Bài Giảng Của Thiền Sư Bankei - Phần I


Lời mở

Khi Thiền sư Bankei Butchi Kosai - người sáng lập Thiền tự Ryòmonji (Long Môn) ở Aboshi thuộc tỉnh Banshù - mở kỳ kiết thất lớn tại Long Môn vào mùa đông năm thứ ba Genroku (1690), có 1.683 tu sĩ ghi danh trong sổ danh bạ. Những người đến nghe gồm không những đồ chúng thuộc tông Thiên Thai và Tào Động mà cả các tông phái Ritsu, Shingon (chân ngôn), Tendai, Tịnh độ, và Nhật liên tông, cả Tăng lẫn tục cùng chen nhau trong giảng đường. Người ta có cảm tưởng Ngài đích thực là bậc Thiên nhân sư (Thầy của Người và Trời) của thời nay.
Khi ấy Sư bước lên pháp tòa và bảo đại chúng Tăng tục: Hôm nay trong đại hội này chúng ta gồm cả một đám đông Tăng tục, và có lẽ tôi đã kể cho quý vị nghe làm thế nào, lúc còn trẻ, tôi đã trực ngộ ra rằng cái tâm vốn dĩ chưa từng sinh ra. Cái phần về tâm ấy tuy thế, chỉ là điều phụ thuộc. Quý vị tu sĩ, khi quý vị an trú trong Bất sinh, quý vị sẽ thấy không có gì người khác cần nói với quý vị, cũng không có gì quý vị cần nghe. Vì Tâm Phật Bất sinh đang chiếu sáng kỳ diệu, nên nó dễ dàng biến thành bất cứ gì nó gặp phải. Bởi thế, trong khi tôi bảo mọi người tại gia ở đây chớ có biến mình thành đủ loại mà họ gặp, và đổi cái Tâm Phật của họ thành những ý tưởng, thì quý vị tu sĩ cũng có thể nghe luôn!
Lắng nghe
Sư bảo chúng: Trong tất cả quý vị tập trung tại đây hôm nay, không một ai là người chưa giác ngộ. Mỗi người ở đây đều là một vị Phật. Bởi thế hãy lắng nghe cho kỹ. Cái mà tất cả quý vị thừa hưởng của cha mẹ lúc mới lọt lòng, chỉ là cái Tâm Phật Bất sinh. Không có cái bẩm sinh nào khác ở nơi quý vị. Cái Tâm Phật mà quý vị có từ lúc cha mẹ mới sinh ra thực sự là Bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu, và hơn thế nữa, với cái Bất sinh này, mọi sự đều được thu xếp một cách hoàn toàn ổn thỏa. Bằng chứng về điều này là, trong lúc tất cả quý vị đang lắng nghe tôi nói, mà ngoài kia có tiếng quạ kêu, tiếng chim sẻ chíp chíp, tiếng gió xào xạc... mặc dù không cố tình phân biệt những âm thanh ấy, quý vị vẫn nhận ra và phân biệt được từng tiếng: tiếng chim quạ, tiếng chim sẻ, tiếng gió xao cành - quý vị nghe mà không lầm lẫn, đấy gọi là nghe với cái Bất sinh. Với cái Bất sinh, tất cả mọi sự được thu xếp hoàn toàn ổn thỏa cũng y như vậy. Đấy là bằng chứng thực sự về cái Bất sinh. Hãy nhận ra một cách dứt khoát rằng cái không sinh và đang chiếu sáng kỳ diệu ấy đích thực là Tâm Phật. An trú ngay trong Tâm Phật Bất sinh ấy, thì từ đây cho đến mãi mãi quý vị là một đức Như Lai sống. Vì khi đã nhận ra một cách rốt ráo thì từ nay trở đi quý vị sẽ luôn an trú trong Tâm Phật, nên trường phái của tôi mệnh danh là trường phái Phật tâm.
Vậy, trong khi đang lắng nghe tôi nói, quý vị vẫn không lầm lẫn tiếng chim sẻ với tiếng quạ kêu bên ngoài, không lầm lẫn tiếng chuông với tiếng trống, tiếng đàn ông với tiếng phụ nữ, tiếng người lớn với tiếng trẻ con - quý vị nhận ra và phân biệt rõ ràng từng thứ tiếng quý vị nghe, không lẫn lộn chút nào. Đấy chính là cái diệu dụng linh động chiếu sáng của Bất sinh. Đó không là gì khác mà chính là Phật tâm Bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu, là bằng cứ xác thực về bản chất chiếu sáng vi diệu của Tâm.
Chắc không người nào trong đây lại bảo rằng: Tôi nghe những gì tôi nghe vì tôi cố ý nghe. Ai nói vậy là nói láo. Vì không biết lão Bankei sắp nói cái gì, nên tất cả quý vị mới quay cả về một phía như vậy chỉ cốt muốn nghe những gì tôi nói, chứ không có ai lại cố nghe những thứ tiếng động đủ loại ở bên ngoài. Thế nên khi bỗng dưng những âm thanh ấy xuất hiện mà quý vị nhận ra được, phân biệt được, nghe ra được không chút lầm lẫn, thì chính là quý vị đang nghe bằng cái Tâm Phật Bất sinh ấy. Không ai ở đây có thể tuyên bố họ nghe những tiếng ấy tại vì trước đã quyết tâm để lắng nghe. Bởi thế, sự thực là quý vị đang nghe với cái Bất sinh.
Mỗi người, khi dứt khoát nhận ra được cái Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu ấy chính là Tâm Phật, an trú trong đó, thì từ nay cho đến mãi về sau là một vị Phật sống. Cả đến khái niệm Phật cũng chỉ là một tên gọi được đặt ra về sau, bởi thế, từ nơi Bất sinh mà nhìn, thì đó cũng chỉ là chuyện phụ thuộc, không có gì quan trọng. Con người của Bất sinh ở tận nguồn gốc của tất cả các vị Phật. Cái gì Bất sinh thì đó là suối nguồn của tất cả mọi sự, là khởi điểm của mọi sự. Không có gì sơ nguyên hơn là cái Bất sinh, không có gì ở trước nó. Bởi thế nên khi quý vị trú trong Bất sinh là quý vị ở nơi ngọn nguồn của tất cả Phật, và bởi thế Bất sinh là một cái gì quý báu tuyệt trần. Ở đây không có vấn đề diệt, cho nên khi trú trong Bất sinh thì cũng không cần gì nói đến bất diệt. Đấy là lý do tại sao tôi chỉ nói về Bất sinh mà không đề cập bất diệt. Cái gì không được tạo tác thì cũng không bị hủy hoại, bởi thế, khi nó đã Bất sinh thì đương nhiên cũng bất diệt, khỏi cần phải nói. Phải vậy không nào?
Dĩ nhiên, từ ngữ Bất sinh bất diệt đã có rải rác trong kinh điển và ngữ lục từ xưa, nhưng chưa ai nói bằng chứng thực sự của cái Bất sinh. Ai cũng chỉ học từ ngữ Bất sinh bất diệt rồi lặp đi lặp lại, nhưng đến việc nhận cho ra và thực sự đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, thì không ai hiểu được Bất sinh là cái gì.
Khi tôi hăm sáu tuổi, lần đầu tiên tôi trực nhận ra rằng mọi sự được giải quyết ổn thỏa bằng Bất sinh, và từ đấy trong bốn mươi năm qua tôi đã giảng dạy mọi người với bằng chứng về cái Bất sinh: cái mà quý vị có được khi mới ra đời chính là Tâm Phật Bất sinh - cái Tâm Phật thực sự chưa từng sinh ra, đang chiếu sáng kỳ diệu. Tôi là người đầu tiên giảng dạy điều này. Tôi chắc chắn các tu sĩ trong hội chúng ở đây, và tất cả mọi người khác cũng thế, chưa ai từng nghe trước đây có người nào dạy cho người ta về bằng chứng thực sự của Bất sinh - dạy rằng Tâm Phật thực sự là Bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu. Tôi là kẻ đầu tiên nói điều này. Nếu có ai tuyên bố họ đã nghe người nào trước đây có dạy cho người ta với bằng cớ đích thực của Bất sinh, thì người ấy đúng là nói dối.
Khi quý vị an trú trong Bất sinh là quý vị ở nơi ngọn nguồn của mọi sự. Cái mà chư Phật trong quá khứ chứng được chính là Phật Tâm Bất sinh, và cái mà chư Phật vị lai sẽ chứng cũng là Phật Tâm Bất sinh. Ngày nay chúng ta đang ở thời mạt pháp, tuy vậy nếu có dù chỉ một người an trú trong Bất sinh, thì Chính pháp như vậy đã được phục hưng trong thế gian này. Có phải thế không, thưa tất cả quý vị? Chắn chắn là vậy. Khi quý vị đã nhận ra điều này một cách dứt khoát, thì ngay tại chỗ quý vị sẽ mở được con mắt để thấy suốt tâm người, và bởi thế trường phái của tôi còn gọi là tông Mắt sáng. Khi con mắt thấy suốt nhân tâm được hiển lộ, thì dù vào bất cứ thời gian nào cũng là lúc triệt ngộ được chánh pháp. Tôi muốn quý vị biết rõ điều này. Khi ấy, quý vị, dù bất cứ ai, chính là người thừa kế của tôi.

Giới Luật
Một bậc Thầy thuộc Luật tông đến hỏi: Ngài có tuân giữ giới luật không?
Sư trả lời: Từ khởi thủy, tất cả những gì mà người ta gọi là giới luật đều cốt dành cho những Thầy tu tồi tệ phá giới. Với người an trú trong Tâm Phật Bất sinh thì không cần nói đến giới. Giới được dạy là để giúp chúng sinh, không để giúp Phật! Mọi người khi cha mẹ mới sinh chỉ có duy nhất cái Tâm Phật Bất sinh, bởi thế hãy an trú trong tâm Bất sinh ấy. Khi an trú trong Bất sinh, thì bạn đã là một vị Phật sống ngay bây giờ rồi, và vị Phật ấy cố nhiên không vẽ vời những chuyện như thọ giới, bởi thế không có giới điều nào cho ông ta thọ. Bày đặt những chuyện như thọ giới thì không phải là ý nghĩa của Tâm Bất sinh. Khi bạn an trú trong Bất sinh thì không cách gì bạn phạm giới nổi. Từ nơi Bất sinh, giới luật cũng thành phụ thuộc nhảm nhí, trong chỗ Bất sinh, thực sự không có gì là giới luật...
Cũng Một Chuyện Ấy
Một vị giảng sư Phật giáo đến bảo tôi: Thay vì cứ nói đi nói lại mãi một chuyện ấy trong các thời giảng hết ngày này sang ngày khác, đáng lẽ thỉnh thoảng Ngài nên kể vài mẩu chuyện thần thông biến hóa trong đạo Phật, để cho người ta xả hơi đôi chút có hơn không?
Dĩ nhiên có lẽ ông ta nói có lý. Có thể là tôi rất ngu đần, nhưng nếu làm vậy mà cung cấp được điều gì thực sự hữu ích cho người ta, thì dù có ngu đần hay không ngu đần tôi cũng có thể ráng học thuộc lòng vài mẩu chuyện. Tuy nhiên, giảng dạy những thứ ấy không khác gì cho người ta ăn thuốc độc. Mà cho người ăn độc dược là điều chắc chắn tôi không thể làm!
Tôi Không Giảng Đạo Phật
Sư lại nói: Tôi không giảng dạy người ta bằng cách trích dẫn những lời nói của chư Phật chư Tổ. Vì tôi có thể làm việc ngay với chính tự ngã của mỗi con người, nên không cần chất thêm lên đó những trích dẫn lời Phật, Tổ. Tôi không nói về đạo Phật, không nói về đạo Thiền. Thực sự là không cần gì nói đến những thứ ấy. Vì tôi hoàn toàn có thể được việc trong lúc chỉ cần trực tiếp với những bản ngã con người ngay đây trong hiện tại, nên tôi không cần nói Phật cũng không cần nói Thiền...
Gặp Những Bậc Thầy: Dòsha Và Ingen
Trước năm ba mươi tuổi, tôi vẫn tiếp tục mặc áo jittoku (một kiểu áo dành cho người tập sự và cư sĩ - ND) không khoác thêm Tăng bào. Nhưng năm tôi được 30 tuổi, Thầy tôi (Thiền sư Umpo, vị Thầy đầu tiên của Bankei - ND) đề nghị tôi nên đến viếng vị Thiền sư Trung Hoa Dòsha Chògen ở Naninsan (nay thuộc tỉnh Phúc kiến - ND) vừa mới đến Nagasaki. Khi tôi quyết định đi, Thầy bảo: "Lâu nay ông mặc vậy cũng được, nhưng bây giờ khi đến yết kiến một vị sư Trung Hoa, ông mặc vậy không xong. Ông nên vì Pháp mà từ nay về sau hãy mặc Tăng bào, vậy hãy mặc mà đi viếng Dòsha". Thế là, theo lời dạy của Thầy, lần đầu tiên tôi vận Tăng bào mà đi viếng Dòsha. Tôi trình bày ngay kiến giải của mình. Dòsha nhìn tôi từ đỉnh đầu xuống đến gót chân rồi bảo: "Ông đã vượt qua sống chết!"
Trong số những Thiền sư thời ấy, chỉ có Dòsha có thể gọi là xác chứng được kinh nghiệm giác ngộ của tôi; mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn. Bây giờ khi nhìn lại, tôi vẫn không thấy Dòsha khả dĩ chấp nhận được. Giá mà Dòsha vẫn còn sống đến ngày nay, thì tôi đã có thể giúp ông trở thành một con người khá hơn. Nhưng ông là một người thiếu may mắn và đã chết sớm, tôi rất lấy làm tiếc.
Khi tôi là một thành viên trong chúng hội của Dòsha, đại chúng gửi thư sang Trung Quốc để cung thỉnh Thiền sư Ingen. Vị này đến Nhật khi tôi còn ở với Dòsha. Ông lên bờ tại cảng ở Nagasaki. Tôi cùng đi trong đoàn đón rước ông, nhưng vừa khi thấy ông bước ra khỏi tàu để lên bờ, tôi nhận ra ngay ông không phải là con người của Bất sinh, vì lý do đó mà tôi không bao giờ theo học với ông ta cả.
Tôi Sẵn Sàng Làm Chứng Cho Các Bạn!
