Tác giả: Viên Minh
Mục Lục
LỜI NÓI ĐẦU
PHẦN I
Buổi Nói Chuyện Tại Huế
Sơ Lược Lịch Sử Phật Giáo
Kinh Điển Và Cái Thực
Từ Cái Thực Đến Kinh Điển
Pháp
Pháp Trong Thiền Tông
PHẦN II
Trước Khi Vào Kinh Bát Nhã
Sự Động Của 18 Giới
Tập Đế - Khổ Đế
PHẦN III
Ngũ Uẩn
Tiến Trình Tâm
Thập Nhị Nhân Duyên
PHẦN IV
Bát Nhã Tâm Kinh
LỜI NÓI ĐẦU
Cuối năm 1993 tôi ra Huế, ở lại chùa Huyền Không, ngôi chùa mà huynh đệ chúng tôi chuyển từ Lăng Cô về Hương Hồ vào cuối thập niên 70. Nhân có một số Phật tử thường xuyên đến hỏi Đạo, tôi nghĩ, để việc truyền đạt rộng rãi hơn tốt nhất là nên mở một khóa học ngắn.Ý tôi chỉ muốn đưa những điều mà Phật tử thường thắc mắc một cách cá nhân và tản mạn ra để mọi người có thể thảo luận với nhau rộng rãi hơn, như thế sẽ dễ thấy sự thật hơn.
Phật Giáo Việt Nam có hai hệ phái chính là Nam Tông và Bắc Tông riêng Bắc Tông cũng đã có nhiều môn phái như Thiền, Tịnh, Mật v.v. nên những vấn đề mà Phật tử thường thắc mắc là sự khác biệt giữa các tông môn. Tuy phần lớn Phật tử không quan tâm đến tông môn, hệ phái, chỉ cốt tìm học chân lý giác ngộ giải thoát mà Đức Phật đã từ mẫn chỉ bày, để lo tu tâm dưỡng tánh, tự giác giác tha. Nhưng cũng không ít người mắc bệnh tự tôn, xem trọng hệ phái biệt truyền của mình, chỉ cốt chất vấn, biện luận để so sánh hơn thua, cao thấp… nên chỉ được một mớ kiến thức ngoài da, khó mà đi sâu vào cốt lõi của Pháp Phật.
Thực ra, dầu hình thức và phương tiện của các tông môn có phần khác biệt, nhưng đó là chuyện ngoài da, còn cốt tử chung nhất của Giáo Pháp Đức Phật vẫn là một, không có gì sai khác. Nếu ai đó còn phân biệt cao thấp, hơn thua, kỳ thị tông môn hệ phái thì đơn giản chỉ vì người đó mới thấy bóng dáng bên ngoài của ngón tay (ngôn ngữ) mà chưa thấy mặt mày đích thực của vầng trăng (chân lý). Cho dù có nhiều ngón tay chỉ từ nhiều vị trí khác nhau thì mặt trăng cũng vẫn là một mà thôi.
Khóa học may mắn được kéo dài trong tám buổi, vừa đủ để trình bày và thảo luận những vấn đề cốt lõi nhất mà các hệ phái đều chấp nhận như yếu chỉ chung cho tất cả tông môn. Tôi cố gắng làm sáng những vấn đề này trong các buổi nói chuyện với mục đích nêu bật những điểm đồng này để thính chúng đều thấy Phật Pháp chỉ có một, như chính Đức Phật đã dạy: Nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn, Giáo Pháp của Như Lai cũng chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát.
Khi nói chuyện tôi thận trọng không cho thâu băng, sợ rằng trong khi mình nói không sao tránh được một vài sơ hở vô tình trên ngôn từ hay trong cách diễn đạt, mà người nghe trực tiếp có thể thông cảm, nhưng người ngoài bối cảnh đó rất dễ hiểu lầm. Nhưng một người sư đệ của tôi vì bận nhiều Phật sự, không có điều kiện đi nghe liên tục, nên đã nhờ một Phật tử lén thâu, rồi sau đó đã ghi ra thành sách để dễ xem hơn. Có một trở ngại lớn cho người ghi là băng thâu chỗ rõ chỗ không, chỗ được chỗ mất, lý do là khi nói chuyện tôi thường đi đi lại lại nhiều nơi khác nhau trong lớp, tiếp cận với người nghe để cho không khí tự nhiên và thân mật hơn, vì vậy người ghi đôi lúc phải vận dụng trí nhớ để bổ túc vào chỗ còn thiếu. Tôi được cho xem bản ghi nầy, thấy còn nhiều điểm cần phải hiệu đính nên đã nhờ đánh máy lại cho tiện việc sửa chữa, rồi thời gian cứ trôi qua mà vẫn chưa có dịp thuận lợi nào để bắt tay vào việc. Quả là chuyện đã qua khó mà làm lại.
Đầu năm 2002, Phật tử Việt kiều ở Pháp mang về biếu một cuốn sách in vi tính có nhan đề là Thực Tại Hiện Tiền. Đọc qua nội dung tôi nhận ra ngay đó là bản thảo ghi lại những bài giảng ở chùa Huyền Không năm 1993, nhưng tên sách là do nhóm Phật tử ở Pháp tự ý đặt. May là Phật tử ấy cho biết chỉ mới in vài chục bản để biếu cho bạn bè trong nhóm thiền của họ thôi. Tuy nhiên họ cũng đã có gởi một vài cuốn qua biếu thân nhân ở Mỹ nên nhóm thiền bên đó lại xin in để phổ biến rộng rãi hơn. Tôi có ý sửa lại cho tương đối hoàn chỉnh trước khi chính thức xuất bản, nhưng Phật tử không đợi lâu được, nên cuốn sách lại ra đời ở Mỹ, chưa được hiệu đính hoàn chỉnh lắm.
Năm 2005, tôi chính thức xin xuất bản ở Việt Nam, để tiện việc hiệu đính tôi căn cứ vào bản Thực Tại Hiện Tiền từ Thiền Viện Bát Nhã, Canada gởi tặng, ấn hành tại Mỹ cuối năm 2002, để làm tư liệu vì bản đánh máy gốc đã quá cũ không còn đọc rõ. Đề sách tôi vẫn giữ là Thực Tại Hiện Tiền với bốn buổi nói chuyện đầu của khoá học. Còn lại bốn buổi nói chuyện sau chúng tôi đang sửa bản thảo và sẽ xuất bản dưới nhan đề Sống Trong Thực Tại .
Tuy nhiên trong lần xuất bản năm 2005, mặc dù đã sửa chữa nội dung nhưng chúng tôi lại sơ ý không kiểm tra lỗi in và lỗi chính tả nên có quá nhiều sai sót, kính mong quí bạn dọc khoan dung. Nhân đó chúng tôi xin tái bản cuốn Thực Tại Hiện Tiền lần này để điều chỉnh những thiếu sót nói trên. Kính mong được sự góp ý của quí vị để lần tái bản sau được hoàn mỹ hơn.
Trân trọng,
Tổ Đình Bửu Long, Mùa Đông 2006
Tỳ Kheo Viên Minh