đến Niết Bàn, không hy vọng trau giồi giới đức. Không nên nghĩ rằng chúng ta đã tuyệt nhiên không còn hy vọng! Nghĩ như vậy chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của hoàn cảnh bất hạnh, cũng như các sinh vật khác.
Chúng ta là những người đã nằm trong vùng ảnh hưởng của Ðức Phật. Như vậy, trong cảnh người chúng ta đã có đủ phước báu và cơ may, đủ phương tiện. Nếu ta tự sửa sai, phát huy đường hướng suy tư và sự hiểu biết của mình trong hiện tại thì việc làm nầy sẽ dẫn ta đến phẩm hạnh và pháp hành thích nghi để có thể thấy và thấu triệt Giáo Pháp, ngay trong kiếp sống làm người hiện tại.
Không giống như chúng sanh trong các cảnh giới khác, ta nên sớm thức tỉnh trong sự chứng ngộ Giáo Pháp. Ðức Phật dạy rằng trong khoảnh khắc hiện tại có Giáo Pháp hiển hiện nơi đây, ngay trước mắt ta. Ðức Phật ngồi hướng về phía chúng ta, ngay tại đây và trong hiện tại. Ta còn đợi chờ đến lúc nào hay nơi nào khác mới nhìn?
Nếu không suy tư chân chánh, nếu không thực hành thích nghi, ta sẽ té rơi, sa đọa vào những khổ cảnh: thú, địa ngục hay ngạ quỷ. Vậy thì sao? Hãy nhìn thẳng vào tâm của mình. Nếu sân hận phát sanh, cái gì đó? Nó đây rồi, chỉ nhìn! Khi si mê phát sanh, cái gì đây? Chính là nó, ngay tại đây! Khi tham ái phát sanh, cái gì đây? Hãy nhìn vào nó, ngay chính nơi nầy!
Vì không nhận ra và không thấu triệt tận tường những trạng thái tinh thần ấy nên tâm biến chuyển, không còn là loại tâm của loài người. Tất cả các pháp hữu vi đều ở trong trạng thái luôn luôn đang trở thành. Trạng thái trở thành đưa đến tái sanh, và tái sanh như thế nào tùy thuộc nhân duyên hiện tại. Như vậy chúng ta trở thành và sẽ có cuộc sống như thế nào do tâm tạo duyên.
-ooOoo-