Tất cả quý vị ở đây hiện tại thật là vô cùng may mắn. Lúc tôi còn trẻ, không có những bậc Thầy giác ngộ hoặc nếu có, tôi đã không đủ may mắn gặp được. Lại vì thuở bé tôi rất ngu đần nên đã phải chịu gian nan không thể tưởng. Ôi tôi đã phấn đấu một cách vô ích làm sao. Tôi không thể nào quên được những nỗ lực vô bổ ấy, đã để lại một ấn tượng sâu xa trong người tôi. Tôi phải học rất vất vả, học từ kinh nghiệm. Đó là lý do tôi cố xuất hiện như thế này mỗi ngày, để thúc giục quý vị, vì tôi muốn tất cả quý vị giác ngộ một cách tiện nghi thoải mái, không có một phấn đấu vô dụng nào như tôi đã làm. Tất cả quý vị phải tự thấy mình may mắn lắm. Quý vị còn tìm được ở đâu thứ cơ hội như thế này?
Tôi không định kể cho quý vị nghe chuyện này - về thời trai trẻ, chính vì ngu độn mà tôi đã phấn đấu một cách vô ích như thế nào - nhưng tôi sẽ đáng trách nếu trong quý vị có người nào cũng làm như tôi, vì tưởng không phấn đấu cam go thì không thể nào chứng ngộ chân lý. Bởi thế, mặc dù tôi không định nói, các bạn trẻ hãy lắng nghe cho kỹ. Bởi vì không cần phải trải gian nan như tôi, quý vị vẫn có thể đạt đến sự chứng ngộ hoàn toàn. Trước hết để tôi kể cho các bạn nghe về những phấn đấu của tôi, rồi các bạn sẽ thấy không cần làm như Bankei, các bạn cũng có thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Tôi muốn các bạn hãy nhớ lấy điều ấy trong khi lắng nghe. Vậy hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ bắt đầu.
Cha tôi họ Suga, vốn là một ronin hay hiệp sĩ độc lập, theo đạo Khổng, xuất thân từ Shikoku (một trong năm đảo lớn của quần đảo Nhật Bản. Nay thuộc quận Tokushima. ND). Ông đến định cư tại vùng này (Aboshi - bài giảng này nói ở chùa Long Môn. ND) ở đây tôi được sinh ra, nhưng ông qua đời lúc tôi hãy còn bé, để lại một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn. Theo bà kể thì hồi thơ ấu tôi là một trẻ hư hỏng, làm đầu têu bọn trẻ phá làng phá xóm. Nhưng, mẹ tôi kể, vào lúc chỉ mới chừng hai ba tuổi, tôi đã sợ chết: mỗi khi tôi khóc mà có nguời nào làm bộ như chết, hoặc bảo tôi có người nào chết, thì tôi nín khóc ngay, và lại còn chấm dứt bất cứ trò nghịch phá nào nếu gặp lúc tôi đang chơi nghịch.
Dần dà tôi lớn lên. Khi tôi còn niên thiếu, đạo Khổng đang thịnh hành, mẹ tôi gởi tôi đến một ông Thầy bắt tôi học thuộc lòng sách Đại học. (Vào thời đại Tokugawa - thế kỷ mười bảy - ở Nhật, sách Đại học và một chương trong Lễ ký là chương trình học vỡ lòng chính thống, vì nó ngắn và dễ học nhất trong các sách Nho, chỉ cốt cho trẻ tập viết và học thuộc lòng, không cần giảng nghĩa. ND). Nhưng khi đọc câu “Đại học chi đạo, tại minh minh đức” (Cái học lớn lao là phải làm sáng cái đức sáng) tôi không thể hiểu đức sáng là cái gì. Hết sức hoài nghi, tôi thắc mắc về nó một thời gian.
Có lần tôi đến hỏi một vài nhà Nho: Đức sáng là thứ gì? Hãy nói cho tôi biết đức sáng là gì cái đã. Nhưng không ai biết để trả lời tôi.
Nhưng một hôm có người bảo tôi: Những điều khó như thế chỉ có các Thiền sư mới hiểu nổi. Hãy đi mà hỏi các vị ấy. Dù chúng tôi có thể đọc vanh vách chữ nghĩa trong các cổ thư (Trung Hoa) nhưng khi hỏi đến Đức sáng là cái gì, chúng tôi cũng chịu, không hiểu được.
Ổ, thì ra sự thể là như vậy, tôi than thầm, thấy mình vẫn còn ở mãi trong u tối. Vì trong vùng lân cận chẳng có vị Thiền sư nào nên tôi không có dịp hỏi ai. Tuy thế, tôi liền lập chí thế nào mình cũng phải tìm cho ra ý nghĩa của Đức sáng, và sẽ nói cho mẹ già nghe trước khi bà nhắm mắt. Mặc dù chưa hiểu được điều ấy, tôi cũng đã mong mỏi trước hết sẽ nói cho mẹ nghe vì bà đã già, có thể chết bất cứ lúc nào. Với hi vọng giải quyết nghi vấn về Đức sáng, tôi đi lang thang khắp nơi một cách vô vọng, tìm kiếm khắp chỗ. Bất cứ nơi nào mà tôi nghe có buổi thuyết pháp, nói chuyện, diễn thuyết, thì dù cách xa đến mấy tôi cũng vội vàng đi đến. Khi trở về nhà, tôi thường thuật lại cho mẹ những gì có ý nghĩa mà tôi đã nghe được, nhưng thắc mắc của tôi về Đức sáng vẫn chưa tìm ra giải đáp.
Sau đó tôi quyết định đi viếng một Thiền sư. Khi tôi hỏi ông về Đức sáng, ông bảo: "Nếu cậu muốn hiểu thì hãy tọa Thiền đi, rồi sẽ hiểu Đức sáng là gì". Kết quả là ngay sau đó tôi khởi sự tập tọa Thiền. Tôi đi vào trong núi, không ăn gì cả trong vòng bảy hay cả đến mười ngày, tìm một đỉnh núi nhọn mà ngồi, vén áo để lưng trần dựa vào đá núi, cương quyết Thiền định tới cùng dù có phải chết, không rời khỏi chỗ ấy cho đến khi cuối cùng tôi ngã vật xuống. Vì không có cách gì nhờ người mang thực phẩm đến, nên thường tôi không ăn gì cả trong nhiều ngày. Nhưng vì chỉ muốn một điều là giải đáp về Đức sáng, nên tôi chẳng quản ngại ngất xỉu vì đói, và nhất định không để cho sự đói khát cản trở mình. Mặc dù vậy, tôi vẫn không thể giải quyết thắc mắc về Đức sáng.
Sau đó tôi trở về quê hương, dựng một cái chòi để nhập thất. Có những lúc hoàn toàn tập trung vào pháp niệm Phật (Nembutsu, một pháp Thiền định bằng cách niệm NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT liên tục mà các Thiền sư áp dụng để định tâm. ND) tôi ngồi suốt cả ngày đêm không đặt lưng xuống chiếu.
Cứ thế tôi mò mẫm một cách vô vọng, nỗ lực mỗi ngày mà thắc mắc của tôi về Đức sáng vẫn chưa được giải quyết. Không kể gì mạng sống, tôi hành thân hoại thể đến độ da mông tôi bị rách nát, mà hậu quả là tôi chỉ có thể ngồi một cách hết sức đau đớn khó nhọc. Tuy nhiên, khi nhìn lại quãng đời ấy, tôi thấy lúc bấy giờ sức chịu đựng của tôi cũng khá, nên mặc dù đau đớn như vậy tôi vẫn không chịu nằm nghỉ lấy một ngày. Vì da thịt sau mông bị lở loét nên tôi phải lót một lớp dày giấy bổi để ngồi lên trên, và thay hết lớp này đến lớp khác. Mặc dù vậy, máu vẫn không ngừng tuôn ra, và vì quá đau đớn đôi khi tôi phải lót bông vải hay bất cứ gì ở phía dưới. Thế nhưng tôi vẫn có thể trải qua trọn một ngày đêm không đặt lưng nằm.
Vì nỗ lực quá căng vào những năm ấy, cuối cùng tôi ngã bệnh nặng. Vẫn chưa giải quyết được vấn đề Đức sáng, tôi phấn đấu với nó một thời gian, chịu đựng gian khổ ê chề. Bệnh tôi càng ngày càng nặng, cơ thể gầy mòn, mỗi khi ho đàm lại khạc ra từng cục máu tròn bằng ngón tay cái, đặc đến nỗi có khi nó bắn vào vách rồi lăn xuống. Khi ấy mọi người quan tâm đến tôi đều nói: Nhất định không xong rồi. Chú phải nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Bởi thế theo lời khuyên của họ, tôi rút về gian chòi, mướn một người tớ trai.
Nhưng bệnh tình của tôi tới hồi nguy kịch. Suốt bảy ngày liền tôi không thể nào nuốt được một chút gì ngoài chút ít nước cháo lỏng. Do đó tôi nhận ra mình sắp chết. "À ra thế, không còn gì có thể làm được nữa", tôi tự nhủ, nhưng không tiếc nuối gì ngoài ý nghĩ mình sắp chết mà không hoàn tất được ước nguyện ấp ủ từ lâu.
Ngay khi ấy, tôi có một cảm giác lạ lùng nơi cổ họng, và khi khạc vào vách tường, tôi để ý thấy một viên tròn đông đặc màu đen như cái hột đào đang lăn xuống. Sau đó tôi cảm thấy lồng ngực nhẹ nhõm một cách lạ lùng, và đấy là cái lúc tôi chạm phải Nó. Mọi sự đều tự giải quyết hoàn toàn ổn thỏa với Bất sinh, bấy lâu nay vì không nhận ra điều này nên tôi đã nỗ lực đến kiệt sức một cách vô dụng! Cuối cùng tôi mới thấy tôi đã lầm.
Bấy giờ cảm thấy tinh thần sảng khoái, tôi gọi người tớ nấu cháo ăn. Người đầy tớ của tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy một kẻ sắp chết lại đòi ăn như vậy, anh ta sung sướng la lên và vội vàng luống cuống đi nấu cháo. Vì hấp tấp nên anh ta đã dọn cho tôi ngay cháo còn sống, song tôi vẫn mặc kệ, ăn liền mấy bát đầy mà vẫn không sao cả. Sau đó tôi dần bình phục và sống cho đến ngày nay (Lúc ấy Bankei đã 68 tuối. ND). Cuối cùng tôi đã thực hiện được ước mơ tôi hằng ấp ủ là san sẻ chân lý tôi đã chứng ngộ cho mẹ tôi trước khi bà qua đời. (Mẹ Bankei về sau cũng xuất gia với tên Myosetsu, chết năm 1680 lúc bà 91 tuổi. ND)
Từ khi tôi ngộ ra rằng mọi sự được thu xếp xong xả hoàn toàn nhờ cái Bất sinh, không người nào trong xứ có thể phản bác tôi được. Nếu trong lúc tôi mò mẫm một cách vô vọng như thế, mà có người nào đã giác ngộ nói cho tôi biết ngay từ đầu, như tôi đang nói cho quý vị hiện nay, thì có lẽ tôi đã khỏi uổng phí bao nhiêu phấn đấu vô ích. Nhưng vì hồi đó không tìm ra được một người nào như thế, nên tôi đã phải trải một thời gian dài khó nhọc phấn đấu vượt quá sức chịu đựng. Cũng vì thế mà đến bây giờ tôi vẫn còn là một kẻ ốm yếu, không thể ra gặp gỡ quý vị nhiều như tôi muốn.
Khi đã trực ngộ được mọi sự đều được thu xếp ổn thỏa nhờ cái Bất sinh, tôi mong muốn nói lên điều ấy với một người nào. Trong khi tôi hoang mang chưa biết ai là người tôi nên đi gặp, thì Thầy tôi (tức Umpo - ND) bảo: "Ở Mino (nay là quận Gifu - ND), có bậc Thầy tên Gudò (Gudò Tòshoku, 1579 - 1661, là một trong những bậc Thầy thuộc tông Thiên Thai vào đầu thời đại Tokugawa. Ông cũng thuộc hệ phái Umpo Thầy của Bankei, phái này sẽ phát xuất Thiền sư nổi tiếng vào thế kỷ 18 là Hakuin Ekaku, Bạch Ẩn, 1685 - 1769 - ND). Nghe nói ông là người tốt. Có thể ông ta sẽ xác chứng cho kinh nghiệm của chú, vậy chú nên đến trình bày với ông ta."
Hi vọng gặp được Gudò để trình bày sở chứng, tôi theo lời Thầy khuyên và khởi hành đi Mino để gặp vị Thiền sư, nhưng khi tôi đến nơi thì ông đã đi Edo (tức Tokyo ngày nay - Vào thời đại Tokugawa, đấy là thủ phủ Nhật Bản thay cho Kyoto - ND). Thế là tôi không gặp được ông, và về sau cũng không có dịp nào để nói chuyện với ông cả.
Sau khi đã lặn lội từ xa đến mà không đạt mục đích, tôi quyết định thay vì bỏ về, sẽ đi viếng những Thiền sư trong vùng ấy. Khi đến nơi họ, tôi tự giới thiệu: "Tôi là một tu sĩ Thiền từ Banshù đến (tức tỉnh Harima, nay là quận Hyogò - ND) với hi vọng duy nhất là thăm viếng và nhận được chỉ giáo của chư vị."
Khi những vị Thầy đã trình bày những lời dạy của họ, tôi xin mạn phép được phát biểu. Tôi nói: "Tôi biết thực là không phải phép, nhưng xin chư vị thứ lỗi cho, khi tôi nói điều này. Tôi không phải là không biết ơn về những lời dạy của chư vị, nhưng tôi có cảm tưởng như là người ta chỉ gãi ngứa cho tôi ở ngoài giày, chưa đạt tới cái cốt tủy."
Rất thành thực, những vị Thầy ấy bảo tôi: Đúng như ông nói. Mặc dù mang tiếng làm Thầy, chúng tôi chỉ có học thuộc lòng những danh từ trong kinh điển và ngữ lục để dạy lại người ta. Chúng tôi phải hổ thẹn mà nói rằng vì bản thân mình chưa thực chứng nên khi nói pháp, sự giảng dạy của chúng tôi quả thật chỉ như gãi ngứa ngoài giày, không làm ông thỏa mãn. Ông rất hiểu chúng tôi vậy. Chắc ông không phải là người tầm thường!
Thế là, vì không tìm ra được người nào ấn chứng cho kinh nghiệm giác ngộ của tôi, tôi trở về nhà đóng cửa nhập thất. Trong khi quan sát nhu cầu mọi người và tìm phương cách trình bày điều tôi đã chứng để cứu giúp họ, tôi nghe tin bậc Thầy về Thiền là Dòsha từ Trung Quốc đã đến, đang ở Nagasaki. Theo lời chỉ giáo của Thầy tôi, tôi đến yết kiến Dòsha. Khi tôi trình bày chỗ ngộ của mình, ông tuyên bố: "Chú là người đã vượt qua sinh tử." Thế là chỉ khi đến nơi Dòsha, cuối cùng tôi mới nhận được một chút xác nhận về sự chứng ngộ của mình. Vào thời ấy thực khó mà tìm ra được người nào có thể xác chứng một cách chắc chắn kinh nghiệm của tôi, nên tôi gặp khá nhiều vất vả. Bởi thế cho nên, khi nghĩ lại tôi đã khổ đến thế nào, bây giờ tôi phải đi ra mỗi ngày như vầy để gặp tất cả quý vị, mặc dù tôi đang đau ốm. Nếu trong đây có người nào đã kinh nghiệm được sự giác ngộ - bất cứ là ai - thì lý do duy nhất mà tôi ra đây là để làm chứng cho vị ấy. Quý vị quả là rất may mắn. Vì quý vị đã có một người có thể xác chứng cho kinh nghiệm giác ngộ của mình, nên nếu ai trong đây đã giác ngộ hoặc nghĩ mình đã hiểu vấn đề, thì xin hãy bước ra, và hãy nói lên nghe. Tôi sẵn sàng làm chứng! Tuy nhiên nếu chưa có ai hiểu, thì hãy lắng nghe tôi nói, và hãy chứng ngộ cho rốt ráo...

Chứng ngộ rốt ráo rằng cái Bất sinh đang chiếu sáng một cách kỳ diệu đó chính là Tâm Phật, là như thế này: Giả sử mười triệu người đồng thanh tuyên bố con quạ là con cò. Con quạ đen không cần ai nhuộm, cũng như con cò trắng không cần ai tẩy - đấy là điều chúng ta vẫn thấy biết như chuyện đương nhiên. Bởi vậy, dù cho không những mười triệu người, mà tất cả mọi người trong nước đều đồng thanh tuyên bố con quạ là cò, bạn vẫn không bị lừa bịp, mà tuyệt đối vững tin nơi mình. Đó là ý nghĩa của sự chứng ngộ rốt ráo. Hãy chứng ngộ rốt ráo rằng cái gì Bất sinh chính là Tâm Phật, Tâm Phật thực sự là Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, và mọi sự được sắp đặt hoàn toàn ổn thỏa với cái Bất sinh, để cho dù có nghe bất cứ gì người ta cố nói với bạn, bạn cũng đừng để cho họ lừa bịp. Bạn sẽ không chấp nhận những si mê lầm lạc của người khác.
Lúc tôi còn trẻ và khởi sự giảng dạy giáo lý chân thực về Bất sinh, không ai có khả năng hiểu được. Khi nghe tôi nói, người ta dường như nghĩ tôi là một thứ tín đồ tà giáo hay theo Ki tô giáo (Vào giữa thế kỷ mười sáu, Ki tô giáo du nhập Nhật Bản do những nhà truyền giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau một thời oanh liệt ngắn, Tôn giáo mới này bị chính quyền nghi kị và thẳng tay đàn áp suốt thời đại Tokugawa dài hơn hai thế kỷ - ND). Vì vậy họ sợ hãi không dám đến gần tôi. Nhưng dần dà họ nhận ra mình đã lầm, và thấy những gì tôi giảng dạy đúng là Chính pháp. Bây giờ, trái ngược với tình trạng lúc đầu không ai dám bén mảng đến gần, tôi lại bị khách khứa tràn ngập - những người nôn nóng muốn gặp tôi, lắng nghe giáo lý tôi giảng. Họ theo tôi liên tục tới nỗi không để tôi yên dù chỉ một ngày. Đấy, sự tình là thế.
Trong bốn mươi năm ở đây, thỉnh thoảng tôi giảng giáo lý chân thực về Bất sinh cho mọi người, nên kết quả là vùng này (chùa Long Môn - ND) đã xuất hiện nhiều người khá hơn những giảng sư về đạo Phật. Bởi thế, với các bạn cũng vậy, sao cho công khó của quý vị từ xa xôi đến sẽ được đền bù bằng cách khi trở về, quý vị đã hoàn toàn chứng ngộ Pháp, thực chứng cái Bất sinh một cách rốt ráo để đừng chuyển nó thành những (vọng) tưởng.

Lớn Lên Trong Mê Lầm


Cái mà mọi người hấp thụ từ nơi cha mẹ chỉ là Tâm Phật Bất sinh. Nhưng vì cha mẹ bạn không nhận ra điều ấy, nên bạn cũng bị mê lầm, rồi chính bạn lại trưng bày cái mê lầm này ra khi nuôi dạy con cái bạn. Cả đến vú nuôi và những người giữ trẻ cũng ưa nổi nóng, mọi người quan hệ đến việc nuôi dạy trẻ đều trưng ra mọi kiểu hành xử mê muội, như ngu si, ham muốn ích kỷ, và thói giận dữ của loài tu la (quỷ chiến đấu). Khi lớn lên, được đoanh vây bởi những người si mê như vậy, trẻ em thường phát triển một loạt thói xấu tệ nhất, trở nên rất dễ bị mê muội và biến thành những người không giác ngộ. Lúc ban sơ khi mới sinh, quý vị không có si mê. Nhưng vì những lầm lỗi của những người nuôi dạy bạn, mà một con người vốn ở trong Tâm Phật lại biến thành chúng sinh kém giác ngộ số một. Đây là điều mà tôi chắc chắn tất cả quý vị đều biết với kinh nghiệm bản thân.
Khi bạn mới sinh, cha mẹ không cho bạn bất cứ mê lầm nào như thói xấu, dục vọng ích kỷ. Nhưng về sau, khi ra giữa đời bạn mới lượm lặt đủ thứ si mê dần dần trở thành những thói hư tật xấu, làm cho bạn không thể không thành ra người mê muội. Cái mà bạn không lượm nhặt từ bên ngoài, chính là Tâm Phật Bất sinh, và ở đây không hiện hữu một si mê nào. Vì Tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên bạn có thể học hỏi đủ thứ, ngay cả những hành vi lầm lạc. Nhưng cũng vì nó chiếu sáng kỳ diệu, mà khi nghe điều này, bạn sẽ quyết định không si mê nữa, từ đây trở đi sẽ chấm dứt tạo nên mê lầm và sẽ an trú trong Tâm Phật Bất sinh. Cũng hệt như khi trước bạn siêng năng tập tành thói si mê, làm cho mình trở thành mê muội thế nào, thì bây giờ bạn cũng sẽ áp dụng chính cái khả năng ấy để lắng nghe và chấm dứt si mê. Đấy là điều kỳ diệu về Tâm Phật. Hãy lắng nghe, rồi bạn sẽ thấy sự quý báu của Tâm Phật. Khi đã thấy không gì bằng cái Tâm Phật quý báu này, thì dù bạn có muốn si mê trở lại cũng không thể được!
Chính vì không nhận ra sự quý báu của Tâm Phật mà bạn sa vào ngã chấp tạo ra đủ thứ si mê lầm lạc làm hại mình. Tuy thế, những mê vọng ấy đối với bạn lại quý báu đến nỗi tất cả các bạn đều muốn mê, dù có phải vong mạng! Thật điên rồ, phải không? Vì không thể cưỡng lại những thúc bách thấp kém do dục vọng ích kỷ phát sinh, bạn trở thành mê si. Tất cả các mê lầm đều từ đấy mà ra cả.
Ai cũng cho rằng cái lối hành xử mà họ thích là do bẩm sinh đã vậy, nên không thể nào sửa đổi. Họ không bao giờ nói kỳ thực họ sa vào thói chấp ngã là do dục vọng ích kỷ, cứ bám lấy những thói xấu mà họ ưa thích. Trái lại, họ cố làm ra vẻ thông minh, bảo rằng cái nghiệp bẩm sinh của họ đã vậy. Cái mình không nhận từ cha mẹ mà lại gán cho cha mẹ, đó là đứa con đại bất hiếu. Có ai mới sinh ra đã nghiện rượu, cờ bạc, trộm cướp và có sẵn những thói hư tật xấu không? Không ai cả. Nhưng một khi bạn đã nhấm nháp hơi men, thì sẽ nhanh chóng phát triển thành thói nghiện rượu, rồi vì ham muốn ích kỷ, bạn không thể dừng uống, cũng không nhận ra được mình đã mê lầm. Đó chỉ là sự điên rồ mới bộc phát, bạn không có lý do nào để tuyên bố nó là bẩm sinh để đổ thừa cho cha mẹ!
Khi nghe điều này, tôi mong tất cả quý vị từ nay trở đi hãy an trú trong Tâm Phật Bất sinh, cái tâm mà bạn có từ khi cha mẹ mới sinh. Như vậy, bạn sẽ không tạo những mê lầm về bất cứ gì, và khi không còn mê lầm, thì từ đây bạn sẽ mãi mãi là những vị Phật sống. Không gì rõ ràng trực tiếp hơn thế nữa. Tất cả quý vị cần phải dứt khoát thực chứng điều này.
Ba Mươi Ngày Trong Bất Sinh
Tất cả mọi người hãy làm đúng như tôi nói, theo lời tôi chỉ dẫn quý vị hãy khởi sự trú trong Bất sinh trong ba mươi ngày. Hãy tập an trú Bất sinh trong 30 ngày, rồi từ đấy về sau, dù muốn dù không, quý vị cũng sẽ phải trú trong Bất sinh. Quý vị sẽ thành công an trú Bất sinh! Vì cái Bất sinh chính là Tâm Phật, quý vị sẽ vận hành với cái Tâm Phật vào mọi thời. Như vậy quý vị sẽ là những vị Phật sống ngay hiện tại, phải thế không? Vậy hãy lắng nghe tôi như thể là tất cả quý vị mới sinh trở lại ngày hôm nay, bắt đầu lại mọi sự. Khi đã có một định kiến thì bạn sẽ không thâu nhận vào những gì mình nghe. Ngay bây giờ quý vị hãy lắng nghe như thể mình mới sinh ra, thì sẽ như là mới nghe tôi nói lần đầu. Nếu quý vị trong tâm không sẵn định kiến, thì vừa nghe một lời quý vị cũng sẽ hiểu ngay, và đạt đến thực chứng hoàn toàn về Pháp.
Cứ Hỏi Rồi Tôi Sẽ Nói
Một hôm Sư bảo đại chúng: Tôi chỉ ra đây mỗi ngày để gặp gỡ tất cả quý vị, tôi không có gì trong tâm đặc biệt muốn nói với quý vị. Vậy nếu ai có điều gì muốn hỏi, hãy bước ra. Hãy hỏi bất cứ về cái gì, rồi tôi sẽ nói cho quý vị. Tôi không có gì đặc biệt muốn nói.
Kappa
Lúc tôi còn trẻ, có một kẻ cướp tên gọi là Kappa, chuyên cướp giựt tiền của người đi đường. Anh ta có biệt tài về cướp bóc. Mỗi khi trông thấy một người nào trên đường, anh ta có thể biết đúng số tiền người ấy mang theo, không bao giờ sai một tơ tóc. Đấy quả là một tên cướp ghê gớm. Tuy thế một hôm anh ta bị tóm, và ở tù dài hạn trong nhà lao ở Osaka. Nhiều năm trôi qua, và vì anh ta là một tên trộm tài danh, nên được cái lợi thay vì bị hành quyết, anh ta được làm người điểm chỉ cho cảnh sát. Một thời gian sau, anh ta lại còn được phóng thích. Khi được tự do, anh học nghề tạc tượng Phật, và lại trở thành một nhà chuyên môn tạc tượng Phật, lập nghiệp ở Osaka. Hoàn toàn đổi bỏ tâm lý tệ ác ngày trước, anh ta chuyên chú vào việc tu hành để giải thoát, và vào những ngày cuối đời anh chuyên thực hành pháp môn niệm Phật.
Vậy, ngay một tên cướp khét tiếng như Kappa một khi đã sửa đổi cũng thành người thánh thiện. Ở đây các bạn có thể tìm thấy một người nào trộm cướp bởi vì cái nghiệp của họ sâu dày và tội lỗi đã quá nặng? Trộm cướp chính là nghiệp, trộm cướp chính là tội lỗi. Nếu không có sự trộm cướp thì cái tội và cái nghiệp trộm cướp không thể có. Bạn có trộm cướp hay không là tùy thuộc vào trạng thái tâm của bạn trong hiện tại, chứ không phải vào cái nghiệp của bạn trong quá khứ. Và điều tôi đang nói đây không chỉ liên hệ đến việc trộm cướp, mà nói chung tất cả những si mê lầm lạc đều như thế cả. Bạn có si mê hay không si mê là tùy thuộc vào trạng thái hiện tại của tâm bạn. Khi si mê thì bạn là một chúng sinh, khi không si mê thì bạn là Phật. Không có con đường tắt đặc biệt nào để thành Phật ngoài con đường này. Có phải vậy không? Thế thì mọi người hãy thực chứng điều này một cách rốt ráo.
Đừng Đánh Thầy Tu Ngủ Gục
Vào ngày đầu tiên của lễ rohatsu (tuần lễ tọa Thiền tại các Thiền viện Nhật Bản để kỷ niệm ngày Phật thành đạo, kéo dài từ mồng một đến khuya mồng tám tháng chạp âm lịch. ND) Sư bảo đại chúng: Tại Thiền viện chúng tôi, đời sống bình thường mỗi ngày đã là Thiền, không như các nơi khác phải công bố. Từ hôm nay trở đi, hãy Thiền định! Rồi mọi người mới lăn xả vào chẳm bẳm hành Thiền.
Rồi Sư tiếp: Một lần, khi tôi ở trong hội chúng của Dòsha (tức Thiền sư Trung Hoa Tao-che đời Minh, mà Bankei theo học - ND) có một Thiền sinh ngủ gục trong thời Thiền bị một Thiền sinh khác đánh, nhưng tôi bảo vị này: "Tại sao ông đánh một người đang ngủ êm? Khi ngủ, anh ta có khác gì khi thức?"
Tôi không khuyến khích người ta ngủ, nhưng đánh người ngủ thì thực là sai lầm. Bây giờ tại đây, tôi không cho phép làm như vậy. Mặc dù không khuyến khích họ ngủ, tôi cũng không đánh hay la rầy họ vì ngủ gục. Tôi không khiển trách hay ca ngợi ngủ, mà cũng không khiển trách hay ca ngợi không ngủ. Hãy để tự nhiên cho người ta ngủ hay thức. Khi một người ngủ, là ngủ với cái Tâm Phật của lúc tỉnh thức; khi thức, cũng là thức với Tâm Phật. Họ vẫn luôn an trú trong Tâm Phật, không lúc nào an trú chỗ nào khác. Vậy thực là lầm khi tưởng rằng một người nào lúc ngủ, sẽ biến thành cái gì khác. Nếu bạn tưởng người ta chỉ ở trong Tâm Phật lúc thức, còn khi ngủ sẽ biến thành cái gì khác, thì đấy không phải là chân lý tuyệt đối, mà là một sự biến hóa vô cùng.
Tất cả quý vị đều đang nỗ lực để thành Phật quả, bởi thế nếu có ai ngủ gục thì đánh hay mắng người ta quả là việc sai lầm. Điều mà tất cả quý vị có từ lúc cha mẹ sinh chỉ là Tâm Phật Bất sinh, không gì khác, vậy thay vì nỗ lực thành Phật, hãy luôn an trú trong Tâm Phật Bất sinh. Khi ấy thì dù thức hay ngủ, quý vị vẫn luôn luôn là một vị Phật sống, không lúc nào không là Phật. Đã luôn luôn là Phật, thì không có quả Phật gì đặc biệt để mà chứng đắc. Thay vì cố thành Phật, đơn giản hơn hết là đi tắt bằng cách vẫn là Phật.
Biết Tâm Người Khác
Có người hỏi: Ai cũng nói Ngài có tha tâm thông, có phải thế không?
Sư đáp: Trong trường phái của tôi, không có những chuyện phi thường. Và dù nếu có, chúng tôi cũng không sử dụng, vì Tâm Phật vốn Bất sinh. Khi nói với bạn, thì tôi làm việc với chính bản ngã của bạn, nên bạn tưởng là tôi có tha tâm thông. Nhưng tôi không có thần thông như thế. Tôi cũng giống như bạn mà thôi. Khi bạn trú trong Bất sinh, là bạn ở tận ngọn nguồn của tất cả thần thông diệu dụng của chư Phật, không cần tìm kiếm thần thông mà có thể xử lý mọi chuyện một cách êm thấm dễ dàng. Trong chính giáo về Bất sinh, bạn có thể dàn xếp mọi sự bằng cách làm việc với chính bản ngã bạn, không cần đưa vào những vấn đề ngoại lai.
Tiến Và Thối
Có người hỏi: Tôi đã nỗ lực hết sức để tiến đừng lùi, nhưng dù làm gì đi nữa, khuynh hướng thụt lùi vẫn mạnh hơn, và có những lúc tôi lùi thực sự. Và càng cố tiến tới, thì tôi chỉ có thấy mình lại thụt lùi. Làm sao cho tôi khỏi thụt lùi?
Sư nói: Hãy an trú trong Tâm Bất sinh! Khi an trú, bạn không cần bận tâm về tiến hay thoái. Quả vậy, khi bạn an trú Bất sinh, thì nỗ lực tiến tới là lập tức lùi khỏi vị trí Bất sinh. Người của Bất sinh không can dự gì đến tiến hay lùi, mà vượt trên cả hai.
Giấy Lộn
Một vị Tăng nói: "Từ lâu tôi tham công án "Hyakujò và con chồn hoang (Một mẩu chuyện trong Vô môn quan thế kỷ 13, về một vị Tăng khi được hỏi bậc giác ngộ có rơi vào luật Nhân quả hay không, đã trả lời là không, và chính vì trả lời vậy mà ông ta bị đọa làm chồn trong 500 kiếp. Vị Tăng này cuối cùng được tổ Bách trượng Hoài hải cứu vớt, bằng cách sửa lại câu trả lời như sau: bậc giác ngộ không mê mờ luật Nhân quả. Ở Viễn đông, con chồn là con vật nổi tiếng về tài vờ vĩnh, và từ ngữ "Thiền chồn hoang" là để ám chỉ những người giả vờ làm như mình đã thực chứng - ND.) Mặc dù đã nỗ lực nhiều, tôi vẫn chưa giải quyết được công án ấy. Tôi chắc là do tôi đã không tu tập đúng mức. Xin Ngài chỉ giáo cho."
Sư nói: Tại đây chúng tôi không tham khảo những thứ giấy lộn ấy. Vì bạn chưa từng nhận ra cái Bất sinh đang chiếu sáng kỳ diệu chính là Tâm Phật, hãy để tôi nói cho nghe, rồi mọi sự sẽ thành ra sáng sủa. Vậy, hãy lắng nghe những gì tôi nói.
Khi ấy Sư trình bày giáo lý của Ngài về Bất sinh như thường lệ. Sau khi chăm chú nghe, vị Tăng thâm nhập chân lý, và về sau đã trở thành một bậc Thầy xuất sắc.
Khi ấy một vị Tăng ngồi kế bên đã hỏi: Vậy thì những công án của các bậc Thầy ngày xưa là vô dụng, không cần thiết hay sao?
Sư trả lời: Những cách trả lời của các bậc Thầy ngày xưa nhắm giải nghi cho từng người hỏi khi trực tiếp vấn đáp, tự bản thân chúng không có lợi ích gì đặc biệt. Tôi không cách gì nói được là chúng cần thiết hay không cần, ích lợi hay vô ích. Người ta chỉ cần duy nhất an trú trong Bất sinh, không có cách nào khác để tránh né. Hãy an trú Bất sinh! Trong trường hợp của bạn, thì chính vì tránh né đối diện trực tiếp với vấn đề nên bạn đã bị lầm. Hãy buông bỏ sự tránh né, vì cái Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu ấy là Tâm Phật không gì khác, hãy an trú trong đó.
Ngã Chấp
Một ngày, Sư bảo đại chúng: Tất cả si mê lầm lạc không chừa thứ nào, đều được tạo ra do hậu quả của sự tập trung vào bản ngã. Khi thoát khỏi ngã chấp thì si mê không sinh. Ví dụ, giả sử bà con lối xóm đang cãi nhau. Nếu sự việc không liên hệ gì tới bạn, bạn sẽ bình tĩnh nghe lời qua tiếng lại, không nổi giận. Chẳng những thế, bạn còn có thể sáng suốt nhận định phải quấy, biết rõ ai đúng ai sai. Nhưng nếu việc cãi nhau có liên can đến mình, bạn sẽ thấy mình vướng vào một trong hai phe tranh chấp, chấp chặt những gì phe kia làm hoặc nói. Khi ấy bạn làm mờ đi cái diệu dụng chiếu sáng của Tâm Phật nơi bạn. Trước kia, bạn có thể phân biệt phải quấy, nhưng bây giờ, bị ngã chấp dẫn đạo, bạn nhất định cho cái gì mình nói đúng là đúng, bất kể nó có đúng thật hay không. Khi giận dữ, bạn chuyển cái Tâm Phật của mình thành ra tâm của loài tu la (quỷ chiến đấu), và thế là mọi người hăng tiết lao vào trận cãi vã cay chua.
Vì Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu, nên mọi sự gì bạn đã làm đều tự nhiên để lại những cái bóng phản chiếu trong tâm. Chỉ khi nào bạn bám víu vào những cái bóng ấy, bạn mới phát sinh vọng tưởng. Những ý tưởng không thực sự có sẵn nơi những ảnh tượng được phản chiếu ấy, rồi sau khởi lên. Chúng ta lưu giữ những gì đã thấy và nghe trong quá khứ, và khi chúng hiện lên, thì đó là những ảnh tượng được phản chiếu. Lúc đầu, tư tưởng không có thực chất; nếu chúng được phản chiếu và khởi lên thì cứ để mặc chúng phản chiếu và khởi lên; nếu chúng chấm dứt thì cứ để mặc chúng chấm dứt. Nếu bạn không bám víu vào những cái bóng phản chiếu ấy thì vọng tưởng không sinh. Khi bạn không bám víu vào những ảnh tượng trong tâm, thì bạn không bị mê hoặc. Khi ấy, dù có bao nhiêu ảnh tượng được phản chiếu cũng như không. Dẫu trăm ngàn ý tưởng vọt lên cũng như chúng chưa từng sinh khởi. Điều đó sẽ không thành vấn đề đối với bạn - bạn không có ý tưởng nào cần phải dẹp bỏ hay cắt đứt. Hãy hiểu rõ điều này.
Quán Thế Âm
Tượng Phật chính được thờ ở Long Môn tự là một pho tượng Quan Âm do chính Sư tạc nên. Khi Sư đang giảng Pháp, có một vị Tăng từ Òshu đến đã biết mà đứng dựa cột hỏi:
- Tượng này là Phật cũ hay Phật mới?
- Sư trả lời: Ông thấy pho tượng thế nào?
- Tôi thấy như là một vị Phật mới.
- Sư bảo: Nếu ông xem như Phật mới, thì đó là Phật mới, chỉ có vậy. Thế thì có vấn đề gì? Bởi vì ông chưa hiểu thấu cái Bất sinh là Tâm Phật, nên mới đến đây hỏi câu vô dụng như vậy, mà tưởng là Thiền ngữ. Thay vì đặt câu hỏi vớ vẩn quấy rầy mọi người, ông hãy im đi, ngồi vào chỗ, và lắng nghe kỹ những gì tôi nói.
Tránh Né Vấn Đề
Một cư sĩ từ Izumo đến thỉnh vấn: Đối với một người đã giác ngộ như Ngài, có phải là Ba cõi thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai hiện rõ như trong lòng tay?
Sư trả lời: Có phải là bạn hỏi tôi, khi một người đã giác ngộ như tôi, thì Ba cõi hiện ra như được nhìn thấy trong lòng bàn tay, đúng không?
Cư sĩ đáp: Vâng, đúng thế.
Sư bảo: Câu hỏi ấy bạn đã suy nghĩ, hay mới đột nhiên nảy sinh để hỏi?
- Không hẳn là tôi mới hình thành câu hỏi đó ngay tức thì, mà tôi nghiền ngẫm nó đã lâu rồi mới đây nghĩ lại, tôi đem ra hỏi Ngài.
Sư bảo ông ta: Trong trường hợp đó, anh bạn không cần phải bận tâm hỏi chuyện của tôi. Còn việc bạn muốn thấy Ba cõi thì có thể đợi đó. Trước hết, hãy xem xét tường tận cái ngã của chính bạn - điều thực sự quan yếu ngay bây giờ và ở đây. Khi mà bạn chưa thấu rõ tự ngã của mình, thì dù tôi có bảo cho bạn biết vạn pháp đối với tôi ra sao, bạn cũng sẽ không nhận ra, không thấy được và do đó bạn sẽ không tin. Dù có tin, bạn cũng không thể xác chứng những lời tôi nói. Vì bản thân bạn chưa thấy được Ba cõi, tôi nói cũng không ích gì cho bạn. Khi đã hoàn toàn cứu xét tự ngã của mình, bạn sẽ tự biết cả cái thấy được lẫn cái không thấy được (hữu hình vô hình). Tôi không cần phải nói với bạn, bạn cũng không cần phải hỏi tôi. Làm như vậy chỉ là đánh trống lấp, tránh né vấn đề. Việc ấy hoàn toàn không dính gì đến bạn, chẳng khác nào đếm tiền cho người ta mà bản thân mình không có lấy nửa xu teng. Trước hết hãy lắng nghe kỹ lời tôi nói, và khi đã thực sự nhận thức được nó, thì hôm nay mọi sự đối với bạn sẽ được xong xả một lần dứt khoát. Vậy hãy chú ý lắng nghe, và theo lời tôi chỉ giáo. Khi bạn đã nhận ra được và thực chứng một cách rốt ráo lời tôi nói, bạn sẽ thành một vị Phật sống ngay tại đây và bây giờ. Còn về câu hỏi có thể thấy Ba cõi hay không, bạn không cần phải bôn ba khắp nơi đi hỏi người này người khác. Hãy đơn giản nhận ra lỗi lầm của bạn, rồi bạn sẽ chấm dứt làm chuyện lạc đề ấy, và lắng nghe tôi.
Khi ấy Sư trình bày giáo lý về Bất sinh như thường lệ. Khi người cư sĩ nghe xong, liền sẵn sàng xác nhận lời Sư dạy, và tuyên bố: "Thực cảm ơn Sư xiết bao" rồi lui ra.
Tự Lực Tha Lực
Giáo lý của tôi không dính gì đến tự lực hay tha lực. Cái gì vượt ngoài tự lực và tha lực, ấy là điều tôi giảng dạy. Tôi xin chứng minh việc này cho quý vị: Trong khi mọi người quay cả về phía này mà nghe tôi nói, ngoài kia có chim sẻ chíp chíp, chim quạ quác quác, tiếng đàn ông đàn bà, tiếng gió thổi... Dù không cố tình nghe những tiếng ấy, mà khi mỗi tiếng đến tai, quý vị đều nhận ra và phân biệt rõ ràng. Cái việc nghe ấy không phải là do bạn làm, nên không phải chuyện tự lực. Mặt khác, vì không phải ai khác nghe giùm cho bạn, nên cũng không thể nói là tha lực được. Thế thì, cái gì vượt ngoài tự lực và tha lực, không dính dấp đến cả hai chuyện ấy, giáo lý của tôi nói về cái đó. Có phải thế không nào? Khi quý vị nghe với cái Bất sinh như vậy, quý vị vượt ra ngoài bất cứ gì. Và tất cả hoạt động khác của quý vị cũng đều hoàn tất nhờ cái Bất sinh như thế. Với bất cứ người nào để cho Bất sinh vận hành như vậy, thì mọi sự đều tự giải quyết một cách toàn hảo. Bởi thế, con người của Bất sinh không can dự đến tự lực hay tha lực, mà vượt trên cả hai.
Mộng Mị
Một vị Tăng hỏi: Khi ngủ say tôi thường chiêm bao. Tại sao chúng ta nằm mộng? Tôi muốn biết tôn ý của Ngài về vấn đề này.
Sư nói: Khi một người ngủ say thì không mộng mị. Khi bạn nằm mộng, là bạn không ngủ say.
Vị Tăng không nói gì được.

Ai Cũng Có Tâm Phật


Sư bảo đại chúng: Điều duy nhất tôi nói với tất cả mọi người, đó là Tâm Phật Bất sinh đang chiếu sáng kỳ diệu. Tất cả quý vị bẩm sinh đều có tâm ấy mà không tự biết, nên tôi chỉ cho quý vị, và cố làm cho quý vị hiểu ra.
Ai cũng có Tâm Phật, điều đó nghĩa gì? Tất cả quý vị từ xa đến đây với ý định rõ rệt là để nghe những gì tôi nói, nên quý vị đương nhiên phải lắng tai nghe giảng. Thế nhưng trong khi nghe giảng, mà có tiếng chó sủa bên ngoài, quý vị cũng nhận ra được đấy là chó sủa, quạ kêu nhận ra là quạ kêu, tiếng người lớn nhận ra là tiếng người lớn, tiếng trẻ con nhận ra là tiếng trẻ con. Khi từ nhà đến đây nghe pháp, quý vị không định trước rằng: "Nếu trong khi nghe giảng, bên ngoài có chó sủa chim kêu, có tiếng người lớn tiếng trẻ con, thì mình phải cố lắng tai nghe." Thế mà lúc tụ họp tại đây, quý vị vẫn nhận ra được tiếng ồn của chó, quạ bên ngoài, tiếng nói của người lớn và trẻ con; mắt quý vị vẫn có thể phân biệt màu sắc, mũi vẫn phân biệt được các mùi thơm thối. Quý vị không tính trước sẽ gặp những tiếng gì, màu gì, mùi gì. Sự kiện quý vị nhận ra được những gì mình không chờ đợi để thấy nghe, chứng tỏ quý vị đang thấy nghe với Tâm Phật Bất sinh...
Tôi xin nói cho mọi người nghe họ đã sẵn có Tâm Phật như thế nào. Hồi còn trẻ, tôi dấn mình vào việc chứng ngộ cho được Phật tâm. Tôi đi khắp nơi, thực hành đủ các pháp tu, tìm những bậc Thầy để tham vấn, nhưng không vị nào có thể nói cho tôi nghe cái điều tôi cần biết. Kết quả là tôi không có được hiểu biết rõ ràng, phải phấn đấu đủ cách như tọa Thiền, rút vào núi sâu, hành thân hoại thể, mà vẫn mù tịt về vấn đề Tâm Phật. Cuối cùng năm 26 tuổi, tôi hoát nhiên đốn ngộ, và từ bấy đến nay tôi luôn nói cho mọi người biết rằng Tâm Phật Bất sinh đang chiếu sáng kỳ diệu, để họ có thể hiểu. Tôi chắc ít ai có thể nói cho các bạn chi tiết như thế.
Như tôi đã kể với các bạn, sau nhiều năm tu tập, cuối cùng tôi mới chứng ngộ được Phật tâm này. Thế mà tất cả quý vị đều có thể dễ dàng biết được Tâm Phật ngay tại buổi giảng này, một cách hoàn toàn thoải mái, không cần phải hành thân hoại thể, điều đó chứng tỏ quý vị có duyên sâu xa với Phật pháp hơn tôi rất nhiều. Quý vị quả là những người may mắn. Sau khi khám phá Tâm Bất sinh đang chiếu sáng kỳ diệu, tôi đã giảng dạy điều ấy khắp nơi, và có nhiều người đã hiểu. Dĩ nhiên, Tâm Bất sinh này không phải là điều mà tôi học được từ Thầy tôi, đây là điều tôi tự khám phá cho chính mình, và trong mọi buổi giảng, tôi đều giảng dạy theo thực chứng của bản thân. Vì có người chưa hiểu nếu chỉ nói một hai lần, nên tôi phải lặp đi lặp lại. Bởi vậy nếu ai cần hỏi gì, hãy nêu lên, tôi sẽ nói thêm vài điều...
Điều mà tôi nói với tất cả quý vị là gì? Tôi chỉ nói về duy nhất cái Tâm Phật Bất sinh mà tất cả quý vị đều bẩm sinh có sẵn. Việc chính yếu là nhận cho ra Tâm Phật này. Lúc đầu, không có gì xấu xa nơi quý vị; nhưng chỉ cần nhích một chút xíu là quý vị biến Tâm Phật thành những tư tưởng (xấu). Lấy trường hợp một người trộm cướp. Lúc đầu, anh ta chỉ chôm chỉa vài thứ lặt vặt, rồi nghĩ: "Mình được những thứ này không cần tốn xu nào, chắc chắn không cách nào kiếm sống dễ dàng hơn thế." Từ đó trở đi, anh ta trở thành một tay trộm cướp chuyên nghiệp táo tợn, và điều không thể tránh là anh ta bị tóm cổ, bị xiềng xích bị bỏ tù rồi đưa đến chỗ hành quyết. Nhưng khi gặp phải hình phạt, anh ta lại quên tất cả những việc quấy của mình, mà chửi rủa những người xử tử mình là tàn nhẫn vô nhân đạo, cho rằng việc làm của mình không đáng bị xử phạt quá nặng như thế. Có phải là lầm lẫn ghê gớm không? Đó là cái cách mà người ta biến cái Tâm Phật quý báu của mình thành quỷ đói và quỷ chiến đấu - tất cả đều do một bước sẩy chân ban đầu.
Tôi còn có một ngôi chùa ở Kyoto (Jizoji, Bankei thành lập năm 1664 ở Yamashina thuộc Kyoto. Hiện nay không còn - ND). Khi ở chùa này, hàng ngày vào thành tôi đều đi ngang qua Awadagucchi nơi các tội nhân bị đóng đinh và thủ cấp của họ treo lủng lẳng nơi các cổng nhà ngục. Vì phải thường xuyên đi qua nơi ấy nên thỉnh thoảng tôi lại trông thấy cảnh này.
Ở Edo, quan tòa đại hình là Lord Koide Ozumi, một người bạn tôi thường lui tới. Mỗi khi viếng thăm ông tại tư dinh, tôi thường trông thấy nhiều tội nhân bị các viên chức áp tải ra, bị trói ké và chịu đủ thứ cực hình ghê gớm nhất. Lúc ấy những tội nhân hoàn toàn quên những việc quấy họ đã làm là đáng trách, mà cứ mắng nhiếc những sĩ quan vô tội vạ làm như thể họ là những người gây ra đau khổ cho mình. Tôi thường chứng kiến cảnh ấy. Về sau, thấy những cảnh như vậy, tôi quyết chỉ viếng thăm vào những ngày kiêng sát, vì vào những ngày ấy không được mang những tội nhân đại hình đến tòa nhà. Đây là một điển hình cho thấy làm thế nào chỉ do một sơ suất nhỏ mà người ta đã vô tình biến Tâm Phật thành ra một chúng sinh Địa ngục. Mọi người hãy nắm rõ điều này. Khi nói về cái mà tất cả quý vị thừa hưởng của cha mẹ lúc mới sinh ra, thì chỉ có duy nhất cái Tâm Phật. Vậy hãy cẩn thận hết sức, đừng có tạo ra những si mê và thói hư tật xấu do dục vọng ích kỷ và ngã chấp sinh ra, những thứ mà bình sinh quý vị vốn không có. Chính để chứng minh điều này mà tôi nói cho quý vị nghe về những tội nhân...
Khi mới được cha mẹ sinh ra, quý vị chưa có một dấu vết gì của dục vọng ích kỷ, thói hư tật xấu hay thói tập trung vào bản ngã. Nhưng khi được bốn năm tuổi, quý vị thâu thập những việc quấy mà quý vị trông thấy người khác làm, những lời lẽ xấu xa mà quý vị nghe người khác nói, rồi dần dần khi được lớn khôn trong môi trường hư đốn, quý vị phát triển những dục vọng ích kỷ, trở thành thói tập trung vào bản ngã, chỉ biết nghĩ đến mình. Bị si mê lầm lạc như vậy, quý vị khởi sự làm đủ mọi điều xấu ác. Nếu không vì ngã chấp thì si mê không sinh khởi. Khi si mê không sinh khởi thì không khác gì an trú trong Tâm Phật Bất sinh. Ngoài ra không có Phật nào khác. Bởi thế, nếu ai có gì không hiểu, hãy bước ra hỏi bất cứ điều gì. Không cần phải rụt rè khi hỏi về điều này. Đây không phải là những bận tâm thế tục trong chốc lát, mà đây là vấn đề vĩnh cửu. Bởi vậy nếu ai có nghi ngờ gì, nên hỏi ngay tức khắc. Tôi không chắc sẽ còn gặp lại tất cả quý vị, nên hãy lợi dụng cơ hội này mà hỏi về bất cứ gì làm quý vị băn khoăn thắc mắc. Khi quý vị đã toàn toàn nắm vững cái Tâm Phật Bất sinh đang chiếu sáng kỳ diệu thế nào, thì quý vị sẽ gặt hái được phần thưởng cho việc ấy.
Sau khi chỉ giáo như vậy, Sư bước lên bục điện thờ để làm lễ kết thúc buổi giảng, và lúc xong lễ, Ngài lại nói: Bây giờ tôi lui vào trong thất. Hôm nay quá đông người, nên để tránh sự ồ ạt, xin quý vị từng người ra về trong trật tự và nhất là đừng hấp tấp để tránh tai nạn rủi ro.
Sống Như Phật
Cái gì đã khiến một đám đông người như thế này đến đây khi trời vừa mới sáng, để lắng nghe tôi nói, cái ấy không gì khác hơn là Tâm Phật Bất sinh. Nếu không thấy có cái gì thật phi thường trong những lời tôi nói, thì quý vị đã không quày quả ra đi sớm như vậy để đến nơi đây. Vậy là, trong số quý vị đến tham dự buổi giảng hôm nay, những người tuổi ngũ tuần thì đã sống 50 năm không nhận ra Tâm Phật ngay trong mình, những người tuổi ba mươi đã sống 30 năm mà cho đến ngày hôm nay vẫn chưa nhận ra được sự thật ấy - tất cả quý vị đều trải qua những năm tháng của đời mình trong sự mờ mịt. Nhưng tại giảng đường hôm nay khi quý vị đã hoàn toàn nắm vững rằng mỗi người trong đây đều có sẵn Tâm Phật Bất sinh ngay trong mình, thì từ hôm nay trở đi quý vị sẽ sống trong cái Tâm Phật ấy mà thôi, và sẽ mãi mãi thành những vị Phật sống. Điều tôi đang nói với tất cả quý vị chỉ cốt là làm cho quý vị nhận ra rằng Tâm Phật Bất sinh đang chiếu sáng một cách kỳ diệu. Khi đã hoàn toàn nhận ra điều này, thì từ đây mãi mãi về sau, quý vị sẽ có một thân Phật không khác gì thân đức Phật Thích ca, và sẽ không bao giờ đọa lạc trở lại vào ba ác đạo. Tuy nhiên, trong khi nghe giảng như thế này quý vị dù có thể hiểu rõ Tâm Phật Bất sinh, mà khi trở về lại nhà, những điều quý vị trông thấy và nghe thấy sẽ khởi động cái tâm giận dữ nơi quý vị trở lại. Và khi ấy, dù chỉ nổi giận một chút xíu, quý vị cũng sẽ mang tội gấp triệu lần trước khi nghe tôi giảng về Tâm Phật Bất sinh. Khi ấy quý vị sẽ chuyển từ cái Tâm Phật Bất sinh mà quý vị đã biết, thành ra những chúng sinh ở Địa ngục, Súc sinh, Ngạ quỷ, mãi mãi luân hồi.
Tôi chắc không có ai trong đây lại không muốn thành Phật. Chính vì thế tôi mới ra giảng cho tất cả quý vị. Hãy hiểu rõ những điều tôi nói, thì từ hôm nay trở đi quý vị sẽ thành những vị Phật sống. Dù tôi có thúc giục quý vị hãy dẹp chuyện thành Phật, nên sa vào Địa ngục đi, thì chắc chắn không một người nào sẽ tình nguyện làm theo. Bằng chứng điều này là, vì muốn nghe giảng mà quý vị đã thức dậy vào lúc nửa đêm để lặn lội tới đây, kiếm cho được một chỗ ngồi trong đám đông khổng lồ này, chấp nhận đủ thứ gian nan miễn sao được nghe Pháp. Không phải đó là vì tất cả quý vị đều muốn thành Phật hay sao? Vì quý vị đã có quyết tâm như vậy, nên từ nay trở đi quý vị phải cẩn thận rất nhiều mới được, trong mọi điều quý vị làm và nói.

Cái Tâm Phật Bất sinh đó là thứ gì vậy? Có lẽ quý vị tự hỏi. Trong khi tất cả quý vị đều tập trung thính giác nghe tôi giảng như thế, mà bên ngoài có tiếng chó sủa, tiếng người hàng rong rao hàng, mặc dù không cố ý nghe, quý vị vẫn nghe được tất cả những thứ tiếng ấy: đó là nghe với cái Bất sinh, diệu dụng của Phật tâm. Tôi xin lấy một ví dụ: Tâm Phật, vốn chưa từng sinh ra và đang chiếu sáng kỳ diệu, tâm ấy giống như một tấm gương sáng. Gương thì phản chiếu bất cứ gì xuất hiện trước nó. Nó không cố ý phản chiếu sự vật, nhưng bất cứ vật gì đến trước gương, thì màu sắc dáng hình của nó đều chắc chắn hiện ra. Cũng vậy, khi vật được dời đi, thì tấm gương cũng không cố ý không phản chiếu, nhưng khi vật đã bỏ đi thì bóng nó cũng không còn hiện trong gương. Cái Tâm Phật Bất sinh cũng hệt như thế. Khi bạn cố ý nhìn và nghe điều gì, thì bạn sẽ nghe và thấy, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng khi bạn thấy và nghe được những gì mà trước đấy bạn không dự định để thấy nghe, thì đó chính là nhờ cái diệu dụng linh hoạt của Tâm Phật mà mọi người ai cũng có. Đấy là ý nghĩa cái Tâm Phật Bất sinh. Khi tôi đã tìm cách giảng giải về cái Bất sinh sao cho tất cả quý vị đều hiểu được như thế, mà nếu có người vẫn chưa hiểu, thì dù vị ấy có nghe ngàn vạn bài giảng cũng không ăn thua gì. Người nào dù chỉ nghe một bài giảng, đã nhận ra được Tâm Phật bẩm sinh nơi tất cả mọi người, thì người ấy từ đó trở đi trở thành Phật sống.
Lấy một ví dụ khác. Giả sử có người đi từ Takamatsu đến Marugame mà không biết đường, gặp một người biết rành đường lối chỉ bày cho. Sau khi nhớ kỹ những lời chỉ dẫn, người ấy theo đó mà đi và đến đích không khó khăn gì. Cũng thế, khi tất cả quý vị đã nắm được chính xác những gì tôi nói, thì từ đấy trở đi quý vị sẽ an trú trong Tâm Phật bản nhiên. Ngược lại nếu không an trú được như thế, thì cũng như quý vị đã được người ta chỉ cho đường đến Marugame mà không theo, lại theo con đường dẫn tới nơi nào khác. Đó là lý do quý vị nên lắng nghe kỹ những gì tôi nói. Tôi không chắc có thể trở lại đây nói chuyện cùng quý vị nữa không. Cho dù quý vị đi nghe giảng nơi nào khác, cũng không chắc có người nào giải thích cho quý vị về cái Tâm Phật Bất sinh mà chiếu sáng kỳ diệu này. Bởi vậy nếu chư vị thấy lời tôi nói có lý, thì hãy nên coi chừng ngăn chặn sự nổi lên đủ loại ý tưởng, để chấm dứt vòng luân hồi. Nếu không thành Phật ngay bây giờ thì trong mười ngàn kiếp quý vị cũng sẽ khỏi tái sinh lại trong cõi này, bởi thế hãy nỗ lực thực chứng một cách rốt ráo cái Tâm Phật Bất sinh, và chớ để bị mê lầm. Được như vậy thì ngay từ hôm nay, quý ông sẽ là những người nam an trú Tâm Phật, quý bà sẽ là những người nữ an trú Tâm Phật, tất cả đều hết si mê lầm lạc. Đó không gì khác hơn là Phật quả, là giác ngộ.
Tôi có thể nói cho quý vị vài điều về Tâm Phật nơi phụ nữ. Theo tôi hiểu, phụ nữ thường rất buồn khi nghe nói họ không thể thành Phật. Nhưng sự thực không phải vậy. Có gì khác nhau giữa nam và nữ? Thân nam là thân Phật, thân nữ cũng là thân Phật. (ý nói nam hay nữ đều thể hiện được tâm giác ngộ. - ND) Quý vị không nên nghi ngờ gì về điểm này. Khi quý vị đã hoàn toàn nắm được lý Bất sinh, thì trong Bất sinh, không có gì khác nhau giữa nam hay nữ. Mọi người đều là thân Phật.
Vậy quý vị nữ giới trong đây hãy nghe cho kỹ. Về phương diện hình thể, rõ ràng là nam nữ khác nhau, nhưng về phương diện Tâm Phật thì không có khác gì. Quý vị đừng bị tướng bề ngoài làm cho lầm lạc. Tâm Phật vẫn giống nhau, không có khác biệt nào giữa nam với nữ.
Tôi xin chứng minh với quý vị điều này. Trong giảng đường hôm nay có rất đông người tụ tập, nhưng khi nghe tiếng trống hay tiếng chuông ngoài kia, quý vị có nghĩ là phụ nữ lầm tiếng chuông là tiếng trống, tiếng trống là tiếng chuông chăng? Quý vị có thực nghĩ rằng có gì khác nhau trong cách đàn ông nghe với cách phụ nữ nghe những tiếng ấy? Tuyệt đối không khác chút nào. Lại nữa, thưa tất cả quý vị, đâu phải việc này chỉ đúng cho "nam giới và nữ giới" mà thôi. Trong giảng đường này, chúng ta có những người trẻ và người già, Tăng và tục, đàn ông và đàn bà, đủ tất cả hạng người; nhưng nói đến sự nghe chuông trống, quý vị có thể nói được hay chăng, rằng người già nghe cách này, người trẻ nghe cách khác? Quý vị có thể nói có sự khác nhau trong cách tu sĩ nghe, cách cư sĩ nghe, cách đàn ông nghe, cách đàn bà nghe chăng? Sự thật là hoàn toàn không có gì khác nhau trong sự nghe cả, và điều ấy chứng tỏ tất cả mọi người đều sẵn có bẩm sinh Một Tâm Phật đồng nhất. Vậy thì nói về nam và nữ chẳng qua chỉ là những danh từ, những cái bóng của tâm quý vị sản xuất ra. Trước khi những cái bóng ấy phát sinh, ở trong cảnh giới Bất sinh không có gì là nam hay nữ. Và vì sự tình là vậy, thì không có gì khác nhau giữa Tâm Phật nơi người nam và Tâm Phật nơi người nữ, quý vị không nên nghi ngờ.
Giả sử trong lúc bạn đang an trú liên tục trong Bất sinh, trong Tâm Phật, quên hết những phân biệt nam nữ, nhưng đột nhiên bạn trông thấy hay nghe một việc gì rối rắm, chẳng hạn có người nào nói xấu bạn, hay những ý niệm tham dục bám víu khởi lên trong bạn mà bạn ràng buộc vào đó, thế là bạn đang chuyển Tâm Phật thành ra ý nghĩ, chẳng hạn nghĩ "chỉ vì mình là một phụ nữ khốn nạn" hay đại loại như thế. Nếu không bị đánh lừa bởi hình tướng bên ngoài, hoàn toàn nắm lấy Con đường duy nhất, cái Bất sinh, thì bạn sẽ thấy rằng không những nam hay nữ, mà chư Phật trong quá khứ hay vị lai cũng đều là một Tâm Phật đồng nhất ấy. Không lý do gì phụ nữ lại là một trường hợp đặc biệt, không thể chứng thành Phật quả.
Nếu thực sự có vài lý do khiến phụ nữ không thành Phật, thì quý vị thử nghĩ tôi được lợi lộc gì mà gạt gẫm tất cả mọi người bằng cách cả quyết dối rằng phụ nữ có thể thành Phật, đánh lạc hướng đám đông khổng lồ này? Nếu sự thực là phụ nữ không thể thành Phật, mà tôi lại nói là họ có thể, để xí gạt tất cả bà con, thì bảo đảm tôi sẽ phải đáp xuống Địa ngục ngay lập tức trước mặt tất cả quý vị ở đây. Chỉ vì mong thành Phật quả mà ngay từ tấm bé tôi đã phải chịu bao nhiêu gian khổ tu hành; không lẽ ngày nay tôi lại cố nói dối với quý vị để bị đọa xuống Địa ngục? Những gì tôi nói với quý vị không phải là dối trá. Tôi muốn các bà trong đây phải nắm kỹ điều này, để từ nay trở đi, hãy an tâm mà sống những ngày tháng của các bà ở trong Tâm Phật Bất sinh...
Ngay cả nơi những người xấu ác, Tâm Phật vẫn không biến mất. Khi bạn lật ngược cái tâm xấu của họ, thì đấy là Tâm Phật không gì khác. Tôi xin kể cho quý vị nghe một kẻ ác có Tâm Phật là thế nào. Giả sử có hai người cùng đi với nhau từ đây đến Taka - matsu, một người thiện một người ác. Nhưng cả hai không ai để ý gì đến thiện ác mà cứ vừa đi vừa nói chuyện dọc đường. Hai bên đường hoặc trên đường có cái gì, thì mắt của người thiện cũng như người ác đều trông thấy như nhau. Nếu có con ngựa hay con bò xông tới trước mặt thì cả hai đều biết nhảy tránh, mặc dù không tính trước. Nếu có gặp hố nước, cả hai cùng nhảy qua, gặp sông thì cùng lội. Sở dĩ có phản ứng giống nhau như vây là vì người tốt lẫn người xấu đều cùng có một căn bản chung là Tâm Phật Bất sinh. Mỗi người trong đây cũng thế, từ trước đến nay, đã từng làm ác, bị ngốn ngấu bởi đủ loại bám víu và thèm khát, bị xâm chiếm bởi sân si, nên phải chịu luân hồi, chuyển đổi cái Tâm Phật quý vị vốn có thành A tu la và quỷ đói. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích về Tâm Phật Bất sinh rồi nếu quý vị hiểu rõ, thì chính cái tâm tham dục sân giận bám víu bấy lâu nơi quý vị lập tức sẽ chuyển thành Tâm Phật Bất sinh, và quý vị sẽ không bao giờ mất tâm ấy, dù trải qua mười ngàn kiếp. Khi quý vị an trú trong Tâm Phật ấy, thì từ đây quý vị sẽ là những Phật sống. Nhưng đừng lầm; nếu bây giờ quý vị đánh mất Tâm Phật ấy thì mười ngàn, cả đến trăm ngàn kiếp sau quý vị cũng không thành Phật được. Hãy nên nhớ kỹ điều này.
Dù cho những thói tật thâm căn cố đế nơi quý vị sẽ khiến quý vị bám lấy những gì gặp phải, vọng tưởng chốc lát khởi lên, thì người có đức tin bền chắc sẽ không bám víu cũng không xua đuổi chúng - trong nháy mắt, người ấy sẽ dễ dàng quay trở về với Phật tính Bất sinh. Ngay cả đối với chư Phật chư tổ, cũng không phải rằng các Ngài hoàn toàn không có tư tưởng nào từ khởi thủy. Nhưng vì các Ngài không bị vướng vào tư tưởng, và cũng như trẻ con, không có tưởng tương tục, nên cũng như thể là tư tưởng chưa từng sinh khởi. Chính vì vậy mà Phật, tổ giải thoát khỏi tư tưởng.
Khi tư tưởng (hay tơ tưởng, hay vọng tưởng. ND) không khởi lên, thì cái diệu dụng chiếu sáng linh hoạt của Tâm Phật không hiện rõ, bởi thế sự sinh khởi những ý tưởng kỳ thực là diệu dụng của Phật tâm chiếu sáng. Nội cái việc tôi giải thích điều này và quý vị đang tiếp nhận đó cũng là do mọi người đều có được cái công năng chiếu sáng kỳ diệu của Tâm Phật bẩm sinh. Có phải điều ấy thật quý báu không? Đem một vật vô cùng quý giá như thế để dấy lên đủ thứ vọng tưởng rồi tạo ra ba đường ác Địa ngục Súc sinh quỷ đói ngay trong đời này, bị ác nghiệp lôi kéo - phải chăng thực là đáng tiếc? Thật tội nghiệp cho những con người phải chịu khổ như thế từ sáng tới tối. Vậy hãy nhớ kỹ điều này, nhận thức rõ rằng, gặp cảnh gì cũng dấy động tư tưởng thì chỉ chuốc lấy khổ đau. Bởi thế đừng chuyển cái Tâm Phật thành ra những tơ tưởng vốn không phải bẩm sinh nơi bạn, và hãy sống trọn ngày an trú trong Tâm Phật Bất sinh.

Tôi Tớ, Hiệp Sĩ, Chồng Và Vợ

... Chúng ta thường thấy ở đời, khi có người nào giỏi về một vấn đề gì, mọi người sẽ ca tụng "Anh ta hay thật, giỏi thật!" Nhưng khi nghe vậy, một người cuồng tín sẽ bảo: "Có thể anh ta hay giỏi về mặt đó, nhưng cũng có những điểm tệ như vầy như vầy... " và tìm cách bôi nhọ cả đến những tài năng của người ta. Rõ ràng, đó là thói xấu của người kiêu ngạo. Với những người như vậy thì, khi người họ thích có chút tài mọn họ cũng tâng bốc tới mây xanh, xem là anh hùng vô địch. Các bạn cũng đã thấy khá nhiều người như thế. Có phải thái độ ấy thực sai lầm ghê gớm không? Chúng ta nên hoan hỉ khen ngợi người đáng khen, và khi nghe ai được hạnh phúc, hãy vui mừng như chính mình hạnh phúc. Sự thể đáng lẽ phải vậy. Người được như thế là người sáng suốt không để mờ Tâm Phật. Nhưng nếu khi thấy hay nghe điều gì, mà bạn phản ứng với lòng kiêu căng hay cuồng tín, thì thế là bạn đã chuyển cái Tâm Phật bẩm sinh nơi bạn thành một giống dân Địa ngục...
Khi dẹp bỏ thói tức giận, tham lam, bám víu, chấp ngã, thì dù với kẻ tôi tớ, quý vị cũng không dữ dằn, mà bày tỏ lòng thương. Không phải vì có tiền thuê mướn người làm mà quý vị thấy có lý do để đánh đập hay sai người ta làm những việc vô lối. Dù với tôi tớ, ta cũng không nên nghĩ họ không liên hệ gì đến mình. Giả sử bạn có đứa con không vâng lời. Nếu kẻ bất tuân đó là một người ngoài thì phải biết, bạn sẽ nổi tam bành. Nhưng vì bạn nghĩ nó là con mình, nên đành rán chịu, phải không? Hơn nữa, những việc đổ đồ dơ mà bạn sai con cái làm, thì vì cùng máu mủ, có thể nó không gớm ghiếc lắm. Nhưng với một người tôi tớ không bà con thì khác. La mắng người khác xối xả, tức giận điên cuồng, đó là một lỗi lầm lớn. Từ trước đến nay, vì không hiểu nguyên tắc đằng sau sự việc, nên bạn tha hồ nổi nóng không cần suy nghĩ, tin rằng sự sân si tức giận là lẽ tự nhiên thường tình trong cõi người ta. Nhưng bây giờ, khi đã nghe về Tâm Phật Bất sinh mà mỗi người đều sẵn có từ lúc mới sinh ra, thì từ đây về sau quý vị nên giữ gìn đừng làm hại cái tâm ấy.
Có lẽ quý vị tưởng những người tôi tớ đã nhờ tôi nói hộ. Nhưng không! Dù một người tớ có thô lỗ đến mấy, điều tôi muốn nói là quý vị cũng không nên mất bình tĩnh một cách vô lý để hại cái Tâm Phật của mình mà thôi...
Trong đời, đàn ông đa số không tin tưởng gì lắm. Nhưng phụ nữ thì khác, họ rất chân thành. Phụ nữ quả có điên rồ hơn nam giới ở vài khía cạnh. Nhưng khi bạn nói với họ là làm ác sẽ xuống Địa ngục, thì họ hoàn toàn không chút hoài nghi, và khi bạn dạy họ rằng hành thiện sẽ thành Phật, thì họ hăng hái phát nguyện thành Phật, đức tin nơi họ càng ngày càng sâu xa. Khi họ nghe tôi nói về cái Bất sinh, lòng tin của họ được khơi dậy, bởi thế phụ nữ do lòng chân thành, sẽ dễ chứng ngộ Phật tính nhanh hơn nam giới mà khôn lanh láu cá. Vậy, hãy quyết định ngay bây giờ rằng, quý vị sẽ thành Phật.
Có lẽ mọi người đang nghĩ, Thầy bảo vào mọi lúc ta nên coi chừng, đừng nổi nóng, đừng tham lam. Nhưng nếu ta theo lời Thầy, rồi bị chê ngu, chắc chắn ta không thể nói "đương nhiên, chúng tôi là kẻ ngu."
Dĩ nhiên có thể xảy ra sự tình như thế; nhưng người nào chê kẻ khác ngu thì chính họ cũng ngu. Vậy với những người như thế, hãy bỏ qua chớ bận tâm làm gì.
Nhưng với một hiệp sĩ, bị kẻ khác lăng nhục thì không có chuyện bỏ qua. Tôi lấy một ví dụ. Có những người sở hữu những đồ men quý giá như bình cắm hoa và tách trà. Tôi không giữ những thứ ấy, nhưng tôi thấy người nào giữ đồ sứ quý đều bọc chúng rất kỹ trong nhiều lớp bông vải mịn và để trong hộp, vì nếu những thứ ấy mà chạm phải vật gì cứng thì đương nhiên phải vỡ. Bởi thế họ giữ cho khỏi vỡ bằng cách bọc trong bông vải mịn là việc làm có lý. Tâm người hiệp sĩ Nhật cũng giống như vậy. Trước hết, họ luôn luôn đặt danh dự trên hết mọi thứ khác. Dù chỉ một lời nói họ cũng không bỏ qua, mà phải thanh toán sòng phẳng, đó là lề lối của hiệp sĩ samurai. Khi một lời thách thức đã thốt ra, thì không có chuyện lấy lại. Người hiệp sĩ luôn gói kỹ phần "cứng" của tâm họ dưới những lần lót như thế, và ngay từ đầu đã hết sức cẩn trọng tránh "chạm phải" những người dễ động chạm. Tốt hơn là mọi người nên luôn thận trọng về điều này. Một khi bị người khác khiêu khích thì một samurai buộc phải sát sinh. Quý vị nên nhớ kỹ cho chuyện ấy.
Rồi lại có vụ sát sinh xảy ra khi người hiệp sĩ quỳ xuống xin phép chủ mình để giết một kẻ tấn công. Việc này là để trừ khử những kẻ ác, đấy là thiên chức của hiệp sĩ nên đối với hạng này, thì việc ấy không thể xem là sát sinh. Nhưng giết người chỉ vì mưu toan những mục đích cá nhân, vì dục vọng do ngã chấp thì đích thực là sát sinh hại mạng. Điều ấy chứng tỏ bất trung với chúa, bất hiếu với cha mẹ, và đổi cái Tâm Phật thành quỷ tu la. Mặt khác, trong trường hợp một người tôi đáng phải chết cho chúa mà lại không chết, bỏ trốn vì hèn nhát, thì đấy là chuyển cái Tâm Phật nơi họ thành ra Súc sinh. Cầm thú không thông minh như người nên không biết phải hành động thế nào mới phải lẽ, chúng không biết đến danh dự nên chỉ có chạy đôn chạy đáo cố tìm cách thoát chết. Nhưng khi một hiệp sĩ samurai mà cũng có hành động như thế, không có ý thức danh dự, bỏ chạy không xấu hổ với bạn bè, thì không khác gì súc vật.
Ở Edo, tôi cũng có một ngôi chùa tọa lạc tại Azabu ở ven đô. Có một người giúp việc đã ở với tôi một thời gian khá lâu nên cũng có chút tin tưởng về Tôn giáo. Có lẽ nhờ anh ta thường quan sát cung cách những Thầy tu nên chịu ảnh hưởng phần nào. Một hôm vào lúc sẩm tối, một người trong số các đệ tử tôi sai anh ta đi có việc. Con đường đi phải ngang qua một vài vùng hoàn toàn không có nhà cửa xóm làng, nơi mà những kiếm sĩ thường phục kích giết khách lữ hành (Vào thời ấy, những hiệp sĩ samurai thường ưa thử gươm bằng cách đứng tại những góc vắng vẻ, khiêu khích kẻ đi đường để kiếm cớ mà giết, vì theo luật lệ bấy giờ, hiệp sĩ có quyền giết người nào tỏ ra thiếu lễ độ và xúc phạm danh dự họ. ND.) Bởi thế về đêm không có an toàn ở những nơi ấy. Nhưng mặc cho mọi người cố ngăn cản, người tớ vẫn không nghe, cứ ra đi. Trên đường về trời đã tối, một kẻ sát nhân thuộc loại nói trên, đứng chực sẵn nơi vắng vẻ. Y cố sấn vào người tớ, rút kiếm la lên: "Tay áo ngươi động vào người ta. Ta không để cho ngươi thoát." Người tớ nói: "Tay áo tôi không động vào Ngài." Rồi không suy nghĩ, anh ta cúi gập người vái chào hiệp sĩ ba cái. Khi ấy lạ thay, hiệp sĩ bèn tra kiếm lại vào bao - cây kiếm sắp giết người - nói: "Ổ, ngươi quả là một người lạ lùng. Thôi ta tha cho ngươi đi." Thế là người tớ thoát nạn. Nãy giờ một người buôn vào ẩn nấp trong một trà thất lân cận vẫn lén lút quan sát động tĩnh bên ngoài. Trong khi người này đang tự hỏi không biết anh chàng kia bị giết chưa, thì người tớ đã xuất hiện trước mặt. Người lái buôn nói: "Suýt nữa thì anh rồi đời. Làm sao mà anh nghĩ ngay được chuyện cúi lạy như thế?" Người tớ đáp: "Tôi ở chùa thấy các Thầy tu thường cúi gập mình vái ba lạy. Vừa rồi, tôi nghĩ được rồi, nếu y muốn giết thì cứ để cho y giết. Và không suy nghĩ, tôi cứ theo thói quen vái ba lạy. Nhưng khi thấy thế, y lại nói anh thật lạ lùng, thôi tôi để cho anh đi. Và thế là tôi tiếp tục hành trình." Đấy là những gì người tớ ấy về thuật lại cho tôi nghe. Tôi nói: "Anh đã thoát chết nhờ luôn luôn giữ niềm tin." Và khi nghe chuyện ngay cả một kẻ sát nhân tàn bạo cũng có trái tim biết xúc động, thì tôi lại càng chắc chắn không ai có thể hoài nghi về Pháp Phật nhiệm mầu.
Vì tôi đi nhiều nơi, nên gặp đủ thứ chuyện. Tôi có một ngôi chùa nữa ở Ozu thuộc tỉnh Iyo, và hàng năm tôi thường đến ở đấy ít lâu. Chùa Ozu không phải như chùa này, đó là một cấu trúc khổng lồ. Mỗi khi tôi ở đấy thì hàng loạt rất đông khách thập phương kéo đến chật cả chùa gồm hai gian lớn một bên dành cho nam một cho nữ, mỗi bên có hai tiếp viên nam hai tiếp viên nữ để hướng dẫn cho có trật tự, và mọi người kính cẩn lắng nghe. Tất cả những người ở đấy đều đến từ vùng cách xa hai dặm.
Một lần có một người ở Ozu gả con gái cho một nhà ở vùng quê cách đó hai dặm (lý). Người con gái ấy sinh hạ một trai, nhưng hai vợ chồng này không ngớt gây gỗ nhau, cuối cùng sau một trận kịch chiến người vợ bỏ ra khỏi nhà, giao con lại cho người chồng và tuyên bố nàng sẽ trở về nhà cha mẹ ruột. Người chồng vừa cặp con trong nách vừa nói: "Nếu em về nhà cha mẹ thì anh sẽ liệng thằng bé này xuống sông." Nhưng người vợ nói: "Tốt lắm, nó là con anh, bây giờ tôi trả lại cho anh, anh cứ việc liệng nó xuống sông đi. Tôi không thiết." Người chồng bảo: "Em về thì về, nhưng không được đem gì theo ngoài một ít áo quần và tư trang." Nàng trả lời: "Đã ra khỏi cái nhà này, thì tôi không cần gì những thứ ấy." Nói xong nàng bỏ đi về Ozu. Tình cờ cô gái gặp những người đang đi đến chùa tôi để nghe pháp, nên thay vì về nhà cha mẹ, cô lại đi theo họ vào chùa nghe giảng. Cô nghe chăm chú những gì tôi nói hôm đó. Khi xong buổi giảng mọi người giải tán ra về, cô gái gặp một ông láng giềng của cha mẹ nàng. Khi ông này hỏi ngọn gió nào đưa đẩy nàng trở về như vậy thì cô gái kể: "Sáng nay vợ chồng tôi cãi nhau, tôi bỏ về nhà, nhưng về đến đây thì gặp đám người đi nghe pháp. Tôi nghĩ là dịp tốt nên thay vì về nhà cha mẹ, tôi theo họ vào nghe. Mọi lời trong buổi giảng này đều ứng vào hoàn cảnh riêng của tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Sự việc sáng nay tôi bỏ nhà chồng mà đi thật là hoàn toàn do lỗi của tôi. Chồng tôi không muốn tôi bỏ ra đi. Ảnh cùng mẹ ảnh đã nói hết lời để giữ tôi lại, nhưng tôi một mực không nghe, khiến họ cuối cùng cũng điên tiết. Nhưng bài pháp hôm nay đã cho tôi thấy tôi có lỗi như thế nào, bởi thế tôi sẽ không bỏ về lại nhà cha mẹ nữa. Tôi sẽ trở lại nhà chồng, xin tha thứ những điều quấy tôi đã làm, tôi sẽ hạ mình trước cả mẹ chồng và chồng, rồi kể cho họ nghe về bài pháp kỳ diệu hôm nay. Bởi vì nếu tôi không khuyến khích nhà chồng cùng quan tâm đến giải thoát giác ngộ thì việc nghe Pháp của tôi chưa thực sự có ích."
Người láng giềng nói: "Đã gây gỗ với chồng mà bỏ về như vậy rồi thì làm sao trở lại được nữa. Chi bằng cứ về nhà cha mẹ, rồi tôi sẽ đưa chị trở lại nhà chồng dàn xếp cho êm."
Người đàn bà bảo: "Không, không, êm hay không êm cũng chả sao, vì chung quy đấy là lỗi tại tôi, tôi phải đích thân hòa hoãn lại với nhà chồng. Vả lại, nếu bài pháp kỳ diệu này chỉ một mình tôi nghe thì thật uổng. Tôi muốn san sẻ với gia đình chồng và khuyên họ cùng học đạo giải thoát. Có như vậy thì sự nghe pháp của tôi mới thực có ý nghĩa."
Những người đi đường đều nghe câu chuyện giữa hai người đang đối đáp. Họ bảo nhau: "Cô kia thật đáng khen biết chừng nào. Chỉ nghe một bài Pháp mà nhận ra được lầm lỗi của mình, thực là tư cách tuyệt diệu nơi một người phụ nữ. Còn cái anh chàng kia thì đúng là loại quân sư quạt mo, cố khuyên nàng đừng có trở lại nhà chồng một mình, để cho anh ta cùng đi với, để ảnh dàn xếp giùm cho êm. Rõ là một thằng cha vô duyên hết cỡ. Y ta ở Ozu, đương nhiên đã nghe đi nghe lại nhiều lần bài giảng ấy, thế mà coi tề, hãy nghe y đưa ra một lời khuyên như mắm thối ấy."
Thế là những người đi đường không ngớt chê trách anh chàng láng giềng kia, và bảo cô gái sau khi nghe cô tuyên bố sẽ một mình trở về lại nhà chồng: "Đúng đấy, thái độ của cô thật đáng khen. Hãy nhanh lên mà trở lại với nhà chồng."
Cô gái nói: "Vâng, tôi đi đây." Và quày quả trở về lại.
Hôm ấy tôi được một tộc trưởng ở Ozu mời về nhà. Khi tôi đến đấy, có nhiều người tới thăm. Họ nói, hôm nay bài giảng của Ngài đã làm một phép lạ. Và họ kể lại câu chuyện như trên. Về sau, tôi lại còn biết được sự việc xảy ra sau khi người đàn bà trở lại nhà chồng. Cô ta đã nói với mẹ chồng và chồng như sau. Mặc dù không ai xua đuổi, con đã tự ý bỏ về. Nhưng chính nhờ thế mà con đã đến Ozu, do con có duyên với Phật pháp. Trên đường con gặp đoàn người đi chùa nghe giảng, nên con đã đi theo họ. Khi nghe giảng, con thấy điều nào cũng phù hợp với con. Càng nghe Pháp con càng nhận ra lỗi lầm của mình, nên sau khi nghe pháp, thay vì về nhà cha mẹ ruột thì con đã đi thẳng về đây. Chính vì con làm quấy nên đã khiến mẹ chồng và chồng tức giận. Từ nay trở đi con xin vâng lời mẹ chồng và chồng trong mọi sự, và bây giờ xin mẹ và chồng cứ trừng Phật con thỏa thích, con sẽ không oán hận chút nào, vì con muốn xin cả hai người tha thứ cho con." Nghe nàng nói vậy, cả hai đều bảo, nếu nàng đã thấy lỗi mình thì họ đâu còn giận hờn gì nữa. Thế là họ vui vẻ đón nàng về lại trong gia đình, và từ đấy cô gái cư xử lễ độ với mẹ chồng, hòa thuận với chồng rất mực. Thỉnh thoảng cô kể lại cho mẹ chồng và chồng nghe bài giảng đã làm cô thay đổi, và từ đấy mỗi khi tôi đến trong vùng ấy, thì cả gia đình đều đến nghe tôi.
Những người có duyên với Phật pháp như thế, nhờ nghe một bài giảng mà giải thoát khỏi hận thù gây gỗ - mặc dù họ chỉ là những người bình dân ít học - quả thực là điều kỳ diệu phải không? Tôi kể chuyện này ra với hi vọng rằng quý vị khi nghe xong cũng sẽ tự tạo cho chính mình một cơ duyên thấm nhuần Phật Pháp như vậy. Chính vì Tâm Phật vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên ngay cả một phụ nữ không hiểu biết gì cũng có thể nhờ y cứ vào đấy mà nên. Tất cả quý vị cũng thế, từ đây trở đi, hãy luôn hô triệu đức tin của mình lên để an trú trong Tâm Phật.
Câu chuyện hôm nay đã dài, có lẽ quý vị cũng đã mệt mỏi, vậy chúng ta hãy dừng ngang đây. Xin mọi người thong thả ra về, và trở lại ngày mai.
Phật Magoemon
... Tôi xin kể cho quý vị nghe qua về diệu dụng của Tâm Phật. Ba mươi năm về trước có một người theo tôi làm đệ tử tại gia, một nhà buôn vượt hơn tất cả mọi người buôn khác về tài buôn bán, thường làm ra nhiều lợi tức, nên mọi người đặt cho anh ta biệt danh là "tên cướp Magoemon". Chẳng bao lâu anh ta giàu sụ, và từ đấy trở đi, thường đến nơi tôi. Tôi bảo: "Khi mọi người đã gọi anh như vậy, thì chắc phải có điều gì quấy. Nhất là khi một người thường đi chùa mà bị đặt một cái tên xấu xa, và làm đề tài cho sự xầm xì bàn tán, thì người ấy phải có lỗi."
Khi bị tôi sửa lưng như vậy, Magoemon chỉ nói: "Nếu con có đến nhà người ta mà trộm đồ đạc, hoặc bẻ khóa vào nhà kho của họ, thì đương nhiên con sẽ cảm thấy xấu hổ. Nhưng con không trộm cướp kiểu ấy. Và con cũng không phải là kẻ duy nhất ở đây kiếm lợi bằng cách bán buôn. Vả lại, những người nói xấu con phần nhiều cũng là nhà buôn nhưng lại không kiếm được lợi tức nhiều bằng con, nên họ nói xấu con với Thầy đấy thôi. Mà dĩ nhiên đi buôn là cốt để có lời... " Cứ thế anh ta tự bào chữa cho mình, và vẫn giữ thái độ như như bất động trước những gièm pha.
Về sau, không biết vì lý do gì, anh ta giao hết công việc cho người cháu trai, phân phát tất cả tiền của đã tích lũy cho mọi người trong gia đình, rồi đến xin tôi cạo tóc. Tôi nói: "Nếu là người nào khác đến xin thế phát thì tôi còn do dự, chứ với người lâu nay đã mang tiếng xấu như anh, thì tôi cạo ngay." Thế là tôi cho anh ta làm tu sĩ.
Từ đấy về sau, anh càng dốc lòng tin và trở thành một người sùng tín. Điều ấy chứng tỏ rằng cái ta gọi là Phật tâm vốn có một khả năng chiếu sáng linh hoạt kỳ diệu. Chưa đầy ba mươi ngày sau khi anh ta trở thành tu sĩ, mọi người đã quen gọi anh ta với tên mới là "Phật Magoemon". Sự tình là như thế, tôi muốn quý vị hiểu rõ điều này. Trên thế gian không có gì quý bằng Tâm Phật. Vì tất cả quý vị đều đang cố thực chứng Tâm Phật Bất sinh, nên cần phải hiểu cho thấu đáo mới được. Tôi không bảo quý vị phải tu theo pháp này pháp nọ, phải giữ giới, phải tụng kinh, phải xem Ngữ lục của chư tổ, phải tọa Thiền... Tâm Phật vốn đã sẵn nơi tất cả quý vị, không có cái chuyện tôi đem lại cho quý vị Tâm Phật ấy. Khi lắng nghe bài giảng này, hãy nhận ra Tâm Phật mà mỗi người đều có ngay trong chính mình, rồi từ nay về sau hãy an trú trong Tâm Phật Bất sinh ấy. Một khi quý vị đã xác chứng được Tâm Phật mà mọi người bẩm sinh đều có, thì quý vị muốn đọc kinh cứ việc đọc kinh, muốn ngồi Thiền cứ việc ngồi Thiền, muốn giữ giới cứ việc thọ giới, muốn niệm Phật cứ việc niệm Phật, muốn trì chú cứ việc trì chú, hay cứ việc làm phận sự hàng ngày của quý vị - dù quý vị là hiệp sĩ, nông dân, thợ thuyền, thương gia - công việc sẽ là pháp chánh định của mỗi người. Tôi chỉ nói một điều duy nhất là: hãy nhận ra Tâm Phật mà mỗi người quý vị bẩm thụ từ lúc cha mẹ mới sinh. Điều cốt yếu là nhận ra, và an trú trong tâm ấy với niềm tin tưởng...
Trẻ Em Ba Bốn Tuổi
Sư dạy chúng: Như quý vị đều đã nghe tôi nói, mọi người bẩm sinh đều có Tâm Phật, vậy quý vị chỉ cần làm mỗi một việc duy nhất là an trú trong cái tâm Bất sinh ấy. Thế nhưng, vì theo thói đời, quý vị đã vướng vào những tệ đoan và đã chuyển Tâm Phật thành ra quỷ đói luôn bám víu thèm khát. Hãy nhớ kỹ điều này, để luôn trú trong Tâm Phật Bất sinh. Nhưng nếu vì mong mỏi nhận cho ra cái Bất sinh mà quý vị rán ngăn chặn những ý tưởng giận dữ thèm khát không cho chúng khởi lên, thì khi làm như vậy quý vị đã phân chia một cái tâm duy nhất ra làm hai. Cũng như thể là quý vị đuổi theo một cái gì đang trốn chạy. Khi ta còn cố ý ngăn tư tưởng khởi lên, thì cái ý ấy chống lại với những ý khác đang khởi lên liên tục, thế là không bao giờ có sự chấm dứt. Việc ấy cũng như thể là dùng máu để rửa máu, không bao giờ sạch được. Cũng vậy, mặc dù những tư tưởng giận dữ mà bạn ngăn chặn ấy có thể chấm dứt, nhưng cái tư tưởng sau dùng để ngăn chặn tư tưởng trước cứ tiếp tục không bao giờ dừng nghỉ.
Bạn có thể hỏi, vậy tôi phải làm sao? Nếu bỗng dưng ý tưởng giận dữ, hay thèm khát, hay bám víu... khởi lên nơi bạn một cách bất trị, ngoài ý muốn, thì đừng khai triển nó thêm, đừng để ý đến nó. Đừng bận tâm ngăn chặn hay không ngăn chặn, chỉ cần thây kệ nó, thì nó không thể làm gì khác hơn là đi đến chấm dứt. Bạn không thể cãi với vách tường nếu bạn chỉ đứng một mình. Khi không có ai ở đấy để chiến đấu, thì mọi việc tự động đi đến chấm dứt.
Dù cho đủ mọi thứ tư tưởng tạp loạn thò mặt ra, thì cũng chỉ ló ra trong một chốc. Hệt như trẻ con ba bốn tuổi bận rộn trong trò chơi (trẻ mau chán. ND.). Nếu bạn không bám víu một tư tưởng nào đặc biệt, như vui hay buồn, không nghĩ tới chuyện chấm dứt hay không chấm dứt nó, thì thế chính là an trú trong Tâm Bất sinh. Hãy giữ cho cái tâm duy nhất vẫn là cái tâm duy nhất. Nếu tâm bạn luôn luôn như vậy, thì dù cho điều tốt điều xấu gì khởi lên cũng tự động chấm dứt mà không cần bạn phải cố nghĩ hay không nghĩ. Cái mà bạn gọi là cơn giận hay niềm vui toàn là do bạn sản xuất với mãnh lực của tính chấp ngã, hậu quả của dục vọng ích kỷ. Khi vượt ngoài mọi ý tưởng bám víu thì những tư tưởng kia sẽ tự động tan biến. Sự biến mất ấy chính là cái Bất diệt. Và cái bất diệt chính là Tâm Phật Bất sinh.
Tóm lại, điều chính yếu là luôn luôn nhớ đến Tâm Phật Bất sinh, không hâm nấu những tư tưởng này nọ trên cái nền Bất sinh ấy, nghĩa là bám lấy những gì bạn gặp phải và đổi cái Tâm Phật thành ra những ý tưởng. Khi bạn không bị lay chuyển, thì không tư tưởng nào còn khởi lên dù tốt hay xấu và do đó cũng không cần gì phải diệt. Như thế có phải là bạn không tạo tác cũng không hủy diệt hay chăng? Đấy không gì khác hơn là cái Tâm Phật Bất sinh bất diệt đó vậy. Hãy hiểu rõ điều này.
Nổi giận
Sáng hôm nay tôi thấy giảng đường chúng ta còn đông đúc hơn thường lệ, vậy có lẽ khá nhiều người trong đây chưa nghe những gì tôi vừa nói. Tất cả những người đã nghe thì ngang đây xin rời chỗ để nhường cho người chưa nghe.
Khi những người hiện diện đã đổi nhau và ngồi yên chỗ, có một người nêu lên vấn đề xin hỏi Sư như sau.
Trong những bài giảng của Ngài, Ngài luôn dạy rằng do tập tành những thói xấu ở đời mà chúng ta đổi Tâm Phật thành ra những ý tưởng xấu ác. Khi nghe Ngài, tôi cũng nhận thấy làm thế là bậy. Nhưng tôi là một thị dân làm nghề thương mãi, nên có khi những điều người ta nói làm cho tôi tức giận hay bực mình. Tự thâm tâm tôi không có ý xấu gì như giận dữ hay bực bội, nhưng người khác thường cứ khiến tôi nổi giận, như vợ con và tôi tớ. Sau khi nghe Ngài giảng, tôi nhận ra làm vậy là sai quấy, và cố gắng bỏ thói giận dữ ấy đi. Nhưng những ý nghĩ tức giận vẫn cứ nổi lên trở lại, và cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy. Vậy tôi phải làm sao để dứt sự giận dữ?
Sư trả lời: Sự thật là, bạn muốn nổi giận, nên bạn tự khiến cho mình điên tiết lên. Nếu ban đầu bạn không có một ý xấu nào, thì dù người khác có khiêu khích tới đâu, chắc chắn bạn cũng không nổi giận. Nhưng khi những cảm giác giận dữ bực bội đã thành hình trong tâm bạn, thì dù người khác không cố ý chọc giận, bạn vẫn bị lôi tuột đi bởi sức mạnh của chính ngã chấp nơi bạn, khiến bạn mất bình tĩnh và cả quyết mình không có gì sai quấy. Những ý tưởng của bạn tạo nghiệp ba ác đạo, trong khi cái tâm tu la ray rứt bạn. Đây là cỗ xe bằng lửa (Xe chở người đi xuống Địa ngục.ND) do cái tâm chấp ngã của bạn tự tác tự thọ.
Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh và A tu la không ngoài tâm bạn. Hơn nữa, nếu cố ý chấm dứt các ý tưởng khởi lên, đàn áp chúng, thì lại là thất sách. Cái Tâm Phật bẩm sinh chỉ có một, không bao giờ phân hai. Thế nhưng khi bạn cố ngăn cho tư tưởng đừng khởi, thì tâm bạn bị tách làm hai phe, một bên là ý tưởng giận dữ và một bên là cái ý muốn chấm dứt cơn giận. Việc ấy cũng như bạn đuổi theo một người đang bỏ chạy, chỉ khác là ở đây bạn vừa là người bị theo đuổi vừa là người đuổi theo. Lấy một vị dụ khác: khi bạn quét lá rụng mùa thu, lớp lá này quét xong lớp lá khác lại rụng xuống. Cũng thế, dù bạn ngăn được những ý giận ban đầu, nhưng cái ý sau đó để ngăn cản ý giận, lại khởi lên, cứ thế không bao giờ dứt. Bởi thế cái ý muốn chấm dứt tư tưởng là sai lầm. Sự tình là thế nên khi bạn không còn quan tâm đến những ý tưởng, đừng cố chấm dứt hay không chấm dứt, thì đấy là Tâm Phật Bất sinh. Đó là điều tôi đã nói vừa rồi một cách chi tiết.
Mù Lòa Và Cái Bất Sinh
Một người đàn bà mù nói với Sư: "Con nghe nói người nào thân thể bất túc không thành Phật được. Thầy cũng thấy con bị mù, cả đến hình tượng Phật con cũng chưa được lễ bái. Con nghĩ mình sinh làm người không ích lợi gì cả, có lẽ khi chết con sẽ rơi vào cõi xấu. Có cách gì cho người mù cũng tu thành Phật được, xin Ngài chỉ giáo cho con."
Sư đáp: Người ta có nói như thế thực, nhưng trong cái Bất sinh mà tôi nói, thì không có phân biệt giữa bất túc và không bất túc (tàn tật). Dù bà có bị mù, thì Tâm Phật vẫn không có gì khác, đừng hoài nghi. Chỉ cần loại trừ tham sân si, nhận chân những gì tôi đã nói, luôn an trú trong Tâm Phật Bất sinh, thì bà sẽ thành Phật ngay đời này.
Có một bà mù khác ở Aboshi cũng hỏi tôi như vậy, và khi tôi nói cho bà ta nghe những gì tôi nói với bà vừa rồi, bà ấy đã hiểu rõ một cách rốt ráo và từ đó về sau bà hoàn toàn thay đổi, đề cao cái Bất sinh, và cứ nói với tôi: "Nhờ Thầy giảng, bây giờ con đã hiểu vài phân về sự kiện quả thực con chưa từng sinh ra. Con cám ơn Thầy xiết bao. Nếu mắt con không mù, thì có lẽ bất cứ gì con trông thấy cũng khởi động những tư tưởng tham lam chấp đắm trong tâm con, khiến con quen thói bám víu ràng buộc, thì làm sao mà xuất hiện được niềm tin này? Điều lạ lùng, chính nhờ mù lòa mà con có thể thấy được những xấu tốt của cuộc đời, mà không sinh tâm bám víu, và khi nghe Ngài giảng con liền có thể đặt mình vào trong Bất sinh. Đấy hoàn toàn nhờ sự mù lòa của con vậy".
"Bà ta là một người có tín căn như thế. Vậy bà cũng nên hiểu rõ điều này, thì sự tu hành của bà có lẽ sẽ tiến bộ suông sẻ hơn một người sáng mắt".
Khi Sư giảng xong, người đàn bà mù này cũng sung sướng kêu lên: "Kỳ diệu thay, thật kỳ diệu thay."
Nghe nói rằng nhờ tin chắc vào lời dạy của Sư, bà hoàn toàn thực chứng cái Tâm Phật Bất sinh, và không còn nghi ngờ gì nữa rằng ngay cả một kẻ tật nguyền cũng thành Phật được.